Nhà văn viễn tưởng nổi tiếng Mỹ Raymond Bradbury được nhiều người gọi là "nhà văn tiên tri" - ông đã dự đoán được khá nhiều phát minh và sự kiện khoa học. Nhà văn viễn tưởng này còn nổi tiếng bởi đã sống được đến thời đại mà những lời tiên tri của mình đã trở thành hiện thực.
Raymond Douglas Bradbury sinh năm 1920 tại Yokigane, bang Ilinois. Tên đệm của ông - Douglas Ray dựa theo tên của nam nghệ sỹ nổi tiếng Douglas Fairbanks là người đã say mê mẹ của Ray là bà Marie Esther Moberg thuộc một dòng họ quý tộc cổ ở Thụy điển. Cha của Ray là Leonard Bradbury là hậu duệ của những người đầu tiên di cư đến Mỹ vào năm 1630. Khi đó gia đình ông đã không có tiền, không có được địa vị cao trong xã hội và ông Leonard là một kỹ thuật viên bình thường ở một trạm điện thoại.
Cuộc sống của gia đình Bradbury không được may mắn. Một trong hai người anh của Ray và cô em út đã mất từ thời trẻ. Những điều đó sau này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của nhà văn, trong các tác phẩm của ông có lưu dấu ấn về những sự kiện bi thảm. Vào năm 1929 nước Mỹ đã trải qua cơn đại suy thoái. Ông Leonard bị mất việc và đến năm 1934 cả gia đình đã chuyển đến Los Angeles. Ray và anh trai của ông thường tới Hollywood tò mò nhìn ngắm những người nổi tiếng…
Sau đó, những cuốn sách đã trở thành sự đam mê của Ray. Ông đã đọc tất cả mọi thể loại: từ truyện tranh cho đến văn học cổ điển. Chính nhờ say mê đọc sách mà chàng trai đã có được một khối kiến thức trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, tuy rằng vì gia đình quá nghèo ông nên sau khi học xong trung học Ray đã không vào trường đại học. Từ năm 18 tuổi Ray đã phải đi bán báo và khi đó ông đã viết những câu truyện ngắn chủ yếu là những truyện kinh dị được đăng trên những xuất bản phẩm rẻ tiền. Sau này đã nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nhưng ông không có bằng cử nhân.
Đến năm 1947, ông đã cưới Margaret M'Clure, bà đã nhìn thấy được tài năng của chồng và chu cấp cho ông vài năm để Ray có thể thực hiện sự nghiệp văn học. Và điều này đã mang đến thành quả: các tác phẩm của Bradbury đã được các nhà xuất bản có tiếng chú ý và sau đó thành công đã đến với ông.
Song điều đáng kinh ngạc là nhà văn Ray Bradbury đã tiên đoán trước được từ khá lâu nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật trước khi những điều đó trở thành hiện thực. Vào năm 1953 cuốn tiểu thuyết "Fahrenheit 451" của Bradbury ra đời, trong đó có nhiều trang viết về các phương tiện kỹ thuật liên lạc và truyền thông "những bức tường truyền hình", những chiếc tai nghe… Khi đó thì điều này tưởng như chỉ là câu chuyện cổ tích. Nhưng đến ngày nay thì phim truyền hình đã có ở khắp nơi, liên lạc bằng vô tuyến điện đường dài đã không còn là điều xa lạ và những người đeo tai nghe cũng ngày càng nhiều. Rồi thậm chí cả điện thoại cho đến những thiết bị truyền hình khi cần thiết sẽ tự động phát âm tên của chủ nhân hoàn toàn là những điều có trong thực tế.
Trong truyện ngắn "Sẽ đến cơn mưa nhẹ nhàng" được viết vào năm 1950 nhà văn đã mô tả "ngôi nhà thông minh" và loại nhà này được sáng chế lần đầu tiên vào năm 1991. Còn trong truyện ngắn "Kẻ giết người" (1953) có một chiếc vòng thu phát sóng có các chức năng như một chiếc điện thoại di động cũng đã được chế tạo vào năm 1983. Cũng trong cuốn tiểu thuyết "fahrenheit 451" thì nhân vật đã gửi tiền tiết kiệm của mình vào ngân hàng suốt ngày đêm và đến năm 1980 đã xuất hiện các máy ATM đầu tiên…
Ngoài ra Bradbury cũng đã dự đoán về sự phát triển như vũ bão của loại văn hóa đại chúng "lừa phỉnh" dân chúng: "Các cuốn tạp chí đã trở thành thứ đồ ngọt đủ dạng. Những cuốn sách trở thành những thứ đồ uống độc hại, bạn đọc hiểu rõ rằng họ cần gì và quay cuồng trong cơn lốc của thú vui, họ giữ lại những cuốn truyện tranh, lẽ dĩ nhiên đó là những cuốn tạp chí khiêu dâm. Bây giờ thì bạn có thể lúc nào cũng là người hạnh phúc: thoải mái đọc những câu truyện có minh họa, trong đó có những màn tỏ tình đủ kiểu và những xuất bản phẩm quảng cáo thương mại". Bạn đã thấy chưa? Tác giả đã mô tả chính xác về thời đại của chúng ta.
