Nhà văn Nguyễn Đông Thức sinh ngày 18 tháng 10 năm 1951 tại Từ Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1988).
Sau ngày miền Nam giải phóng, Nguyễn Đông Thức tham gia thanh niên xung phong và làm báo, viết văn. Hiện nay anh công tác tại báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm chính đã xuất bản
***
Không hiểu có phải vì tôi là người rất mê ca nhạc hay không, mà sau vụ ca sĩ Mộng Cầm bị bắn chết trong đêm giao thừa trúng ngay ca trực của tôi cách đây hai năm, giờ lại đến cái chết của ca sĩ Mỹ Nhung cũng vào ngày tôi nhận nhiệm vụ ngồi chết dí ở chiếc bàn giấy, trước mặt tôi là cái điện thoại đen sì mà mỗi lần reo lên là chắc chắn phải có một vụ đâm chém bắn giết có cỡ nào đó vừa xảy ra trong cái thành phố hơn năm triệu dân chen chúc này. Cả Mộng Cầm lẫn Mỹ Nhung đều là ca sĩ xếp vào loại ngôi sao hạng một của thành phố và cả nước, đều được tôi rất ưa thích. Làm nghề công an hình sự như tôi, chắc chắn không có thời gian để đi đến các nhà hát và tụ điểm ca nhạc, nhưng tôi vẫn có thể thỏa mãn phần nào cơn ghiền của mình bằng chiếc máy cassette trong những lúc rỗi rãnh hiếm hoi. Nhất là từ khi tôi được phó giám đốc Sở thưởng cho một cái Sony Walkman – nhân cái kỳ tôi bắt được nguyên một băng cướp chơi toàn súng AK – nghe cứ như đang có một phòng hòa nhạc stereo ngay trong đầu của mình, thoải mái lúc nào là tôi alêhấp, nhét cái earphones vào tai bấm máy. Những giọng ca tuyệt diệu của Mỹ Nhung, Hoàng Yến, Ngọc Diễm, Cẩm Trang, Hồng Thuý… lại cất lên, như là đang hát riêng cho tôi nghe. Thật thú vị. Chiếc máy còn góp phần làm tăng thêm hạnh phúc trong gia đình tôi. Thú thật bà xã tôi chỉ thích nghe băng tuồng cải lương và giọng ca rầu rĩ của anh chàng Tuấn Vũ. Từ hồi có cái Walkman, gu ai nấy nghe, cảnh gia đình cực kỳ đầm ấm. Tôi vẫn nghĩ những mâu thuẫn về sở thích cá nhân của vợ chồng không dễ gì gây nên đổ vỡ gia đình, nếu không cường điệu hóa nó hoặc không dựa vào nó như một cái cớ. Mọi mâu thuẫn đều có thể thu xếp được nếu còn thương nhau – chủ yếu mỗi người chịu khó nhường nhịn một chút. Trước khi có chiếc Walkman, tôi và Trâm vẫn yêu nhau nồng nàn, gần nhau khi đang nghe Minh Vương xuống câu vọng cổ vẫn ngọt xớt. Việc có thêm chiếc Sony bỏ túi chỉ giúp chúng tôi có thêm những giây phút thoải mái riêng tư không gây ảnh hưởng cho người khác mà thôi.
Lúc đó là 11 giờ 5 phút sáng ngày Chủ nhật. Trong khi mọi người đang đi dạo phố, mua sắm, đánh tennis, xem vidéo, nghe nhạc, đọc sách và tắm biển… thì tôi cùng các anh em trực đang ngồi bí rị trong phòng, chờ đụng chuyện. Thứ bảy, Chủ nhật và các ngày lễ lại thường là những dịp mà bọn tôi có việc làm nhiều nhất. Từ sáng sớm đến giờ, đã lai rai được báo vài vụ, nhưng tầm cỡ nhỏ tôi giao cho cấp quận chủ động giải quyết tiếp. Trường hợp một ông chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng tự tử chết vì sập tiệm, tôi đã cử Sơn và Dũng xuống tiếp tay với anh em. Đến 11 giờ thì ai nấy trong phòng đều cảm thấy buổi sáng nay vậy là coi như khỏe, bốn tên Hùng, Thái, Tuấn, Ân bắt đầu gầy sòng tiến lên để tính toán chuyện giải quyết bữa cơm trưa nay, còn tôi thì bật tivi xem phần cuối chương trình ca nhạc đêm qua phát lại. Lý Quang vừa hát xong một bài, và trên màn hình bắt đầu hiện ra gương mặt tuyệt đẹp đầy nét sầu muộn của Mỹ Nhung. Chỉ nghe những tiếng nhạc dạo đầu, tôi đã biết đó là bài Ngôi sao cô đơn, một ca khúc dường như chỉ có một mình cô hát. Đó cũng là một bài hát mà tôi rất thích, nên tôi vội cầm lấy remote và bấm cho âm thanh lớn hơn.
Hùng vừa chia bài vừa liếc nhìn tivi, bình phẩm:
– Công nhận bà này đẹp thiệt!
Mời các bạn đón đọc Ngôi Sao Cô Đơn của tác giả Nguyễn Đông Thức.