Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trường Học Đờn Bà

Trong tác phẩm này, Andre' Gide ý muốn chẫm rãi kẻ cà tỉ mỉ nói về tâm hồn, tâm lý những kẻ cao nhã u trầm đằm thắm yêu nhau? mà sử dụng ngôn ngữ loài người vô tận tục tĩu chúng sinh bằng mật ngữ u u u nhiên trường kỳ kham nhẫn - Người dịch tạm ghi.

"…Tôi rất muốn được đứng một mình ở trong phòng; những cặp mắt của những khách tới viếng khiến tôi khó chịu; tưởng chừng như, cứ mỗi phen tôi ngắm bức tranh, thì thiên hạ dòm ngó tôi quan sát. Tuy nhiên, mặc dù đau khổ và khó chịu, tôi vẫn cứ bị thu hút bởi cái đẹp phi thường của cái " cô nương dã dượi" kia khiến lòng tôi cảm thấy được tràn ngập chứa chan một mối mê man tê mê gần như mê loạn, một mối kỳ vỹ mê ly dịu dàng dập dìu khôn tả; từ trước tới lúc bấy giờ, có bao giờ tôi cảm thụ một nỗi niềm như thế đâu.

Một kẻ nào đó đã tiến gần đến tôi, lặng lẽ êm ru, và bất thình lình tôi cảm thấy hai bàn tay mát rượi úp vào hai mắt tôi. Tôi quay lại. Chính là Gisèle.

- Gặp lại nhau đây, thật bất ngờ tươi vui ngộ nghĩnh quá! - Gisèle ríu rít nói như chim. Nàng chợt thấy mẹ tôi.

- Cháu đã làm xong việc uỷ thác của bác cho má con, má con nói rằng bà cũng sẽ rất sung sướng nếu được quen biết bác. Thật dịp may hiếm có, má con cùng đi với con tới đây. Nhưng có điều là con không biết giới thiệu. Rồi cô nàng lấy cánh tay bà má, dắt tới bên chúng tôi, vụng về nói:

- Má ạ… Bà X…, mẹ của người bạn mới của con; thật vậy, má cũng chưa biết mặt Genevìeve…Ấy đó! đó là cô ta.

Bà mẹ của Giesèle thật là kiều diễm và tôi cảm thấy ngay là mẹ tôi cảm mếm bà liền. Bà (vốn người Ăng Lê) bà nói tiếng Pháp rất thạo, tuy giọng nói âm tiết rất mạnh, và như thế càng thêm đậm đà ý vị và dường như còn gia thêm vào cho tính cách cao nhã tự nhiên thiên nhiên thuần thái của bà. Chúng tôi đang đứng trước bức tranh kỳ vỹ …"

***

Review Thanh Hai:

Tui yêu Bùi Giáng lắm, một phần là ông là người Quảng nam đặc biệt nhứt, một phần vì ông có cái chất điên quá khác người , những bài thơ của ông thì đã quá nổi tiếng với cái sự “điên rực rỡ” trong từng câu từ, từng tứ thơ. Ở địa hạt chuyển ngữ, Bùi Giáng lại càng khác biệt với phần còn lại. Cũng vì quá khác biệt với những lời dịch đôi khi miên man, bay bổng và những từ ngữ lạ lẫm mà có 1 số độc giả đọc và chỉ trích ông không tôn trọng nguyên tác. Tui thì không đọc được bản gốc nên không dám ý kiến chi, chỉ thấy một điều đơn giản là đọc các bản dịch của ông cảm thấy như được bơi trên dòng sông ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ riêng có của ông không lẫn lộn với ai được, như khi tui đọc 1 bài thơ Nguyễn Bính, hay 1 đoản văn của Mikhail Prisvin… Đọc riết 1 hồi có cảm giác như ông đang sáng tác chứ không phải đang dịch, vì dấu ấn cá nhân của ông thổi vào tác phẩm quá lớn.

TRƯỜNG HỌC ĐỜN BÀ là một cuốn như rứa. Thiệt ra cái chữ “đờn bà” là từ địa phương chỉ dân Quảng Nam mới dùng, nên tui - là người Quảng mà - mới ngó đã yêu liền, chưa biết nội dung là răng . Nhưng cần chi hè ?? Cặp bài trùng Bùi Giáng - Andre Gide là đủ để cho tui sở hữu liền rồi. Ni không đọc thì mai đọc, năm ni không đọc thì năm sau sẽ đọc ????. Mà đúng là như rứa thiệt á. Vì tui mua sách ni hơn 5 năm rồi chừ mới lôi ra đọc nề.

“Nhà trường của gái lớn lên

Phiêu bồng rất mực còn nên nói nhiều

Sịch mành trở mộng đăm chiêu

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”

Bốn câu thơ của Bùi Giáng trên trang đầu tiên của cuốn sách, trong đó câu thứ 4 là ông mượn câu thơ của cụ Nguyễn Du. Tiếp đến trang thứ 2 lại là những dòng người dịch tạm ghi : “Trong tác phẩm này, Andre Gide ý muốn chậm rãi kề cà tỉ mỉ nói về tâm hồn, tâm lý những kẻ cao nhã u trầm đằm thắm yêu nhau ? Mà sử dụng ngôn ngữ loài người vô tận tục tĩu chúng sinh bằng mật ngữ u u u nhiên trường kỳ kham nhẫn..” Ui ông viết cái chi mà tui đọc không hiểu nổi , từ ngữ lạ lẫm và không biết sắp xếp theo cái chuẩn mực chi nữa, mới đọc dô thấy mệt rồi . Mệt mà lỡ yêu rồi biết làm răng đây hihi.

