Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đầu Tư Mạo Hiểm

Tôi ước mình có cuốn sách này trong tay khi bắt đầu gây dựng công ty đầu tiên. Khi ấy tôi thậm chí không phân biệt được cổ phiếu ưu đãi với cổ phiếu thường và còn cho rằng quyền tham dự ưu tiên chỉ được sử dụng trong chuyển nhượng cầu thủ của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế.

Giờ đây, với tư cách là CEO của Twitter và là người sáng lập ba công ty khác trong đó hai công ty đầu được một công ty đại chúng và công ty thứ ba được một công ty tư nhân mua lại, tôi đã phải tự mình trải qua nhiều chặng đường khó khăn mới rút ra được những khái niệm và bài học được ghi lại trong cuốn sách này. Cho dù có những nhà đầu tư vĩ đại và những cố vấn uyên thâm cùng đồng hành, nhưng tôi vẫn phải tự mình xác định những rủi ro và cạm bẫy đang rình rập.

Còn non nớt và chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi và các cộng sự đã mắc khá nhiều sai lầm với công ty đầu tiên có tên Mạng truyền thông Burning Door (Burning Door Networked Media). Rồi chúng tôi đã xoay sở bán nó đi vào năm 1996 để đổi lấy số tiền chỉ đủ mỗi chúng tôi được uống một ly cà phê Starbucks cỡ lớn mỗi sáng trong vòng một năm.

Vài năm sau đó, chúng tôi lại gây dựng một công ty mới, lấy tên là Spyonit. Lần này khá hơn một chút, sản phẩm của chúng tôi đã được bán cho một công ty đại chúng có tên 724 Solutions vào tháng Chín năm 2000. Thế nhưng cổ phần của chúng tôi bị chất đống và nằm im tại đó tới một năm (lúc ấy chúng tôi không rành về quyền yêu cầu niêm yết cho lắm) và đến khi chúng về tới tài khoản vào khoảng giữa tháng Chín năm 2001, cùng lúc với sự vỡ tung của bong bóng công nghệ, Internet và hậu quả tài chính của vụ khủng bố 11 tháng Chín, thì giá của chúng đã giảm xuống tới mức chúng tôi lại một lần nữa chỉ còn có thể mua cho mình một ly Starbucks mỗi buổi sáng, trong vòng một năm.

Vậy là, như bao doanh nhân tận tụy khác, chúng tôi lại bắt tay làm lại từ đầu. Lần này, với rất nhiều kinh nghiệm và bài học đáng giá trong tay, chúng tôi gây dựng FeedBurner vào năm 2004. Chúng tôi đã thành công với nhiều lần gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có vòng khởi động đầu tiên để gây dựng công ty (seed round) từ quỹ DFJ Portage; vòng huy động vốn chuỗi A (series A round) từ quỹ đầu tư mạo hiểm Mobius (lúc đó Brad Feld và Jason Mendelson cũng đang tham gia vào quỹ này) và quỹ Sutter Hill; và vòng huy động vốn chuỗi B (series B round) từ Union Square. FeedBurner phát triển nhanh chóng, và trước khi chúng tôi nhận ra điều đó thì một vài công ty trong đó có cả Google đã nhòm ngó nó với ý định thâu tóm. Google đã mua công ty vào năm 2007 và lần này thì chúng tôi không còn phải đem những ly cà phê Starbucks ra để đo thành quả nhận được nữa.

Sau khi làm việc vài năm tại Google, tôi đã được tuyển dụng vào làm việc tại Twitter, nơi giờ đây tôi đang nắm giữ vị trí CEO. Suốt thời gian tôi làm việc tại đây, công ty đã lớn mạnh rất nhanh chóng, từ chỗ chỉ có 50 nhân viên, nay nó đã có tới 430 người và đã thành công trong hai lần kêu gọi vốn lớn, huy động được khoảng 250 triệu đô-la.

Nhìn lại những điều tôi biết về các thương vụ đầu tư mạo hiểm, các vụ mua lại, cách thức, diễn biến cũng như những chiến lược đàm phán trong đó, tôi cảm thấy rất hài lòng với chặng đường đã qua kể từ đầu những năm 1990, khi tôi là người đồng sáng lập Burning Door Networked Media. Khi đọc cuốn sách này, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Hỡi các tác giả, các bạn đã ở đâu khi tôi bắt đầu gây dựng các công ty của mình?”, bởi những kiến thức chứa đựng trong nó có lẽ sẽ giúp tôi tiết kiệm được lượng lớn thời gian và tiền bạc, mở rộng hơn nữa con đường đạt đến thành công.

