Sài Gòn, hai từ ngắn, gợi ra chuỗi dài những hình dung, những kỷ niệm, những buồn vui và nỗi hân hoan, những mùi, những vị, những khuôn mặt và thân phận… không dứt. Hơn 300 năm lịch sử và vài mươi năm đời người, những biến thiên lịch sử đủ để Sài Gòn pha một bảng màu rực rỡ văn hóa cho mỗi viên sỏi nhỏ trên đường đến một thế giới rộng lớn.
Người viết về Sài Gòn, không chỉ viết về ký ức hay nỗi nhớ của mình mà viết thay hàng triệu sinh linh đã gắn đời mình với miền đất mở. Những trang viết góp chiều dài lịch sử, góp cảm thức hôm nay dành dụm cho nỗi hoài niệm của ngày mai.
Nên không chỉ là câu chuyện về món ăn, thức uống, một chỗ ngồi, một con phố, một tên người…, tạp văn về Sài Gòn là diễn dịch lại chính mình trong hình dung của một thành phố bao dung. Thủ thỉ kể, thủ thỉ nghe, thủ thỉ cảm, thủ thỉ nghĩ… với Sài Gòn kềnh càng, mâu thuẫn, nhọc nhằn - loạt sách nhỏ nhưng cũng độ lượng, thảnh thơi, mềm dẻo, là sự vui thú không dành riêng cho ai. Chỉ cần để Sài Gòn tràn đầy và chảy ra trên trang viết, trên bàn phím. “Sài Gòn tản văn” hi vọng là một Sài Gòn bạn tìm kiếm, tuyệt hơn nữa là một Sài Gòn của riêng bạn. Tủ sách “Sách bỏ túi” có phiên bản tiếng Anh “Book - pocket” do ban biên tập tạp chí Sai Gon CityLife và Phuong Nam Book thực hiện. Rất hoan nghênh sự góp sức của các nhà văn, nhà báo, người viết gần xa để tủ sách thêm phong phú và nhiều ý nghĩa.
***
• Christine Buckley
Anh tôi lại về nhà. Lần này “nhà” không còn ở thành phố New York, nơi mà hai ông anh nuôi người Việt cùng tôi lớn lên trong những năm 80. “Nhà” giờ là Thành phố Hồ Chí Minh, ba mươi năm trước là Sài Gòn, nơi chiếc trực thăng cuối cùng bay lên khỏi sân thượng của tòa đại sứ Mỹ; và cũng là nơi, hai mươi sáu năm kể từ khi Phước, Hòa và những anh em họ leo lên các con thuyền mỏng manh rò rỉ để vượt thoát khỏi quê hương tan vỡ của họ. Sau đó mỗi người trải qua mười sáu tháng trong hai trại tị nạn khác nhau, rồi họ lần lượt đến Mỹ, một người 13 tuổi, một người 17 tuổi, đều bé nhỏ và tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Khi được cha mẹ tôi nhận làm con nuôi, các anh trở thành anh em của nhau, và của tôi. Khi ấy, tôi là một con bé da trắng vừa lên tám, và đường chân trời trải ra xa nhất đối với mắt tôi là con thiết lộ ở miền Long Island.
Thời gian trôi đi. Năm 2005 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 10 từ khi hai đất nước của chúng tôi tái thiết lập những quan hệ ngoại giao. Mọi chuyện tiến triển nhanh. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm vừa qua, Việt Nam sẳn sàng gia nhập WTO trong năm 2006.
