Đằng sau mỗi món đồ cổ, là tầng tầng lớp lớp lịch sử và văn hóa truyền thừa bao đời;
Đằng sau mỗi món đồ giả, là mánh lới tính toán tinh vi cùng cạm bẫy khó bề tưởng tượng.
Hứa Nguyện rửa được nỗi oan cho ông nội, nổi lên như một anh hùng đánh hàng giả trên thị trường cổ ngoạn, song lòng vẫn canh cánh mối thù gia tộc với Lão Triều Phụng - bàn tay đen đứng sau bi kịch bao đời nhà họ Hứa. “Tình cờ” thay, mọi manh mối về kẻ cầm đầu dòng chảy ngầm lớn nhất giới cổ vật này đều dẫn gã đến với quốc bảo Trung Hoa - Thanh minh thượng hà đồ.
Một lần nữa Hứa Nguyện đơn thương độc mã dấn thân trên con đường trừ giả giữ thật mà không lường đến những gì mình sẽ phải đương đầu. Lôi Lão Triều Phụng ra ánh sáng, bảo vệ Minh Nhãn Mai Hoa trước nguy cơ lụi bại, giữ vững tôn chỉ của người giám định… ngần ấy nhiệm vụ hệ trọng dường như quá sức với một kẻ đang nôn nóng báo thù như gã. Bởi trong khi con người giám định cổ vật, cổ vật cũng giám định con người…
***
Chơi đồ cổ quan trọng nhất là gì?
Người nói là mắt nhìn, kẻ lại bảo là quan hệ, thực ra đều không chính xác. Ngành này xét đến cùng phải chú trọng hai chữ: “duyên phận”. Thế nên người chơi đồ cổ thế hệ trước phần nhiều đều tin số mệnh, cho rằng số đã có ắt có, số không có thì đừng cố. Nếu không có duyên với một món đồ mà cứ cố giành về tay, gọi là đi ngược ý trời, sẽ dẫn tới hậu họa khôn lường, món đồ ấy không còn là hàng tốt nữa, mà trở thành vật dữ cắn chủ, nhẹ thì thân bại danh liệt, nặng thì nguy tới tính mạng.
Có điều đây đều là cách nói từ xưa, được quy vào mê tín dị đoan. Thời bây giờ ai cũng tiếp thu mấy chục năm giáo dục theo chủ nghĩa duy vật, chẳng tin mấy lời đó nữa. Hễ có tiền đưa tới tay thì bất chấp quy củ cách thức, ta cứ thế xông lên phá vỡ đạp bằng, chẳng sợ gì sất. Thần tài ngồi trên, yêu ma quỷ quái cũng phải đứng sang một bên.
Ví như mấy người ngồi cùng xe với tôi hiện giờ, rõ ràng không phải hạng con buôn cổ hủ trọng truyền thống.
Tôi đang ngồi trong một chiếc van Toyota chín chỗ cũ nát, ngoài lái xe ra tổng cộng có năm người. Bên trong xe lặng phắc như tờ, chẳng ai bắt chuyện, cũng chẳng ai hàn huyên. Bốn người kia đều ngồi im tại chỗ, trưng ra vẻ mặt hờ hững khó gần. Chỉ khi xe thình lình xóc nẩy lên, họ mới đảo mắt thật nhanh, vờ như vô tình liếc nhau một cái sắc lẻm.
Tôi cảm giác được họ không giống mình. Tôi là chủ một tiệm đồ cổ nhỏ trong thành phố, còn họ là con buôn cổ vật chuyên thu mua đồ cũ từ nông thôn. Những người này quanh năm suốt tháng lê la dưới quê, qua lại với đám nông dân vừa chất phác vừa gian xảo nên người cũng thoang thoảng mùi bùn đất và sát khí.
Bọn họ là ai? Xe chạy đi đâu? Tôi hoàn toàn không biết. Cửa xe đóng kín, bên ngoài đêm tối như mực, không trông rõ được cảnh vật. Chỉ có tiếng động cơ chạy ì ì cho thấy chúng tôi đang tiến tới một mục tiêu nào đó.
