Mọi chuyện bắt đầu ở trường Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn Manhattan, thành phố New York. Kẻ sát nhân đã biến mất khỏi hiện trường tội ác và tự khóa mình trong một căn phòng kín. Chỉ trong vài phút, cảnh sát đã nhanh chóng bao vây gã. Khi tiếng la hét dừng lại, theo sau là tiếng súng, cảnh sát lao vào trong phòng. Căn phòng trống trơn.
Lincoln Rhyme và Amelia Sachs được mời tham gia điều tra vụ án và truy tìm tay ảo thuật gia mà họ gọi là “Gã phù thủy”. Khi mà những vụ giết người tàn độc xảy ra ngày càng nhiều hơn và tần suất ngày càng dày đặc, Rhyme và Sachs phải hành động quyết liệt để ngăn chặn cuộc trả thù đẫm máu, có thể làm “biến mất” tất cả…
***
Ảo thuật làm nên những điều không tưởng, đỉnh cao của Plot Twist là đây. Tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của tác giả Jeffery Deaver
Mọi chuyện bắt đầu ở trường Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn Manhattan, thành phố New York. Kẻ sát nhân đã biến mất khỏi hiện trường tội ác và tự khoá mình trong căn phòng kín. Chỉ trong vài phút, cảnh sát đã nhanh chóng bao vây lấy gã. Khi tiếng la hét dừng lại, theo sau là tiếng súng, cảnh sát lao vào trong phòng. Căn phòng trống trơn.
Lincoln Rhyme và Amelia Sachs được mời tham gia điều tra vụ án và truy tìm tay ảo thuật gia mà họ gọi là “Gã phù thuỷ”. Khi mà những vụ giết người tàn độc xảy ra ngày càng nhiều hơn và tuần suất ngày càng dày đặc, Rhyme và Sachs phải hành động quyết liệt để ngăn chặn cuộc trả thf đẫm máu, có thể làm “biến mất” tất cả,…
Có lẽ không phải bàn nhiều về tác giả Jeffery Deaver vì nhiều người đọc trinh thám trong chúng ta đều biết đến ông, đặc biệt lượng fan của ông khá lớn. Vẫn motif giống những cuốn khác, Deaver đã cho chúng ta biết ngay thủ phạm ngay sau vài chương truyện. Tuy vậy việc biết trước hung thủ cũng không làm mất đi sự hấp dẫn trong quá trình truy đuổi tội phạm của Lincoln, Sachs cùng những đồng đội của anh. Ngay từ đầu, tác giả đã vào đề ngay bằng hiện trường vụ án mạng. Càng về sau, nhịp truyện và tình tiết càng thêm gay cấn bởi sự đối đầu, sự lừa dối cũng như những pha ăn miếng trả miếng vô cùng hấp dẫn giữa Kẻ được gọi là “Gã phù thuỷ” với Lincoln và đồng đội của mình.
Thủ phạm ở quyển này thì cực kì thông minh, và với tài diễn xuất của ảo thuật gia càng làm tăng lên độ khó cho vụ điều tra. Điều này được thể hiện rõ ở lượng kiến thức về các màn ảo thuật rất lớn của tác giả càng làm nổi bật lên tài năng của “Gã phù thuỷ” đó. Deaver đã xây dựng lên hình tượng “Gã phù thuỷ” đó quá giỏi bằng những việc tưởng chừng như không thể như biến mất giữa căn phòng kín, phá khoá trong vài giây,… Đặc biệt hơn nữa, đã có lần “Gã phù thuỷ” có thể giết chết được Lincoln cũng như thoát khỏi nhà tù một cách không tưởng. Không những thế, bằng sự đan xen giữa việc điều tra của Lincoln cùng đồng đội với những âm mưu, tính toán của “Gã phù thuỷ” càng khiến câu truyện được đẩy lên cao và ngày càng dồn dập.
Đặc biệt hơn nữa, ở quyển này lại cho ta thấy đỉnh cao của những bước ngoặt trong truyện tưởng chừng như không thể nhưng lại hiện ra vô cùng rõ ràng trước mặt chúng ta. Những màn ảo thuật xuất sắc của “Gã phù thuỷ”, những suy luận phá án vô cùng tài năng của Lincoln đã cho ta thấy được sự xuất sắc của tác giả trong việc tạo nên sự hồi hộp và kịch tính đến giây phút cuối cùng.
Và điều cuối cùng, tuy cuốn sách khá dày (hơn 570 trang) nhưng đọc không hề bị nhàm chán bởi lối viết văn vô cùng cuốn hút của ông.
