Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tình Yêu Cuộc Sống

Sẽ là một sự thiếu sót khi bạn không dừng lại ghé chân vào khu vườn sống mãnh liệt trong cuốn sách Tình yêu cuộc sống nếu trước kia bạn đã từng trầm trồ tán dương khúc nhạc tự do cất vang trong tác phẩm Tiếng gọi nơi của hoang dã của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Jack London.

Đó không phải là một cuốn tiểu thuyết, cũng chẳng là một câu truyện dài, nó chỉ vẻn vẹn trong vài ba trang giấy nhưng đã xuất sắc đóng trọn vai diễn của mình, để những độc giả không ai có thể rời khỏi vị trí mà không tự nhận về cho mình vài bài học đáng giá. Hãy đọc nó để tự soi chiếu linh hồn mình với đôi cánh bay của tư tưởng còn bị buộc chặt vào những cái chết và sự chán chê đời sống.

Jack London đã khéo léo trình diễn những khó khăn của nhân vật chính trong truyện, một con người bị lạc sắp chết đói đang cố bò lết tìm kiếm cho mình một lối thoát trước tất cả nỗi sợ hãi. Đó là một cuộc đấu tranh sinh tồn nghe ra thì mộc mạc đơn giản nhưng lại ẩn giấu sự khốc liệt phía bên trong.

Câu chuyện miêu tả hai gã đi tìm vàng ở Bắc Cực nhưng có vẻ đã bị lạc đường. Nhân vật chính trong truyên bị bỏ lại bởi một người cùng đi là Bill. Mở màn là nỗi sợ đơn độc giữa thiên nhiên cùng bóng tối, trong cái lạnh giá của tuyết trắng, từ việc ôm ấp những thỏi vàng rồi khi rũ bỏ hết tất cả chúng đi vì sự kiệt quệ, cái đói hành hạ bụng dạ cồn cào. Họ không còn chút sức lực nào để tiếp tục đi, trong giờ phút đấu tranh cho sự sinh tồn.

“Sự sống là thế ư? Một sự hão huyền và thoảng qua. Chỉ có sống là đau đớn mà thôi. Chết thì chẳng đau gì hết. Chết là ngủ. Có nghĩa là thôi, là nghỉ ngơi. Thế thì tại sao gã lại không bằng lòng thế?”

Nhưng đỉnh điểm của câu chuyện đã phản bội tất cả tâm trí gã khi một con sói xuất hiện với mầm mống bệnh tật trong người. Cả con người và con sói đều đang kề cận lưỡi dao tử thần, chính lúc đó gã nhận ra cả gã và con sói đều đang muốn chiến đấu đến cùng để dành quyền được sống. Tâm trí gã coi nhẹ cái chết, nhưng bản năng gã vẫn đang cố gồng mình. Miêu tả một cách sống động và sâu sắc khi đặt con người và con vật vào tình huống gay cấn.

“Gã ngắm đống xương đã lóc sạch thịt và nhẵn bóng, với sinh bào hồng hồng bên trong còn chưa chết hẳn. Liệu có khả năng, gã cũng có thể như thế trước khi ngày tàn không! Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm và thỉnh thoảng, tiếng quang quác của bày tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hai chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì tiếng thì thầm khàn khàn.”

Trong con người gã, cái chết đã đến từ tuổi thanh xuân, nhưng một sự khát khao sống đến muộn phải chăng mới là một tình yêu cuộc sống lâu dài. Gã chưa bao giờ trông thấy một tình yêu cuộc sống nào ngọt ngào đến vậy. Điều gì khiến gã ích kỷ muốn giữ lại chúng trước một con sói cũng đang khát khao được sống. Con sói vẫn đang chờ đợi lão chết trước để xơi gã nhưng nó quá yếu ớt.

“Cữ thu muộn vẫn còn, rồi gã tiếp tục bò rồi lại ngất xỉu, loanh quanh luẩn quẩn hoài, và con sói ốm vẫn ho hắng và khụt khịt sau gót gã. Đầu gối gã đã trầy cả thịt như bàn chân gã, và mặc dầu gã đã cởi áo sơ mi làm đệm gót cho đầu gối, gã vẫn để lại đằng sau một vệt đỏ trên rêu và đá. Một lần, ngoái nhìn lại, gã thấy con sói thèm thuồng liếm vệt máu của gã, và gã hình dung đậm nét cái kết thúc của mình có thể như thế nào…trừ phi gã xơi tái được con sói. Thế rồi bắt đầu một tấn bi kịch để tồn tại, khốc liệt chưa từng thấy một người ốm phải bò lết, một con sói ốm tập tà tập tễnh, hai sinh vật kéo lê thân xác hấp hối qua cảnh hoang sơ, và bên nọ rình cướp sự sống của bên kia.”

Khát vọng sống đột ngột vồ chụp lấy gã, có lẽ giờ đây gã đã học được tình yêu cuộc sống, học yêu thương trái đất. Gã hiểu rằng trước đây mình nói lời khinh miệt sự sống là bởi mình còn chưa chín chắn. Tình yêu cuộc sống còn chưa chín mùi vì thiếu sự trưởng thành. Cho đến khi gã đặt chân lên con đường để về lại lòng đất, gã nhận ra khát vọng sống từ trước đến đây đã bước đi quá chậm chạp trong gã. Đây không phải là một cái chết tự nguyện, cái chết không đến với gã vì gã muốn chết. Sự sống của gã đang bị treo cổ dưới sợi dây mỏng manh, bên cạnh một con sói cũng đang tàn hơi kiệt lực. Gã không muốn nhường nhịn sự sống của mình, nhất là cho một con sói mà gã trông nom nó thật gớm ghiếc.

