Review nightowlirene:
Truyện có những mô típ thường thấy trong đam mỹ công si tình suốt nhiều năm từ một cậu bé dần trưởng thành để bảo bọc người thương.
Nhưng cái hay của Priest đó chính là bạn thụ thật sự khác người… vừa thô lỗ vừa vô tâm vô phế nhưng lại là một người anh cả vĩ đại sẵn sàng sống chết vì tiền vì cơm ăn áo mặc cho gia đình. Tính cách lạ lùng như dậy mà Priest cũng hòa trộn vô chung một con người được tui cũng thật sự nể.
Tui cũng phải thành thật là tui không đọc chăm chú truyện này từ đầu tới cuối đâu vì chuyện giang hồ chuyện làm ăn kinh doanh tui mù tịt nên đọc kĩ đầu óc cũng không tập trung nổi. Tui thấm được cái hay của chuyện qua mạch tình cảm của hai nhân vật chính. Cơ mà cũng không thể bỏ qua các nhân vật phụ của truyện này từ bà mẹ nghiện ngập của Ngụy Kiêm, bà Tống, mẹ Mặt Rỗ, lão Tam Béo, lão Hùng, Tiểu Bảo,… ai cũng có tính cách rõ ràng độc lập và học được bài học từ họ. Tui cho rằng đây không chỉ là tình cảm đơn thuần mà còn là tác phẩm truyền tải nhiều ý nghĩa về cuộc đời, về tranh chấp giữa người với người, về quá trình trưởng thành không dễ dàng trong mỗi chúng ta, về nỗi đau của người gần đất xa trời.
Trong các nhân vật, mẹ của Ngụy Khiêm có thể nói là một người phụ nữ khốn nạn sống dở mà chết cũng dở nốt. Tuy nhiên ngẫm kĩ thì bà ta đáng thương, sống chưa kịp trưởng thành đã bị cưỡng hiếp rồi sinh con lúc nào cũng không rõ đến khi cưới được người đàn ông đàng hoàng thì bà cũng tận hưởng được vài năm rồi kết thúc. Bà xinh đẹp nhưng nhan sắc bà cũng trở thành công cụ cho một nghề rẻ mạt. Nhân vật này cho tui thấy con người như một cái cây nuôi dưỡng bởi rác rưởi nên đầu óc cũng không thể chấn chỉnh nỗi, đáng thương. Cuộc đời chỉ có một lần làm nên chuyện ý nghĩa là câu chuyện cổ tích đáng sợ kể cho Ngụy Khiêm tựu chung lại ý là “không có bữa trưa nào miễn phí” . Bà dạy cho Ngụy Khiêm sự thù hận mà những đứa trẻ tuổi đó không nên có nhưng có lẽ đó cũng là một món quà khi cuối cùng Ngụy Khiêm học được cách buông bỏ thù hận với bà. Coi như bà cũng có chút ý nghĩa trong đời Ngụy Khiêm.
Bà Tống thì nhân vật này cho tui thấy được cuộc đời này con người cũng có thế này thế khác. Bà già nhiều chuyện lại phiền phức còn tính kế để giành Tiểu Bảo đi khỏi Ngụy Khiêm. Nhưng bà ta cũng đáng thương và tốt bụng biết bao. Tuổi đã gần đất xa trời mà người thân chỉ còn đứa cháu gái ruột, nghĩ thấy bà muốn giành cháu về cũng là tâm lý bình thường hơn nữa Ngụy Khiêm tốt nhưng làm cái nghề lưu manh thì người già như bà sợ chết, nhìn vào chỉ muốn cháu mình cách xa Ngụy Khiêm chục cây số thôi. Bà ta quê mùa nhưng có cái tình quê, thấy Ngụy Khiêm cũng có máu học hành thì hết sức ủng hộ, bà ta biết phụ giúp để ủng hộ anh. Ban đầu thì Khiêm và bà Tống đối địch vì Tiểu Bảo nhưng sau cùng họ thành gia đình cũng là vì Tiểu Bảo.