Đối với những ai đặc biệt yêu thích những cuốn plot twist hay và hấp dẫn cũng như fan của Jeffery Deaver thì đây là một trong những cuốn hay nhất của ông mà không thể bỏ qua.
***
REVIEW: NGƯỜI BIẾN MẤT
Tác giả: Jeffery Deaver.
Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh
Thể loại: Trinh thám hiện đại.
Mức độ ưa thích: 10/10
.
.
Chuyện diễn ra trong thời gian gánh xiếc nổi tiếng Cirque Fantastic đóng đô để biểu diễn ở Công viên Trung tâm đối diện nhà của Lincoln Rhyme, nhiều vụ án mạng thảm khốc đã diễn ra, thủ pháp gây án và các manh mối tìm được cho thấy hung thủ là một bậc thầy ảo thuật. Sau vụ biến mất một cách quái dị ở hiện trường đầu tiên, gã hung thủ liên tục gây rất nhiều khó khăn cho phía cảnh sát với hành tung xuất quỷ nhập thần, thủ đoạn tàn ác và biến hóa khó đoán. Nhóm điều tra của Lincoln nhờ đến sự cộng tác của Kara – một trợ thủ tài giỏi đang học việc tại một cửa hàng dụng cụ ảo thuật – để phần nào nắm được hướng hành động của hung thủ. Vụ án trở nên nghiêm trọng đòi hỏi thêm nhân lực tham gia như thanh tra cảnh sát Roland Bell và chuyên gia giám định tài liệu Parker Kincaid. Như mọi khi, cô cảnh sát tóc đỏ Amelia Sachs vẫn hợp tác ăn ý với Lincoln Rhyme và biểu hiện sự mẫn cán tuyệt vời trong quá trình điều tra.
Một điều đáng lưu ý Biển học được từ nhân vật phản diện trong cuốn này là “Tầm quan trọng của quy tắc 100:1. Ta phải diễn tập một trăm phút cho một phút trên sân khấu”. Biển nghĩ không chỉ trong lĩnh vực biểu diễn mà còn trong tất cả những lĩnh vực khác thuộc công việc và cả cuộc sống, muốn thuần thục điều gì thì phải thường xuyên ôn luyện. Biển từng đọc ở đâu đó có một câu đại loại rằng: “Bất cứ khi nào bạn dừng lại tức là bạn đang thụt lùi so với những người khác”.
Nếu như cách đây chục năm, khi đọc tất cả những màn ảo thuật và kiến thức ảo thuật trong cuốn này, Biển sẽ cảm thấy một sự thôi thúc điên cuồng để tìm hiểu mánh khóe và bắt chước, nhưng giờ Biển đã biết giới hạn của bản thân nên không bon chen nữa. Nội dung truyện nhiều lần đề cập đến ảo thuật và rạp xiếc khiến Biển liên tưởng đến bộ phim “The Greatest Showman” do Hugh Jackman thủ vai chính. Cuối sách, độc giả sẽ tìm thấy lời cảm ơn của tác giả Jeffery Deaver dành cho những người đã góp phần giúp ông hoàn thành quyển sách hoành tráng này, đồng thời cũng đọc được tựa đề tất cả những cuốn sách về ảo thuật mà ông đã dùng làm tư liệu khi viết “Người biến mất”. Cũng như đối với những quyển trinh thám khác của J.D, ông đã kết hợp tài tình giữa kiến thức chuyên môn và cốt truyện sáng tạo để “sinh ra” một quyển sách rất lý thú cho mọi người thưởng thức.
“Người biến mất” cũng có đề cập đến một bức tượng thờ nhỏ trong phòng ngủ của Lincoln Rhyme, có hình vị chiến thần của người Hoa và vị thần của giới cảnh sát, Quan Đế (Quan Vân Trường). Chi tiết này khiến Biển nhớ đến một nhân vật phụ mà Biển rất thích trong cuốn “Thạch Hầu” của bác Jeffery Deaver. Có lẽ đối với tác giả mình yêu thích thì Biển đặc biệt dễ tính: dù có một số ý kiến cho rằng truyện trinh thám của bác J.D và Dan Brown là “mười mấy cuốn chỉ có một bộ khung duy nhất, tác giả chỉ thay đổi các chi tiết đắp lên xung quanh bộ khung đó”, thì Biển vẫn rất yêu thích hầu hết các truyện của bác J.D và của Dan Brown. Biển công nhận đúng là truyện của họ chỉ có một bộ khung giống nhau, đọc nhiều sẽ biết cách đoán các chi tiết bất ngờ và thậm chí đoán được hung thủ, nhưng vì cách xây dựng cốt truyện quá hay và sáng tạo, văn phong mượt mà dễ đọc dễ hiểu, diễn biến ly kỳ hồi hộp nên mỗi truyện đều có sự hấp dẫn riêng. Cứ mỗi cuốn thì bác J.D lại đưa vào một đề tài mới: nhìn chữ đoán người; quan sát ngôn ngữ cơ thể để phá án; lúc thì đề cập đến nghề sửa đồng hồ; trong cuốn “Người biến mất” thì xuất hiện các màn ảo thuật. Dù bác J.D có viết thêm chục cuốn nữa với cùng motip này mà truyện vẫn hay thì Biển vẫn sẽ đọc.