Brad và Jason đã viết một cuốn sách vô cùng quan trọng đối với bất kỳ doanh nhân hay người có tham vọng kinh doanh nào. Không chỉ có họ – khi đọc cuốn sách này, bản thân tôi cũng khám phá ra rất nhiều kiến thức bổ ích cho mình mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm thực tế. Còn nếu bạn là một nhà đầu tư mạo hiểm, hay đang mơ ước như vậy, thì hãy là người đầu tiên đọc cuốn sách này để chắc chắn rằng bạn được trang bị đầy đủ hiểu biết về công việc của mình. Cuối cùng, nếu bạn là luật sư chuyên về lĩnh vực này, bạn sẽ tìm thấy ở đây rất nhiều công cụ có thể giúp bạn làm cho đối phương của mình phải đau đầu.

Dick Costolo, CEO của Twitter

Tháng Ba, năm 2011

***

Kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm là một trong nhiều phương thức tài trợ vốn cho một công ty. Trong khi mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ các công ty hiện nay sử dụng hình thức này, thì rất nhiều chàng khổng lồ công nghệ trên thị trường như Google, Apple, Cisco Systems, Yahoo!, Netscape, Sun Microsystems, Compaq, Digital Equipment và American Online (AOL) đã thành công nhờ kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm vào thời kỳ đầu trong quá trình phát triển của mình. Một vài trong số những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay như Facebook, Twitter, LinkedIn, Zynga và Groupon là thành quả của phương thức đầu tư mạo hiểm.

Trong hơn 17 năm qua chúng tôi đã tham gia vào hàng trăm thương vụ đầu tư mạo hiểm. Sáu năm trước, sau một thương vụ đặc biệt với khá nhiều thử thách, chúng tôi quyết định viết một loạt bài dưới dạng bài viết trên blog với hy vọng sẽ làm sáng tỏ quy trình tài trợ vốn thông qua phương thức này. Thành quả của nó là chuyên mục Điều khoản đầu tư trên blog của Brad (www.feld.com/wp/category/termsheet), cũng chính là nguồn cảm hứng để chúng tôi viết nên cuốn sách này.

Cứ mỗi thế hệ doanh nhân mới hình thành, chúng tôi lại thấy xuất hiện những mối quan tâm mới về các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Với vai trò là một nhà đầu tư mạo hiểm tại công ty của mình ‒ Foundry Group (www.foundry group.com), cũng như tham gia vào quỹ đầu tư TechStars (www.techstars.org), chúng tôi đã gặp rất nhiều doanh nhân trẻ với những mối quan tâm như vậy. Điều đó nhắc nhở chúng tôi rằng vẫn chưa có một hướng dẫn cơ bản nào cho các thương vụ đầu tư mạo hiểm cả và bởi vậy, chúng tôi càng mong muốn tạo ra một sản phẩm như thế.

Ngoài việc đi sâu phân tích các thương vụ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đã cố gắng tạo ra những tình huống cụ thể mà những người tham gia vào cuộc chơi đó phải đối mặt, những động lực thúc đẩy họ và cả cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm nữa. Chúng tôi cũng dành cả một chương cho quá trình đàm phán để đưa ra cái nhìn của các nhà đầu tư mạo hiểm (hay ít nhất là hai chúng tôi trong tư cách đó) về quá trình này. Chúng tôi cũng bàn tới một bản điều khoản khác mà các doanh nhân may mắn sẽ có dịp được tiếp xúc – nó còn được gọi với cái tên khác là thư bày tỏ quan tâm mua lại công ty.

Chúng tôi cố gắng đưa ra cái nhìn toàn diện và công bằng giữa doanh nhân và nhà đầu tư. Với tư cách là nhà đầu tư ở những giai đoạn đầu tiên, chúng tôi biết mình đã dành nhiều ưu ái cho quá trình này, tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng đưa ra những tình huống có thể áp dụng cho bất cứ giai đoạn đầu tư nào. Ngoài ra, bất cứ khi nào có dịp, chúng tôi cũng làm vui lòng cả các luật sư.

Chúng tôi hy vọng các bạn thấy cuốn sách này hữu ích cho quá trình kiến tạo công ty vĩ đại của mình.

