Tác phẩm của Dư Hoa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Truyện vừa Sống được nhà đạo diễn tầm cỡ quốc tế ngươì Trung Quốc Trương Nghệ Mưu dựng thành phim cùng tên, gây xôn xao dư luận một thời, làm xúc động hàng triệu triệu người xem trong và ngoài nước bởi khả nǎng chịu đựng của con người trước khổ đau hoạn nạn và thái độ lạc quan đối với thế giới.
Sống đã được giải Mười cuốn sách hay của Thời báo Trung Quốc, giả Mười cuốn sách hay của Tạp chí Bác ích và giải thưởng vǎn học Gelin Thana Kapo của Ý
***
Không thể tin được rằng, có một cuốn sách nào thực thà, tận cùng, vẹn nguyên đến chừng ấy…
“Sống” là có lẽ là cuốn sách làm tôi khóc nhiều nhất từ trước đến giờ. Tôi đã khóc từ những trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng của cuốn sách. Nỗi ám ảnh triền miên kéo dài sau đó. Tôi không thể tin được rằng, có một cuốn sách nào thực thà, tận cùng, vẹn nguyên đến chừng ấy.
“Sống” tái hiện trước mắt độc giả cuộc đời đầy biến động, thăng trầm với những giây phút giây đau khổ tột cùng và hạnh phúc mong manh của người nông phu Phú Quý. Phú Quý từ một công tử nhà giàu ham chơi, hư đốn đã biến thành một kẻ nghèo hèn, tận cùng xã hội, phải làm thuê trên chính đất đai của mình, chỉ vì một canh bạc. Trở về cuộc sống nghèo khổ, hàng ngày phải vật vã kiếm sống, nhưng anh lại từ cuộc sống cơ hàn ấy mà nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của người vợ yêu quý, Gia Trân.
Anh đã tưởng rằng, từ đây, dù nghèo khổ nhưng anh sẽ được thanh thản và hạnh phúc. Nhưng cuộc đời bắt đầu như một sợi dây thừng thít cổ anh bằng những đau đớn, những mất mát, thương tổn tột cùng. Anh dần mất đi những người thương mến nhất đời mình. Người vợ Gia Trân chết vì bệnh nhũn xương. Con gái Phượng Hà chết vì sinh khó. Con trai Hữu Khánh chết vì bị lấy quá nhiều máu. Con rể Nhị Hỷ chết vì tai nạn bốc vác. Đứa cháu trai duy nhất, Khổ Căn rồi cũng bỏ ông mà đi, vì bội thực đậu luộc.
Sức lực của ông cứ bị mài mòn mãi đi, mài mòn cho đến tận cùng tâm hồn vì những sự ra đi đau đớn ấy. Có khi nào ông tự hỏi, cái đói cái nghèo chính là nguyên nhân của những hoàn cảnh bi ai ấy không hay ông nghĩ đó là sự trừng phạt của số phận, là sự oan nghiệt mà bất kì ai sống trên cuộc đời này cũng phải trải qua. Nhưng đáp lại ông chỉ là câm lặng đến ngàn đời.
Thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, cứ tàn nhẫn cướp đi của ông những hạnh phúc nhỏ nhoi, để trả lại là ngàn ngàn đắng cay. Đi đến gần hết cuộc đời, người đàn ông ấy lại chỉ lủi thủi một mình với con trâu già. Cô độc. Cô độc đến đỉnh điểm.
Những giọt nước mắt nghẹn lại qua từng trang giấy mỏng mảnh. Ranh giới giữa hạnh phúc và đau đớn chưa bao giờ mong manh, nhỏ bé đến như vậy. Tôi chưa bao giờ sợ hãi, lo lắng như vậy khi lật từng trang giấy của “Sống”. Chỉ sợ rằng, chút hạnh phúc mà họ vừa mới nhận được sẽ tan đi như khói mây, để ập đến bên đời họ là bất hạnh. Mắt tôi nhòe đi trong cái khoảnh khắc người con trai gầy gò bé nhỏ Hữu Khánh của gia đình Phú Quý ngây ngô để người ta rút đến cạn kiệt máu trong cơ thể bé mọn của mình chỉ vì để cứu vợ của chủ tịch. Chút hạnh phúc mà gia đình Phú Quý có được khi Hữu Khánh được giải nhất cuộc thi chạy đã tan đi vội vã.