Trong đoạn gần cuối của “Thạch Hầu”, Biển đã rất ấn tượng với Amelia Sachs, nhưng đến cuốn “Người biến mất”, hình tượng nữ cảnh sát tóc đỏ xinh đẹp này càng được khắc họa rõ rệt hơn đối với Biển. Có cảm giác Sachs đã trở thành nhân vật chính, Lincoln Rhyme chỉ còn vai trò mờ nhạt! Trong quyển này, độc giả sẽ được kể sơ về những vấn đề phân biệt giới tính mà Sachs phải đối mặt khi vừa vào ngành cảnh sát, thậm chí khi đã thạo nghề, mang tư chất dũng cảm nhạy bén, cô vẫn đụng độ với nam giới cấp trên không biết điều và sự quan liêu của chính trường. Chính Amelia cũng hiểu rõ và nói:
“… đó là phần khó nhất của việc là một nữ cảnh sát. Ta phải làm việc với những người đó. Ta cần họ ủng hộ ta, yểm trợ cho ta. Ta có thể lần nào cũng đấu tranh. Nếu ta thật sự phải làm thế thì ta đã thua rồi. Phần khó nhất không phải là có can đảm để đấu tranh. Mà là biết khi nào thì đấu tranh và khi nào thì đơn giản là bỏ qua”.
Biển không biết liệu có thể gọi bác J.D là “tác giả lớn” hoặc “tác giả nổi tiếng” không, nhưng với tư cách là một độc giả hậu bối, Biển xin phép được nêu nhận xét này: dường như bác J.D càng viết càng lên tay. Trừ hai cuốn “Lá bài thứ XII” và “Hang dã thú” Biển không đọc nổi, những cuốn khác đều có sự hấp dẫn riêng. Biển thích tất cả các yếu tố từ cốt truyện sáng tạo, văn phong quen thuộc nhưng không nhàm chán, cách tác giả viết những câu văn dài vừa tinh tế vừa hài hước (không thể quên công lao của dịch giả đã chuyển ngữ tổng thể một cách hoàn hảo), thí dụ như:
“Phó hội đồng phụ trách cảnh sát và thị trưởng muốn biết chi tiết về tiến triển của một vụ không có mấy chi tiết và chẳng có tiến triển gì”.
Xin nhắc lại lần nữa là cuốn này dịch thuật rất tốt, có cảm giác đang đọc văn của cả tác giả và dịch giả. Sách chỉ có vài lỗi chính tả và lỗi đánh máy không đáng kể, hoàn toàn do gõ nhanh nên gõ nhầm. Đến trang 1x thì Biển đã đoán đúng được cách hung thủ biến mất khỏi hiện trường đầu tiên. Biển cho rằng điều này sẽ rất dễ đoán với những ai đọc nhiều trinh thám và có óc suy luận nhạy bén, vì Biển vốn đọc ít trinh thám và suy luận cùn mà còn đoán được. Đây là lần đầu tiên trong “đời” đọc sách mà Biển không dám nhìn lâu vào bìa sách. Tuy bìa cuốn “Người ru ngủ” (Donato Carrisi) trông cũng đáng sợ nhưng không hiểu sao Biển thấy bìa của “Người biến mất” nhìn ám ảnh hơn nhiều! Tuy vậy, nếu đừng để ý đến chuyện “thạch nhũ đâm xuyên qua mặt” thì “Người biến mất” là một quyển sách khiến Biển trồ trầm khen ngợi khi đọc đến dòng cuối, và góp phần làm sâu đậm thêm tình cảm của Biển đối với truyện trinh thám của Jeffery Deaver.
(Sea, FB Camellia Phoenix, 3-12-2019)
Mời bạn đón đọc Người Biến Mất của tác giả Jeffery Deaver & Trần Trọng Hải Minh (dịch).