“Cái sự kiện có khả năng kích động cả hệ thần kinh ấy, bạn sẽ nhận ra nó ngay lập tức giữa tất cả các sự cố khác trong đời, bởi vì ngay khi nó xảy đến, bạn biết rằng nó sẽ gây ra những tác động khủng khiếp lên bạn, rằng điều xảy ra với bạn là không thể đảo ngược. Chẳng hạn như ba phát đạn từ một khẩu súng trường lên đạn bằng tay bắn vào người phụ nữ bạn yêu.” Đó chính là điều đã xảy ra với Camille, tức thiếu tá Verhoeven trứ danh, và Anne Forestier, người tình mới của ông và cũng là nhân chứng duy nhất của một vụ cướp nữ trang trên đại lộ Champs-Élysées. Nhân chứng mau chóng trở thành nạn nhân. Nhưng là nạn nhân của cái ác hay của sự hy sinh? Và rốt cuộc, phải chăng chỉ có duy nhất sự hy sinh ấy?
Sau Alex, một lần nữa Pierre Lemaitre lại bất ngờ thộp lấy bạn, đẩy bạn vào những cơn run rẩy dồn dập chết người với những độc giả yếu tim nhất, và thiết lập một bầu không khí ám mùi cái ác ở trạng thái nguyên chất. Một lần nữa, tác giả lại khẳng định lối viết và tài năng của mình trong thế giới văn chương trinh thám.
***
Tác phẩm này đã đoạt Giải CWA International Dagger năm 2015
Trở lại với thanh tra Camille lùn tịt nhưng siêu thông minh trong Alex, mà không hiểu sao Nhã Nam không cho dịch hai cuốn của series 4 quyển về Camille luôn đi. Mình thích quyển này lắm lắm.
Cụ thể thì về mặt nội dung, quả là khó nói. Anne, có thể coi là người tình của Camille, bị tấn công tàn bạo sau khi chứng kiến một vụ cướp liều lĩnh của bốn tên cướp. Mấy chục trang đầu cuốn sách là để tác giả thuật lại vụ tấn công đáng sợ này. Cái hay ở đây là tác giả vừa miêu tả thông qua góc nhìn của Camille khi xem lại đoạn băng ghi hình vừa tường thuật một cách hờ hững trong tư cách là một người thứ ba quan sát sự việc. Mình cực kì mê cách viết của tác giả luôn ấy, từ quyển Alex rồi. Lối kể chuyện vừa nằm trong đầu nhân vật nhưng đồng thời cũng giữ một thái độ khách quan của người kể chuyện khiến cho giọng văn mang tính giễu cợt, nhưng vẫn gây cảm xúc mạnh nơi người đọc. Đặc biệt ở đoạn đầu này, sự bạo lực được miêu tả vô cùng khắc nghiệt. Mình càng đọc thì tính bạo lực càng được đẩy lên cao đến mức mình phải nín thở để có thể đọc tiếp (đùa tí, không đến mức nín thở đâu). Những gì Anne phải hứng chịu làm mình không nghĩ là cô vẫn đủ sức níu kéo mạng sống – thế mà cô vẫn làm được.
Sau đó, Camille, vì tình riêng đã quyết định lừa dối cấp trên và đồng nghiệp để được điều tra vụ cướp này. Chúng ta bắt đầu một màn đấu trí một sống một còn giữa một viên thanh tra lùn đầy quyết tâm và một tên hung thủ man rợ không còn tính người. Rốt cuộc thì ai là kẻ chiến thắng? Camille có để cảm xúc che mờ lý trí? Khác với cuốn Alex, nhịp truyện trong này tương đối chậm (kể cả đoạn bạo lực đầu truyện) nên mình thấy không nhiều người đánh giá cao cuốn này. Về cá nhân mình, nhịp chậm như vậy khiến mình lúc nào cũng trong trạng thái hồi hộp, chờ đợi màn phá án nhanh nhạy tiếp theo của Camille. Đáng tiếc là mình không đọc cuốn đầu tiên của series này nên bị spoil hoàn toàn cuốn đó – cuốn này có liên quan chặt chẽ tới cuốn đầu tiên. Nhưng dù sao thì điều đó vẫn không cản trở mình tận hưởng từng giây một việc đọc cuốn sách này.
