Đừng bao giờ xin lỗi, cũng đừng bao giờ giải thích! Khi hoàn thành cuốn How Not to be a Perfect Mother (Làm mẹ “yêu nghề” là được), tôi khăng khăng đây là cuốn sách cuối cùng. Từ khi thai nghén cho tới sinh nhật lần thứ tư của con mình, tôi luôn có vài lời bào chữa cho việc đọc – hoặc viết – sách về trẻ sơ sinh. Với tôi, việc khái quát hóa về những giai đoạn đầu đời là hợp lý; dù mỗi em bé là một cá thể nhưng trong những năm đầu đời, các đặc điểm chung luôn lấn át cá tính riêng. Mọi em bé sáu tháng tuổi đều chộp lấy thìa khi bạn cố cho chúng ăn, mọi em bé mới tập đi đều kéo mọi thứ trên bàn đổ ụp xuống đầu; và những đặc điểm cụ thể của em bé hai tuổi (không khác gì một va li đầy chất nổ) cũng khá phổ quát. Nhưng sau khi con được bốn tuổi, tôi đã viết: “Trong tay bạn có thể là tay súng gan góc hay quý cô thanh lịch thời Victoria; một nhà trí thức, vận động viên hay nhân vật quảng giao. Chúng bắt đầu khác biệt, dù chút ít thôi nhưng hoàn toàn độc lập, dựa trên nền tảng di truyền, cơ hội và hoàn cảnh sống. Do đó, tuổi lên ba chín chắn có vẻ là mốc hợp lý để dừng lại.”
Và tôi đã dõng dạc tuyên bố với bạn bè: đừng hỏi tôi chuyện viết một cuốn sách nào khác về chăm sóc trẻ em. Nếu chưa thành thạo cách nuôi con trước khi chúng bốn tuổi thì bạn đã hết thuốc chữa rồi. Nên sẽ không còn lời khuyên nào từ phía tôi nữa đâu: tôi đã làm chuyên gia nuôi dạy trẻ đủ rồi và sẽ không quay lại viết những thứ khác. Thực sự tôi đã khá mừng: tôi không còn phải quyết định xem liệu nên gọi một đứa trẻ là “cậu bé” (phong cách cũ), “cô bé” (hợp thời), “nó” (xúc phạm), hay làm quá tải từng câu bằng cách dùng dài dòng là “cậu bé/cô bé”. Tôi chưa bao giờ giải quyết được vấn đề đó, và sẽ không bao giờ làm được.
Nhưng tôi đã nhầm. Tôi đã nuốt lời. Các con tôi lớn lên, nhưng khi ký ức về bỉm bủng và tiếng chuông báo thức đêm bắt đầu phai nhạt, thay vì thư giãn bước vào một giai đoạn mới và “dễ thở” trong đời sống gia đình thì tôi lại thấy mình vẫn như đang bơi giữa biển. Tôi vẫn tiếp tục tìm cách hiểu mọi việc và trên tất cả, vẫn tiếp tục hào hứng so sánh những ghi chú với bạn bè đang làm mẹ ở mọi lứa tuổi và với người lạ chờ tính tiền trong siêu thị. Sự trưởng thành và tự lập của bọn trẻ đã giúp đôi chuyện dễ dàng hơn: tôi mất ít thời gian phục vụ con về mặt thể chất hơn và mọi thứ trở nên hợp lý hơn khi con qua tuổi chập chững biết đi. Sau bốn tuổi, bạn có thể thương lượng kiểu: “Cho mẹ mười phút với đống giấy tờ này, rồi mẹ con ta sẽ chơi trò Vòng quay ngựa gỗ nhé.” Khi một đứa trẻ bốn tuổi muốn ăn sữa chua, bạn có thể chỉ chiếc tủ lạnh và nói “Được thôi, con ra tủ chọn nhé!”mà không phải dừng tay trong lúc đang khơi thông bồn rửa bát. Khi con năm tuổi, bạn có thể tin tưởng rằng con sẽ nhớ đóng cửa tủ lạnh. Khi lên sáu, con sẽ đóng cửa tủ lạnh nhanh khủng khiếp bởi trường học và các chương trình ti-vi “xanh” đã khiến chúng quan tâm tới việc tiết kiệm điện. Ở nhiều mặt, việc nuôi con chắc chắn dễ dàng hơn.
