Câu chuyện của nghệ thuật của E.H.Gombrich kể về lịch sử nghệ thuật từ thời cổ đại đến hiện đại. Xuất bản lần đầu vào năm 1950, cuốn sách được coi như một tác phẩm phê bình và là một trong những lời giới thiệu dễ tiếp cận nhất về nghệ thuật thị giác. Hơn bảy triệu bản đã được bán ra khiến nó trở thành cuốn sách nghệ thuật bán chạy nhất mọi thời đại.
Câu chuyện nghệ thuật - cẩm nang về các trào lưu, các tác phẩm, chủ đề và kĩ thuật chính yếu trong nghệ thuật.
Cuốn sách là một bước dạo đầu mới lạ vào chủ đề nghệ thuật. Với kết cấu đơn giản, cuốn sách này điểm qua 50 tác phẩm then chốt, từ các bức vẽ trên vách động Lascaux tới những tác phẩm sắp đặt đương đại, và liên hệ các tác phẩm ấy với những trào lưu, chủ đề cùng kĩ thuật chính yếu trong nghệ thuật.
Dễ tiếp cận, súc tích và giàu minh họa, Câu chuyện nghệ thuật sẽ giải thích nghệ thuật đã thay đổi vì đâu, vào thời điểm nào, như thế nào; những ai tiên phong sáng tạo các ý niệm, các ý niệm ấy có khởi nguồn, bối cảnh thành hình và tầm quan trọng ra sao. Cuốn sách này sẽ lí giải tường minh các thuật ngữ nghệ thuật, cho độc giả kiến thức bao quát và sự am hiểu thấu triệt để thưởng thức nghệ thuật qua các thời kì.
***
Bạn nghĩ rằng hội họa phương Tây thời Trung Cổ là “đen tối” như cái tên “Dark Age”? Bạn không thấy vẻ đẹp hay sự ảnh hưởng của các hình người kỳ quặc và sai về mặt giải phẫu của người Ai Cập? Hãy suy nghĩ lại sau khi đọc cuốn sách này.
Lật cuốn sách này ra và chắc hẳn ban đầu bạn sẽ thấy… chán, đồng thời tự hỏi tại sao tôi lại giới thiệu cho bạn một cuốn sách hình như chỉ dành cho dân chuyên ngành. Câu chuyện nghệ thuật, nói tóm tắt lại, đáng buồn là sách về lịch sử nghệ thuật, một đề tài khiến cho nhiều người trong chúng ta không muốn tiếp tục đọc, nhất là nhìn thấy độ dài tương đối đáng nể của nó. Nhưng tôi xin thề là E.H. Grombich sẽ dẫn bạn qua cuộc hành trình thú vị gấp trăm lần những vị “tiến sĩ gây mê” ở giảng đường của bạn. Thật sự tôi biết ơn Gombrich nhiều lắm, bởi không được ông “mách nước” hẳn tôi đã lạc lối trong giờ giảng rồi.
Lịch sử nghệ thuật, nhất là nghệ thuật phương Tây, từ thời Ai Cập cổ đại đến nay, thực là một cuộc hành trình chông gai, quanh quéo và không có ai dẫn đuờng bạn sẽ lạc chắc chắn. Grombich là một người dẫn đường đáng tin cậy. Ông không phải đang chép sử, mà là “kể” một câu chuyện về nghệ thuật, kể một cách duyên dáng, súc tích, và lôi cuốn, với giọng văn tự nhiên và thoải mái như đang trò chuyện. Trong cuốn sách này tác giả đã hạn chế tối đa những từ ngữ chuyên ngành quá khó hiểu, nhưng vẫn không đến mức làm “tầm thường hóa” đề tài đã chọn.
Tại sao Gombrich lại gọi cuốn sách của mình là “Câu chuyện nghệ thuật”? Có lẽ vì, cũng giống như câu chuyện, Gombrich muốn tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tác phẩm của mình. Không giống như một bản liệt kê dài dằng dặc theo lối “chặt khúc từng thời đại”, Gombrich giữ được sự thống nhất và đối chứng liên tục giữa các chương, kết cấu thoạt nhìn tưởng như thoải mái mà lại chặt chẽ. Ví như khi ông chỉ ra sự liên hệ giữa Ai Cập và hội họa lập thể. Điều này khiến người đọc ông có thể cảm thấy sự phát triển của lịch sử nghệ thuật không phải là một chuỗi dài những “phân khúc lịch sử”, những “sự kiện ngẫu nhiên” mà là một tiến trình liên tục, có liên hệ và nối tiếp giữa các thời đại.
Cũng như một câu chuyện, Gombrich kể bằng cách nêu ra cho người đọc nhiều nhận định… “cắc cớ”. Như trong chương đầu tiên, ông đã viết “Nghệ thuật với chữ A viết hoa (Art) là không tồn tại.” Nếu không tồn tại sao lại có “câu chuyện nghệ thuật?” Gombrich đã dẫn dụ khéo léo người đọc trong chương mở đầu đến quan điểm về nghệ thuật của mình, bắt chúng ta phải dẹp bỏ mọi thành kiến khi đến với nghệ thuật, trước khi cùng ông bắt đầu cuộc hành trình.
Tuyệt đối đáng đọc. Không chỉ dành cho sinh viên nghệ thuật hay những nhà nghiên cứu. Tôi tin rằng một độc giả bình thường với không mấy kiến thức chuyên ngành cũng có thể hiểu được cuốn sách này và thấy thích thú. Dẫu biết chúng ta không có mấy thời gian trong xã hội hiện đại, nhưng đôi khi ta nên đổ vào đầu óc mình cái gì đặc hơn là những câu chuyện tình.
Mời các bạn đón đọc Câu Chuyện Nghệ Thuật của tác giả E. H. Gombrich.