Văn hóa nhân học - một bộ phận quan trọng của văn hóa học, phát triển mạnh ở các nước châu Mỹ đầu thế kỷ XIX. Cho đến nay, xu hướng nghiên cứu văn hóa này ngày càng đạt được những thành tựu to lớn.
Bách khoa thư các nền văn hóa thế giới là một bộ sách chứa đựng bao tâm huyết của những nhà nghiên cứu văn hóa nhân học châu Mỹ và của nhóm biên dịch. Với sự tham gia nghiên cứu, điều tra điền dã trong nhiều năm của thập kỷ 90 thế kỷ XX, và sự cố gắng nhiều năm của nhóm biên dịch, Bộ sách sẽ giới thiệu trên 200 nền văn hóa nhân học ở khắp năm châu.
Bộ sách gồm 5 tập:
- Văn hóa nhân học châu Á. - Văn hóa nhân học châu Âu. - Văn hóa nhân học châu Phi. - Văn hóa nhân học châu Mỹ. - Văn hóa nhân học châu Đại Dương.
Văn hóa nhân học lấy chủ thể văn hóa làm căn cứ để xác định một nền văn hóa. Chủ thể một nền văn hóa là một nhóm người hay một cộng đồng được xác định theo nhiều tiêu chí khác nhau, điều này tạo nên sự khác biệt của nhân học văn hóa với dân tộc học. Trong khi dân tộc học chỉ mô tả văn hóa tộc người thì nhân học văn hóa không chỉ mô tả văn hóa tộc người mà còn mô tả văn hóa các nhóm cộng đồng có những đặc thù riêng biệt như văn hóa Digan, văn hóa Hinjia, văn hóa Đông Nam Á ở châu Mỹ, v.v. Sự chọn lựa căn cứ xác định nền văn hóa nhân học đa dạng, linh hoạt này có thế mạnh là cung cấp rất chân thực bức tranh văn hóa của các nhóm, cộng đồng người trên toàn thế giới, lột tả được hết những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa đó. Cách tiếp cận này giúp tránh được nhiều khó khăn khi tìm hiểu những nền văn hóa có tính đặc thù về lối sống, tôn giáo, hay không gian văn hóa. Chẳng hạn, văn hóa các tộc người Đông Nam Á bản địa (các nước Đông Nam Á) rất khác so với văn hóa của người Đông Nam Á ở châu Mỹ. Những nền văn hóa có không gian văn hóa không phải bản địa này đã có sự tiếp biến văn hóa lớn tạo nên một nền văn hóa riêng vừa mang yếu tố văn hóa gốc, vừa tiếp thu văn hóa tại không gian văn hóa mới.
Với một khối tư liệu khổng lồ, do gần một trăm nhà nghiên cứu văn hóa khảo sát tại thực địa và mô tả chúng theo một cấu trúc thống nhất, Bộ sách chắc chắn sẽ đóng góp nhiều cho khoa học nghiên cứu về văn hóa tộc người và các nhóm, các cộng đồng người vô cùng đa dạng và phong phú trong cuộc sống ngày nay. Bộ sách không chỉ mang tính khoa học nghiêm túc, nó còn là một cuốn sách lý thú dành cho những người yêu thích tìm hiểu văn hóa nhân loại. Không nơi nào có thể tìm thấy một cách hệ thống và đầy đủ những phong tục tập quán, nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân loại như trong bộ sách này.
Bộ sách ra đời do một số nguyên nhân rất căn bản. Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ sự biến đổi sâu sắc toàn cảnh văn hóa thế giới vào thập kỷ 90, thế kỷ XX. Những biến đối này vẫn tiếp tục tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Biến đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa trong bối cảnh hiện đại khiến thế giới biến động và phức tạp hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại. Sự phân tán các nhóm văn hóa tới các vùng trên thế giới đem lại sự đa dạng lớn về hình thức: Trong các quốc gia Đông Phi, những người thuộc 12 nhóm dân tộc khác nhau đã tới cư trú, hình thành nên các đô thị mới; Mỹ và Bắc Mỹ là nơi số lượng người châu Á, châu Mỹ La Tinh có nguồn gốc châu Âu tới nhập cư nhiều nhất; còn ở châu Âu, những người lao động có nguồn gốc Trung Đông và Bắc Phi xuất hiện ngày càng nhiều. Gần với sự di dân này là sự phân tán, phân chia những nhóm văn hóa đã có thời thống nhất, riêng biệt thành hai hoặc nhiều nhóm có quan hệ hoàn toàn khác biệt, lối sống của các nhóm này đã phải thay đổi cho phù hợp với vùng đất mới mà nhóm tới định cư. Ngoài ra, trong hoàn cảnh phục hồi chủ nghĩa dân tộc, các phong trào đấu tranh đòi hỏi tự do chính trị, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở đoàn kết dân tộc và các yêu sách cơ bản của dân tộc đối với đất nước cũng ngày càng phát triển, là cơ sơ để bảo lưu các yếu tố văn hóa truyền thống của các nhóm tộc người.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chỗ, thế giới đang tồn tại các kiểu mẫu về văn hóa vô cùng đa dạng: văn hóa vùng, nhóm dân tộc, nhóm bản địa, nhóm tôn giáo, nhóm dân nhập cư không bị đồng hóa. Như vậy, không có một tiêu chí riêng hoặc mốc cụ thể nào về văn hóa có thể phân biệt một cách thích đáng hàng trăm nhóm văn hóa nhân học cho phù hợp với kiểu mẫu chung này.