Nhưng rồi những chuyện chưa từng xảy ra bắt đầu nảy sinh: ác mộng, chửi thề, trường lớp, ngủ qua đêm ở nhà bạn, tiệc tùng, ti-vi, bệnh quai bị, cãi vã, Tiên Răng, những thứ đại loại vậy. Chúng kết hợp thành vô vàn bức tranh mới: tôi đã dành nhiều giờ vui vẻ và ngồi tán gẫu sôi nổi với bạn bè về những vấn đề kiểu như làm gì nếu con bạn gặp ác mộng về Tiên Răng, hoặc chửi thề ở trường, hoặc lây bệnh quai bị cho những đứa khác trong bữa tiệc của con. Một ngày nọ, tôi nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi cả. Thay vì vừa nghiền chuối vừa bế con vừa hát “Chú voi con ở bản Đôn” cho một đứa chập chững biết đi, nay tôi lại vừa dựng một chiếc tàu vũ trụ bằng hộp đựng trứng vừa đặt lịch học bơi qua điện thoại vừa cố giải thích tại sao máy bay lại bay. Và cuối cùng thì tôi quyết định rằng có lẽ là đã đến lúc viết tập tiếp theo.
Cuốn sách này một lần nữa sẽ gạt đi cái ý tưởng về sự hoàn hảo trong đời sống gia đình.
Nó không giống lắm với cuốn đầu tiên, đơn giản bởi mọi thứ đã thay đổi. Đến giai đoạn làm cha mẹ này, sẽ không còn mấy ý nghĩa khi đưa ra mười mẹo vặt để dụ trẻ hay một trang giấy kín đặc các giải pháp kỳ diệu về chuyện tập ngồi bô. Không cần những mẹo nhỏ như dán băng dính trong bồn tắm khách sạn đề phòng con trượt ngã (thẳng thắn mà nói, khi được năm tuổi, các con tôi khéo léo hơn và ít bị ngã hơn tôi). Hẳn sẽ là một điều xúc phạm nếu viết một cuốn sách dành cho giai đoạn 3 – 8 tuổi theo kiểu viết cho trẻ nằm nôi: xoay xở với trẻ nhỏ chủ yếu là vấn đề về quản lý, theo đó mà mối quan hệ với trẻ được phát triển. Với trẻ lớn hơn, mối quan hệ đó lại chiếm ưu thế và mặc dù các chiêu trò vẫn có chỗ để dùng nhưng cần được ngụy trang khéo léo hơn. Còn lý do nào nữa khiến lũ trẻ 4 – 5 tuổi phát triển bất ngờ đến vậy, gây bối rối đến vậy và mất cả tình yêu dành cho những người bảo mẫu mà chúng vẫn yêu quý? Chúng đang thay đổi. Việc của các ông bố bà mẹ là thay đổi cùng chúng. Đó chính là nội dung cuốn sách này.
Hơn hết, có lẽ cuốn sách này một lần nữa sẽ gạt đi cái ý tưởng về sự hoàn hảo trong đời sống gia đình. Trong vài năm đầu, bạn rơi vào áp lực trở thành một Bà mẹ Hoàn hảo, một Đức mẹ Madonna thời hiện đại với một kho những nước nhỏ fluoride, thẻ học flashcard và sự kiên nhẫn vô hạn tới mức hy sinh bản thân. Nhưng khi con lớn lên, trọng tâm cũng thay đổi theo. Bỗng nhiên, chính con bạnđược kỳ vọng sẽ trở thành mẫu người hoàn hảo, tức một đứa trẻ biết cân bằng, biết cư xử, có tính nghệ sĩ, yêu khoa học và thể chất tốt. Thay vì thấy tội lỗi vì mình là một người mẹ bất tài, kém cỏi, bạn sẽ suốt đời canh cánh không yên với những suy nghĩ rằng con mình không đủ giỏi: không vượt qua các kỳ thi, không học đàn, không tham gia đội nhóm. Hãy chiến đấu với nó. Không có cái gọi là đứa con hoàn hảo, cũng như không có cái gọi là phụ huynh hoàn hảo.
Mà này, đừng lo nếu người phụ huynh đó là mẹ, bố hoặc cả hai. Theo tôi, “mẹ” là một từ mô tả công việc, không phải một định nghĩa về giới.
Bộ sách Hoàn Hảo Cũng Được, Không Hoàn Hảo Cũng Được gồm có:
Con Chúng Ta Hạnh Phúc Là Được
Mời các bạn đón đọc Con Chúng Ta Hạnh Phúc Là Được của tác giả Libby Purves.