Tôi cũng chẳng buồn nghĩ nhiều, dựa đầu vào cửa kính lạnh lẽo, huyệt Thái Dương tì vào chốt cửa, gà gật ngủ. Xe chạy lắc lư tròng trành dữ dội, trong lúc mê man, tôi chợt có một ảo giác lạ lùng: thùng xe chẳng khác nào cỗ áo quan khổng lồ vừa đóng đinh, kín mít không lọt một tia sáng. Tôi nằm trong, bên ngoài có mười sáu người khiêng quan tài băng qua nghĩa địa, bước xuống lối vào mộ, tiến về phía huyệt mộ cuối cùng… Phải rồi, quên chưa tự giới thiệu. Tôi tên Hứa Nguyện, hơn ba mươi, là một tay buôn cổ vật cò con dưới chân hoàng thành. Tôi có một cửa tiệm nhỏ ở Lưu Ly Xưởng, buôn bán kim thạch ngọc khí, gọi là Tứ Hối Trai.
Tứ hối là gì? Chính là hối người, hối việc, hối lỗi, hối lòng. Đây là lời trăng trối của bố tôi, dạo Cách mạng Văn hóa, ông bị hãm hại phải nhảy xuống hồ Thái Bình tự tử, chỉ để lại tám chữ này. Song đằng sau đó còn ẩn giấu một câu chuyện dài. Tổ tiên tôi là một chi trong “Minh Nhãn Mai Hoa” gồm năm gia tộc lâu đời trong ngành cổ vật, mỗi nhà sở trường giám định một loại đồ cổ, có địa vị cực cao trong giới sưu tầm. Sau giải phóng, Minh Nhãn Mai Hoa cải tổ thành Hội nghiên cứu giám định cổ vật Trung Hoa, vẫn có sức ảnh hưởng không nhỏ.
Hứa Nhất Thành, ông nội tôi là chưởng môn Minh Nhãn Mai Hoa thời Dân Quốc, xuất thân Bạch môn, về sau vì đánh cắp đầu Phật ngọc ở minh đường Võ Tắc Thiên tuồn cho người Nhật nên bị coi là Hán gian đem xử bắn. Từ đó nhà tôi cũng sa sút không gượng dậy nổi, rút lui khỏi Minh Nhãn Mai Hoa. Vào ngày sinh nhật ba mươi tuổi, do sự thúc đẩy của những người cố ý, tôi đã rơi vào vòng xoáy này. Trải qua một phen bôn ba trắc trở, cuối cùng xem như tôi cũng giải oan được cho ông nội, đưa đầu Phật về nước, kết thúc mối dây dưa ngàn năm giữa nhà họ Hứa và đầu Phật ngọc. Sau khi xong việc, tôi quay về Tứ Hối Trai, tiếp tục buôn đồ cổ, sống lặng lẽ.
Đột nhiên nghe phanh két một tiếng, người tôi đổ nhào về phía trước, sực tỉnh khỏi dòng ký ức. Xe đã dừng lại, tôi mở mắt ra, lắc lắc đầu. Ngờ đâu vừa quay đầu sang, tôi chợt thấy một gương mặt trắng bệch với đôi mắt cực kỳ quái dị hiện lên giữa bóng tối bên ngoài xe, một bên to tướng như mắt trâu, lòng đen ít lòng trắng nhiều, bên kia lại nhỏ xíu, thi trừng mắt với rùa chưa chắc đã thắng nổi. Cặp mắt một to một nhỏ này, trông như lúc nào cũng đang ngắm bắn.