Sao mà mình vẫn ngưỡng mộ Camille thế nhỉ? Ông ấy cao có mỗi 1m45 mà ai ai cũng phải phục, và ông vẫn có người yêu đàng hoàng đấy chứ! Kiểu mình cũng khá thấp (chưa đến 1m50 cơ) nên mình đồng cảm với ông ấy ghê gớm luôn. Ông thật là thông minh, quyết đoán và cái gì cũng nhìn ra được chân tướng vụ việc. Mình đọc mà cứ thấy sợ là lý trí ông sẽ bị lu mờ đi bởi chuyện xảy ra đến Anne, nhưng thực sự là quá may mắn khi tác giả đã không cho Camille đi vào lối mòn đó. Dĩ nhiên là việc ông lừa dối cấp trên chỉ vì Anne cũng để lại hậu quả lớn mà ông sẽ phải đối mặt sau đó. Và rồi những gì ông phát hiện ra làm giọng văn trầm hẳn xuống – mình như cảm nhận được cả tâm trạng tác giả khi viết những dòng này, gần như là một cách để chia tay với nhân vật Camille và kết thúc cả series. Camille bẽ bàng nhận ra những gì ông đã làm từ đầu đến giờ, trong truyện, thực chất chỉ vì ông đã quá tin tưởng, quá ngu ngốc. Ông phải sửa chữa lại mọi thứ.
Cuốn này mang nhiều điều suy ngẫm hơn, có lẽ vì chúng ta biết đây là thời khắc chia tay nhân vật Camille mãi mãi. Hy sinh chính là dòng chảy chính của truyện, Camille đã phải hy sinh cái gì để bắt hung thủ phải trả giá, Anne đã phải hy sinh cái gì khi vô tình bị bọn cướp tấn công. Nhưng nói thật là, mình chẳng quan tâm lắm tới cô Anne này đâu. Mình chỉ quan tâm tới Camille thôi.
Kết quá quá là buồn, còn buồn hơn cả trong Alex. Mình cũng buồn, vì mình không muốn tạm biệt Camille đâu, mình muốn vẫn còn cuốn nữa cơ.
Điểm: 5/5
Hương Spy
***
“Máu chảy. Chảy tiếp. Không suy nghĩ, cô vớ một lọ nhựa đựng cồn chín mươi độ trong tủ thuốc, không có gạc, cô xòa bàn tay, đổ cồn vào đó rồi cứ thế áp lên mặt.
Cơn đau đớn kéo đến… Cô gào lên và nắm tay đấm mạnh vào bồn rửa, các ngón tay cô, không được bảo vệ vì những thanh nẹp đã bị rơi ra, làm cô lại hét lên lần nữa.
Lần thứ hai, xòe bàn tay, đổ cồn ra rồi áp trực tiếp lên mặt. Cô tì hai bàn tay vào mép bồn rửa, tưởng như sắp xỉu đến nơi, nhưng cô vẫn đứng vững”.
Vì ấn tượng mạnh với tác phẩm Alex của Pierre Lemaitre nên khi cuốn “Hy sinh” được xuất bản, dù không được PR rầm rộ nhưng Biển vẫn không do dự rước nó về. Lần đầu đọc thì Biển chưa thấy hay nên đã đem cất, đến lần thứ hai thử đọc lại thì thấy cuốn hút hơn nhiều nên đã đọc đến hết. Tuy vậy, vẫn có vài đoạn Biển lướt nhanh vì thấy hơi lan man.
