Tuy phần lớn những bài viết sau đây đã được viết trong những hoàn cảnh nhất định khác nhau, nhưng tôi đều đã viết với ý định một ngày nào đó sẽ nối kết chúng lại với nhau trong một cuốn sách tiểu luận, tổng kết các suy nghĩ của tôi về nghệ thuật tiểu thuyết.
(Tôi có cần phải nhấn mạnh rằng tôi không hề có chút tham vọng nào về lý thuyết và toàn bộ cuốn sách này chỉ là tâm sự của một người thực hành. Tác phẩm của mỗi nhà tiểu thuyết đều chứa đựng một cách nhìn ẩn ngầm về lịch sử tiểu thuyết, một ý tưởng về thế nào là tiểu thuyết: ở đây tôi muốn trình bày chính cái ý tưởng đó, gắn liền với các tiểu thuyết của tôi.)
Di sản bị mất giá của Cervantes trình bày quan niệm cá nhân của tôi về tiểu thuyết châu Âu, nó mở đầu cuốn “tiểu luận gồm bảy phần” này.
Cách đây mấy năm, một tạp chí ở New York, tờ The Paris Review đã nhờ Christian Salman phỏng vấn tôi về tôi và cái thói quen nhà văn của tôi. Cuộc nói chuyện đã nhanh chóng chuyển thành đối thoại về những kinh nghiệm thực hành của tôi trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tôi đã chia bài phỏng vấn thành hai phần độc lập, phần đầu, Trò chuyện về nghệ thuật tiểu thuyết, trở thành chương hai của cuốn sách này.
Trong dịp nhà xuất bản Gallimard tái bản bộ Những kẻ mộng du, tôi đã viết bài Di chúc của “Những kẻ mộng du” đăng trên báo Le Nouvel Observateur, mong muốn giúp công chúng Pháp tái khám phá Broch. Tôi đã không in lại bài viết đó ở đây sau khi Guy Scarpetta đã cho ra mắt bài Dẫn nhập vào Herman Broch tuyệt vời của ông. Tuy nhiên không thể bỏ qua Broch là người đã chiếm một chỗ đứng lỗi lạc trong lịch sử cá nhân của tôi về tiểu thuyết, tôi đã viết bài Ghi chép nảy sinh từ “Những kẻ mộng du”, làm phần thứ ba của cuốn sách này, trình bày những suy nghĩ nhằm phân tích tác phẩm này ít hơn là nói lên những gì tôi đã chịu ơn ông, chúng ta đã chịu ơn ông.
Cuộc đối thoại thứ hai với Christian Salman, Trò chuyện về nghệ thuật kết cấu, bàn về các vấn đề nghệ thuật, “thủ công nghệ” của tiểu thuyết, đặc biệt về kết cấu của nó, xuất phát từ những cuốn tiểu thuyết của chính tôi.
Đâu đó ở phía sau kia là tóm tắt những suy nghĩ của tôi về các tiểu thuyết của Kafka.
Bảy mươi hai từ là cuốn từ điển các từ - chìa khóa thường gặp trong các tiểu thuyết của tôi, và các từ- chìa khoá trong mỹ học về tiểu thuyết của tôi.
Mùa xuân 1985, tôi đã nhận Giải thưởng Jérusalem. Đức cha Marcel Dubois, dòng Dominicain, giáo sư trường đại học Jérusalem, đã đọc lời chúc mừng bằng tiếng Anh với một giọng đặc Pháp; bằng tiếng Pháp với một giọng đặc Séc, tôi đã đọc đáp từ cám ơn, biết rằng đáp từ đó sẽ là phần cuối của cuốn sách này, dấu chấm hết cho những suy nghĩ của tôi về tiểu thuyết và châu Âu. Tôi đã đọc đáp từ đó trong một môi trường không ở đâu có thể đậm chất châu Âu hơn, nồng nhiệt hơn, thân yêu hơn.
***
Sứ mệnh của tiểu thuyết
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người…
Nếu tin theo các nhà phê bình, sản phẩm nghệ thuật hiện đại được chia thành văn hoá đại chúng, những ốc đảo nhỏ của chủ nghĩa truyền thống đã già cũ không thể nào cưỡng lại được và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đối với phần đông các tác giả, cái sau cùng là câu trả lời tương xứng cho các yêu cầu của thời gian, là sự phản ánh chính bản chất của thời đại chúng ta đang sống qua. Nếu khoảng hai mươi năm trước người ta không ngớt tranh luận về đề tài “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì”, thì bây giờ trong tất cả các ấn phẩm có liên quan đến văn học, tại tất cả các hội nghị khoa học, mọi câu chuyện lại xoay quanh chủ nghĩa hậu hiện đại là gì. Trong khi đó văn học và tư tưởng mỹ học vận động lên trước không chỉ theo đường ray của những quan niệm phổ quát được thừa nhận rộng rãi (tính cho đến thời điểm này). Một trong những hiện tượng độc đáo đáng được chú ý hết sức nghiêm túc trong văn học châu Âu hiện đại, có thể nói một cách chắc chắn, đó là các tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan Kundera.
Thực tế là tất cả những gì ông viết ra, kể từ những tập thơ đầu tiên xuất bản vào những năm 50, đều thu hút sự chú ý của độc giả và làm dấy lên những cuộc tranh cãi phê bình, mặc dù nhìn chung thơ của ông, cũng như vở kịch “Người giữ nguồn nước” (1962) từng gây tiếng vang, vẫn nằm trong khuôn khổ những quan niệm vốn có hồi ấy về văn học xã hội chủ nghĩa, còn những xung đột tình yêu từng được coi là mạnh bạo trong tập thơ “Độc thoại” (1957) đến hôm nay cảm thấy là thường. Nhưng tận trong tính cách và tài năng của Kundera ngay từ đầu đã có tính phi chuẩn mực, tính luận chiến, chúng sẽ được bộc lộ đầy đủ trong văn xuôi và các bài luận lý thuyết của ông.
***
Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Tiểu Thuyết của tác giả Milan Kundera.