Tuy vậy hiện tại thì một số điều dự đoán của ông về tương lai vẫn chưa trở thành hiện thực, trong đó có việc chinh phục Sao Hỏa và các hành tinh khác nhân loại vẫn chưa thành công. Bản thân Bradbury cũng nói về điều này: «…Giá như mà chúng ta phát triển khoa học, nắm vững chắc được Mặt Trăng. Sao Hỏa, Sao Kim… Ai mà biết được rằng khi đó thế giới sẽ thế nào? Nhân loại được giao cho cơ hội khai phá vũ trụ nhưng lại muốn được hưởng thụ-uống bia và xem các vở kịch».
Khác với người tiền nhiệm của mình là nhà văn viễn tưởng Pháp Jules Verne, Ray Bradbury đã có được cơ hội hiếm hoi để sống được đến thời đại khi mà những dự đoán của ông bắt đầu được trở thành hiện thực trong cuộc sống. Bradbury qua đời vào kỷ nguyên của điện thoại di động, máy vi tính và các chuyến du hành vào vũ trụ…
NGỌC BÍCH (theo Pravda)
***
Lửa bùng vỡ trên những bãi cỏ đêm mùa hạ. Người ta nhìn thấy lập lòe khuôn mặt của những người cậu, người cô. Những chiếc pháo thăng thiên rơi xuống trước những đôi mắt nâu long lanh của các anh em bà con đứng trên hàng hiên, và những que pháo cháy sém tàn lụi rơi cắm đầu xuống mấy mảnh ruộng khô xa tắp.
Đức Cha Joseph Daniel Peregrine mở mắt. Ôi giấc mơ: chính ngài cùng các anh em thân quyến chơi pháo hoa ở quê nhà Ohio cổ kính của ông nội những năm xưa!
Ngài nằm nghe ngóng những tiếng động âm âm trong lòng giáo đường, trong các phòng tĩnh tâm khác nơi các linh mục đang nghỉ ngơi. Vào tối hôm nay, trước ngày khởi hành của chiếc hỏa tiễn Thập Tự Giá, không biết họ có nằm mơ thấy lại những ngày hội ấu thơ? Chắc là có. Tối hôm nay đâu khác gì những bình minh náo nức đợi chờ ngày Quốc Khánh thuở nào, khi các chú bé ngóng trông tiếng pháo nổ đầu tiên báo hiệu để chạy ùa ra lối đi còn đẫm sương đêm, hai bàn tay ôm đầy những điều kỳ diệu âm vang: pháo!
Thế là họ đã đến đây, các linh mục của dòng Tân Giáo, trong buổi bình minh gió thoảng này trước khi họ bay vút lên Hỏa Tinh, lưu lại hương trầm thơm suốt nẻo đường băng qua ngôi đền nhung huyền của không gian.
— Thật sự thì chúng ta có cần thiết phải ra đi hay không? – Đức Cha Peregrine thầm thì một mình. Chúng ta không cần phải cứu rỗi tội lỗi của chính chúng ta trên Trái Đất này sao? Không phải chúng ta đang chạy trốn khỏi kiếp sống của chúng ta ở đây đấy chứ?
Ngài đứng dậy rời giường; thân hình Cha Peregrine hồng hào, đẫy đà, xoay trở khá nặng nhọc. Ngài tự hỏi mình:
— Hay là chúng ta đang chạy trốn sự biếng lười của chính mình? Ta có sợ hãi chuyến đi này hay không?
Đức Cha bước vào buồng tắm, đứng dưới vòi hương sen. Những tia nước li ti đâm vào da thịt ran rát như những mũi kim.