Độc giả

Khi mới bắt tay vào viết cuốn sách này, chúng tôi dự định hướng nó tới những doanh nhân trẻ mới bắt đầu gây dựng doanh nghiệp đầu tiên của mình. Chúng tôi đều đã có một quá trình lâu dài làm việc với họ, và thường là chúng tôi học hỏi từ họ nhiều hơn những gì họ học hỏi được từ chúng tôi. Trong quá trình tham gia vào quỹ TechStars, chúng tôi đã được nghe họ đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh chủ đề tài trợ vốn và đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều người đọc bản thảo đầu tiên hoặc chỉ mới nghe nói chúng tôi đang viết một cuốn sách về chủ đề đó đã đưa ra những phản hồi hữu ích và khẳng định với chúng tôi rằng họ đã rất mong muốn có một cuốn sách như vậy khi bắt tay vào gây dựng công ty đầu tiên. Khi được hỏi: “Nếu giờ có một cuốn sách như thế còn giúp gì được anh không?”, rất nhiều người không ngần ngại trả lời: “Có chứ, chắc chắn rồi.” Rất nhiều chương trong cuốn sách này, trong đó có cả chương về đàm phán, hay về cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, là kết quả của những bữa ăn tối và trao đổi với những doanh nhân giàu kinh nghiệm, những người luôn mong muốn những kinh nghiệm của mình được viết ra, trên blog của chúng tôi hoặc là trong một cuốn sách nào đó. Và như vậy – cuốn sách này đã ra đời!

Đương nhiên, trước khi trở thành một doanh nhân trẻ, người đó trước hết phải có khát vọng trở thành doanh nhân. Cuốn sách này còn dành cả cho những ai đang có khát vọng như thế, ở bất cứ lứa tuổi nào. Thêm vào đó, bất cứ ai còn đang ngồi trên ghế nhà trường dù đó là bất cứ ngành nghề nào – kinh doanh, luật sư, các chương trình phổ thông hoặc những bậc học cao hơn – nếu quan tâm đến kinh doanh đều sẽ học được điều gì đó bổ ích từ cuốn sách này. Chúng tôi đã giảng dạy rất nhiều lớp học về rất nhiều chủ đề được nói đến trong cuốn sách này và hy vọng nó sẽ trở thành tài liệu tham khảo tiêu chuẩn cho các lớp dạy kinh doanh.

Chính chúng tôi cũng từng là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Và chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều nhờ chú ý quan sát những người có nhiều kinh nghiệm, cũng như bằng tinh thần luôn tích cực tham gia vào công việc. Chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một công cụ trong túi đồ nghề của các nhà đầu tư mạo hiểm trẻ tuổi và cả những người đang mong muốn trở thành nhà đầu tư.

Và trong khi hướng cuốn sách tới các doanh nhân, chúng tôi cũng hy vọng rằng cả luật sư (đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm) và những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng sẽ rút ra điều gì đó bổ ích nhờ sự tổng kết rất nhiều kinh nghiệm khác nhau một cách hệ thống vào trong cuốn sách này. Ít nhất, chúng tôi cũng hy vọng họ sẽ giới thiệu nó cho những đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn.

Cuối cùng, những người vô tình được lợi từ cuốn sách này chính là những người bạn đời của các nhà đầu tư mạo hiểm, luật sư, doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trực tiếp tham gia vào các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Trong khi vợ của Brad – Amy nói ngay rằng: “Tất cả những gì tôi học được về đầu tư mạo hiểm đều là do phải nghe quá nhiều cuộc điện thoại dài lê thê của anh ấy,” chúng tôi hy vọng rằng những người khác sẽ đọc cuốn sách này vào bất cứ lúc nào, bây giờ hoặc sau này. Nó sẽ tỏ ra đặc biệt hữu ích khi những người bạn đời của các bạn cần một chút cảm thông trong khi phàn nàn rằng nhà đầu tư mạo hiểm của họ đang cố gắng sở hữu cho bằng được một đống cổ phiếu ưu đãi có dự phần (participating preferred).

Tổng quát về nội dung

Chúng tôi mở đầu bằng một tóm tắt ngắn gọn về lịch sử bản điều khoản đầu tư (term sheet) và thảo luận về những thành phần khác nhau tham gia vào các giao dịch đầu tư mạo hiểm.