Thấy mình đờ đẫn, căm giận, quặn đau. Thấy bàn tay trên trang giấy đã buông ra từ khi nào. Cuộc sống trôi nổi, càng trôi nổi. Chút vui được nhen nhóm lên từ trong mất mát đã bị chết yểu vào những giây phút tưởng như hạnh phúc nhất. Người cha khốn khổ đã âm thầm chịu đựng nỗi đau ấy, và âm thầm đón nhận những nỗi đau khác ập đến.
Cảnh người con gái câm Phượng Hà rên rỉ, đau đớn để rồi chết vì mất nhiều máu quá khi sinh con đã đẩy sự bất hạnh đến cực điểm của nó. Tôi chưa bao giờ căm giận số phận khủng khiếp như giây phút ấy. Những gì nghiệt ngã nhất đã xảy ra. Vĩnh viễn chìm trong câm lặng. Giọt nước mắt đau khổ đã ngưng cạn, đã đóng đặc thành một khối u ẩn giấu trong lồng ngực. Tôi cũng cảm giác như Phú Quý đã không còn chút sức lực nào để sống nữa. Chính tôi cũng tưởng như trái tim mình ngừng đập, như chính mình đang đi giữa cuộc sống ấy, bất hạnh ấy, đau đớn ấy.
Tôi không còn chút cảm giác nào với hơi thở của chính mình. Nhưng ông vẫn sống, vẫn sống dai dẳng với cuộc đời này, như chờ đợi, như thách thức, như gặm nhấm. Có lẽ, đã đủ đau đớn nên người ta không còn cảm thấy sợ sống nữa. Một đời người đã trải qua tất cả hỉ, nộ, ái, ố của để rồi cuối cùng bơ vơ, nhưng chưa một giây phút nào ông ngừng sống. Ông chờ đợi từng ngày cho sự ra đi của mình trong lặng lẽ. Tôi chỉ biết khóc, vì bản thân đã không thể nào chịu đựng được những đau đớn ấy. Tôi lặng im vì mọi ngôn ngữ đều bất lực khi diễn ta nỗi đớn đau và bất hạnh.
Hình ảnh người đàn ông già nua lững thững bên con trâu cũng già như ông khiến tôi vĩnh viễn không thể nào quên được. Tôi ghi nhớ nó trong cuộc sống của mình như để nhắc nhở chính bản thân mình. Bước vào cuộc sống của những nhân vật trong câu chuyện ấy, tôi thấy mình nhỏ bé, hạnh phúc và may mắn. Trong hoang mang tận cùng, tôi vẫn tự dặn lòng mình phải sống, phải sống… Tác phẩm “Sống” của Dư Hoa thực sự đã đi đến tận cùng hai chữ “cuộc sống” mà chúng ta đôi khi cố công định nghĩa. Thế thôi, “Sống” đã đủ đầy, trọn vẹn, và bất tử.