Độc giả vốn đã biết đến thanh tra Camille Verhoven qua truyện Alex. Trong cuốn “Hy sinh”, ông đã phần nào vượt qua nỗi đau mất vợ để bắt đầu xây dựng mối quan hệ – có thể gọi là “mối tình” – với người phụ nữ tên Anne Forestier. Một buổi sáng đẹp trời, Anne tình cờ bước vào con hẻm phía sau tiệm kim hoàn và chạm mặt ba tên cướp đang chuẩn bị hốt một mẻ lớn. Chúng chưa kịp kéo mặt nạ xuống. Chẳng nói chẳng rằng, tên cao lớn nhất trong bọn bước đến, dùng báng súng nện vỡ xương gò má của Anne, sau đó là một trận đòn khiến cô thương tích đầy mình, tính mệnh khó níu giữ. Sự việc đã gây nên cú sốc to lớn trong lòng thanh tra Camille – vốn là một người đàn ông nhạy cảm. Ông che giấu sự thật rằng nạn nhân chính là tình nhân hiện tại của mình, nhất quyết tiếp nhận vụ án trong khi cõi lòng mang đầy phẫn uất và không có chút manh mối nào. Qúa trình điều tra diễn ra rất chậm, có vẻ như sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến cấp trên nổi giận còn đồng nghiệp thì dùng hết khả năng để bao che cho Camille.
Tuy đã đưa người nhà đọc trước và bị dọa rằng “cuốn này dở lắm” nhưng vì thích cuốn Alex nên Biển quyết định đọc cuốn “Hy sinh” với tâm thế như một tờ giấy trắng, không định kiến. Lâu lâu đọc trinh thám Pháp đúng là có phong vị hoàn toàn khác với thể loại trinh thám Mỹ tốc độ nhanh và cốt truyện dữ dội mà Biển thường đọc. “Hy sinh” có lối viết hơi chậm, sau phần mở đầu dồn dập và tàn bạo thì gần như 300 trang đầu không hé lộ thêm gì mới, chủ yếu miêu tả cảm xúc của thanh tra Camille và vài diễn tiến sau khi vụ tấn công xảy ra. Nếu không vì thiện cảm với tác giả và sự tò mò cao độ với kết cuộc của vụ án thì có lẽ Biển đã xếp sách cất để sau này đọc tiếp. Tuy nhiên, sau khoảng 300 trang thì tình tiết kịch tính hơn, khiến Biển cảm thấy thú vị hơn và có động lực đọc đến cuối.
Thanh tra Camille Verhoven, hay chính tác giả Pierre Lemaitre liệu có phải là một người mang chút tư tưởng body-shaming, vì trong cuốn “Hy sinh” có hai chỗ phê phán ngoại hình của những phụ nữ thừa cân, điều này khiến người viết review này cảm thấy không vui vì chính cô ấy cũng thừa cân. Biển hy vọng tác giả chỉ đưa vào những đoạn như vậy nhằm mục đích trào phúng chứ không thật sự có ý chê bai ngoại hình của bất cứ ai.
“Camille nhìn cô ta, thầm vẽ chân dung cô ta trong đầu, cô ta cũng gây ấn tượng nhưng chỉ là khi nhìn lướt qua. Bởi vì khi xem xét đến từng chi tiết thì lại là chuyện khác: chân to, mũi ngắn, các đường nét hơi thô kệch, bộ mông rất phì nhiêu nhưng lại vênh lên quá cao. Bộ mông của một vận động viên leo núi. Cô ta cũng xức nước hoa… Có mùi i ốt. Có cảm giác mọi người đang tranh luận bên cạnh một sọt hàu”.
Tuy nhiên, ngoài chút cảm giác khó chịu với chuyện body-shaming thì Biển khá ưng ý với những câu đậm chất triết lý về nhân gian quan hệ thỉnh thoảng xuất hiện trong truyện. Đọc văn của Pierre Lemaitre giống như đang trò chuyện với một vị tiền bối trung niên nắm vững nghệ thuật kể chuyện. Người đọc sẽ có cảm giác như đang ngồi trong quán rượu và lắng nghe một câu chuyện được kể lại bằng giọng điệu nhàn tản nhưng lôi cuốn, không thiếu những đoạn cao trào và những câu sâu sắc về tâm lý con người.
“Việc ta là ai đối với người khác chính là một mối liên kết vô cùng mạnh mẽ”.
“Họ bước cùng nhau trong một khoảng thời gian mà không biết gì về nó, một khoảng thời gian ngắt quãng, không chắc chắn và có thể tiếp diễn”.