Ngụy Khiêm có thể thuộc dạng thụ độc nhất vô nhị mà tui biết. Anh ta đúng kiểu đực rựa chính hiệu không có tế bào thần kinh sâu sắc, cho nên tình cảm của thằng em bao năm cũng không nhận ra, tính tình còn hết sức gia trưởng. Anh là trụ cột cũng là chủ gia đình nên anh quản lý các thành viên theo chuẩn mực của mình nên không ít lần anh gò bó Tiểu Bảo theo chuẩn mực đó, làm cô bé tổn thương. Nhưng sự hi sinh của anh cho gia đình làm tui không ghét anh được, ý chí học hành vươn lên lại hết sức phi thường. Cả câu chuyện có thể làm động lực cho các bạn trẻ mầm non làm động lực khởi nghiệp cũng nên, thằng nhóc từ hồi tiểu học cho đến mấy chục tuổi không cha không mẹ lại nuôi thêm đứa em gái cùng mẹ khác cha, bạn tiểu công “lụm” được ngoài đường, còn phải lo cho mẹ của thằng bạn quá cố. Quá trình trưởng thành của thằng cha này không bình thường chút nào nhiều lần bị chém bị đánh sắp chầu ông bà nhưng vì gánh nặng trên vai mà cuộc sống anh có thể ví như “loài gián” đập hoài không chết. Thật sự khâm phục nhân vật này.
Bạn công Ngụy Chi Viễn thì tư chất thông minh nhưng tính tình biến thái, từ nhỏ tới lớn trong thế giới của cậu chỉ có “anh hai” Ngụy Khiêm. Tình cảm sâu đậm của cậu làm hủ nào đọc lòng cũng mềm, cái sự si tình này cũng thường thấy theo mô típ tình cảm thôi nhưng cái đặc biệt ở đây là truyện dưỡng thành nên tình cảm của cậu cũng trưởng thành theo. Từ sự ngưỡng mộ anh hai đến tình cảm e ấp cho đến tình yêu sâu đậm muốn chiếm hữu anh hai rồi cuối cùng trở thành một tình cảm giác ngộ, yêu vì người ấy, làm tất cả để chăm sóc người ấy, cho dù người ấy có thể bên cạnh một cô gái khác. Bạn công này có thể nhận xét là một con sói đầu lạnh như băng nhưng tình cảm tinh tế, chỉ duy nhất với anh thụ.
Tình cảm của công và thụ thì phát triển hết sức tự nhiên. Cái khó của văn dưỡng thành là làm sao xoay chuyển tình cảm gia đình, anh em thành tình yêu, vì nếu viết không đúng có thể làm tình tiết phát triển mất tự nhiên, gượng gạo. Nhưng Priest làm rất tốt, truyện chỉ có 69 chương thôi nhưng các tình cảm của hai người được dẫn dắt từng bước từng bước một nhanh chậm hợp lý. Từ lúc Ngụy Khiêm nhận ra khuynh hướng “cong” của cậu em cho đến anh chấp nhận thì lại lòi ra thằng nhỏ thích anh rồi cuối cùng cách xa nhiều năm hai người gặp nhau thành thật hiểu nhau mà nhận ra tình cảm của nhau. Thật ra thì tính cách đặc thù như Khiêm và Chi Viễn thì hai người chỉ có thể đến với nhau chứ chả ai chen chân vào nổi. Trong thế giới của Khiêm chỉ có gia đình và gánh nặng trên vai không có thì giờ quan tâm người phụ nữ khác, anh là chuẩn kiểu “ngoài lạnh trong tâm thì sao cũng được”. Trong thế giới của Viễn chỉ có thần tượng là Khiêm, kiểu tình cảm như vậy càng yêu càng sâu nên kêu cậu buông bỏ thì cũng khó như lên trời.
***
Review yanmai:
Ờ, lại một bộ nữa của Pi đại :))
Thực lòng thì mình rất thích Pi đại, thích cách chị ý xây dựng cốt truyện, thích những nhân vật muôn màu muôn vẻ của chị ý, thích hết =)) Nhưng vì trong bài review Sát Phá Lang mình đã nói quá nhiều rồi cho nên giờ mình chỉ focus on Đại ca thôi nhé.