Tôi giật thót mình, vô thức rụt người lại, suýt nữa ngã nhào khỏi ghế. Bốn kẻ cùng xe cười nửa miệng, lộ vẻ khinh bỉ. Bấy giờ tôi mới nhớ ra, gương mặt này hẳn là của tài xế. Chẳng để tôi nghĩ nhiều, cửa xe đã bị kéo đánh “xạch”, tài xế ló đầu vào, đảo tròn con mắt to rồi làm động tác mời, giọng khàn khàn, “Tôi tên Mắt Trố, làm chân chạy bàn, mời các vị theo tôi.”
Tôi vội điều hòa hơi thở, theo bốn người kia xuống xe. Vừa đặt chân xuống đất đã thấy mùi cỏ dại và cành thông xộc vào mũi man mát. Khỏi cần hỏi cũng biết, đây là mùi đặc trưng của chốn đồng không mông quạnh, hơn nữa còn là nơi hết sức hoang vu. Tôi nhìn quanh, lờ mờ thấy mấy ngọn núi đằng xa, trông như thú dữ mai phục trong đêm, có thể nhào tới bất cứ lúc nào.
Mắt Trố bảo bọn tôi theo sát sau y. Mây đen đang bao phủ bầu trời, che khuất mặt trăng, chỉ có ngọn đèn pin loang loáng thoắt sáng thoắt tối trong tay Mắt Trố soi đường. Cây đèn pin của y có vẻ rất được chăm chút, bóng đèn bọc một khoanh giấy bìa cứng, như vậy cột sáng chỉ tập trung vào phía trước, không chiếu sang hai bên, nên cách hơi xa sẽ không thấy được.
Chúng tôi bước thấp bước cao trên triền núi theo y chừng hơn mười phút, rẽ ngoặt liên tục, còn băng qua hai khoảng rừng. Rốt cuộc một người không kìm được lên tiếng hỏi, “Anh đưa chúng tôi đến đâu đây? Cỗ ở đâu vậy?” Mắt Trố quay lại nhe răng cười đáp, “Nôn nóng làm gì, chủ đâu có rời chiếu cỗ được.” Nói đoạn còn cười khà, tiếng cười như quạ. Y vừa cười, nhiệt độ xung quanh chợt hạ xuống, lạnh buốt cả người. Kẻ kia không dám hỏi thêm nữa, đành “hừm” một tiếng rồi đi tiếp.
Đám chúng tôi đi chừng hơn nửa tiếng thì tới một khe núi vắng. Khe núi bị hai dãy núi cao ngất kẹp vào giữa, tạo nên một bình nguyên dưới chân núi. Từ đằng xa loáng thoáng nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, hẳn là dòng suối từ trên núi chảy xuống, uốn quanh chỗ này, cắt khe núi thành hình tam giác. Khe suối là đáy, hai dãy núi sừng sững hai bên. Địa hình này trong phong thủy gọi là hai rồng xuống nước, là đất lành hợp xây mồ mả.
Mắt Trố tiến vào khe núi thì dừng chân, rọi đèn pin về phía trước.
“Bên này.” Chúng tôi nhìn theo ánh đèn, thấy thấp thoáng đằng xa một người trẻ tuổi mặc đồ rằn ri đang ngồi trước mặt là một cái hố rộng chừng nửa mét, mép hố còn gác ba chiếc xẻng cán thép và cả đống đất mới đào.
Khỏi cần hỏi cũng biết ở nơi đất báu phong thủy thế này đào sâu ba thước ắt có mồ mả, có mồ mả tất có trộm mộ đánh hơi được kéo đến.
“Đào tới đâu rồi?” Một tên mặt sẹo đi cùng tôi hỏi.
Mắt Trố di chân xuống đất, hể hả đáp, “Tìm ra vị trí mộ rồi, vừa rồi chúng tôi mới đào đến vách sau, chỉ một nhát nữa là tới cửa thôi, đợi các vị đến mở chiếu đấy.”
Mấy người đi cùng tôi đến trước hố đất, gạt lớp đất mới đào ra, vẻ mặt không ai giống ai. Nghe nói trộm mộ lâu năm chỉ cần nhìn đất là biết niên đại mộ. Có điều tôi chẳng có tài ấy, chắc hẳn mấy kẻ đi cùng cũng chẳng khá hơn. Chúng nhìn đất chỉ để yên tâm chứ đâu nhận ra cái gì.