“… một người phụ nữ bốn mươi tuổi và một người đàn ông năm mươi tuổi nói chuyện gì khi gặp nhau kia chứ, ngoài việc tìm cách giảm thiểu những thất bại của bản thân nhưng lại không che giấu chúng hoàn toàn, nhắc đến những vết thương lòng mà không trưng chúng ra, cố gắng nói về chúng càng ít càng tốt”.
“ ‘Chỉ cần anh xem qua thôi’, có nghĩa là: tôi muốn nghe ý kiến của anh, tôi có chút nghi ngờ, chính anh phải cho tôi biết, tôi không nói gì với anh cả, tôi không muốn gây ảnh hưởng đến anh, và giá anh có thể làm nhanh việc này…”.
Cũng như cuốn Alex, trong cuốn “Hy sinh” có những đoạn miêu tả chi tiết về các đoạn hành hung hoặc bạo hành, được viết với một giọng văn lạnh lẽo thản nhiên cứ như đang nói chuyện thời tiết, càng tăng hiệu ứng tàn bạo của hành động, thể hiện rõ bản chất tàn nhẫn của nhân vật phản diện. Tuy nhiên, không chỉ nhân vật phản diện mới có thể tàn nhẫn, ngay cả một nhân vật phụ đáng thương cũng có thể tàn nhẫn nếu cách xử sự của anh ta / cô ta cho thấy sự vô tâm hời hợt khi người khác gặp nạn..
Trước khi đọc cuốn “Hy sinh” thì Biển khá thích cái bìa đơn giản nhưng ấn tượng của nó, sau khi đọc thì Biển hiểu rằng bìa sách minh họa cho nhiều cảnh trong sách. Tiếng Pháp chắc là khó dịch hơn tiếng Anh nên có vài câu / vài đoạn Biển không thể nắm rõ ý khi đọc, nhưng nhìn chung truyện đã được dịch thuật và biên tập tốt, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn. Gần cuối sách là một câu nói đáng lưu ý của thanh tra Camille về việc hy sinh:
“Cho dù có rơi vào tình cảnh bi đát nhất, tôi vẫn thấy là không tồi khi có ai đó để ta có thể vì họ mà hy sinh một điều quan trọng. Trong thời đại của chủ nghĩa vị kỷ này, thậm chí đó còn là một thứ xa xỉ, cậu không thấy thế sao?”
(Sea, 28-5-2020)
Phía sau hình minh họa cho review này là một câu chuyện vui.
Cáo Biển Non Xanh
***
Một sự kiện được coi là có tính chất quyết định khi nó khiến cuộc đời bạn lệch hẳn khỏi trục của nó. Đó chính là điều mà Camille Verhœven đã đọc được, vài tháng trước, trong một bài báo về “Sự tăng tốc của lịch sử”. Cái sự kiện mang tính quyết định, đột ngột, bất ngờ và có khả năng kích động cả hệ thần kinh ấy, bạn sẽ nhận ra nó ngay lập tức giữa tất cả các sự cố khác trong đời, bởi vì sự kiện ấy chứa đựng một nguồn năng lượng và chiếm một tỷ trọng đặc thù: ngay khi nó xảy đến, bạn biết rằng các hậu quả của nó sẽ gây ra những tác động khủng khiếp lên bạn, rằng điều xảy ra với bạn là không thể đảo ngược.
Chẳng hạn như ba phát đạn từ một khẩu súng trường lên đạn bằng tay bắn vào người phụ nữ mà bạn yêu.
Đó chính là điều đã xảy ra với Camille.
Dẫu hôm đó, cũng giống như ông, bạn đang trên đường đến dự lễ tang người bạn thân nhất của mình, và bạn có cảm giác chừng ấy đã đủ nặng nề cho một ngày, thì cũng chẳng còn gì là quan trọng nữa. Số phận không có kiểu hài lòng với một sự tầm thường như thế, và mặc kệ chuyện đó, nó hoàn toàn đủ khả năng hiển hiện dưới hình dạng của một kẻ giết người được trang bị một khẩu Mossberg 500* cưa nòng, cỡ 12 ly.
Bây giờ, chỉ còn tìm hiểu xem bạn sẽ phản ứng thế nào. Toàn bộ vấn đề nằm ở đó.