Đầu tiên phải nói đây là một bộ chậm nhiệt văn. Tức là, ừm, nó không dành cho những bạn nào thích tình cảm nồng nhiệt bỏng cháy, ngược chết đi sống lại hay là hường phấn tung tóe. Đây là một câu chuyện thật, rất thật về một chàng trai tên là Ngụy Khiêm và hành trình giãy dụa muốn thoát khỏi vũng bùn của chàng trai ấy. Mình đã đọc kha khá truyện về người nghèo, nhưng chưa có bộ nào để lại cho mình ấn tượng sâu đậm như Đại ca. Bối cảnh Pi đại dựng lên có vẻ không đặc biệt, vẫn là một khu chung cư trát cứt gà sáp nghèo tơi nghèo tả, cũng là một số phận đời cay nghiệt khổ sở: mẹ là gái điếm, tuổi thơ bất hạnh do bị mẹ hành hạ, một tâm hồn sứt sẹo méo mó mang tâm lí phản xã hội….Thế nhưng cái cách Pi đại miêu tả lại đêm lại một cảm nhận rất khác. Cái bất hạnh nghèo khổ đau đớn của Ngụy Khiêm không chỉ được nói lên bằng mấy từ chung chung đơn giản, mà nó hiện lên, phản ánh qua từng suy nghĩ, từng hành động, từng thói quen của nhân vật. Cái nghèo ấy cũng không phải là nghèo thê thảm tang thương mà là nghèo đến cười ra nước mắt, cái chật vật khổ sở ấy giống như một bức màn đen để làm nổi bật lên những đức tính, những tình cảm cao đẹp của nhân vật. Đó là Ngụy Khiêm liên tục bì giày xéo như giun nhưng không bao giờ chịu đầu hàng mà luôn giãy dụa đứng dậy, đó là Ngụy Chi Viễn luôn ép mình phải lớn lên để gánh vác thay anh hai, đó là Tống Tiểu Bảo bình thường luôn ngốc nghếch nhưng lúc cần thiết lại rất hiểu chuyện, đó là Tam Béo nghĩa khí, là lão Hùng sợ vợ, à, còn cả bà Tống miệng lưỡi chua ngoa và “Thần Quy chân nhân” Mã Xuân Minh nữa. Qua ngòi bút thần sầu của Pi đại, những nhân vật đó hiện ra chân thực và sống động đến bất ngờ, hình thành nên một xã hội với đủ các mối quan hệ và tình cảm khác nhau, những mối quan hệ và tình cảm ấy giống như những sợi to mỏng, rất mỏng, đan cài vào nhau, hợp lí và logic đến không ngờ.
Lần này, thay vì nói nhân vật, mình thích nói đến những tình tiết, vì mình cảm thấy tính cách nhân vật trong truyện của Pi đại khá là sinh động, nó có sự vận động theo thời gian và tuổi tác, do vậy rất khó để khái quát lại được, mà trong khi đó, qua tình tiết, mình lại dễ cảm nhận được tính cách đó hơn. Ví dụ như đoạn Ngụy Khiêm gặp Ngụy Chi Viễn, khi đó Ngụy Chi Viễn chỉ là một đứa trẻ lang thang, đói rách đến mức phải giành đồ ăn của chó. Mình cứ tưởng Ngụy Khiêm sẽ động lòng trắc ẩn sau đó đưa Ngụy Chi Viên về nuôi, nhưng mà mình nhầm to. Ngụy Khiêm không hề thích Ngụy Chi Viễn, thậm chí khi Ngụy Chi Viễn theo về nhà thì còn chửi mắng thô tục, đánh đuổi em nó, không cho em nó bước vào nhà :< Nhưng đó mới đúng là tình cách của Ngụy Khiêm. Gã quá nghèo, gã quá khổ, sự khổ sở của gã không cho phép lương tâm gã thức tình. Hơn nữa, Ngụy Khiêm cũng thừa biết, gã không đèo bòng thêm ai khác được nữa. Nhưng một khi gã chấp nhận Ngụy Chi Viễn vào nhà rồi, thì gã coi cậu cũng y như em gái gã, đối xử hai đứa công bằng, không thiên vị người nào. Và cả đoạn cô giáo tìm đến muốn Ngụy Khiêm đi học lại, mặc dù vô cùng khao khát, khao khát muốn được tiếp tục theo học để vươn lên ánh sáng, rời khỏi con đường lao động chân tay để mặc áo blouse trắng, làm việc trong phòng thí nghiệm, nhưng Ngụy Khiêm lại từ chối, chỉ vì bốn chữ cơm áo gạo tiền. Gã không muốn ích kỉ cho mình mà làm khổ đến hai đứa em, không muốn chỉ vì con chữ của riêng mình mà hai em phải chịu đói rách. Ôi đọc đến đoạn ý mà muốn khóc lắm, thương lắm :< Mỗi một chi tiết trong truyện dù là rất nhỏ đều cảm động chết đi được, thật đấy, giọng văn không phải kiểu thảm thiết nặng nề mà là nhẹ nhàng, đôi lúc tưng tửng, nhưng đằng sau cái sự hài hước lại là sự chua xót đắng cay không nói nên lời.
