Văn án:
"Giữ đứa bé!"
Đây là câu nói cuối cùng mà Diêu Tam Tam nghe được ở kiếp trước. Trong lúc khó sinh, gia đình nhà chồng không do dự lựa chọn đứa bé. Diêu Tam Tam đau thương rơi vào bóng tối vô biên.
Mở mắt tỉnh lại, không ngờ cô đã được trùng sinh trở về năm mười hai tuổi ấy, vẫn người cha cặn bã người mẹ nhu nhược, vẫn ngôi nhà chỉ có bốn bức tường, vẫn trọng nam khinh nữ, cô vẫn giống như không khí, là đứa con gái thứ ba bị xem nhẹ, bị hy sinh của một gia đình nhà nông…
Không có bàn tay vàng, không có hệ thống tùy thân, không có không gian vạn năng. Được rồi! Đây chính là chuyện xưa về một cô gái được sống lại lần nữa, tự mình phấn đấu thay đổi số mạng, dĩ nhiên, một tình yêu mỹ mãn cũng là điều cần thiết. (*)
"Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau" (**)
Từ khi câu hát này của Đen Vâu trở thành trend, người người nhà nhà lúc nào cũng hò nhau về quê nuôi cá trồng rau. Để góp thêm chút động lực cho các bạn đi làm bạn với đồng lúa, tớ xin phép được giới thiệu câu chuyện hôm nay của chúng ta, với những nhân vật chính làm giàu từ đất - "Tam cô nương nhà nông".
Câu chuyện của chúng ta được gắn tag "điền văn", chính là viết về làm ruộng trồng rau nuôi cá đấy ạ. Chắc chắn có nhiều bạn sẽ nghĩ làm ruộng thì có gì hay ho mà đọc. Nhưng thể loại này lại có cách hút khách rất riêng đấy ạ, quá trình làm giàu của nhân vật chính đi từ trắng tay đến giàu có, những mối quan hệ trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng và bạn bè. Quan trọng nhất là có những thứ trong "điền văn" rất thực tế, khiến chúng ta cũng phải giật mình bởi nó giống mình đáng ngạc nhiên đấy.
Nữ chính của chúng ta có cái tên hết sức con giáp thứ mười ba - Diêu Tiểu Tam. Sau này thầy giáo trường làng đã ý nhị đổi lại tên cho cô bé thành Diêu Tam Tam.
Diêu Tam Tam là con thứ ba trong một gia đình có bốn chị em gái. Cha mẹ cô mang nặng tư tưởng phong kiến cũ, trọng nam khinh nữ, nhưng dù đã tìm hết cách mà đứa nào sinh ra cũng đều là con gái. Những năm 80 ở Trung Quốc có chính sách gia đình một con, vì sinh quá nhiều nên cha mẹ Diêu Tam Tam luôn phải trốn chui lủi.
Ba chị em gái không được ai quan tâm, bỏ học giữa chừng, dựa vào nhau mà sống lay lắt thành người. Sau này Diêu Tam Tam lấy chồng xa, nhưng cuối cùng vẫn đi theo vết xe đổ của cha mẹ - không sinh được con trai.
Cô bị nhà chồng o ép, cứ cố đẻ, cố đẻ mãi mà chỉ toàn sinh con gái. Đến lượt cái thai cuối cùng là con trai thì cô lại khó sinh. Trong giờ phút sinh tử nằm trên bàn mổ, Diêu Tam Tam chỉ loáng thoáng nghe được gia đình chồng muốn giữ con bỏ mẹ.
Đau đớn tột cùng, Diêu Tam Tam ngất đi, để rồi khi tỉnh lại cô bỗng phát hiện mình trở lại năm mười hai tuổi. Diêu Tam Tam cả kiếp trước đã cam chịu số phận, nhưng giờ đây cô nhận ra nếu vẫn đi theo con đường cũ thì cái chờ đợi mình chỉ là một cuộc đời bất hạnh. Con gái thì sao chứ, ai nói con gái không giúp được cha mẹ, ai nói con gái là kém cỏi?
Diêu Tam Tam muốn gây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho cả gia đình, nhất là hai chị gái. Vì vậy điều đầu tiên cô cần làm là thay đổi suy nghĩ của mọi người: sinh con trai không phải là tất cả. (Bài viết được post full và sớm nhất tại Lust Aveland)
Nói thì dễ mà làm mới khó. Thời kì mấy chục năm về trước đời sống còn nghèo khó, những người nông dân chân chất nhưng cũng rất bảo thủ. Thế nên Diêu Tam Tam đã nghĩ đến một điều kiện tiên quyết để cha mẹ không nghĩ đến chuyện sinh con trai nữa - đó là gia đình mình phải trở nên thật giàu. Khi có tiền rồi thì đầu óc sẽ thoải mái mà suy nghĩ rộng ra.