Bởi vì suy nghĩ của bạn đờ đẫn đến nỗi trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ phản ứng thuần túy theo bản năng. Chẳng hạn như khi người phụ nữ bạn yêu, trước khi lĩnh ba phát đạn, bị dần cho một trận nhừ tử theo đúng nghĩa của từ này, và sau đó bạn nhìn thấy rõ mồn một kẻ giết người giơ súng lên ngắm sau khi lên đạn bằng một cử chỉ nhanh và dứt khoát.
Chắc hẳn chính trong những thời khắc ấy, những con người phi thường sẽ lộ diện, những con người biết đưa ra quyết định đúng đắn trong hoàn cảnh tồi tệ.
Nhưng nếu bạn là một ai đó bình thường, bạn sẽ tự vệ theo khả năng của bản thân. Và rất thường xuyên, khi phải đối diện với một cơn địa chấn như thế, bạn buộc phải hành động theo kiểu được chăng hay chớ hoặc theo cách sai lầm, nếu chưa rơi thẳng vào trạng thái bất lực.
Khi đã đến một độ tuổi nhất định hoặc khi những chuyện kiểu đó từng giáng xuống đời bạn, bạn sẽ tưởng rằng mình được miễn dịch. Đó chính là trường hợp của Camille. Người vợ đầu của ông đã bị sát hại, một cơn tai biến, ông đã mất nhiều năm mới hồi phục được. Khi đã trải qua một thử thách như vậy, bạn sẽ nghĩ rằng chẳng còn chuyện gì có thể xảy đến với bạn nữa.
Đó chính là cái bẫy.
Bởi vì bạn đã mất cảnh giác.
Đối với số phận, vốn có con mắt rất tinh tường, thì đây chính là thời điểm phù hợp nhất để tóm cổ bạn.
Và nhắc cho bạn nhớ về tính đúng lúc không chệch đi đâu được của sự tình cờ.
Anne Forestier bước vào hẻm thương mại Monier ít phút sau giờ mở cửa. Hành lang chính gần như vắng ngắt, vẫn còn thoang thoảng thứ mùi váng vất của chất tẩy rửa, các cửa hàng chậm rãi mở cửa, người ta bày ra các sạp sách vở, đồ trang sức, các tủ trưng bày.
Hẻm thương mại này, được xây dựng vào thế kỷ 19 ở cuối đại lộ Champs-Élysées, bao gồm các quầy hàng cao cấp, quầy văn phòng phẩm, quầy đồ da, quầy đồ cổ. Hành lang được che phủ bằng kính màu, và khi ngước mắt lên, người đi dạo tinh mắt có thể phát hiện ra cả đống những chi tiết trang trí theo phong cách Art deco, những mảnh sành sứ, những gờ mái, những ô kính ghép màu nhỏ. Anne cũng có thể ngắm nghía chúng nếu muốn, nhưng cô sẵn lòng thú nhận rằng cô thường uể oải vào buổi sáng. Và vào giờ này, những thứ trên cao, các chi tiết và các khoảng trần nhà là thứ cuối cùng mà cô muốn quan tâm.
Trước hết, cô cần một cốc cà phê. Đen đặc.
Bởi vì hôm nay, như một việc cố tình, Camille vẫn nằm ườn trên giường. Trong khi trái ngược với cô, ông thường tỉnh táo vào buổi sáng. Nhưng Anne không quá để tâm đến việc đó. Do vậy, trong lúc nhẹ nhàng đẩy lùi những mơn trớn của Camille - ông có đôi bàn tay rất ấm, không phải lúc nào cũng dễ dàng cưỡng lại, cô đã chuồn vào tắm vòi sen mà quên mất cốc cà phê rót ra trước đó, cô vừa quay trở vào bếp vừa lau khô tóc, và thấy cốc cà phê đã nguội ngắt, chộp vội một trong hai mắt kính áp tròng khi nó chỉ còn cách lỗ thoát nước trong chậu rửa vài milimét…
Sau đó thì đến giờ, cô phải đi. Với cái bụng rỗng.