— Nhưng ta sẽ đem mi theo đến Hỏa Tinh, hỡi xác phàm này. Bỏ lại đây những tội lỗi cũ xưa. Và lên Hỏa Tinh kiếm tìm những tội lỗi mới? Đúng là một ý tưởng thú vị. Những tội lỗi chưa hề có kẻ nào nghĩ ra. À, chính bản thân ngài cũng đã từng viết một cuốn sách nhỏ mang tựa đề "Bàn Về Tội Lỗi Trên Các Hành Tinh Khác", một cuốn sách bị các đồng đạo của ngài kết tội là không nghiêm trang.
Chỉ mới đêm qua đấy thôi, lúc hút điếu xì gà cuối cùng, ngài và linh mục Stone đã bàn đến điều ấy.
— Trên Hỏa Tinh có thể tội lỗi sẽ đội lốt đạo đức. Khi lên đó chúng ta phải đề phòng các hành động đức hạnh đấy nhé, kẻo sau này chúng lại hóa ra tội lỗi thì khốn! – Đức Cha Peregrine vừa nói vừa cười rạng rỡ. – Hấp dẫn quá! Biết bao thế kỷ đã trôi qua, biết bao chuyến thám hiểm đã thực hiện để giờ đây chúng ta có được một chuyến bay truyền giáo đến các hành tinh.
— Gì chứ tội lỗi thì chỉ nhìn một cái là tôi biết liền, – Linh mục Stone nói không mấy nhiệt tình, – cho dù là ở trên Hỏa Tinh đi nữa.
— Ồ, giới giáo sĩ chúng ta cứ tự mãn về sự nhạy bén của mình, cứ đụng vào tội lỗi là đổi màu ngay chẳng khác nào giấy quỳ gặp ba-zờ là hóa xanh, gặp a-xít là hóa đỏ, – Đức Cha Peregrine trả đũa, – nhưng thử hỏi nếu các hóa chất trên Hỏa Tinh lạ thường đến mức chúng ta không thể đổi màu gì hết thì sao nào?! Nếu như trên Hỏa Tinh tồn tại những giác quan mới thì sư huynh phải nhìn nhận rằng có khả năng tồn tại những tội lỗi mới lạ không thể nhận ra.
— Nếu như không có hiềm thù từ trước thì không hề có tội lỗi nào hay hình phạt nào; Đức Chúa đã xác nhận với chúng ta như thế rồi.
— Trên Trái Đất này thì diều đó đúng đấy. Chỉ có mỗi Adam không thôi thì không hề có tội lỗi gì cả. Cho thêm Eva ra đời là anh có thêm sự cám dỗ. Cho xuất hiện thêm người đàn ông thứ hai tức là anh đã tạo điều kiện cho tội ngoại tình xảy ra. Cứ cho ra đời thêm giới tính mới hay chủng loài mới là anh khai sinh tội lỗi mới. Cho con người thêm hai bàn tay là anh ươm mầm cho bạo lực mới sinh sôi; con người có thể dùng bàn tay bóp cổ người khác chẳng hạn, thế là có thêm tội lỗi nhé. Trên Hỏa Tinh, nếu như sinh vật trên đó có năm giác quan khác hẳn chúng ta, hay những bộ phận, những tứ chi vô hình ta không thể nào cảm nhận được thì sao? Như thế không có khả năng xuất hiện ít nhất năm tội lỗi mới hay sao?
Linh mục Stone sửng sốt:
— Coi bộ Đức Cha thích thú với chuyện tội lỗi này lắm nhỉ?
— Tôi phải giữ cho đầu óc mình hoạt động chứ, sư huynh; cho nó nhạy bén thôi mà.
— Đầu óc Đức Cha cứ như người làm xiếc, lúc nào cũng tung hứng, ném bắt một ý tưởng nào đó.
— Đúng thế. Bởi vì Giáo Hội của chúng ta đôi lúc cũng giống hệt một gánh xiếc nơi tấm màn nhung kéo lên phơi bày những con người, những pho tượng cứng đơ để biểu thị cho cái Chân Thiện Mỹ trừu tượng. Thật tuyệt vời. Nhưng tôi mong là gánh xiếc này sẽ còn chỗ trống cho tôi chạy lăng xăng giữa các bức tượng, Cha không thích thế sao, Cha Stone?
Không buồn lắng nghe, Cha Stone vừa bỏ đi vừa nói vọng lại:
— Tôi thấy tốt hơn hết là chúng ta đi ngủ đi. Trong vài giờ nữa thôi, chúng ta sẽ bay tít lên trời để xem những tội lỗi mới của Đức Cha đấy, Đức Cha Peregrine ạ.
Mời các bạn đón đọc Những Quả Bóng Lửa của tác giả Ray Bradbury.