Bạn sẽ cần đến cuốn sách này khi bạn đang loay hoay trong những rắc rối của việc quản lý người khác mà bỏ quên những rắc rối của chính bản thân mình. Bạn sẽ thấy cuốn sách giúp bạn thay đổi tư duy, thay đổi định hướng phấn đấu, thay đổi cách đánh giá thành công. Ngay cả khi bạn không phải một nhà quản trị, “Nhà quản trị thành công” cũng là một trợ thủ đắc lực rèn luyện những phẩm chất cá nhân của bạn.
Bên cạnh đưa ra 8 nguyên tắc mà một nhà quản trị phải đặt ra cho chính mình, tác giả Peter F.Drucker phân tích cặn kẽ các kỹ năng cần thiết để rèn luyện bản thân hướng tới mục đích ngày càng hoàn thiện. Không chỉ là các con số, các suy luận dựa trên kinh nghiệm lâu năm, “Nhà quản trị thành công” cho ta thấy những bài học thất bại hoặc thành công của nhiều cá nhân, tổ chức, công ty trên thế giới, để từ đó khuyến khích mỗi người rút ra kết luận cho riêng mình.
Trong cuốn sách, ta sẽ thấm thía được sự thất bại của dòng xe Ford Edsel mặc dù trước đó các số liệu thu thập đều cho rằng nó thành công. Ta cũng bất ngờ khi biết rằng số lượng người không làm nên hiệu quả, mà đôi khi lại là lý do chính khiến việc quản trị dư thừa. Bạn cũng sẽ học được cách quản lý thời gian tuyệt với của vị chủ tịch ngân hàng nổi tiếng nơi Peter F.Drucker từng hợp tác tư vấn. Ông ấy luôn thực hiện một cuộc trao đổi hiệu quả trong vòng 1 tiếng 30 phút với quy tắc: không ai làm phiền trừ “Tổng thống Mỹ và vợ tôi”.
“Nhà quản trị thành công” thực sự là một cuốn sách dành cho tất cả mọi người, bởi phần lớn chúng ta đều chưa làm việc hiệu quả hoặc hiệu quả không như mong muốn. Ngay cả khi bạn là một nhà quản trị đã gặt hái nhiều thành công thì cuốn sách vẫn giúp bạn đạt đến nhiều thành công hơn nữa.
***
Các cuốn sách về quản trị thường nói về việc quản lý người khác. Tuy nhiên, chủ đề của cuốn sách này lại là cách tự quản lý bản thân để đạt được tính hiệu quả trong công việc. Chưa ai chứng minh được rằng liệu bạn có thực sự quản lý được người khác hay không, song rõ ràng là chúng ta đều có thể tự quản lý bản thân. Nếu bạn không tự quản lý để đạt hiệu quả trong công việc thì bạn khó mà quản lý được những người khác. Quản trị chủ yếu được thực hiện bằng cách làm gương, do đó những nhà quản lý không biết cách làm việc hiệu quả sẽ không thể làm gương cho người khác noi theo.
Chỉ thông minh, có kiến thức hay chăm chỉ làm việc vẫn chưa đủ để đạt hiệu quả trong công việc; tính hiệu quả là cái gì đó khác biệt hẳn với những điều trên. Nhưng tính hiệu quả cũng không yêu cầu bất cứ tài năng hay sự đào tạo đặc biệt nào, mà chỉ đòi hỏi thực hiện một số công việc nhất định, mà thường là đơn giản. Nó bao gồm một số phương pháp thực hành sẽ được trình bày và phân tích trong cuốn sách này. Những phương pháp thực hành đó không phải tự nhiên mà có. Trong suốt thời gian 45 năm làm công tác tư vấn, có dịp làm việc với rất nhiều nhà quản lý thuộc đủ loại tổ chức với các quy mô lớn nhỏ khác nhau như các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ, công đoàn, bệnh viện, đại học, tổ chức cộng đồng, người Mỹ, người Châu Âu, người Châu Mỹ Latinh, người Nhật Bản, cá nhân tôi chưa từng thấy ai có khả năng “bẩm sinh” trong lĩnh vực này cả. Chúng ta cần phải học cách để làm việc có hiệu quả, cần thực hành và rèn luyện khả năng đó đến khi trở thành thói quen. Bất cứ ai cố gắng rèn luyện đều có thể trở nên hiệu quả trong công việc. Nói cách khác, tính hiệu quả (effectiveness) có thể học được và phải được học!
