Một phụ nữ, chết đã hai mươi mốt năm, sống lại. Hoàn toàn bằng xương bằng thịt, trở lại cõi đời từ dưới nấm mồ. Ở thế giới nào khác, đây có thể là chuyện hoang đường, quỷ dị, nhưng trong thế giới của Đẹp là một nỗi đau thì không. Và, đến cả cái đẹp truyền kiếp của những phụ nữ trong gia đình Dewi Ayu dường như cũng vừa hoang đường quỷ dị vừa bình thường, hợp lẽ.
Qua bao biến động và thăng trầm lịch sử của Indonesia, từ thời thuộc địa Hà Lan cho tới Thế chiến thứ hai với sự hiện diện bạo tàn của phát xít Nhật, rồi thời độc lập với cuộc xung đột một mất một còn giữa thế lực tư bản đang lên và những người cộng sản trung kiên, những người đàn bà đó, dẫu có làm gì, dẫu được xã hội gọi là gì, vẫn luôn là họ, những phụ nữ đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong, để rồi đều được số phận đáp lại bằng một cách mà họ không chờ đợi. Nếu sắc đẹp là một trong những đặc tính vĩnh hằng của gia tộc này và có lẽ của cả Halimunda, quê nhà họ, thì nỗi đau cũng là một đặc tính vĩnh hằng.
Đẹp là một nỗi đau, tiểu thuyết đầu tay của Eka Kurniawan, viết khi tác giả chưa đầy ba mươi tuổi, là một tác phẩm đẹp, đau, thực sự khó quên.
***
Sau khi lau chùi vũ khí, sửa chữa mũ mãng, đặt cho ngựa và cho mình một cái biệt hiệu khá oai, chàng thấy còn một việc nữa là phải tìm một tình nương, vì một trang hiệp sĩ giang hồ không có người yêu ví như cây không lá không quả, như xác không hồn.
- Miguel de Cervantes, Don Quijote
***
Một buổi chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu bước ra khỏi ngôi mộ của bà sau khi đã chết hai mươi mốt năm. Một thằng bé chăn cừu, bừng tỉnh sau giấc ngủ ngày dưới gốc cây đại, đã tè cả ra quần và hét toáng lên, rồi cùng với bốn con cừu chạy tán loạn giữa những tấm bia mộ bằng gỗ như thể người ta vừa ném một con hổ vào giữa chúng. Mọi chuyện bắt đầu từ tiếng động phát ra từ ngôi mộ cũ có tấm bia không tên ngập trong cỏ dại cao tới gối nhưng ai cũng biết đó là mộ của bà Dewi Ayu. Bà qua đời ở tuổi năm mươi hai và sống lại sau khi chết hai mươi mốt năm, và từ thời điểm đó trở đi không ai biết làm thế nào để tính chính xác tuổi của bà.
Nghe thằng bé chăn cừu kể lại chuyện xảy ra, người trong xóm liền đổ tới chỗ ngôi mộ. Cuốn lại mép xà rông, bế theo con cái, ôm khư khư cán chổi, lấm bùn ngoài ruộng, họ tụ tập sau mấy bụi anh đào, rặng dầu mè và trong các vườn chuối gần đó. Không ai dám lại gần, họ chỉ lắng nghe tiếng ầm ào phát ra từ ngôi mộ cũ như thể đang túm tụm quanh người bán thuốc rong chào hàng ngoài chợ mỗi sáng thứ Hai. Tất thảy đám đông đều thích thú với cảnh tượng đáng sợ này, không hề bận tâm rằng giả như họ chỉ có một mình thì một nỗi kinh hoàng như thế chắc hẳn đã khiến họ chết khiếp rồi. Họ thậm chí còn chờ đợi một điều kỳ lạ nào đó, chứ không phải mỗi ngôi mộ cũ ồn ào, bởi người đàn bà nằm dưới ba thước đất đó từng là gái điếm cho người Nhật trong chiến tranh và đức kyai cũng luôn nói rằng, những người có tội lỗi ô nhục chắc chắn sẽ bị trừng phạt dưới mồ. Chính bởi thế mà âm thanh ồn ào đó dứt khoát là tiếng roi quất của một thiên thần đang đày đọa, nhưng họ dần dà thấy chán và hy vọng có điều kỳ diệu nho nhỏ nào khác nữa.
