Kaizen Teian - Thiết Lập Và Triển Khai Thực Hiện Hệ Thống Hướng Dẫn Cải Tiến Liên Tục Thông Qua Thực Hiện Đề Xuất Của Người Lao Động
A QUIZ
Tổng số ý tưởng cải tiến của toàn thể nhân viên Toyota trong 40 năm là:
A) 5 triệu ý tưởng
B) 7 triệu ý tưởng
C) 10 triệu ý tưởng?
D) Con số khác
Đáp án của Chương trình là: D) 20 triệu ý tưởng. Hàng năm, mỗi nhân viên của Toyota đóng góp từ 60-70 ý tưởng cải tiến. Và tỷ lệ các ý tưởng được thực hiện là 90%.
***
Hiệp hội Quan hệ Con người Nhật Bản (JHRA) luôn khuyến khích các hoạt động thúc đẩy "Đề xuất cải tiến liên tục" (Kaizen Teian). Chúng tôi mong muốn xóa bỏ lối suy nghĩ tập trung vào cách thức làm việc "của công ty khác", hoặc đề cao kỹ thuật hơn mục đích. Kỹ năng đơn thuần không đủ để nuôi dưỡng một quá trình "nảy mầm bén rễ". Quá nhiều những tình huống không lường trước có thể xảy ra, mỗi tình huống lại đòi hỏi cách giải quyết khác nhau. Chỉ bằng cách hiểu được mục đích của quá trình - trả lời câu hỏi tại sao - thì bạn mới có thể phát triển được các kỹ thuật phù hợp.
***
Mặc dù hệ thống Kaizen Teian đôi khi được miêu tả bằng tiếng Nhật, nhưng lợi ích mà nó mang lại không vì thế mà chỉ giới hạn ở những công ty của Nhật Bản. Hãng sản xuất Nippondenso của Mỹ ở Battle Creek, Michigan là một trong những công ty ở Mỹ hiện đang áp dụng hệ thống Đề xuất cải tiến liên tục có sự tham gia của người lao động và đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Linda Topolsky Chuyên gia cao cấp về Phát triển nhân lực Nippondenso Manufacturing U.S.A., Inc.
"Bí quyết thành công của hệ thống phát triển sản phẩm của Toyota ư?" Chúng tôi có một kỹ thuật rất tinh xảo trong việc phát triển những mẫu xe mới, được gọi là "5 lần tại sao". Chúng tôi, toàn thể nhân viên của Công ty, luôn đặt câu hỏi "Tại sao?" đến 5 lần để tìm ra những nguyên nhân gốc rễ và liên tục đưa ra các ý tưởng cải tiến (Kaizen).
Yuichi Okamota Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TOYOTA
***
Tôi thành lập Công ty Cổ phần Quốc Tế Minh Quân thấm thoát đã được 5 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy thành tựu chưa có gì gọi là to lớn nhưng cũng đáng để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Những kinh nghiệm đã trải qua, những cơ hội và thử thách trên chặng đường kinh doanh đã làm tôi trưởng thành hơn nhiều so với 10 năm trước. Bước tiếp trên con đường sự nghiệp của bản thân với sứ mệnh đưa Công ty trở thành tổ chức tư vấn hàng đầu ở Đông Nam Á, tôi luôn tâm niệm trong đầu một phương châm để tồn tại và phát triển “Sáng tạo và Cải tiến là Chìa khóa Thành công”. Muốn kinh doanh, ta phải có ý tưởng sáng tạo và độc đáo. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện ban đầu, để thành công, năng lực tổ chức thực hiện và phát triển ý tưởng có chiều sâu mang tính quyết định. Sau cùng, khả năng cải tiến liên tục để thỏa mãn khách hàng mới thật sự đem lại lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.
Thực tế đã chứng minh người Việt Nam có tiềm năng sáng tạo dồi dào, nhanh trí, khéo léo và tháo vát trong công việc, được nhiều bạn bè quốc tế công nhận. Ở tầm thế giới, không ít những chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam. Với dân số năm 2007 hơn 85 triệu người, tỷ lệ nhóm tuổi dưới 35 là 60,28%, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho Việt Nam với một lực lượng lao động trẻ, nhanh nhẹn trong công việc và ham học hỏi, nắm bắt nhanh cái mới khi được hướng dẫn, huấn luyện và làm việc trong môi trường phù hợp với khả năng.