Kiểm tra đất xong, Mắt Trố cười khì, “Các vị may thật đấy, món lần này là thịt kho của bếp trưởng. Nếu không có gì thắc mắc thì lên món nhé?”
Cả năm chúng tôi đồng loạt gật đầu, đứng tránh ra một quãng. Mắt Trố soi đèn pin về phía kia, hô “mở bát”, tức thì tên chạy bàn mặc đồ rằn ri đứng dậy, cầm chùy sắt và xẻng lên. Dáng gã gầy gò, lách vào hầm dễ như bỡn. Mắt Trố rút trong ngực áo ra một chai rượu trắng hàng chiết lẻ và năm cái chén, lần lượt đưa cho năm chúng tôi, “Trong núi sương dày lạnh giá, làm ít rượu trắng cho ấm người, phải chờ một lúc nữa cơ.”
Không nói thì thôi, y vừa nói tôi liền thấy gió lạnh bốn bề, sương mù bảng lảng, vô thức liếc nhìn vào cánh rừng tối om. Mắt Trố đưa chén tới trước mặt tôi cười, “Chú em lần đầu ăn trên chiếu à?” Thấy tôi cười ngượng, y nói, “Ăn quen bén mùi, anh em mình vất vả một tí, nhưng chắc ăn hơn, có phải không?” Tôi gật đầu lia lịa, đón lấy chén rượu uống cạn, rượu trắng cay nồng như ngọn lửa cháy lan theo cổ họng xuống tận dạ dày, song mắt tôi vẫn dán vào đống bùn đất đang không ngừng đùn ra từ cửa hầm, lòng quặn lên.
“Ăn trên chiếu” như lời Mắt Trố là một hoạt động khá kín đáo trong giới đồ cổ, trước đây tôi chỉ nghe nói, không ngờ hôm nay cũng được tận mắt chứng kiến.
Phần lớn đồ cổ đến từ hai nguồn: một là đồ gia truyền đời đời lưu giữ, hai là đồ tùy táng bị đào ra. Loại trước được truyền đời rõ ràng, nhưng loại sau hơi khó phân định thật giả. Anh bảo món đồ này đào được trong mộ ra, bằng chứng đâu? Lỡ lừa gạt người ta thì sao? Phải biết có những món đồ cổ bản thân nó hoàn toàn không đáng tiền, tất cả giá trị đều nằm ở xuất xứ. Cùng một hạt dưa, mua từ hàng tạp hóa thì chẳng đáng một xu, nhưng nếu từ trong bụng xác nữ ở gò Mã Vương thì nghìn vàng chưa mua nổi.
Thế là có kẻ nảy ra một cách, thăm dò xác định vị trí mộ đâu vào đấy, đào đường hầm đến cạnh mộ rồi để đó, mời vài người mua đến hiện trường, mở cửa mộ ngay trước mặt họ, đào lên bán sang tay luôn. Người mua chính mắt thấy đồ được đào dưới mộ lên, dĩ nhiên khỏi cần lo hàng giả.
Trò này trong ngành đồ cổ gọi là “ăn trên chiếu”, không phải chiếu rượu, mà là chiếu cói, chiếu cói để làm gì? Thời xưa người ta dùng chiếu cói bọc xác chết, nên nó ý chỉ mồ mả. Những người mua như chúng tôi gọi là “khách”, trộm mộ thì gọi là “chạy bàn”, dĩ nhiên “chủ” chỉ người chết trong mộ. Bởi vậy vừa rồi Mắt Trố nói “chủ không rời được chiếu cỗ” khiến mấy người kia sợ quá nín thít.
Mời bạn đón đọc Bí Ẩn Thanh Minh Thượng Hà Đồ của tác giả Mã Bá Dung & Tố Hinh (dịch).