Tôi đã sống một cuộc đời thường có cả điều đúng, có cả điều sai, có cả những đau khổ tự chuốc lấy trong khi đó tôi cũng trút đau khổ lên không ít người khác. Tôi có cả mọi tuổi thơ cay đắng mà không biết đỗ lỗi cho ai. Tôi từng có thể muốn gì được nấy, những thứ mà bất cứ người bình thường nào cũng đều thèm khát. Và ngược lại, tôi cũng phải đối mặt với biết bao sự ê chề trong đó có cả tôi, có cả do người khác gây ra cho tôi. Tóm lại tôi chẳng việc gì phải dựng nên những thứ mà tự nó đã chặt kín trong cuộc đời mình rồi. Nhưng nếu vẫn có ai đó không tin mục đích của tôi khi chấp nhận có cuốn sách này, thì tôi cũng không hề vì thế mà thiếu tôn trọng họ. Chúng ta được đào luyện trong một môi trường mà lòng thành thật không phải lúc nào cũng được đặt ở những vị trí xứng đáng.
Đôi khi tôi lại nghĩ, hình như mình đang " vạch áo cho người xem lưng "…. Tại sao tôi lại phải cứ làm cho những người thân của mình đau lòng? Nhưng hoá ra người đau lòng nhất lại chính là tôi. Giờ đây thì mọi việc đã không thể nào dừng lại được. Thôi thì ai muốn nghĩ gì về tôi là quyền của họ. Tôi chấp nhận cả sự nguyền rủa. Bời vì nếu cuốn sách này trở thành nguyên nhân của những hiểu lầm có thể xảy ra, thì nó cũng đồng thời là một cơ hội để cho tôi tự thanh tẩy tâm hồn mình. Mục đích lớn nhất của tôi là sám hối mặc dù tôi biết không phải mọi sự sám hối đều được tha thứ. Tôi muốn tự trừng phạt mình thay cho một sự trừng phạt từ trên cao sớm muộn rồi cũng giáng xuống…..
***
Có một thời xa vắng trong trang sách, mà độc giả thế hệ 7X, 8X trở đi có thể khó cảm nhận. Những bi kịch nhỏ phía sau màn bạc, sau ánh đèn sân khấu. Điện ảnh được coi là “hiện thực thứ hai”, thì giới làm điện ảnh nhiều người có “chân dung thứ hai” không như công chúng hình dung.
Những thói đời, chuyện làng văn nghệ đâu đó đã được nghe, cũng không có gì lạ cả, nhưng nay nó được một nghệ sĩ kể lại như chứng nhân.
Nghe tin nghệ sĩ tài sắc trong gia đình danh giá - Trần Lê Vân viết tự truyện, có người đoán: Chắc lại “nửa non” sự thật mà thôi (“nửa bánh mì là bánh mì còn nửa sự thật là nói dối”); có dám viết về những bí mật gia đình không, về mối tình trong bóng tối (theo nghĩa đen, chỉ diễn ra ban đêm không có ban ngày) không… vân vân.
Có thể vẻ sám hối “tôi biết tôi có tội” nghe hơi nặng nề với những người có quan điểm “thoáng” về tình yêu và hôn nhân, nhưng Lê Vân - Bùi Mai Hạnh biết tìm giọng điệu thích hợp, chi tiết đáng tin cậy.
Có những bí mật thật sự đã phát lộ, và có những sự thật chỉ hé lộ phần nào. Những phương châm sống giản dị cho thấy độ chín của một người đàn bà trải đời, không kém sâu sắc.
Các mối tình mang màu tiểu thuyết nhưng cũng đời. Nhiều đoạn cảm động, nhiều đoạn có chất thơ. Nghe nói, Lê Vân cũng là người “chết vì chữ nghĩa”, bị chữ nghĩa lung lạc.
Viết hồi ký, tự truyện trong giới nghệ sĩ ở ta còn là chuyện mới mẻ. Vì chưa quen, dị ứng? Vì đời sống nghèo nàn? Vì không đủ dũng khí?… Tự truyện của Lê Vân không lạ lắm, số phận của chị không đặc biệt lắm mà hóa ra vẫn đặc biệt.
Đọc Lê Vân yêu và sống, liên tưởng Hồi ức của một geisha. Nếu có tài, có phẩm giá, ta chẳng sợ gì. Thuở nhở, chị dằn vặt tự hỏi mình là ai. Gần đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” đã ngộ ra, đơn giản: “Tôi là tôi, là đàn bà”. Và cảm thông sâu sắc với đàn bà: “Nhiều khi, tôi chỉ muốn kêu lên, gào lên: Người đàn bà ơi, hãy dũng cảm lên, hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đừng chấp nhận cái gọi là số phận. Ta phải đủ mạnh để số phận phải theo ta. Ta phải đủ trí khôn để không bị số phận ru ngủ ta dẫn dắt ta vào bể đời trầm luân khổ ải. Ta phải đủ thiện tâm để làm mềm lòng cả những con người độc ác xấu xa…”.
Mời các bạn đón đọc Lê Vân - Yêu Và Sống của tác giả Bùi Mai Hạnh.