Cách đây khoảng hai năm, khi bắt đầu triển khai Kaizen Teian (còn gọi là Hệ thống Cải tiến Liên tục thông qua Đề xuất của Người lao động) tại Công ty Cổ phần Quốc Tế Minh Quân, đồng thời tư vấn cho 5 khách hàng khác nhau trong các ngành may mặc, in ấn bao bì, nhựa, hóa chất và vật liệu xây dựng, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong công việc, vì dù sao đây cũng là những dự án có thể nói là lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Để phát triển trong công việc, bắt buộc tôi và anh chuyên gia phụ trách tư vấn Kaizen Teian của Công ty phải lên mạng tìm kiếm thêm các tài liệu hỗ trợ cho công tác tư vấn và giảng dạy. Trong số các tài liệu chúng tôi tìm được có bộ sách Kaizen Teian gồm 2 cuốn do Hiệp hội Quan hệ Con người Nhật Bản biên soạn, xuất bản và được Nhà xuất bản Năng suất (Productivity Press, Hoa Kỳ) dịch ra Tiếng Anh và phát hành trên toàn thế giới. Với cách diễn giải chi tiết và mạch lạc, kèm theo các ví dụ cụ thể có minh họa bằng hình ảnh, cuốn sách đã giúp chúng tôi rất nhiều trong suốt hai năm qua. Càng nghiên cứu và áp dụng những kiến thức trong cuốn sách vào thực tế, tôi càng khám phá ra sự kỳ diệu và bí mật đằng sau những thành công của Nhật Bản, một quốc gia cũng ở châu Á, bị ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, kèm theo nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, nghèo nàn, lại bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến thứ hai. Nguồn lực duy nhất dồi dào ở Nhật Bản là con người, và vào thời điểm giữa thế kỷ trước thì nền giáo dục ở Nhật Bản vẫn chưa hoàn thiện như bây giờ. Vậy điều gì đã xảy ra trong các nhà máy của Nhật Bản ở những thập niên từ 1950 đến 1980, khi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trước hết, các nhà Lãnh đạo của các Doanh nghiệp Nhật Bản đã hết lòng tin tưởng vào nguồn nhân lực và trí tuệ của người Nhật, tập trung giáo dục, đào tạo và huấn luyện người lao động trong Công ty, họ luôn luôn cho rằng, trước khi sản xuất ra sản phẩm, phải “sản xuất” được con người. Tuy nhiên, việc hướng dẫn ban đầu cho dù có kỹ lưỡng đến đâu cũng chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Tiếp theo thì phải làm như thế nào? Chính Kaizen Teian đã giúp làm nên Hệ thống đào-tạo-tại-nơi-làm-việc (on-the-job-training) ít tốn kém mà hiệu quả. Những người lao động sau khi được hướng dẫn ban đầu, thông qua việc suy nghĩ, tìm tòi, thực hành cải tiến liên tục sẽ trở thành những “tên lửa” thông minh tự hướng đến mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả và cống hiến cho khách hàng những sản phẩm “Made in Japan” ngày càng rẻ và tốt hơn trước.
Việt Nam trong thời gian qua cũng đã từng bước có được uy tín đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thì còn một khoảng cách khá xa với các nước phát triển. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu nào nổi tiếng thế giới như Toyota, Panasonic của Nhật Bản hay Samsung, Hyundai của Hàn Quốc; Lenovo, Haier của Trung Quốc. Trong khi đó, do chúng ta đi sau nên có thể kế thừa và phát huy rất nhiều thành tựu và kiến thức của những người đi trước để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước khác, trước mắt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, Mạng Thông tin Tư vấn Đào tạo NANGSUATCHATLUONG.VN, Công ty Cổ phần Quốc Tế Minh Quân xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Kaizen Teian, Tập 1, “Thiết lập Hệ thống Cải tiến Liên tục thông qua Thực hiện Đề xuất của Người Lao động” và Tập 2, “Hướng dẫn Triển khai Hệ thống Cải tiến Liên tục thông qua Thực hiện Đề xuất của Người Lao động” đến quý độc giả. Trong năm 2009-2010, Tủ sách Năng suất chất lượng do AlphaBooks và Công ty cổ phần Quốc Tế Minh Quân hợp tác xuất bản sẽ tiếp tục giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng thế giới về quản lý chất lượng như Out Of the Crisis (Thoát khỏi Khủng hoảng) của W.E. Deming và các cuốn sách về Toyota của NXB McGrawHill gồm The Toyota Way FieldBook (Sách Hướng dẫn thực hành Phương thức Toyota), Toyota Culture (Văn hóa Toyota) và Toyota Talent (Tài năng Toyota) với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
NGUYỄN QUỐC MINH
Chuyên gia Năng suất chất lượng,
Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Tế Minh Quân
và Mạng Thông tin Tư vấn Đào tạo
NANGSUATCHATLUONG.VN
Mời các bạn đón đọc Kaizen Teian - Hướng Dẫn Triển Khai Hệ Thống Đề Xuất Cải Tiến Liên Tục Thông Qua Thực Hiện Đề Xuất Của Người Lao Động của tác giả Japan Human Relations Association.