Tuy vậy, các anh của tôi cảm thấy mình là những người ngoài cuộc mãi mãi. Họ là người Á đông khi ở Mỹ, và là người Mỹ khi ở Việt Nam. Và họ quá bận tâm với việc giúp đỡ những người thân còn ở Việt Nam hơn là nghĩ về việc kinh doanh hay đầu tư trong cuộc bùng nổ kinh tế của chính quê hương mình. Anh Phước, tên ở nhà là Joe, 38 tuổi, là một thợ làm móng tay lang bạt và một cựu bếp trưởng nhà hàng sushi . Anh bị việc tìm cưới và mang một cô gái Việt “chân quê” về Florida ám ảnh. Ở đó, hai người thuê chung một căn hộ với một người bạn Việt khác và bốn người di dân gốc Mễ. Số tiền vài ngàn đôla mà Joe mang về trong những chuyến thăm nhà hằng năm được tiêu vèo hết trong việc mua sắm quà, ăn nhà hàng, và thỉnh thoảng là chiếc xe gắn máy hay bộ máy vi tính cho một cô cháu hay một cậu cháu nào đó đang cố bắt kịp với trào lưu của xã hội tiêu dùng. Phước luôn về Mỹ với cái túi rỗng, anh lại chuẩn bị cho một vòng mưu sinh và dành dụm mới. Một vài người thân của anh rồi cũng nhận ra rằng “ông chú Mỹ rủng rỉnh” của họ đang cày cuốc cật lực trên xứ sở giàu có kia.
Hòa, 42 tuổi, là thợ máy năm ngày trong tuần, hai ngày cuối tuần thì trông coi một cửa hiệu bán hoa ở Long Island. Lạ thay, khi đến Mỹ thì anh lớn tuổi hơn mà lại trở nên Mỹ hóa nhiều hơn Joe. Xem bóng bầu dục trên tivi, ăn pizza và lai rai rượu chát là thú tiêu khiển mà anh khoái nhất, và hầu hết bạn bè của anh là người Ý. Nhưng bao giờ anh cũng là người con trai Việt đầy ý thức trách nhiệm. Anh ghé thăm mẹ ruột và sáu người anh chị em ruột hằng ngày, họ đến Mỹ trong những năm cuối thập niên 80, rồi anh còn gửi tiền cho cô dì chú bác đang ở Rạch Giá. Có thể Hòa hơi bị “ngầu”, nhưng lại trong cái cách rất trìu mến. Tôi ở Việt Nam lâu quá, bị anh mắng qua internet phone , “Con nhỏ kia, gọi phone về cho ba má thường hơn nghe chưa!” , hay “Con gái mà giang hồ nhiều quá à nhe, về nhà đi!”. Anh hay phàn nàn về New York, nào là thuế má cao, nào là thời tiết xấu… tuy nhiên anh nói rằng anh không còn có thể tưởng tượng được việc sống ở Việt Nam, quá nóng mà lại không có môn bóng bầu dục Mỹ để xem.
Còn tôi, cô em gái Mỹ của hai ông anh Việt Nam này, đã hơn hai năm nay lại chọn quê hương của họ làm nhà của mình. Ở nhà tôi nói tiếng Việt với Bảo, 19 tuổi, cháu của anh Phước. Bảo dọn vào ở với tôi trong khi học lấy bằng thợ điện. Sáu năm trước, trong chuyến tôi ghé thăm lần đầu, Bảo và mấy cô em dạy tôi tiếng Việt của họ. Giờ thì tôi dạy lại họ tiếng Anh của tôi. Cậu này là một “đệ tử” khó dạy, trừ khi đề tài là về ban Westlife hay về cầu thủ David Beckham. Nếu tôi đã thay đổi, thì Việt Nam còn thay đổi nhiều hơn nữa.
Năm nay lễ kỷ niệm lần thứ 31 “Ngày Giải Phóng” ít rộn ràng, tôi kể cho Phước nghe qua điện thoại internet. Ngẫu nhiên, ở bên nhau trong ngày 30 tháng 04 năm 2000, ngày đầu tiên trọn vẹn của tôi ở Việt Nam, anh và tôi cùng xem diễn hành với nhau trong lúc suy ngẫm về ý nghĩa quốc tịch của mình.
Mời các bạn đón đọc Sài Gòn Tản Văn: Sau Màn Mưa Bụi của tác giả Nhiều Tác Giả,