Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nạn Đói Năm 1945 Ở Việt Nam - Những Chứng Tích Lịch Sử

Bằng lời kể của những người chứng kiến nạn đói, kết hợp với tư liệu trước đó, sách "Nạn đói 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" tái hiện chân thực bức tranh nạn đói 1945.

Cho tới nay, nhắc tới nạn đói 1945, có lẽ người Việt Nam nào cũng biết hơn 2 triệu người đã chết đói trong thảm họa đó. Những tư liệu viết về nạn đói không quá khó tìm, còn lưu lại rải rác trong các tài liệu đã thành văn như sách, báo.

Tuy nhiên, nghiên cứu về sự kiện lịch sử này từ các nhân chứng lịch sử mang một ý nghĩa khác. Qua lời kể, trí nhớ của những người từng chứng kiến và đi qua nạn đói, sự việc được thể hiện mang tính khách quan, chân xác, đáng tin cậy.

Hai phiên bản cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử.
Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật đã thực hiện một nghiên cứu về nạn đói, trong đó một phần nghiên cứu dựa trên tiếp xúc nhân chứng. Công trình này được xuất bản thành sách Nạn đói 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử do GS Văn Tạo và GS Furuta Moto chủ biên.

Điều tra thực địa
Nhóm nghiên cứu đã điều tra thực địa theo phương pháp xã hội học lịch sử. Gọi là điều tra thực địa, bởi các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra ngay trên chính mảnh đất mà nạn đói xảy ra vào năm 1945.

Nạn đói diễn ra trên diện rộng, ở 32 tỉnh, 2 thành phố miền Bắc. Kinh phí, nhân lực có hạn, nên nhóm nghiên cứu đã tìm một số nơi làm điểm, từ đó khải quát ra cả diện.

Nơi được chọn làm “điểm” có thể là một thôn, một xã, một huyện… là nơi diễn ra nạn đói rõ nét, tiêu biểu cho nhiều thôn xã ở vùng được chọn. Nơi đó cũng phải còn nhiều người từng sống sót qua nạn đói 1945.

Các điểm điều tra cũng phải đảm bảo phải nằm ở cả đồng bằng, trung du, miền núi, có điểm là làng quê, có điểm ven đô thị; đa số các điểm làm nông nghiệp, nhưng cũng có điểm làm nghề thủ công, ngư nghiệp, buôn bán nhỏ…

GS Văn Tạo (trái) và GS Furuta Moto - hai đồng chủ biên cuốn sách.
Có 3 đợt điều tra tại 23 điểm đã được thực hiện. Đợt một tiến hành ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào mùa hè năm 1992.

Đợt 2 điều tra ở 7 điểm: Cổ Bi (Gia Lâm), Do Nhân Hạ (Mê Linh), Quần Mục (Đồ Sơn, Hải Phòng), Chi Lai (Kiến An, Hải Phòng), Đồng Côi (Nam Ninh, Nam Định), Tây Yên (Gia Khánh, Ninh Bình), Làng Trung (thành phố Vinh, Nghệ An).

Đợt 3 tiến hành ở 15 địa điểm từ Quảng Trị trở ra, gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Đông, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Thái Nguyên, Cao Bằng.

Tại mỗi điểm, các nhà nghiên cứu tìm gặp những người già đã sống sót qua nạn đói, hỏi chuyện, ghi âm, chụp hình lời kể của họ. Dựa trên những lời kể đó, cùng với các tư liệu trong sổ sách, nhóm nghiên cứu đã thống kê, phân tích chi tiết thông tin thu thập được.

Mỗi điểm nghiên cứu đều được khái quát tình hình chung của địa phương, đời sống của nhân dân trước khi xảy ra nạn đói. Phần thống kê coi trọng không chỉ số người bị chết bởi nạn đói mà còn chú trọng tới hoàn cảnh riêng của từng hộ. Có hộ khá giả cũng chết đói, có hộ nghèo nhưng nhận sự giúp đỡ, hoặc tham gia phá kho thóc Nhật mà được cứu đói…

Nhờ đó, thảm cảnh nạn đói được thể hiện chân xác, cụ thể tới từng thôn, xóm, từng hộ gia đình, từng nạn nhân chết đói. Ví dụ, tại điểm điều tra xã Tây Lượng, huyện Tiền Hải, Thái Bình, nhóm nghiên cứu biết được năm 1945 toàn xã có 4 thôn, 3 trại với 6.000 dân, số người chết đói là 2/3 xã.

Ở Thôn Lương Phú, có 280 hộ, trong đó số hộ chết hết là: 54, chiếm 19,28%, số người chết đói là 594 người (chiếm 43,07% dân số). Xóm Trại của thôn Thượng là nơi chết đói nhiều nhất trong xã, đã bị xóa sổ. Số hộ ở xóm là 34 hộ, 130 khẩu, thì có tới 103 khẩu chết đói, chỉ còn lại 27 người. Tỉ lệ chết đói ở đây là 79%. Trại này đã bị xóa sổ sau nạn đói 1945.