Nhưng khi điều đó xảy ra, nó đến theo cách kỳ khôi nhất. Ngôi mộ rung lắc và rạn nứt, mặt đất bùng nổ tựa như bung ra từ sâu bên dưới, gây ra cơn địa chấn nhỏ và một cơn dông khiến cỏ giả và bia mộ bay ràn rạt, bên dưới làn mưa bụi đất như cả một tấm màn dày đó, xuất hiện hình dáng một người đàn bà lớn tuổi đứng dậy trông bực bội và cứng nhắc, thân thể vẫn bọc trong vải liệm như thể bà mới được chôn đêm trước thôi. Lúc này mọi người đều hoảng loạn chạy tứ tán, thậm chí còn hỗn loạn hơn cả bầy cừu, tiếng la hét của họ dội vang vào những dãy đồi ở phía xa. Một người đàn bà quẳng đứa bé con mình vào bụi cây còn bố nó trốn biệt sau thân cây chuối. Hai người đàn ông lao xuống mương, một số người lăn ra bất tỉnh bên đường trong khi một số người khác nữa chạy một mạch không ngừng mười lăm cây số.
Chứng kiến tất cả những điều này, bà Dewi Ayu chỉ ho vài tiếng rồi hắng giọng, khoan khoái thấy mình đang giữa bãi tha ma. Bà cũng gỡ bớt nút thắt cao nhất của tấm lót bộ vải liệm, rồi nới lỏng bớt hai nút thấp nhất để hai chân có thể bước đi. Mái tóc bà đã dài ra một cách kỳ lạ, thế nên khi bà giũ tóc ra khỏi tấm vải hoa quấn quanh, nó xõa ra bồng bềnh trong gió chiều, quét lên mặt đất và óng ánh như lớp địa y đen dưới lòng sông. Tuy đã có nếp nhăn nhưng gương mặt bà vẫn trắng sáng, đôi mắt vẫn linh hoạt chăm chú nhìn đám người đứng xem đang bỏ chạy khỏi chỗ nấp phía sau bờ bụi, một nửa số họ chạy đi, số còn lại sắp ngất xỉu. Bà phàn nàn, không phải riêng với người nào, rằng người ta thật ác độc khi đã chôn sống bà.
Điều đầu tiên bà nghĩ tới là đứa con nhỏ của bà, tất nhiên bây giờ nó không còn là đứa trẻ nữa rồi. Hai mươi mốt năm trước, bà đã chết mười hai ngày sau khi sinh hạ một bé gái hình hài gớm ghiếc, nó xấu tới mức bà đỡ khi đó còn không chắc nó có thực sự là một đứa trẻ không nữa, vì cái lỗ nơi nó chui ra và cái lỗ để thải phân chỉ cách nhau có hai xăng ti mét thôi. Nhưng rồi đứa trẻ này oằn mình vặn vẹo và mỉm cười, rốt cuộc thì bà đỡ cũng tin rằng nó thực sự là người chứ không phải phân và nói với mẹ nó, bấy giờ đang nằm mệt lử trên giường và không có vẻ gì khao khát được nhìn thấy con mình, rằng đứa bé đã chào đời, khỏe mạnh và có vẻ dễ gần.
“Là con gái phải không?” Dewi Ayu hỏi.
“Phải,” bà đỡ đáp, “giống như ba đứa trẻ ra đời trước nó vậy.”
“Bốn đứa con gái, đứa nào cũng đẹp,” Dewi Ayu nói với giọng bực bội. “Lẽ ra tôi nên tự mở một nhà chứa mới phải. Nói cho tôi biết con bé này đẹp thế nào đi?”
Đứa trẻ được cuốn chặt trong lớp tã bắt đầu oằn mình khóc trong vòng tay bà đỡ. Một người đàn bà đi ra đi vào căn phòng, vơ đống quần áo bẩn dính đầy máu mang đi, vứt bỏ nhau thai và suốt một hồi bà mụ không trả lời vì bà không sao có thể nói đứa trẻ trông giống đống phân đen sì này là xinh đẹp được. Cố tình phớt lờ câu hỏi, bà nói, “Cô đã lớn tuổi rồi, nên tôi e cô không đủ sữa nuôi con đâu.”
“Đúng vậy, tôi đã bị ba đứa trước vắt kiệt rồi.”
“Và hàng trăm thằng đàn ông nữa.”
“Một trăm bảy mươi hai thằng. Người già nhất đã chín mươi, đứa nhỏ nhất mới mười hai, một tuần sau lễ cắt bao quy đầu của nó. Tôi nhớ tất cả bọn họ.”
Mời bạn đón đọc Đẹp Là Một Nỗi Đau của tác giả Eka Kurniawan & Nguyễn Thái Hà (dịch )& Dương Kim Thoa (dịch).