Cuốn ni đọc bữa vài chương nhẩn nha thôi, hông đọc 1 lần được đâu, vì ông dịch dễ điên lắm ???? Khuya khuya đem ra đọc : “Đứa con bé bỏng của ta ơi, các vị mục sư và ta, không cùng thờ chung một thượng đế - ông bố trả lời tôi như thế, lúc tôi gắng nói (gói nắng) gọi nắng xuân về cho kiều diễm nở hoa - con đừng có nằn nì nài nỉ nông nổi náo nức nữa, con sẽ làm cho ta nổi đóa đấy. Đó là những chuyện mà có lẽ mai sau con sẽ hiểu nếu con không quá giống quá nhiều quá quá là quá giống bà má của con quá đỗi chao ôi ! Đó con ạ !”

Mô phật, tui trích đoạn 1 chút cho bà con đọc thử, hễ không hợp với kiểu dịch ni thì đừng mua sách đọc rồi chửi dịch giả hỉ ???? Riêng tui thì đọc dô như thường và cũng thấy hay như thường . Yêu nhứt là Bùi Giáng lúc nào cũng ưng nói lái - một đặc trưng để nhận ra người xứ Quảng dù họ có sinh sống ở bất cứ nơi đâu.

***

André Paul Guillaume Gide (22 tháng 11 năm 1869 – 19 tháng 2 năm 1951) là một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỷ 20, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1947.

Sáng tác đầu tay của ông là cuốn tự truyện Les cahiers d'André Walter (Những cuốn vở của André Walter, 1891) viết bằng thơ và văn xuôi đầy chất thơ, kể về sự giằng xé, giày vò giữa thể xác và tâm hồn và sự tìm kiếm lối thoát trong các hình thái thần bí và thanh cao của tình yêu.

Do bị bệnh lao không phải chịu quân dịch, những năm 1893-1894 André Gide du lịch sang Algérie và Tunisia, nơi ông phát hiện ra mình là người đồng tính luyến ái. Thời gian khủng hoảng kéo dài được ghi nhận bởi sự bất ổn tinh thần và những kiếm tìm chân lý thể hiện trong truyện vừa Le Retour de l'Enfant prodigue (Cuộc trở về của đứa con du đãng, 1907). Về mặt phong cách, Gide đã khắc phục lối viết cầu kì ban đầu, đến với một ngôn ngữ giản dị rõ ràng. Năm 1908, ông trở thành người đồng sáng lập Tổng quan mới của nước Pháp, một trong những tạp chí có ảnh hưởng đối với sự phát triển nền văn học Pháp và thế giới.

Tiểu thuyết châm biếm Les Caves du Vatican (Những động ngầm dưới Vatican, 1914) đặt vấn đề về sự chấp nhận một cách mê muội những tín ngưỡng và lý tưởng. Năm 1926, tiểu thuyết Les Faux-monnayeurs (Những kẻ làm bạc giả) ra đời mang lại nhiều thành công cho ông, đó là một đóng góp thực sự vào sự phát triển thể loại tiểu thuyết. Một năm sau khi xuất bản truyện vừa Thésée (Theseus, 1946) - mà ông coi như một bức di thư văn học - André Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng giải Nobel năm 1947. Năm 1950, André Gide xuất bản tập cuối cùng của bộ Journal (Nhật kí). Ông mất năm 1951 ở Paris.

Những nhân vật của Gide đều mang bóng dáng cuộc đời ông, như ông từng viết: “Kẻ khác có thể đã viết nên một tập sách; nhưng câu chuyện tôi kể ra đây, tôi đã hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn”. Để hiểu về những tác phẩm gây chấn động của Gide, cần nhìn lại chính đời ông.

Gide sinh ra vốn là đứa trẻ nhạy cảm, sống bản năng. Về sau, ông lại gặp thêm quá nhiều bão táp trường đời: Mất cha từ nhỏ, chiến tranh liên miên, bệnh tật và đặc biệt là cú sốc năm 26 tuổi, khi ông phát hiện ra mình là người đồng tính.

Trước đó, Gide đã mối tình lãng mạn kéo dài với cô em họ Madeleine Rondeaux từ khi ông mới là cậu bé 12 tuổi (ông đã hồi tưởng lại mối tình đầy ngang trái này trong tác phẩm Khung cửa hẹp). Phát hiện này khiến ông bị rối loạn cảm xúc.

Về sau, ông vẫn trân trọng và cưới Rondeaux nhưng đồng thời chạy theo những mối tình đồng giới và thật bất ngờ, lại có con với một người phụ nữ khác.

Như con thiêu thân, Gide lao vào những cuộc sa đọa trác táng và không ngần ngại phô bày trên trang giấy. Nhiều người đã lên án Gide kịch liệt, coi những tác phẩm của ông như liều thuốc độc cho người đọc. Bạn bè trong giới văn chương cũng có phần dè chứng ông.
Nhưng Gide không vì thế mà chùn bước. Ông vẫn trung thành với bản chất con người, coi thường những hình thức phù phiếm, giả tạo. Ông nâng tầm quan điểm của mình lên thành triết lý trong Kẻ vô luân, kể về Michel, kẻ vượt qua mọi rào cản đạo đức trong hành trình nổi loạn để khám phá con người thật của mình.

Mời các bạn đón đọc Trường Học Đờn Bà của tác giả André Gide.