Với hầu hết mọi người chúng ta, sự liên hệ với một người khác được đặt nền tảng trên sự lệ thuộc, hoặc là kinh tế hoặc là tâm lý. Lệ thuộc này tạo ra sợ hãi, nuôi dưỡng trong chúng ta trạng thái chiếm hữu, gây hậu quả thành xung đột, ngờ vực và thất vọng. Lệ thuộc kinh tế vào một người khác có lẽ chỉ có thể loại bỏ được qua luật pháp hay những tổ chức thích hợp, nhưng tôi đang nói đặc biệt về sự lệ thuộc tâm lý vào một người khác, mà là kết quả của sự khao khát thỏa mãn, hạnh phúc cá thể và vân vân. Trong liên hệ chiếm hữu này, người ta cảm thấy phong phú, sáng tạo và năng động; người ta cảm thấy ngọn lửa hiện hữu nhỏ xíu riêng của người ta được củng cố bởi một người khác. Với mục đích không mất đi cái nguồn của thành tựu này, người ta sợ hãi mất mát người còn lại, và vì vậy những sợ hãi ích kỷ tồn tại cùng mọi vấn đề hậu quả của chúng. Vẫn vậy trong sự liên hệ của lệ thuộc tâm lý này, phải luôn luôn có sự ngờ vực, sự sợ hãi có ý thức hay không ý thức, mà thường thường được che giấu trong những từ ngữ hay ho. Phản ứng của sợ hãi này luôn luôn dẫn người ta đến sự tìm kiếm để có an toàn và phong phú qua những nguồn khác nhau, hay cô lập chính mình trong những ý tưởng và những lý tưởng, hay tìm kiếm những thay thế cho sự thỏa mãn.
Mặc dù người ta lệ thuộc vào một người khác, nhưng vẫn có ham muốn để không bị xâm phạm, để là tổng thể. Vấn đề phức tạp trong sự liên hệ là làm thế nào thương yêu mà không lệ thuộc, không mâu thuẫn và xung đột; làm thế nào khuất phục sự ham muốn tự cô lập chính mình, lẩn tránh nguyên nhân của xung đột. Nếu chúng ta tìm được hạnh phúc khi lệ thuộc vào người khác, vào xã hội hay vào môi trường sống, chúng trở nên tối thiết cho chúng ta; chúng ta bám chặt chúng và chúng ta hung hăng phản kháng bất kỳ mọi thay đổi nào của những sự việc này bởi vì chúng ta lệ thuộc vào chúng cho sự an toàn và thanh thản tâm lý của chúng ta. Mặc dù theo trí năng chúng ta có thể nhận thức rằng cuộc sống là một tiến hành liên tục của dòng chảy, của sự thay đổi mà đòi hỏi phải thay đổi liên tục, theo cảm xúc hay cảm tính chúng ta bám vào những giá trị gây thanh thản và được thiết lập sẵn; vì vậy có sự đấu tranh liên tục giữa sự thay đổi và sự ham muốn bền vững. Liệu có thể kết thúc được xung đột này hay không?
Cuộc sống không thể tồn tại nếu không có liên hệ, nhưng chúng ta đã biến liên hệ thành khốn khổ và ghê tởm bằng cách đặt nó trên nền tảng tình yêu chiếm hữu và cá thể. Liệu người ta có thể thương yêu và tuy nhiên lại không chiếm hữu hay không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời thực sự không phải trong tẩu thoát, trong những lý tưởng, những niềm tin nhưng qua hiểu rõ những nguyên nhân của lệ thuộc và chiếm hữu. Nếu người ta có thể hiểu rõ sâu sắc vấn đề của sự liên hệ này giữa chính người ta và một người khác vậy thì có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ và giải quyết những vấn đề của sự liên hệ của chúng ta với xã hội, bởi vì xã hội không là gì khác hơn là sự mở rộng của chính chúng ta. Môi trường sống mà chúng ta gọi là xã hội được tạo ra bởi những thế hệ của quá khứ; chúng ta chấp nhận nó, bởi vì nó giúp đỡ chúng ta duy trì tham lam, chiếm hữu, ảo tưởng của chúng ta. Trong ảo tưởng này không thể nào có hòa đồng hay hòa bình. Hòa đồng thuần túy về kinh tế được tạo ra qua cưỡng bách và luật pháp không thể nào kết thúc được chiến tranh.
***
Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti, là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Jiddu Krishnamurrti được sinh ra ở Ấn độ năm 1895 và, lúc 13 tuổi, được bảo trợ bởi Tổ Chức Thần học Theosophical Society, đã công nhận ông là phương tiện cho “Thầy Thế Giới” mà sự xuất hiện của ông đã được công bố từ trước. Chẳng mấy chốc K đã nổi lên như một người thầy, không thể phân hạng, không thỏa hiệp và đầy quyền năng; những buổi nói chuyện và những tác phẩm của ông không liên quan đến bất kỳ tôn giáo đặc biệt nào và cũng không thuộc phương Đông hay phương Tây nhưng dành cho toàn thế giới. Cương quyết phủ nhận hình ảnh đấng Cứu thế, vào năm 1929 ông tuyên bố giải tán tổ chức lớn và giàu có đã được xây dựng quanh ông và tuyên bố sự thật là “một mảnh đất không lối vào”, không thể tiếp cận được bởi bất kỳ tôn giáo, triết lý hay giáo phái chính thức nào.
Trong suốt cuộc đời còn lại K liên tục phủ nhận danh vị đạo sư mà những người khác cố gắng ép buộc ông phải nhận. Ông tiếp tục thu hút vô số người khắp thế giới nhưng khẳng định không là uy quyền, không muốn những môn đồ, và luôn luôn nói chuyện như một cá thể cùng một cá thể khác. Tâm điểm những lời giáo huấn của ông là nhận ra những thay đổi cơ bản trong xã hội chỉ có thể được tạo ra bởi sự thay đổi của ý thức cá thể. Sự cần thiết phải hiểu rõ về chính mình và hiểu rõ những ảnh hưởng gây tách rời, gây giới hạn của tình trạng bị quy định thuộc quốc gia và tôn giáo liên tục được nhấn mạnh. Krishnamurti luôn luôn vạch ra sự cần thiết cấp bách phải có được sự khoáng đạt, phải có được “không gian rộng lớn trong bộ não” mà trong đó có năng lượng vô hạn. Điều này dường như đã là nguồn suối của sự sáng tạo riêng của ông và cốt lõi cho những ảnh hưởng to tát của ông đối với vô số người khắp thế giới.
Ông tiếp tục giảng thuyết khắp thế giới cho đến khi qua đời năm 1986 ở tuổi chín mươi. Những buổi nói chuyện, những cuộc đối thoại, những lá thư và những bài viết trên báo của ông đã được tổng hợp thành hơn sáu mươi quyển. Từ những lời giáo huấn nhiều như thế một loạt những quyển sách có đề mục này đã được biên soạn, mỗi quyển sách tập trung vào một đề tài có liên quan đặc biệt và khẩn cấp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mời các bạn đón đọc Bàn Về Liên Hệ của tác giả Jiddu Krishnamurti & David Bohm.