Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lịch Sử Các Nước Đông Nam Á trừ Việt Nam

Các quốc gia Đông Nam Á nằm giữa hai khối Trung-Hoa và Ấn-Độ. Nhờ có các đường hàng hải cho phép giao thông dễ dãi, các nước Đông Nam Á đã không ngớt nhận ảnh hưởng của hai khối nói trên. Các quốc gia này lại không xa cách nhau lắm : các biển của Đông Nam Á, như biển Nam-Hải, biển Banda và biển Jolo có thể được coi như là những Địa-trung-hải, nằm bên lề đất liền, tù túng trong khối lục địa kề ngay bên cạnh ; các mặt biển này lại còn bị thu hẹp bởi hàng ngàn hòn đảo rải rác từ Đông sang Tây. Muốn gặp đại dương, phải đi sang Đông hay xuống phía Nam, vượt qua các dãy đảo ngăn cách các Địa-trung-hải này với Ấn-độ-dương và Thái-bình-dương.

Một đặc điểm khác chung cho các quốc gia Đông Nam Á là các quốc gia này nằm trong khu vực của các loại gió mùa. Các loại gió này đổi hướng thổi một cách đột ngột, vào đầu mùa hè và đầu mùa đông. Sự liên lạc giữa miền này với miền khác được dễ dãi nhờ những mùa gió thổi theo một hướng đều ấy. Sự thông thương hàng hải có thể bị gián đoạn vì những cơn cuồng phong, đưa tới những cơn bão khủng khiếp : những lúc ấy, thuyền bè có thể trú ẩn trong các đảo.

Miền Địa-trung-hải của Đông Nam Á như thế, đã hiến cho sự giao thông nhiều điều kiện thuận lợi. Nhiều dân tộc miền này sống về nghề thủy thủ ; nhiều khi, họ còn vượt khỏi giới hạn của các biển hẹp ấy nữa : các nhà hàng hải Mã-Lai đã vượt qua Ấn-độ-dương để tới tận Madagascar. Các sự giao dịch ấy đã giúp nhiều cho việc khai hóa các miền biển Đông Nam Á, đã đem các bờ biển lại gần với nhau, và đã làm dung hòa các nền văn minh và các lịch sử khác nhau.

Cả cái khối lục địa của Đông Nam Á mà nhà địa lý học Malte-Brun đã đặt tên cho là Indo-Chine vào đầu thế kỷ thứ XIX, tức là Đông-Dương theo nghĩa rộng, gồm Miến-Điện, Mã-Lai, Thái-Lan, Cao-Miên, Ai-Lao và Việt-Nam, cả cái khối lục địa này cũng chịu ảnh hưởng của biển. Bán đảo dày chắc này, phân chia bởi những dãy núi cao, cũng được cắt xẻ bởi những thung lũng lớn chảy từ Bắc xuống Nam, cho phép biển cả ăn sâu vào trong lục địa. Bán đảo này lại thu nhỏ lại về phía Nam thành bán đảo mỏng hẹp Mã-Lai, và về phía Đông, nó đắm mình vào trong Thái-bình-dương.

Cho nên tất cả miền Đông Nam Á đã là ngã tư nơi tiếp xúc giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa khác nhau. Đây đã là nơi qua lại kể từ thời tiền sử, đến nỗi mà tất cả các chủng tộc phân biệt bởi các nhà tiền sử học đều đã để lại dấu vết tại đây. Các chủng tộc này lập nên căn bản của dân cư Đông Nam Á ngày nay : các đặc điểm của chủng loại mélanésien vẫn tồn tại với các bộ tộc sơ khai miền núi. Trong các đảo Nam-Dương, vẫn còn những bộ lạc dã man, sống trong thời đại thạch khí.

Trong thời tiền sử, nhiều chủng tộc đã từ miền Bắc tràn xuống, dọc theo các dòng sông bắt nguồn từ Trung-Hoa và Tây-Tạng. Nếu còn nhiều điểm tối tăm, chưa giải quyết hết được, hiện nay có thể phân biệt, theo G. Coedès, bốn luồng di dân trong thời tân thạch khí :

1. Một sự di dân bắt đầu từ Trung-Hoa hay Nhật-Bản, đã đem nhập vào các đảo Phi-Luật-Tân, Célèbes và Moluques, và Úc-Đại-Lợi, nền văn hoá của thời đại tân thạch khí.