So với hai nhân vật chính, không hiểu sao mình lại rất ấn tượng với nhân vật bà Tống. Lúc đầu khi bà ấy xuất hiện mình phải nói là cực cực kì ghét. Bà là bà nội của Tống Tiểu Bảo, từ quê lên, vốn là định nhờ cậy con trai nhưng lại phát hiện con trai đã chết, bà chỉ còn cách sống nhờ nhà Ngụy Khiêm. Bà thấy Ngụy Khiêm là lưu manh côn đồ, vì thế vô cùng ghét gã, bà luôn rủ rỉ dụ dỗ Tống Tiểu Bảo, nói bóng nói gió mỉa mai Ngụy Khiêm trước mặt con bé, bà muốn con bé ghét Ngụy Khiêm để dễ bề đưa con bé đi. Ngụy Khiêm lúc nào cũng nhịn, à không phải nhịn, mà là không thèm chấp, nhưng đến một lần bà chửi đến mẹ Ngụy Khiêm thì gã không chịu được nữa mà nhảy vào bóp cổ bà, sau đó bà dứt khoát đưa Tống Tiểu Bảo đi luôn. Ôi đm thề lúc ý mình lộn ruột ý, âm thầm rùa xả bà già này độc ác quá này nọ, ghét cả con bé Tiểu Bảo sao lại nỡ dứt áo phản bội ông anh nuôi nấng mình ngần ấy năm. Thế mà lúc sau tất cả bực tức ấy lại được Pi đại hóa giải một cách lạ kì. Tống Tiểu Bảo trốn về, sau đó bà Tống cũng về theo. Ngụy Khiêm nhường bà một nước, bà cũng nhường Ngụy Khiêm một nước. Bình bình đạm đạm sống cùng với nhau, dần dần cảm thông cho nhau và hình thành một thứ gọi là “gia đình.” Bà Tống hiểu được Ngụy Khiêm không phải là lưu manh côn đồ, ngoài miệng gã độc ác thế thôi nhưng thực chất trong lòng thương yêu các em nhiều lắm, bản thân gã cũng muốn thoát khỏi vũng bùn này để trở thành một con người. Còn Ngụy Khiêm cũng nhận ra bà Tống chỉ là một bà già nhà quê, cổ hủ, thương con thương cháu quá mà thôi. Bà ác miệng nhưng không ác lòng, sống với ba anh em, bà cũng biết chạy đôn chạy đáo bươn chải lo toan, biết nấu cơm giặt giũ chăm lo cho cả nhà, còn biết đấu khẩu chửi nhau với bà hàng xóm =)) Khi cô giáo đến thuyết phục Ngụy Khiêm đi học lại, bà cũng là người vui nhất, hào hứng nhất, chỉ hận không thể đạp bay Ngụy Khiêm đến trường cho rồi. Hễ cứ ra ngoài là bà lại khoe Ngụy Khiêm giỏi giang thế này thế nọ, giống như sợ người ta không biết cháu bà giỏi không bằng, làm Ngụy Khiêm xấu hổ muốn chết, nhưng lại không kìm được mỉm cười hắng giọng gọi một tiếng “bà nội, về thôi”. Hình ảnh người bà lúc này hiện lên thật đẹp, thật chân thật, khiến mình không khỏi nghĩ đến bà nội của mình. Đó là người bà chân chất, quê mùa, suốt đời làm lụng vì con vì cháu, đến lúc sung sướng rồi vẫn quen khổ như xưa. Đó là người bà sẽ lo lắng hốt hoảng khi nghe tin cháu đi bụi, nhưng khi cháu về rồi lại cầm chổi vừa khóc vừa đánh chửi cháu. Một người bà như vậy, mình cứ nghĩ là sẽ có một cái kết thật đẹp, giống như Ngụy Khiêm nói, nếu bà chưa chết thì sẽ cố hết sức để cứu bà sống lại, còn nếu bà chết rồi thì sẽ làm một đám tang thật hoành tráng. Nhưng cuối cùng thì sao, cuối cùng bà Tống lại vì không muốn làm gánh nặng cho con cháu mà bỏ đi, bỏ đi thật xa, chết ở đâu cũng không biết. Có thể nói sự bỏ đi của bà và mẹ Mặt Rỗ gây ám ảnh cho mình suốt truyện, sự ra đi của họ vừa giống như thật cao thượng, lại vừa giống như thật tàn nhẫn.