Chúng ta được trả lương chính vì tính hiệu quả trong công việc, dù bạn là nhà quản lý hay chỉ là nhân viên. Không có tính hiệu quả thì không thể đạt thành tích cao trong công việc dù bạn có tốn thời gian bao nhiêu đi nữa hay cho dù bạn có kiến thức và thông minh đến đâu đi nữa. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn ít quan tâm đến nhà điều hành hiệu quả. Điều này cũng không có gì là lạ, do các tổ chức như doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, công đoàn, các bệnh viện và trường đại học lớn… tất cả đều còn rất mới mẻ. Một thế kỷ trước đây, người ta chẳng có mấy liên hệ đến các tổ chức như ngày nay. Tính hiệu quả của nhà điều hành hàm ý nói về tính hiệu quả bên trong hay thông qua một tổ chức. Thế mà mãi đến gần đây, người ta vẫn chẳng quan tâm hay lo lắng đến sự thiếu hụt trầm trọng các nhà điều hành thực sự hiệu quả. Ngày nay, đa số người lao động, nhất là những người được đào tạo, sẽ làm việc cả đời trong một tổ chức nào đó. Ở các nước phát triển, xã hội là một tập hợp của các tổ chức khác nhau. Do đó, hiệu quả của cá nhân ngày càng phụ thuộc vào khả năng làm việc hiệu quả (và trở thành một nhân viên/ một nhà quản lý hiệu quả) trong tổ chức. Tính hiệu quả, khả năng hoạt động và tồn tại của một xã hội hiện đại cũng trở nên phụ thuộc vào tính hiệu quả của các nhà quản lý trong các tổ chức. Nhà quản lý hiệu quả trở thành một tài nguyên quan trọng cho xã hội; tính hiệu quả trở thành yêu cầu hàng đầu trong thành công của một cá nhân, dù anh ta mới bắt đầu đi làm hay đã làm việc một quãng thời gian đáng kể trong sự nghiệp.
***
Cái gì tạo nên một nhà điều hành hiệu quả? (Peter F.Drucker)
Một nhà điều hành hiệu quả không nhất thiết phải là người lãnh đạo hay phải có phẩm chất của một lãnh đạo theo thuật ngữ “lãnh đạo” thường được sử dụng rộng rãi hiện nay. Harry Truman chẳng có chút phẩm chất lôi cuốn, hấp dẫn nào, song ông ta vẫn là một trong số những nhà điều hành thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tương tự như thế, có một số CEO (giám đốc điều hành) giỏi nhất của các tổ chức kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận mà tôi đã từng làm việc với họ trong hơn 65 năm hành nghề tư vấn đều không phải là những nhà lãnh đạo điển hình. Họ có những cá tính, thái độ, giá trị, điểm mạnh và điểm yếu rất đa dạng. Họ có thể là người hướng ngoại hay hướng nội, dễ tính, cởi mở hay khó gần, rộng rãi hay keo kiệt,…
Cái khiến họ trở nên có hiệu quả chính là việc tuân thủ tám quy tắc thực hành sau đây:
- Họ hỏi “Cần phải làm gì?”
- Họ luôn tự hỏi “Điều gì là đúng đắn cho tổ chức?”
- Họ xây dựng các kế hoạch hành động.
- Họ chịu trách nhiệm về những quyết định.
- Họ chịu trách nhiệm liên hệ giao tiếp với người khác
- Họ tập trung vào các cơ hội hơn là vấn đề
- Họ tổ chức các cuộc họp, tranh luận hiệu quả
- Họ suy nghĩ và nói “chúng ta” thay vì “tôi”.
Hai quy tắc thực hành đầu tiên cho họ những kiến thức cần thiết. Bốn quy tắc tiếp theo giúp họ chuyển kiến thức đó thành hành động một cách hiệu quả. Hai điều cuối cùng đảm bảo rằng trong tổ chức của họ mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với công việc.
***
Peter F. Drucker sinh ra tại Vienna (Áo) tháng 11/1909. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật quốc tế tại đại học Frankfurt Đức, ông nghiên cứu kinh tế học và làm báo tại Luân Đôn trước khi di cư sang Mỹ vào năm 1937.
Là một nhà viết sách, nhà tư vấn quản lý và giáo sư đại học, Peter F. Drucker đã viết 35 cuốn sách với 15 cuốn về quản lý, 16 cuốn về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, 2 cuốn tiểu thuyết và 1 cuốn tự truyện.
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, ông đã tư vấn cho rất nhiều các tổ chức, tập đoàn lớn nhất thế giới trong quá trình quản lý doanh nghiệp cũng như tham gia tư vấn quản lý các tổ chức phi chính phủ và các quốc gia và được các chuyên gia kinh tế ghi nhận như cha đẻ của học thuyết nghiên cứu về quản lý.
Tác phẩm:
.
Mời các bạn đón đọc Nhà Quản Trị Thành Công của tác giả Peter F. Drucker.