Phương thuật Trung Quốc bắt nguồn từ tầng thứ cao nhất của triết học cổ đại, song nó lại diễn ra dưới hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến nhất. Hàng mấy ngàn năm nay, những phương thuật này được vận dụng vào các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn nghệ,v.v.. chứa đầy màu sắc thần bí, huyền hoặc mà từ trước đến nay đã tạo nên những ảnh hưởng cực kì quan trọng đối với sinh hoạt xã hội, sự hình thành trạng thái tâm linh văn hoá của người Trung Quốc.
Qua nhiều năm nghiên cứu và chỉnh lí, từ ba phương diện lớn : Thiên thời, địa lợi, nhân hoà thông qua khía cạnh thực tiễn tuỳ cơ ứng biến của người đời, vận dụng tư duy mới, thành quả mới của nền khoa học hiện đại, tác giả đã giới thiệu lí thuyết và phương pháp của phương thuật Trung Quốc.
Sách gồm 3 phần :
- Phần Thiên thời giới thiệu các phương pháp làm thế nào để nhận thức quy luật phát triển xã hội, đặc điểm biến đổi của thời đại và giành được cơ may của đời người.
- Phần Địa lợi giới thiệu các phương pháp làm thế nào để nhận thức và lợi dụng hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên.
- Phần Nhân hoà giới thiệu phương pháp làm thế nào để nhận biết người và dùng người.
Nội dung sách phổ thông dễ hiểu, dễ học, dễ sử dụng, nhằm giúp bạn đọc trong chừng mực nhất định tìm hiểu được phần nào phương thuật Trung Quốc, trong xã hội đang thi thố nhân tài ngày nay có thể thẩm thời độ thế, cân nhắc thiệt hơn để giành được thành công trong cuộc sống của mình…
***
Các nhà tiên triết Trung Quốc trong quá trình nhận thức, thích ứng, cải tạo thiên nhiên đã nhận thấy rằng : trong vũ trụ bao la rộng lớn, chứa đầy ắp "đại khí" không ngừng vận động. "Đại khí" này là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, nên còn gọi là "nguyên khí". "Nguyên khí" tuy vô cùng vô biên, nhưng sự vận động, biến hóa của nó có quy luật nhất định. Sự biến hóa của âm dương trong trời đất, trên trời biểu hiện thành những tinh tượng cao xa, trên mặt đất biểu hiện thành vạn vật có hình thể. Mối quan hệ của vạn vật có hình trên mặt đất với nguyên khí trong không trung giống như mối quan hệ mật thiết giữa rễ cây và cành lá.
Khí âm dương của trời đất tương thông với nhau sản sinh ra ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy và ba khí âm, ba khí dương. Trên trời chúng biểu hiện thành ba khí dương là : phong, thủy, hỏa và 3 khí âm: táo, hàn, thấp. Trong nhân thể chúng biểu hiện thành 3 kinh dương là: thái dương, thiếu dương và dương minh ; 3 kinh âm là : thái âm, thiếu âm và quyết âm.
Các ngũ hành : mộc, hỏa, thổ, kim, thủy luân lưu làm chủ tể sự biến đổi của khí hậu. Mỗi vận chủ tể một năm, hết 5 năm hoàn thành một vòng và quay lại từ đầu, cứ thế lặp đi lặp lại. Trong một năm mỗi cái lại chủ tể một mùa, cứ thế các mùa thay nhau tuần hoàn lặp đi lặp lại. Mỗi một hầu 5 ngày, cũng do mỗi vận chủ tể. Sự biến đổi mỗi năm đều giống nhau này gọi là "chủ khí". Ngoài ra, còn tùy theo địa chi mỗi năm khác nhau mà có sự biến hóa, đó gọi là "khách khí". "Chủ khí" và "khách khí" đều ảnh hưởng đến khí hậu và đến các giới sinh vật. Do đó, nếu không biết tính toán những trường hợp cụ thể giữa sự tương ngộ của chủ khí và khách khí thì không thể hiểu được sự biến hóa thay đổi của phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa trong một năm, cũng không thể hiểu được nguyên lí thái quá và bất cập của các khí ngũ vận.
Như thế chắc chắn sẽ không nắm được toàn diện quy luật nội tại của con người, trong hoàn cảnh khác nhau sẽ phát sinh những bệnh tật khác nhau.
Học thuyết ngũ vận, lục khí chính là môn lí luận nghiên cứu về quy luật này. Trong tác phẩm y học kinh điển của Trung Quốc - "Hoàng đế nội kinh" - Hoàng đế và Du Khu, Kì Bá, v.v… đã bàn luận chi tiết về ngũ vận, lục khí này.
Dưới đây, căn cứ vào những điều đã được trình bày trong "Hoàng đế nội kinh" chúng tôi sẽ nói rõ những nội dung chủ yếu và các khái niệm cơ bản nhất về ngũ vận.
Mời các bạn đón đọc Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hoà của tác giả Bạch Huyết.