Nguyên nhân thứ ba, một nền văn hóa đặc trưng một thời đã được xác định đều có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, mốc có thể xác định nền văn hóa ở một vùng hoặc một thời gian của nhóm tộc người không thể đại diện cho văn hóa ở từng nơi khác nhau trong những thời gian khác nhau. Điều này dẫn tới khái niệm văn hóa nhân học đã mở ra một cách thức mới hợp lý hơn khi nghiên cứu về văn hóa dân tộc.
Chính vì những nguyên nhân nêu trên mà Bộ sách Bách khoa thư các nền văn hóa thế giới đã giới thiệu trên 200 nền văn hóa nhân học, chủ yếu dựa trên mấy tiêu chí: Nhân tố thứ nhất - hạt nhân liên kết nhóm chủ yếu là tộc người. Nhân tố thứ hai là môi trường gắn với phong cách sống trong quá trình phát triển lịch sử. Nhân tố thứ ba là tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi nền văn hóa nhân học đều được mô tỏ theo một câu trúc thống nhất, cụ thể:
- Tên các tộc người, nhóm người chủ thể nền văn hóa.
- Các tên khác của nhóm, tộc người đó.
- Môi trường vật chất, lịch sử dân số và số dân, ngôn ngữ.
- Lịch sử văn hóa của nhóm tộc người trong mối quan hệ với các nhóm khác.
- Kiểu cư trú, thiết kế nhà và vật liệu.
- Phân công lao động, cách thức sinh kế, trao đổi sản phẩm, luật lệ và quyền sở hữu, sử dụng đất.
- Tính huyết thống, thị tộc, quan hệ họ hàng.
- Hôn nhân và đơn vị gia đình cơ bản. Luật lệ thành văn và bất thành văn trong việc xã hội hóa và giáo dục.
- Các tổ chức chính trị, xã hội, cơ chế kiểm soát xã hội và cách thức giải quyết mâu thuẫn.
- Tôn giáo, tín ngưỡng, đức tin và hiệu quả tôn giáo. Các nghi lễ.
- Nghệ thuật, các đặc trưng của hoạt động nghệ thuật.
- Y học truyền thống, ảnh hưởng của y học khoa học.
Sau một thời gian đọc tư liệu và cân nhắc, câu châm ngôn “Không gì thuộc về con người lại xa la đối với tôi” đã được nhóm biên dịch lấy làm kim chỉ nam. Vì thế, tiêu chí tuyển chọn của chúng tôi trước hết là các nhóm tộc người không mấy quen thuộc với bạn đọc Việt Nam bởi cho tới nay chưa có nhiều tư liệu phản ánh về chúng. Do đó, trong bộ sách này, những tộc người quen thuộc với độc giả Việt Nam, chẳng hạn tộc Hán, tộc Mãn Thanh của Trung Quốc hay các tộc người tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam sẽ không được nhóm biên dịch giới thiệu do đã có nhiều tư liệu khác phong phú và được khảo sát kỹ càng hơn. Một số nhóm tộc người di cư được chúng tôi xếp vào vùng văn hóa khởi nguyên, không xếp vào vùng đất mới mà các nhóm đó di cư đến (chẳng hạn nhóm người Âu ở Mỹ xếp vào văn hóa nhân học châu Âu, nhóm người Đông Á ở Canada và Mỹ xếp vào văn hóa nhân học châu Á) nhằm làm sáng rõ hơn sự biến đổi và bảo lưu các đặc trưng văn hóa nhóm.
Với gần 200 nền văn hóa nhân học được trình bày, hy vọng bạn đọc sẽ có cơ hội thâm nhập vào thế giới tâm linh huyền bí, quan sát chiêm nghiệm đời sống sinh hoạt muôn màu muôn vẻ thông qua các phong tục kỳ lạ, độc đáo, tìm hiểu và khám phá những bí ẩn của văn hóa nhân loại.
Tập thứ nhất: Văn hóa nhân học Châu Âu sẽ đưa bạn đọc đến với những nền văn hóa có lịch sử lâu đời, tạo ra chiếc nôi cho văn minh nhân loại. Trong bối cảnh hiện nay những gì đã tạo nên bản sắc của các nền văn hóa này? Xin hãy đọc sách.
Bộ sách “Bách khoa thư các nền văn hóa thế giới” với 5 tập ứng với Văn hóa nhân học 5 châu hân hạnh được ra mắt độc giả.
Nhóm biên dịch
Mời các bạn đón đọc Văn Hóa Nhân Học Châu Âu của tác giả Phạm Minh Thảo & Nguyễn Kim Loan.