Sau đó, chúng tôi chuyển sang thảo luận về cách thức kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, bao gồm cả quá trình xác định một doanh nghiệp đang cần bao nhiêu tiền và cần chuẩn bị những gì trước khi có ý định kêu gọi đầu tư. Phần này sẽ đề cập đến cả quá trình mà rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm theo đuổi nhằm quyết định xem nên bỏ vốn vào công ty nào.

Sau đó chúng ta sẽ đi sâu vào những điều khoản cụ thể trong bản điều khoản đầu tư. Chúng tôi đã chia phần này thành ba chương – các điều khoản liên quan đến lợi ích kinh tế, các điều khoản liên quan tới quyền kiểm soát và các điều khoản khác. Chúng tôi cố gắng đưa ra một cái nhìn khách quan về các điều khoản cụ thể cùng với các chiến lược để có được một thỏa thuận công bằng cho tất cả các bên.

Sau các chương về điều khoản đầu tư, cuốn sách sẽ đưa ra những thảo luận cởi mở về cơ chế hoạt động của các công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm cả động lực thăng tiến và mức độ thù lao của các nhà đầu tư tham gia vào đó. Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về ảnh hưởng của các cơ chế hoạt động này lên chính cơ hội mà một công ty có thể được tài trợ vốn cũng như mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty và những người sáng lập ra nó sau khi việc đầu tư được thực hiện.

Bởi quá trình thực hiện tài trợ vốn đòi hỏi rất nhiều cuộc đàm phán, cuốn sách này sẽ bàn luận kỹ vấn đề này cũng như hiệu quả thực tế của các chiến lược cụ thể trong thế giới đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi cũng cố gắng giúp các doanh nhân học được nhiều phương pháp để thực hiện thành công các giao dịch đầu tư mạo hiểm cũng như tránh được những sai lầm và cạm bẫy thường gặp.

Do không có một hệ thống tiêu chuẩn cho các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đã bao quát rất nhiều vấn đề khác nhau trong khi xem xét hoạt động này, tùy vào từng giai đoạn cụ thể của quá trình kêu gọi vốn của các công ty.

Như một phần quà nho nhỏ kèm theo, chúng tôi dành chương nói về một điều khoản đầu tư khác mà các doanh nhân cần phải hiểu rõ: Thư bày tỏ ý định mua lại công ty (Letter of intent to acquire your company).

Cuối cùng, chúng tôi kết thúc cuốn sách với các kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý mà phần lớn các công ty mới thành lập đều gặp phải. Dù không thể đi sâu vào mọi thứ mà một doanh nhân cần phải biết nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đề cập hết những vấn đề quan trọng mà chúng tôi nghĩ rằng họ cần phải chú ý.

Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi liên tục nhắc tới một người bạn thân đồng thời là một doanh nhân đã có nhiều năm kinh nghiệm, Matt Blumberg, CEO của công ty Return Path. Bất cứ khi nào bạn gặp một đề mục nhỏ có tên “Góc nhìn doanh nhân” thì đó chính là nhận xét của Matt về phần trước đó.

Các tài liệu bổ sung

Song song với cuốn sách này, chúng tôi đã tạo thêm các tài liệu bổ sung khác để tham khảo. Chúng đều được đăng tải trên website www.askthevc.com.

Website này được xây dựng từ vài năm trước và hiện vẫn do chúng tôi quản lý, nội dung của nó có dạng các câu hỏi đi kèm câu trả lời. Gần đây chúng tôi đã bổ sung “Nguồn tham khảo”, trong đó bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu mẫu thường được sử dụng trong hoạt động đầu tư mạo hiểm. Chúng bao gồm các bản điều khoản đầu tư mẫu cũng như các tài liệu được tổng hợp từ các bản điều khoản đầu tư khác nhau và là phần không thể thiếu trong quy trình tài trợ vốn này.

Chúng tôi đã thêm vào đó các biểu mẫu được sử dụng tại Foundry Group (bạn có thể sử dụng chúng nếu bạn đang tài trợ vốn cho một công ty nào đó). Chúng tôi cũng thêm các đường link dẫn tới kho chứa dữ liệu phổ biến được dùng ngày nay, cùng với nhận xét về những ưu và nhược điểm khi sử dụng chúng.

Jason Mendelson và Brad Feld

Tháng Ba, năm 2003

Mời các bạn đón đọc Đầu Tư Mạo Hiểm của tác giả David Lindahl.