2. Từ một nơi nào không rõ, có những giống dân nói một thứ tiếng Nam Á (austroasiatique) tràn tới Đông-Dương và miền duyên hải Nam Trung-Hoa, Phi-Luật-Tân, miền Bắc các đảo Célèbes và một phần của miền Đông Ấn-Độ.

3. Vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên, một luồng di dân mới bắt đầu từ Trung-Hoa, đi xuống miền Nam, với giống người Austronésien. Giống người mới tới này trà trộn với người Austroasiatique để lập nên một nền văn hóa hỗn hợp trong bán đảo Đông-Dương. Người Austronésien cũng xâm nhập vào Nam bán đảo Mã-Lai.

4. Một chi nhánh của giống người Austronésien vượt biển, đi từ bán đảo Mã-Lai để tới các đảo Nam-Dương, hay là, tạt qua đảo Bornéo, họ qua Phi-Luật-Tân và Đài-Loan để tới tận Nhật-Bản.

Ngay từ thời tiền sử, chúng ta thấy là đã có nhiều sự giao dịch bằng đường biển, không những giữa Đông-Dương và các đảo miền Nam, mà còn giữa Ấn-Độ và toàn thể Đông Nam Á nữa. Trong những vị trí khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều hột cườm bằng thủy tinh của thời tân thạch khí, mà xuất xứ là Ấn-Độ. Thêm nữa, về phương diện văn hóa, có một tình trạng thuần nhất cho tất cả miền Đông Nam Á trong thời tiền sử. Đặc điểm của nền văn hóa thuần nhất ấy là :

- sự trồng ruộng ngập, bắt buộc đã phải có một trình độ tổ chức xã hội, dù là thô sơ.

- sự chăn nuôi trâu bò làm gia súc.

- sự sử dụng một cách thô sơ các loại kim khí.

- sự sử dụng thuyền bè để đi lại trên mặt biển.

- sự thiết lập những nơi thờ cúng trên các gò cao, và chôn cất người chết trong các cái vại.

Trong thời lịch sử, Đông Nam Á vẫn là ngã tư đường của các luồng ảnh hưởng khác nhau. Bốn luồng ảnh hưởng đã nối tiếp nhau tới Đông Nam Á : luồng thứ nhất, từ Trung-Quốc tới ; luồng thứ hai, từ Ấn-Độ, bằng đường biển ; luồng thứ ba, đem tôn giáo và văn hóa của người Hồi nhập vào bán đảo Mã-Lai ; và luồng thứ tư, đem nền văn minh Âu-châu nhập vào Đông Nam Á. Các quốc gia Đông Nam Á đã giữ lại hay đã phủ nhận những ảnh hưởng ấy một cách khác nhau tùy theo mỗi đoàn thể chủng tộc, mỗi nền văn hóa. Và ngày nay, hai thời đại lịch sử sống bên cạnh nhau ở vùng này : bên cạnh những đồng bằng châu thổ của sông Cửu-Long, Menam, Irrawady, lúc nhúc những nông dân sống về nghề trồng lúa, và là nơi xuất phát những nền văn minh Đông Nam Á, chúng ta có những miền núi vắng người, nơi sinh hoạt của những bộ lạc sơ khai, vẫn còn giữ lại những tập quán nghìn xưa của họ.

Các nền văn minh của Đông Nam Á phần lớn là con đẻ của Ấn-Độ. Chỉ có mình nước Việt-Nam đã nhận được ngay từ thuở đầu nhiều nguyên tố văn hóa của Trung-Hoa đến nỗi sẽ không bao giờ thoát ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Trung-Quốc. Trái lại, các quốc gia khác của Đông Nam Á đã nhận được rất nhiều ảnh hưởng của Ấn-Độ, tuy mỗi quốc gia ấy có những đặc điểm văn hóa khác nhau. Nguyên do là vì nền văn minh Trung-Hoa đã xâm nhập vào Việt-Nam bằng một sự chiếm cứ và một sự cưỡng hóa chính trị, trong khi nền văn minh Ấn-Độ tới bằng một sự ngấm thấu, cho phép các xu hướng riêng của mỗi dân tộc đồng hóa được phát triển.

Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Các Nước Đông Nam Á trừ Việt Nam của tác giả Nguyễn Thế Anh.