Từ đó, nữ chính Diêu Tam Tam bắt đầu bước lên con đường làm giàu không lối thoát. Đầu tiên chỉ là theo chân đám trẻ con bắt ve sầu bán cho gánh hàng rong. Sau đó là tìm cách bán thẳng cho đầu mối mà không thông qua trung gian. Nữ chính của chúng ta cứ càng làm càng lớn, có vốn rồi lại tiếp tục đào ao nuôi cá, nhân giống cá bột…
Trong quá trình đó thì tất nhiên phải có sự xuất hiện của nam chính rồi. Thường thì trong truyện điền văn nam chính đóng vai trò rất mờ nhạt hoặc gần cuối mới xuất hiện. Nhưng câu chuyện này của chúng ta lại có nam chính xuất hiện từ những chương đầu tiên.
Trái ngược với gia đình Diêu Tam Tam, nhà nam chính Bào Kim Đông có tận ba đứa con trai. Người thèm chẳng có, người có thì lại chẳng thèm. Ba con trai đồng nghĩa với ba miệng ăn, ba mảnh đất, ba phần sính lễ, ba ngôi nhà cho các con cưới vợ. Đủ thứ tiền dồn lên khiến gia đình họ Bào chỉ muốn san bớt con trai đi cho rồi. Vì vậy từ nhỏ Bào Kim Đông đã phải tự lập, tìm cách kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.
Hai cái đầu tham tiền Bào Kim Đông và Diêu Tam Tam gặp nhau như cá gặp nước. Hai anh em cùng bắt tay kinh doanh từ những con ốc nhỏ cho tới đổ vốn lớn mua ao thả cá, càng chơi lại càng thấy hợp nhau. Bọn họ dính lấy nhau đến mức không còn chỗ nào cho nam phụ chen vào nữa.
Sau này câu chuyện khi hai người bắt đầu yêu đương cũng rất buồn cười. Mẹ Bào lẫn mẹ Diêu đều đã cho rằng hai đứa là một đôi. Làng trên xóm dưới cũng đều biết chuyện. Chỉ có người trong cuộc là cứ bình chân như vại, kè kè bên nhau suốt ngày mà chẳng nhắc gì đến chuyện cưới xin khiến cả làng lo sốt vó.
Càng đọc nhiều chúng ta sẽ càng thấy sự mặt dày vô sỉ ngầm của nam chính Bào Kim Đông. Nhưng cũng chính người đàn ông sĩ diện cao ấy lại bỏ qua cái tôi của mình, chấp nhận làm hậu phương cho nữ chính. Tình yêu của hai người giống như nước chảy, chầm chậm mà thấm lâu, ở bên cạnh nhau thành thói quen. Tình yêu ấy tuy không nhiều cao trào nhưng đảm bảo sẽ có những phân đoạn "rung động tâm can" khiến bạn phải ngạc nhiên trước mĩ vị của cẩu lương thời cận đại đấy ạ.
"Tam cô nương nhà nông" không chỉ kể về quá trình làm giàu, đó còn là câu chuyện về cách đối xử giữa anh chị em trong gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Biết bao nhiêu gia đình cũng đã rơi vào cảnh trọng nam khinh nữ, vì không sinh được con trai mà cha mẹ lục đục, con cái nheo nhóc. Và có bao nhiêu gia đình trong số đó có thể vươn lên thoát nghèo, để con gái không còn là "cái nhục" nữa?
Đọc truyện, chúng ta sẽ thấy cảm thông cho số phận của các chị em gái nhà Diêu Tam Tam, đứa em út từ nhỏ đã bị cha mẹ hắt hủi sang nhà ngoại, mới bốn tuổi mà đã tự trốn về vì quá nhớ người nhà. Chị cả Tiểu Đông lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác, vừa là cha vừa là mẹ chăm sóc cho các em. Chị hai Tiểu Cải thông minh mà không được đi học, bị nhà chồng sắp cưới cười chê là "mù chữ". Mỗi người một vẻ, một số phận, nhưng họ luôn nhớ một điều - đó là đùm bọc nhau. Vì vậy người hiền gặp lành, cuối cùng bọn họ cũng có được cái kết hạnh phúc cho riêng mình.