Tại xóm Bối Xuyên, có 51 hộ, thì 40 hộ có người chết đói, trong đó 18 hộ chết sạch cả gia đình. Chỉ có 10 hộ không bị chết. Hai dòng họ Tô và Lại gần như bị xóa sổ.

Ngõ xóm Giữa thôn Thượng có 9 gia đình, với 61 nhân khẩu, thì bị chết đói tới 59 người, chỉ còn 2 người thoát chết (tỷ lệ 96,7%).

Cái nhìn đa chiều

Những thống kê chi tiết tới từng xóm, từng hộ gia đình, từng người là nạn nhân của nạn đói được thể hiện trong sách.
Cuốn sách thể hiện khái quát tình hình chung ở điểm điều tra, đưa ra được số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình, danh sách các chủ hộ và thành viên trong gia đình, số người chết đói, số người sống sót, ghi chú những điểm cần thiết. Điểm giá trị của công trình này là những nhân chứng cung cấp tài liệu bằng câu chuyện họ kể

Không chỉ thống kê về số người bị nạn đói cướp đi sinh mạng, những thống kê chi tiết của sách còn cho thấy bức tranh đời sống một số địa phương Việt Nam những năm 1945.

Ở mỗi điểm điều tra xã hội học, nhóm lập bảng thống kê chi tiết theo từng hộ gia đình. Trong đó, cho thấy số nhân khẩu trong gia đình, quan hệ trong từng gia đình, nghề nghiệp của từng người…

Cuốn sách cũng đưa ra những nghiên cứu từ tư liệu thành văn trước đó, như tư liệu về cơ cấu tổ chức vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật, tư liệu diễn biến nạn đói, bao gồm thư tịch, tranh ảnh, bản đồ.

Ở phần cuối, sách đưa ra kết luận công trình nghiên cứu, nhằm nói lên sự tàn khốc của nạn đói năm 1945. Sách in kèm phụ lục là những bức ảnh mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp về nạn đói.

Cho tới nay, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử được coi là công trình dầy dặn nhất nghiên cứu về thảm kịch này. Cuốn sách giúp hậu thế có cái nhìn toàn cảnh đa chiều, sâu sắc và chân xác về nạn đói 1945.

***

Nạn đói năm 1945 làm khoảng 400 ngàn - 2 triệu người chết. Ngày nay, nhắc đến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu ấy người ta sẽ chỉ nhớ có thể, hoặc nếu hơn thì sẽ là những hình ảnh bi thảm trong những thước phim của bộ phim Sao Tháng Tám.

Nạn Đói Năm 1945 Ở Việt Nam (Những Chứng Tích Lịch Sử) là công trình nghiên cứu được công bố năm 1995 do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo chủ biên. Đến khi ấy, công chúng mới ngỡ ngàng và tìm về cái năm bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Chết vì đói là cái chết đáng sợ nhất của bất cứ sinh vật nào. Cái chết đến từ từ, không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi. Thế nhưng nạn đói năm 1945 còn gây nên những tấn thảm kịch mà không ai có thể tưởng tượng được. Những ngôi hàng trống rỗng, những con đường ngập xác người hôi thối, những hố chôn tập thể dày đặc. Cái đói tiêu diệt mọi giá trị, phá huỷ nhân cách, đập vỡ lương tri - những thảm kịch mà cái đói biến người ta thành quỷ dữ, những em bé bị chó hoang ăn thịt, cha con giết nhau vì một miếng ăn.

Tàn khốc, kinh hoàng là tất cả những gì có thể dùng để nhắc về thảm kịch năm ấy. Con số 2 triệu người cứ như thế xoáy sâu dần dần vào lịch sử và sẽ nhắc cho độc giả thấy, 1945 không chỉ là một năm của độc lập huy hoàng, đó còn là năm của tang thương mất mát.

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam được xem là nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi tính mạng của hơn hai triệu người vô tội và để lại biết bao hậu quả tang thương cho nhiều thế hệ. Nhưng chìm lấp giữa vô số biến động của thời đại, tiếng kêu phẫn uất thấu tận trời xanh của nạn nhân năm Ất Dậu đôi lúc tưởng chừng rơi vào quên lãng. Mãi tới năm 1995, sự ra đời của công trình nghiên cứu vĩ đại Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo chủ biên mới giúp hậu thế có được cái nhìn toàn cảnh đa chiều sâu sắc và chân xác về sự kiện đau xót này. Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Hơn mười lăm năm kể từ ngày công bố, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử vẫn còn nguyên giá trị.

Mời các bạn đón đọc Nạn Đói Năm 1945 Ở Việt Nam - Những Chứng Tích Lịch Sử của tác giả Văn Tạo & Furuta Motoo.