Thám tử Philip Marlowe là một cựu cảnh sát, người luôn nhúng mũi vào những chuyện được cảnh báo là nên tránh xa. Xuất hiện không đúng nơi, đúng lúc, Marlowe trở thành nhân chứng bất đắc dĩ của hai vụ giết người, bị cuốn vào vụ cướp nữ trang và một âm mưu tống tiền.
Los Angeles một ngày ấm áp cuối tháng 3, trong một quán rượu ở Đại lộ Trung tâm, Marlowe vô tình trở thành nhân chứng bất đắc dĩ chứng kiến cảnh Malloy - một tên cướp nhà băng vừa mới ra tù giết người. Được cảnh sát nhờ kiếm tìm giúp tên tội phạm nguy hiểm, Marlowe tiếp tục bị cuốn vào vụ án cướp nữ trang và cái chết của Marriott – bạn của của phu nhân Grayle cũng là chủ nhân của chuỗi ngọc phỉ thúy bị cướp.
Trong quá trình tìm kiếm tội phạm, Marlowe đã phát hiện ra Velma – cô ca sĩ tóc đỏ của quán rượu 8 năm về trước có thể là đầu mối và nút thắt duy nhất của vụ án? Nhưng phải làm thế nào khi cô gái ấy biến mất không dấu vết? Ai mới là chủ mưu thật sự sau tất cả?
***
Raymond Chandler, là người đồng thời với Agatha Christie và Dashiell Hammett, hai đại diện lớn của tiểu thuyết trinh thám, có thể nói ông là người thứ ba có vị trí “ngang ngửa” so với hai tác giả này mặc dầu 45 tuổi mới được biết đến và tác phẩm để lại không nhiều như các đồng nghiệp khác.
Tên đầy đủ của ông là Raymond Thornton Chandler. Ông sinh ngày 23/7/1888 tại Chicago, bang Illinois. Năm 18 tuổi, ông sang Paris (Pháp), rồi sang Đức nghiên cứu ngôn ngữ và luật quốc tế. Mùa xuân năm 1907, ông nhập quốc tịch Anh.
Trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, Chandler làm đủ nghề: đầu tiên ông làm phóng viên cho tờ Tin nhanh hàng ngày ở London, rồi làm thơ, viết kịch ngắn, viết báo, dịch thuật cho các tạp chí. Năm 24 tuổi, ông về Hoa Kỳ, đi khắp Los Angeles làm những việc lặt vặt. 25 tuổi, qua một khóa học thủ thư, ông giữ chân thủ thư và kế toán cho một hãng bột sữa. Vào nửa cuối Thế chiến I (1917 – 1918), ông đăng lính trong lực lượng viễn chinh Canada, sang Pháp, rồi lại chuyển sang Không quân Hoàng gia. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho một ngân hàng Anh ở San Francisco. Ba năm sau, ông lại làm thủ thư và kiểm toán cho tập đoàn dầu mỏ Dabney, và nhanh chóng được thăng chức Phó chủ tịch.
Thế nhưng 10 năm sau, ở tuổi 44, ông bị đuổi việc vì uống rượu và hay bỏ việc. Phải đến tuổi 45, sau khi công bố truyện trinh thám đầu tiên Vụ tống tiền không tiếng súng, ông mới chấm dứt giai đoạn lang thang làm đủ mọi nghề để chuyên tâm viết văn. Năm 31 tuổi, ông quan hệ với một người đàn bà đã có chồng, tên là Pearl Cecily Hurburt, và 5 năm sau, họ mới kết hôn. Lúc này Hurburt đã ở tuổi… 54, hơn ông 18 tuổi. Họ sống với nhau đúng 30 năm thì bà mất (1954).
Các nhà viết tiểu sử Chandler sau này đều thừa nhận rằng cuộc đời ông còn rất nhiều khoảng trống bí ẩn, nhất là vì ông cứ nay đây mai đó, thay đổi chỗ ở liên tục. Hơn nữa, ông lại là người có hai quốc tịch, là dân Anh đến 49 năm, và chỉ ba năm trước khi mất (1956), ông mới trở lại quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng ai cũng thừa nhận rằng ông kiếm sống khá vất vả, nhất là trong những năm đầu trở thành nhà văn trinh thám chuyên nghiệp. Vì hai lý do: ông chưa bao giờ là một văn sĩ viết nhiều và thời gian đầu, khoảng năm sáu năm sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, nhuận bút cũng rất thấp. Những hóa đơn, chứng từ thanh toán của ông còn sót lại, cho thấy năm 1936, ông kiếm được 1.500USD nhuận bút từ 5 truyện ngắn.
Mời các bạn đón đọc Velma (Từ Giã Cuộc Tình) của tác giả Raymond Chandler.