Trả hoa hồng cho đất của Nguyễn Thị Diệp Mai là 1 trong 2 tác phẩm đoạt giải B (không có giải A) cùng với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần tại cuộc thi "Sáng tác văn học cho tuổi trẻ" lần 2 của Nhà xuất bản Thanh Niên (2002 -2004).
Trả hoa hồng cho đất của Nguyễn Thị Diệp Mai đầy ắp kỷ niệm, chứa chan tình người. Đấy là câu chuyện tình cảm của những thanh niên trẻ quê ở Kiên Giang nhưng đã sống quãng đời đẹp nhất ở đất Hà thành với nhiều mâu thuẫn, xung đột đan cài ngẫu nhiên, bất ngờ. Có lẽ vì vậy mà tiểu thuyết còn nặng trĩu sự khắc khoải, nhớ thương.
Sóng gió của tuổi trẻ trôi qua như một giấc mơ, trong đó có những cơn ác mộng đã đẩy con người xuống tận địa ngục. Và người phải chịu đựng nhiều nhất là Vy – một cô gái có “nét là lạ ưa nhìn”, sống cá tính và luôn hết lòng vì người khác. Không phải ngẫu nhiên mà Vy thường viết câu thơ “Nếu không còn yêu anh. Hoa hồng kia xin trả về cho đất.”…
Mộc mạc và tinh tế, Nguyễn Thị Diệp Mai đã thể hiện thành công khát vọng và những ngộ nhận trong tình cảm, tình yêu của những người trẻ tuổi. Mỗi nhân vật là một thế giới cực kỳ phức tạp, sống hết mình, yêu hết mình, tình yêu đích thực luôn ở bên mà hạnh phúc vẫn đến muộn. Câu chuyện không dài nhưng gợi cảm giác man mác, buồn vui như trải ra vô tận bởi nhiều người dễ tìm thấy một phần mình trong đó…
***
Rạch Giá,
Mùng một Tết
Vy đang sửa lại bình hoa trên bàn, chuẩn bị bánh kẹo để đón những người bạn đầu tiên đến nhà ngày đầu năm mới. Vy vừa thò tay định mở hộp bóc kẹo ăn thì nghe tiếng cô em út la lên:
- Chị Hai không được ăn, phải để khách mở trước!
- Cái gì mà ghê vậy? – Vy nhăn mặt. – Thì hồi nãy chị bóc kẹo bỏ ra hộp chứ ai.
- Không được ăn là không được ăn. Chị mà ăn thì cả năm sẽ không có ai đến thăm nhà mình đâu. – Con bé lắc đầu cương quyết. – Xui lắm!
Vy phì cười:
- Không đến thì đỡ tốn chứ gì mà xui?
- Tại chị không biết thôi. Chị đi biền biệt, mỗi ngày cha mẹ đi làm tới tối mới về. Chỉ có em và chị Mỹ thay phiên nhau vừa đi học vừa giữ nhà.. Ở nhà một mình buồn thấy mồ, lâu lâu có khách đến chơi cũng vui.
Nghe My nói, Vy thấy thương em quá. Ở nhà, hai đứa nhỏ đã gánh giùm cô bao công việc gia đình để cô có thể yên tâm xa nhà suốt bốn năm học đại học. Bây giờ mới học được một năm rưỡi mà cô đã thấy hai đứa em mình đã trưởng thành hẳn. Gia đình công chức, cha mẹ đi làm ngày tám tiếng, tối còn phải làm them. Hai đứa em của Vy chịu thương chịu khó chăm lo vườn tược, heo gà giúp cha mẹ. Vy không biết làm sao để đỡ gánh nặng cho hai em. Một năm cô đã mất hết mười tháng ở Hà Nội, thời gian được ở nhà quá ít ỏi. Về nhà Vy chỉ còn biết cố làm tất cả những gì có thể để cha mẹ và hai em cảm thấy vui. Vy cười khì bỏ viên kẹo trở vào hộp:
- Không cho ăn thì thôi! Trời đất, ai tô son cho My vậy? Son trèo hết ra ngoài vành môi rồi kìa. Thôi vô buồng bôi sạch đi chị ô lại cho!
Cô bé chạy tuốt vô buồng, vừa soi gương vừa cãi nhau chí chóe với chị Mỹ của nó. Vy phẩy tay kêu trời. Mùng Một Tết mà đã cãi nhau rồi, thật là không ra thể thống gì nữa! Cô đành đứng dậy đi vàô buồng dàn xếp cuộc đấu khẩu. Vy lấy khăn giấy lau hết son trên môi bé My rồi chọn màu son nhạt tô lại. Mỹ cũng chụm vào xem. Vy vừa trang điểm xong cho em thì nghe có tiếng xe máy dừng trước cổng. Cô bảo hai em tự đi thay quần áo rồi ra mở cổng.
Vy gật đầu chào người thanh niên dắt xe đi sau Uyên. Anh ta mỉm cười, gật đầu chào lại. Uyên nheo mắt nhìn hai người:
- Ủa có quen không mà nhìn nhau cười tươi vậy?
- Người chở chị đến thì chắc là bạn của chị rồi. Trước không quen thì sau cũng phải quen thôi.
Uyên cười khì chỉ tay vào người thanh niên, giới thiệu:
- Anh Huy. Còn đây là Vy mà em thường kể đó.
- Anh Huy! – Vy tròn xoe mắt nhìn người khách lạ.
Uyên nắm tay Vy kéo tuốt lên sa-lông, bỏ mặc người khách lạ tìm chỗ dựng xe.
Uyên với tay lấy hộp bánh lên ngắm nghía rồi mở nắp hộp bốc một cái bánh bột đầu, đưa lên miệng.
Vy ngồi quan sát người thanh niên. Anh có một kiểu cười khóe môi hơi nhếch lên nửa thân thiện, nửa lạnh lung ngạo mạn. Nụ cười đó đặt trên một gương mặt sạm nắng. Cằm hơi dài với đôi lông mày rậm nhíu ở đầu, đuôi mắt ẩn dưới đôi mày ấy. Khổ người to cao với mái tóc dợn sóng - dân của miền biển. Chiếc áo sơ-mi màu nâu nhạt với những đường sọc đên nhã nhặn, đi kèm với chiếc quần may đúng mốt. Huy có vẻ hơi trầm lặng và kín đáo.
Bé My từ phòng trong ào ra mừng Uyên, tíu tít cười nói quên cả chào khách. Vy bảo em:
- Đi vô trong làm mấy ly nước ngọt đãi khách đi! - Đợi em đi khuất, Vy phân bua. - Bé My xem chị Uyên như người nhà nên hay đùa giỡn lắm, anh Huy đừng phiền.
- Đâu có gì mà phiiền, - Huy mỉm cười, - cô bé dễ thương lắm!
- Còn em thì sao? – Uyên vừa nhai bánh vừa hỏi – Hai mươi mốt tuổi rồi em dự định gì đây Vy?
- Xì, - Vy trề môi nguýt dài. – Hơn người ta chưa tới bốn tuổi mà ra vẻ quá vậy? Chị lo cho chị đi. Ăn nhiều tròn trùng trục coi chừng anh Huy chê bỏ đó.
- Huy không bỏ chị đâu – Uyên đưa cho Huy một miếng mứt bí trắng muốt – Anh đâu bao giờ bỏ Uyên phải không anh?
Mời các bạn đón đọc Trả Hoa Hồng Cho Đất của tác giả Nguyễn Thị Diệp Mai.