Bích Nhãn thần quân là một trong những tác phẩm của Ưu Đàm Hoa.
Là cháu ngoại của Minh Chủ võ lâm Bích Nhãn Thần Quân Nam Cung Phong, Phạm Vân Long đã được hai phái Thiếu Lâm và Võ Ðang truyền tuyệt kỹ để cứu vãn đại cuộc võ lâm. Trọng trách đè nặng lên vai chàng bởi sau khi ngoại công chàng đột nhiên mất tích thì quần ma ngày càng lớn mạnh với mưu đồ thôn tính võ lâm.
***
Ưu Đàm Hoa là bút hiệu của một tiểu thuyết gia võ hiệp Việt Nam.
Lai lịch của Ưu Đàm Hoa luôn là ẩn số mà những người hâm mộ thể loại văn chương võ hiệp luôn truy lùng. Ông xuất hiện trên văn đàn từ khoảng cuối thập niên 1990, nhưng mãi đến năm 2010 thì một số độc giả quen biết giới xuất bản mới tỏ nguyên danh của Ưu Đàm Hoa là Nguyễn Lưu Hải Đăng, thường trú tại quận Bình Thạnh (Sài Gòn). Ông vốn là người say mê truyện võ hiệp Kim Dung từ nhỏ, tập viết lách từ khi mới 17 tuổi nhưng không thành công. Trước khi thực sự dấn thân vào nghề văn, ông đã trải qua nhiều công việc với nguồn thu nhập rất bấp bênh. Số phận lênh đênh của các nhân vật trong tác phẩm Tiếu ngạo Trung Hoa được ông tự cho là phần nào phản ánh cuộc đời hàn vi của mình, đặc biệt là nhân vật Nam Cung Giao.
Ban đầu, ông chọn bút hiệu Cố Giang Tử, Thạnh Nhơn, Tam Mỹ, Hải Nguyệt, Đờ Ăng Đăng… nhưng sau dùng hẳn bút hiệu Ưu Đàm Hoa khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên được phát hành và gặt hái thành công vang dội.
Cho đến năm 2015, đã có 30 tác phẩm gồm đoản thiên và tiểu thuyết thuần võ hiệp của Ưu Đàm Hoa được xuất bản. Hầu hết đề cập đến những kỳ duyên, điển tích hay, nét đẹp của văn hóa và lịch sử Trung Nguyên. Tác phẩm của ông thường lồng ghép các vần thơ của Lý Thương Ẩn, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tống Huy Tông, Nạp Lan Tính Đức… giọng văn lắng đọng trong không gian huyễn mộng của miền Giang Nam. Lúc kiêu kỳ hùng vĩ khi hãi hùng hồi hộp trong các cuộc võ công. Khi tinh khôn trong các cuộc đấu trí chánh tà, lúc khoái lạc trong các câu thoại hóm hỉnh.
Một số tác phẩm của ông:
Thơ: Nhớ hoa cúc (1993), Chút kỳ quái linh tinh cho năm mới (1994-5).
Tiểu thuyết: Âu Dương Chính Lan, Bàn Long đao, Giang hồ mộng ký, Kim Giáp môn,…
***
Cách thành Bắc Kinh chừng vài dặm có một gia trang, phong thái không phải là sang cả, huy hoàng nhưng lại chẳng kém phần uy nghi khoáng đạt. Có lẽ vì chủ nhân không muốn phải sống bon chen, chật hẹp trong nội đô nên đã tìm đến đây. Hơn nữa khuôn viên gia trang quá rộng, ngoài những kiến trúc để sinh hoạt còn có cả một khoảng rừng cây râm mát sau lưng.
Trước cổng gia trang không có chiêu bài nhưng cả thành Bắc Kinh này không ai không biết đó là Đào gia trang. Nghịch lý ở chỗ chủ nhân không phải họ Đào mà lại là họ Phạm. Nghe nói chủ nhân là cháu mấy mươi đời của Phạm Lãi thời Chiến Quốc. Và Phạm Lãi có lúc đổi tên họ thành Đào Chu Công. Sau khi lấy họ Đào, Phạm Lãi đi vào con đường kinh doanh, trở nên người giàu có nhất thời bấy giờ. Vì thế mọi người gọi nơi cư trú của Phạm Phi Vân là Đào gia trang.
Phạm Phi Vân là người tốt phúc, không hiểu có phải ông ta là người đã thừa hưởng tài sản của tổ tiên hay không, nhưng bao đời nay Đào gia trang vẫn phú xưng địch quốc. Phạm Phi Vân nắm gần như toàn bộ ngành mua bán gạo và tơ lụa của cả nước. Các chi nhánh của ông ta có mặt khắp mọi miền. Đáng nói hơn là những Tiền trang mang chiêu bài Đào ký. Ngân phiếu của Đào ký có thể lưu hành ở bất cứ nơi đâu trong đất nước Trung Hoa. Vì vậy, thật dễ hiểu nếu Phạm gia trở thành người quyền thế nhất nhì đất Bắc Kinh.
Đa số những người quyền quí ở Đế đô đều có quan hệ với ông ta. Ai chả có lúc xui xẻo, thất cơ lỡ vận, cần vài ngàn lượng bạc để trả những món nợ trong đổ trường hoặc thanh lâu. Lúc đó, các đại thần hoặc hoàng thân quốc thích cứ việc đến gặp Phạm gia, và sẽ thanh thản ra về với một lãi suất nhẹ nhàng.
Mời các bạn đón đọc Bích Nhãn Thần Quân của tác giả Ưu Đàm Hoa.