Vừa đến hẻm thương mại Monier, quá mười giờ vài phút, cô liền ngồi vào hàng hiên của một quán giải khát nhỏ nằm ngay lối vào, và cô là khách hàng đầu tiên. Bình pha cà phê vẫn còn đang đun, cô phải chờ trước khi được phục vụ, và nếu cô có nhìn đồng hồ nhiều lần thì cũng không phải vì đang vội. Mà là vì anh chàng nhân viên phục vụ. Để tìm cách làm anh ta nản chí. Bởi vì không có việc gì đáng kể để làm trong lúc chờ cà phê được đun nóng, nên anh ta nhân cơ hội đó cố bắt chuyện với cô. Anh ta vừa lau các bàn xung quanh vừa lén nhìn cô qua khe cánh tay, và vờ như vô tình, xáp lại gần cô theo những đường tròn đồng tâm. Đó là một gã cao lớn, gầy gò, lẻo mép, có mái tóc vàng hoe bóng dầu, kiểu người mà ta thường gặp trong những khu du lịch. Khi lau xong vòng cuối cùng, anh ta đứng sững bên cạnh cô, một tay chống hông, cất tiếng thở dài đầy ngưỡng mộ trong lúc nhìn ra ngoài và nói thành tiếng những gì anh ta nghĩ về thời tiết ngày hôm đó, những suy nghĩ tầm thường đến thảm hại.
Anh chàng nhân viên phục vụ này là một gã ngốc, nhưng anh ta có thị hiếu không tồi, bởi vì ở độ tuổi bốn mươi, Anne trông vẫn rất rạng rỡ. Mái tóc màu nâu tinh tế, đôi mắt đẹp màu xanh sáng, nụ cười khiến người ta ngây ngất… Quả là một người phụ nữ tỏa sáng. Lại còn có lúm đồng tiền. Với những cử chỉ chậm rãi, uyển chuyển, bạn sẽ không cưỡng nổi ý muốn được chạm vào cô, bởi vì ở cô, mọi thứ đều có vẻ tròn trĩnh và rắn chắc, đôi bầu vú, cặp mông, chiếc bụng thon nhỏ, cặp đùi, và thật ra tất cả đều rất tròn trĩnh và rắn chắc, theo một kiểu khiến người khác phát điên.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện đó, Camille đều tự hỏi cô làm gì với ông. Ông đã năm mươi tuổi, hơi hói, nhưng nhất là, nhất là, ông chỉ cao có một mét bốn mươi lăm. Để dễ hình dung, đó gần như là chiều cao của một thằng nhóc mười ba tuổi. Chẳng thà nói rõ ngay lập tức để mọi người khỏi phải đoán già đoán non: Anne không cao nhưng dù sao cũng hơn ông hai mươi hai xăng ti mét. Thế cũng là cao hơn ông gần một cái đầu rồi.
Anne đáp lại những cử chỉ cầu thân của anh chàng nhân viên phục vụ bằng một nụ cười quyến rũ, rất biểu cảm: anh làm ơn biến đi cho (anh chàng ra hiệu là đã hiểu, một bài học cho anh ta mỗi khi muốn tỏ ra dễ mến), và ngay sau khi uống xong cốc cà phê, cô đi qua hẻm Monier để tiến về hướng phố Georges-Flandrin. Khi gần đến đầu kia hành lang, cô chợt thọc tay vào túi xách, hẳn là để lấy ví, và cảm thấy có thứ gì đó ẩm ướt. Các ngón tay cô dính đầy mực. Một cái bút đã bị chảy mực.
Đối với Camille, nói đúng ra thì chính là vì cái bút này mà mọi chuyện bắt đầu. Hoặc vì việc Anne chọn đi theo lối hành lang này mà không phải là một hành lang khác, đúng vào sáng hôm đó chứ không phải một sáng khác, vân vân. Tổng thể của những sự trùng hợp cần thiết để một thảm họa xảy ra quả là điều khiến người ta phải bối rối. Nhưng cũng chính nhờ tất cả những sự trùng hợp đó mà đã có cái ngày Camille gặp được Anne, thế nên ta không thể lúc nào cũng than thở về mọi chuyện.
Mời bạn đón đọc Hy Sinh của tác giả Pierre Lemaitre & Nguyễn Thị Tươi (dịch).