Đừng ngại thể loại "điền văn" mà bỏ lỡ một câu chuyện hay như "Tam cô nương nhà nông", hãy đọc truyện để biết rằng trồng rau nuôi cá cũng không đơn giản như bài hát đâu ạ. :v
_____
(*) Trích từ bản edit
(**) Trích bài hát "Bài này chill phết" - Đen Vâu ft. Min
Review by #Huyên Tần - fb/ReviewNgonTinh0105
***
Mang thai lần đầu sinh ra một bé gái, thì đặt tên là gì?
Con gái thì chúng ta cũng thương thôi, kêu Tiểu Đông đi.
Thai thứ hai là một bé gái, đặt tên gì đây?
Trời đất, tại sao lại là con gái nữa vậy? Từ giờ phải thay đổi không được sinh con gái nữa. Kêu Tiểu Cải đi.
Thai thứ ba lại là một bé gái, gọi là gì đây?
Sinh một lượt ba đứa con gái, còn ai thèm đặt tên cho cô! Người nhà thuận miệng kêu cô là “Tiểu Tam”, chữ “Tam” kia còn uốn lưỡi một chút, thành —— Tiểu Tam Nhi.
Dân quê đầu thập niên tám mươi, không ai cảm thấy cái tên này có vấn đề gì. Đến lúc ghi danh lên Tiểu học, thầy giáo nhìn vào tên tuổi Diêu Tiểu Tam mà nhíu mày, tiện tay đổi luôn thành “Diêu Tam Tam”. Nghĩ lại chắc thầy giáo đã từng đọc qua văn chương của Thẩm Tòng Văn.
(*)Đông: yêu, thương; Cải: Thay đổi; Tiểu tam: Kẻ thứ ba (nữ) trong một mối quan hệ tình cảm.
Diêu Tam Tam lúc này đang nằm trên giường gỗ, hai tay nắm chặt khung gỗ bên giường, cố gắng chịu đựng từng cơn đau đớn như xé rách thân thể. Đây đã là cái thai thứ ba của cô, sao vẫn không thuận lợi như vậy!
Diêu Tam Tam bị người nhà làm chủ gả đến nhà họ Tống, người nhà mấy lần khuyên nhủ ép buộc, cô cũng đã đồng ý, bởi con trai nhà họ Tống là người thích hợp, cho lễ hỏi cũng nhiều, lễ hỏi này cũng đủ để nhà họ Diêu xây nhà.
Nhưng Diêu Tam Tam cũng giống mẹ cô, số mạng không tốt, hai thai đầu đều là con gái, cái thai này, nhà chồng đã sớm nhờ quan hệ để làm siêu âm, xác định là một đứa con trai. Nói theo ý chồng và cha mẹ chồng của cô, nếu vẫn là con gái, thì không cần ra đời nữa!
Bởi vì sinh nhiều, Diêu Tam Tam lo lắng hãi hùng, trốn trốn tránh tránh chịu đựng qua mười tháng mang thai, đến lúc sắp sinh rồi, cũng không dám đi bệnh viện, bởi vì đã kiểm tra là con trai, người chồng vẫn tương đối coi trọng, đã âm thầm tìm một bà mụ ở trạm xá, lặng lẽ sinh ở nhà.
(*)Thời này đã có kế hoạch hóa gia đình, Tam Tam đã mang cái thai thứ ba, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt nên phải trốn.
"Không được rồi…, bào thai của cô đây nằm không đúng vị trí, lúc khám thai không phát hiện sao?"
“Ôi dào, chị nó ơi, cô xem cả ngày trốn kế hoạch, làm sao dám đi khám thai! Tôi là nông dân, đâu có thể tốn tiền tốn bạc đi làm mấy cái chuyện khám thai đó."
"Đứa bé không hướng xuống, bị kẹt lại, mấy người xem nè, tiếp tục chảy nhiều máu như vậy thì cả người lớn lẫn đứa bé đều khó sống đó!”
"Vậy. . . . . . Vậy phải làm sao? Nếu không, đưa đi bệnh viện xã đi!"
"Cái bộ dạng này, có đưa đi thì bệnh viện xã cũng không dám nhận, này phải đi bệnh viện Huyện, nhưng cũng không kịp đâu, chỉ sợ mới đi nửa đường đã không qua được, tôi thấy . . . . . Chỉ có thể lo giữ lấy một người."
Mời các bạn đón đọc Tam Cô Nương Nhà Nông của tác giả Ma Lạt Hương Chanh.