Hai Quang bị xã hội cũ đẩy vào tầng lớp lưu manh, làm dân anh chị ở bến xe rồi bị tù.Tuy nhiên bản chất là người lương thiện nên những hành động anh chị của Hai Quang đều có nét hào hiệp. Được cách mạng giác ngộ, anh trở thành một chiến sĩ kiên cường.
Ông Tư Ghe vốn là học trò thầy giáo cách mạng Châu Văn Liêm, ông đã từng dẫn đầu các đoàn biểu tình và phanh ngực ra trước mũi giặc: “Cái ngực đồng của tau đây nè, bắn đi!”. Thế mà khi cách mạng thoái trào, anh em bị khủng bố thì ông theo Hòa Hảo, hãnh tiến và cuồng tín trong “sứ mệnh” truyền đạo của mình.
Hai nhân vật chính của thiên tiểu thuyết, với những mâu thuẫn về quan điểm sống và chịu tác động của dòng đời đưa đẩy, là hai số phận điển hình trong thời Kháng chiến. Từ góc nhìn của nhân vật, tác giả đã khéo trình bày những sự kiện lịch sử và những đấu tranh trong lòng người thay đổi theo thời gian, như con sông khi trôi khi đục, chảy đi mang theo tất cả.
"Bức tranh quê hương trong tiểu thuyết Dòng Sông Thơ Ấu sở dĩ sinh động vì đều là những hồi ức có thật. Tui theo kháng chiến 30 năm, mỗi khi nghe trên thế giới có dòng sông cạn thì tui lại nghĩ không biết dòng sông bên nhà mình ra sao. Dòng sông thời nhỏ của tui trải qua hai cuộc chiến tranh vẫn tràn trề sức sống. Ban đầu, tui viết dòng sông đó trong Đất lửa, Nguyễn Tuân chê "hiền quá". Sau ngày miền Nam giải phóng, tui đưa Nguyễn Tuân về ngồi nhậu trước nhà tui ngó ra dòng sông. Chỉ nghe loáng thoáng vài câu chuyện sông nước thôi, Nguyễn Tuân đã nhắc: 'Dòng sông là nguồn cảm hứng của văn chương Nam Bộ đấy, viết tiếp đi!' Năm 1980 tui viết những chữ mở đầu Dòng Sông Thơ Ấu…"
- nhà văn Nguyễn Quang Sáng
***
"Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một cậu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật…Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mực giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy"
(Nguyễn Quang Thiều)
"Chỉ mãi đến cuối năm 1977, về làm việc ở Tuổi Trẻ, tôi mới "bắt đầu" tìm hiểu nền văn học cách mạng qua những cuốn sách ở thư viện, với những Mẫn và tôi (Phan Tử), Hòn Đất (Anh Đức), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)…Trong các truyện tôi thích Chiếc Lược Ngà nhứt, vì lối viết đơn giản như kể chuyện, thật tình, đẫm chất Nam Bộ. Nhân vật trong các truyện đều gần gũi, giản dị, sống phóng khoáng, rất anh hùng mà cũng rất đời thường…"
(Nguyễn Đông Thức)
***
Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh là Nguyễn Sáng sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Là bộ đội thời đánh Pháp, sau năm 1954 tập kết ra miền Bắc mới bắt đầu viết văn. Trong những năm đánh Mĩ, ông sống và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Cảnh vật, con người và hơi thở nhịp sống trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng đậm đặc màu sắc Nam Bộ. Màu sắc bi tráng với bao sự tích anh hùng, những tình huống hấp dẫn đầy kịch tính và giàu chất thơ tạo nên cốt cách và vẻ đẹp trang văn Nguyễn Quang Sáng.Ông để lại nhiều tác phẩm đặc sắc bằng nhiều thể loại. Các tập truyện ngắn: "Con chim vàng", "Người quê hương", "Chiếc lược ngà", "Bông cẩm thạch", "Người con đi xa" … Tiểu thuyết có: "Đất lửa", "Mùa gió chướng", "Dòng sông thơ ấu". Ngoài ra ông còn có một số kịch bản phim, lưu giữ trong lòng người "một thời để nhớ, một thời để yêu".
Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn "Chiếc lược ngà" vào tháng 9 năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mĩ.
Tác phẩm:
Mời các bạn đón đọc Dòng Sông Thơ Ấu của tác giả Nguyễn Quang Sáng.