“Giá nó là một con sói khỏe mạnh, thì hẳn con người cũng chả xem vấn đề hệ trọng đến thế đâu, nhưng nghĩ đến việc phải làm mồi cho dạ dày của cái vật ghê tởm và gần như chết rồi này, gã chẳng ưng chút nào.”

Cả cơ thể gã quằn lên đau đớn như đang cất tiếng phản bội lại sự sống trong gã. Gã không thể tiếp tục bước đi được nữa. Bây giờ gã chỉ còn có thể bò lết đi bằng bốn chân. Gã đau đớn đến nổi chẳng còn cảm giác đau. Mọi giác quan trong gã mệt mỏi ngủ quên.

Jack London khéo léo chiếu rọi hào quang cuối con đường hầm khi vẽ ra con tàu đi lạc trước mắt kẻ sắp chết. Chỉ cần giữ mình trong vùng an toàn trước cái dạ dày của con sói bệnh và tiến gần đến được con tàu, đó là cơ hội duy nhất sống sót của gã.

“Hôm ấy, gã giảm được ba dặm khoảng cách giữa gã và con tàu, hôm sau được hai dặm, vì bây giờ gã cũng bò như Bill đã từng bò, và đến hết ngày thứ năm con tàu vẫn còn cách độ bảy dặm và gã thì thậm chí mỗi ngày không vượt nổi một dặm. Gã chỉ còn cách con tàu có bốn dặm nhưng gã biết mình không thể bò nổi nửa dặm.”

Nhưng con người ấy đã trông thấy được sắc đỏ của hoàng hôn cháy hồng mặt đất như một chân lý mà gã chỉ vừa mới nhận ra trong gang tấc.

Cuộc sống này đầy rẫy những con người đang tự nhận mình là kẻ dư thừa vô tích sự, luôn chán ghét sự sống bởi chẳng biết mình sinh ra trên mặt đất trần gian này để làm gì. Những người đã tự gán cho cái chết một tầm quan trọng. Họ luôn nhớ về cái chết như một tấm lá bùa hộ mệnh, luôn vun đắp chờ đợi cho một cái chết hoàn hảo, cái chết trở thành một lời hứa hẹn đáng trân quý, họ đang chuẩn bị chờ đợi để được chết. Nói đến cái chết nhẹ tựa như lông hồng, Jack London đã mỉa mai những con người đó thế nào đây?

“Con sói đang huy động hết sức tàn trong một cố gắng để cắm ngập chiếc răng vào miếng mồi đã chờ đợi bao lâu. Nhưng con người đã đợi sẵn từ lâu và bàn tay nát bươm nắm lấy hàm nó. Trong khi con sói vật lộn yếu ớt và bàn tay bóp lại một cách yếu ớt, thì bàn tay kia từ từ trườn quan thành một gọng kìm. Năm phút sau, cả trọng lượng của con người đè lên con sói. Hai bàn tay không đủ sức để bóp ngẹt con sói nhưng mặt con người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông.”

Sự kiên trì của con sói thật ghê gớm. Sự kiên trì của con người cũng ghê gớm không kém. Khát khao được sống là bản năng của tất cả con người. Vậy mà kẻ nào đã ngu ngốc vứt bỏ?

Gã đã từng nghĩ mình quá già cỗi để nhìn nhận cái chết một cách bình thản, từ lâu gã đã nghĩ đến những vòng hoa tàn úa treo trên bia mộ cuộc đời, một cái chết chẳng có gì là ghê gớm. Vậy mà giờ đây trong tâm trí của một con người vừa trốn thoát khỏi lưỡi dao tử thần là một khát khao được sống quá mãnh liệt.

Kết thúc truyện, một sự sống lại vừa được tái sinh. Cho đến khi được cứu thoát bởi con tàu gã đã trông thấy, gã vẫn bị ám ảnh bởi cái đói và dự trữ thức ăn đến nỗi “Giường được lót bằng bánh quy khô, đệm được nhồi bằng bánh quy khô, mọi xó xỉnh ngóc ngách đều lèn đầy bánh quy khô. Tuy nhiên, gã không loạn trí. Gã lo đề phòng một nạn đói khác có thể xảy ra-có thế thôi.”

Vâng, một con người sắp chết đói và một con sói cũng sắp chết đói, cả hai đều muốn sống….Tôi chẳng có ý gì cả, chỉ là muốn bạn được đọc một câu chuyện hay. Còn tôi, kẻ đang muốn giới thiệu câu chuyện hấp dẫn này đến bạn cũng vừa trông thấy được điều gì đó.

Tác giả: Ni Chi

***

Jack London (12 tháng 1, 1876 - 22 tháng 11, 1916) là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild), Gót sắt (Iron Heel), Martin Eden, Tình yêu cuộc sống (Love of Life), Nanh trắng (White Fang) và hơn 50 tác phẩm khác.

Ông là một người tiên phong của thể loại tạp chí thương mại đang thịnh hành lúc bấy giờ, ông là một trong những người Mỹ đầu tiên thành công về mặt tài chính từ nghề viết văn. Ở Việt Nam, một số tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt và được độc giả yêu thích như Gót sắt, Nhóm lửa…

Trong hai mươi năm, ông đã viết báo, đong tiền ủng hộ các cuộc đình công của công nhân và các đồng chí gặp lúc khó khăn. Ông viết bài giới thiệu cho những cuốn sách tiến bộ. Ông tin vào những cuộc đấu tranh của công nhân, vào lòng nhân đạo của con người. Nhưng trước cảnh trái ngược đầy đau khổ của xã hội mà ông đang sống, ông đã uống thuốc độc tự tử vào đêm 21 tháng năm 1916.

Mời các bạn đón đọc Tình Yêu Cuộc Sống của tác giả Jack London.