“Chị à.” Mẹ Mặt Rỗ nói, “Nhân bọn trẻ đều vắng nhà, tôi phải đi đây, nếu không đi, trời sẽ ấm lên, tôi lại phải đợi đến sang năm.”
Trời ấm, người lang thang sẽ không dễ chết.
“Tôi sang chào chị một câu.” Nói xong bà điều khiển xe lăn đi đến thang máy một cách khó khăn.
Đúng lúc này, bà Tống đột nhiên lên tiếng gọi lại: “Dì nó ơi!”
Mẹ Mặt Rỗ quay đầu lại nhìn bà lão.
Môi bà Tống run run rất lâu: “Tôi… tôi đi, đi cùng dì.”
Mẹ Mặt Rỗ giống như sớm đoán được, chẳng hề giật mình: “Đi thôi chị.”
Cứ thế, trong cái đêm lạnh giá tuyết sắp rơi, cả hai dắt nhau đi khỏi tầm mắt mọi người, không còn xuất hiện nữa.
Bà Tống đến từ Trung thu, đi vào đầu xuân, mang theo chút tôn nghiêm và thể diện cuối cùng.
“Tôi tốt xấu gì cũng biết vài chữ, viết được di thư, còn để lại một phong thư nữa đấy.” Trên đường, mẹ Mặt Rỗ nói với bà Tống như thế.
Bà Tống hỏi: “Trên thư viết gì vậy?”
“Viết là ‘tôi chưa chết, tôi chỉ đi thôi’.”
Không phải tử biệt, chỉ là sinh ly.
Đớn đau và hạnh phúc, sống không ôm được, chết chẳng mang theo.
Chỉ có hoàng hôn hoa mỹ mà vô thượng. – Trích từ bài thơ Hoàng hôn mùa thu của Hải Tử.
Còn về tình cảm của nhân vật chính ấy à, ừm, Ngụy Khiêm tuy là người gai góc thật, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Ngụy Chi Viễn lại có được sự ẩn nhẫn và kiên trì tuyệt đối. Thực ra dạo này mình rất thích niên hạ dưỡng thành, mình thích cái kiểu một người không cam lòng chịu sự bảo vệ của một người, do đó bức bách mình lớn lên, bức bách mình trưởng thành để che chở lại người kia. Trường Canh và Cố Quân như thế, Ngụy Chi Viễn với Ngụy Khiêm cũng thế. Vì một người mà cố gắng trở nên cường đại, đó là một ước nguyện đẹp đến mức nào.
Lý tưởng của anh vốn là làm một nhà khoa học, mặc blouse trắng đi lại trong phòng thí nghiệm, ghi chép các loại số liệu, làm luận văn, đánh tài liệu, nghiên cứu nọ kia, mỗi ngày ăn cơm cũng nghiên cứu, ngủ cũng nghiên cứu, trừ nghiên cứu thì chẳng để tâm đến chuyện gì, khỏi phải lo cơm áo gạo tiền.
Ngụy Khiêm nói, rồi cứ thế ngủ thiếp đi trong chiếc xe có độ ấm thích hợp.
Ngụy Chi Viễn chậm rãi đậu xe ven đường, hạ ghế xuống, kéo tấm chăn ở ghế sau đắp cho anh, lại dém giúp anh, sau đó vén tóc anh lên rồi cúi người đặt một nụ hôn trên trán, trong tình huống anh đã không còn nghe thấy, thỏa mãn mỉm cười đáp rằng: “Được ạ!”
Anh thích làm sao thì làm.
Từ nay về sau, chúng ta chỉ có tử biệt, không còn sinh ly nữa – Tiền Chung Thư.
Tóm lại là, mình rất thích truyện này và muốn recommend cho các bạn đọc thử, thế thôi :))
Mời các bạn đón đọc Đại Ca của tác giả Priest.