Trương Nghệ Mưu đã đưa “Sống” của Dư Hoa lên phim, với một kết thúc có hậu cho cuộc đời oan nghiệt của Phú Quý, như để cứu vớt trong lòng mỗi con người chúng ta một chút niềm tin còn sót lại. Khi bộ phim ấy kết thúc, nhìn Phú Quý hạnh phúc bên đứa cháu của mình, tôi lại xót xa nghĩ về một Phú Quý cô độc trên trang giấy của Dư Hoa. Nhưng ít ra, tôi đã có thể khóc nhẹ nhàng hơn…
***
Lúc còn trẻ hơn bây giờ mười tuổi, tôi được giao cho một nghề rong chơi nhàn lắm: Về các vùng quê thu thập ca dao dân gian. Cả mùa hè năm ấy, tôi như một con chim sẻ bay tung tăng, rong ruổi trên đồng quê thôn xóm ăm ắp tiếng ve sầu và ánh nắng. Tôi thích uống nước trà có vị đắng của nông dân. Họ để thùng nước trà ở dưới bóng cây bên bờ ruộng. Tôi cứ việc cầm cái bát bám cáu trà đen nhẻm múc nước uống tự nhiên, lại còn rót đầy một bình toong của mình, nói với cánh đàn ông trên ruộng dăm ba câu vớ vẩn, rồi đi thẳng trong tiếng cười khúc khích vì tôi của các cô gái. Tôi đã từng nói chuyện với một ông già coi ruộng dưa cả một buổi chiều. Đây là lần tôi được ăn dưa nhiều nhất trong đời. Khi tôi đứng lên chào tạm biệt, đột nhiên phát hiện mình bước đi khó khăn như người đàn bà chửa. Sau đó, tôi ngồi ở ngưỡng cửa với một người phụ nữ đã lên chức bà nội. Bà vừa bện giày cỏ, vừa hát cho tôi nghe bài “Tháng mười mang thai”. Tôi thích nhất là vào lúc chiều tối, ngồi trước nhà nông dân, nhìn họ té nước giếng lên sân cho bụi khỏi bay lên, ánh nắng cuối ngày lung lay nhè nhẹ trên ngọn cây; tôi cầm cái quạt họ đưa cho, nếm miếng dưa nén của họ mằn mặn như muối, nhìn cô gái nào đó, nghe mấy bà già kể chuyện ngày xửa ngày xưa.
Mùa hè ấy suýt nữa tôi còn lao vào một chuyện tình. Tôi gặp một cô thôn nữ xinh xinh thinh thích, mãi bây giờ khuôn mặt trái xoan bánh mật của cô ấy vẫn còn lấp lánh trước mắt tôi. Lúc tôi gặp cô ấy, thì cô ấy đang xắn ống quần ngồi trên bãi cỏ xanh bên bờ sông, tay cầm một cái roi tre, chăn đàn vịt béo mủm mĩm. Cô gái mười sáu mười bảy tuổi này đã e thẹn nói chuyện với tôi suốt một buổi chiều nóng nực. Tôi nhìn cô ấy len lén bỏ ống quần xuống, giấu che ngón chân đi đất của mình vào lùm cỏ. Chiều hôm ấy tôi tán dóc lắm, rêu rao kế hoạch sẽ đưa cô ấy đi chơi ở các nơi như thế nào. Cô ấy vừa ngạc nhiên vừa mừng. Lúc đang cơn say sưa, quả là tôi cũng đã nói những câu thật lòng. Có điều ở bên cô ấy, chỉ cảm thấy thâm tâm mình vui vẻ, chứ không suy nghĩ sau này sẽ ra sao. Nhưng sau đó, ba người anh trai lực lưỡng khỏe như trâu của cô ấy đi đến, tôi mới giật nảy người, cảm thấy mình nên vĩnh biệt cô gái đáng yêu này; nếu không, tôi sẽ chẳng thể tránh khỏi việc lấy cô ấy làm vợ.
Tôi bỏ đi với dáng dấp thế này: Đầu đội mũ lá rộng vành, chân đi dép lê, một cái khăn mặt giắt vào thắt lưng da ở đằng sau như cái đuôi đập vào mông. Tôi há to mồm ngáp một cái, bước tản mạn trên con đường mòn. Đôi dép lê của tôi cứ lạch bạch lạch bạch, hất tung bụi đường, y như cảnh lúc bánh xe lăn qua.
Mời các bạn đón đọc Sống của tác giả Dư Hoa.