Sau quá trình nghiên cứu nghiêm túc và lâu dài, tác giả đã đúc kết được từ những thành công to lớn của Bill Gates ra 10 bí quyết thành công quan trọng nhất để giới thiệu trong quyển sách 10 bí quyết thành công của Bill Gates. Nội dung sách sẽ hé mở cho độc giả cội nguồn thành công của Bill Gates - từ những ý tưởng táo bạo, triết lý kinh doanh ưu việt đến các bí quyết kinh doanh xuất chúng. Qua đó, các độc giả có quan tâm đến công việc kinh doanh quản lý có thể rút tỉa cho mình rất nhiều bài học hữu ích để đạt được thành công trong sự nghiệp.
Qua các trang sách này, các bạn sẽ nhận biết chân dung hấp dẫn, một tính cách rất độc đáo, một tư duy sâu rộng và gắn liền với hành động và một tài năng hiếm có của một công dân Mỹ độc nhất vô nhị vào buổi bình minh của thế kỷ 21 – người mà sự nghiệp và ảnh hưởng của mình đối với thế giới chúng ta chỉ mới bắt đầu. Một cuốn sách có thể giúp thanh niên chúng ta thay đổi cách nghĩ và hướng đi của chính mình.
***
Những bậc thầy trong lĩnh vực quản lý nói với chúng tôi rằng, trong thế giới kinh doanh đương thời, khả năng học tập – hiểu theo nghĩa tiếp nhận kỹ năng hay trí thức (learning) – luôn là một lợi thế trong cạnh tranh. Các nhà quản lý phải luôn trang bị cho mình những kỹ năng và kỹ thuật mới để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến trên thương trường. Các công ty phải tự tái tạo trở thành những tổ chức có tính học hỏi cao, tức là việc tiếp cận tri thức mới đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại và tạo nên nét đặc thù của họ. Về mặt lý thuyết, tất cả những điều này rõ ràng đều đúng. Nhưng trong thực tế thì rất ít công ty thật sự có tính học hỏi. Thật ra, các nhà quản lý không giỏi trong việc tiếp nhận kỹ năng và tri thức. Giáo sư Chris Argyris của Trường Kinh doanh Havard cho rằng “Thành công trên thương trường ngày càng phụ thuộc vào khả năng học hỏi, tuy vậy đa số chúng ta đều không biết cách học. Hơn nữa, một số người trong công ty đước đánh giá là có khả năng học hỏi tốt nhất nhưng thực tế lại không được như vậy.” Một trong những mục tiêu của quyển sách này là nhằm tạo cơ hội để các nhà quản lý được dịp học tập từ những nhân vật kiệt xuất nhất.
Nghe ra thì mục tiêu này có vẻ như quá tham vọng. Nhưng chúng ta hãy thử nhìn qua cách thức mà các nhà quản lý thường sử dụng để học tập. Đầu tiên, họ học hỏi qua kinh nghiệm. Tuy vậy, theo Giáo sư Chris Argyris thì kinh nghiệm không thể bảo đảm cho năng lực học tập. Chắc hẳn bạn đã gặp khá nhiều nhà quản lý có đủ mọi kinh nghiệm sống trên đời nhưng lại kém nhận thức và thiếu trí tuệ thật sự. Họ có thể tuyên bố rằng mình có 30 năm kinh nghiệm, nhưng thường thì đó chỉ là kinh nghiệm của một năm lặp lại đến 30 lần. Kinh nghiệm không tự nhiên tạo cho người ta năng lực học tập. Năm tháng chồng chất không nhất thiết có nghĩa rằng sẽ mang lại sự uyên bác cho ai đó.
Nguồn tiếp nhận tri thức thứ hai đối với các nhà quản lý là các chương trình đào tạo. Hầu hết các nhà quản lý cao cấp đều đã từng theo học một chương trình quản trị tại các trường thương mại.
Qua nghiên cứu từng trường hợp cụ thể và nhấn mạnh đến khía cạnh phân tích thì các trường kinh doanh rõ ràng đã giúp các nhà quản lý đạt được những kỹ năng quan trọng. Nhưng phạm vi của các kỹ năng và tính hữu dụng thực tiễn của chúng thường xuyên bị nghi ngờ - ít ra thì không bởi những giáo sư tại những trường đó. Henry Mintzberg, một nhà chiến lược có uy tín, đã cho rằng: “Thật nực cười khi đưa ra ý tưởng cho rằng, chỉ với 2 năm đào tạo tại trường, chúng ta có thể biến những sinh viên 25 tuổi thông minh nhưng không kinh nghiệm, và chưa bao giờ quản lý ai hay việc gì, thành những nhà quản lý hiệu quả.”
Giáo sư Peter Drucker đáng kính cũng là một người từ lâu đã chỉ trích các trường thương mại. Từ năm 1969, ông đã viết rằng: “Được lập nên từ trên dưới một thế kỷ trước, các trường thương mại ở Hoa Kỳ vẫn đang chuẩn bị cho ra trường những viên thư lại được đào tạo kỹ lưỡng.” Gần đây, ông lại đưa ra lời dự đoán về sự suy đồi của những trường này: “Các trường thương mại đang gặp phải tình trạng thành công nửa mùa. Ngày nay họ đã có cải thiện chút nào tình hình này. Điều tệ hại nhất là họ lại không cải thiện chút nào những gì lẽ ra phải nên làm.” Các trường kinh doanh vẫn gắn chặt vào lý thuyết; còn kinh doanh lại liên quan đến hành động.
Soichiro Honda, người sáng lập ra hãng Honda đã nói rằng: “Bằng cấp không gây ấn tượng cho tôi. Chúng chẳng làm nên việc. Điểm số của tôi đã không cao bằng người khác, và tôi cũng đã không tham gia kỳ thi cuối khóa. Thầy hiệu trưởng gọi tôi lên và cho tôi nghỉ học. Tôi đã nói với thầy rằng tôi không cần bằng cấp. Giá trị của chúng không bằng cả một chiếc vé phim. Ít nhất với một chiếc vé, bạn còn được bảo đảm là vào được rạp. Còn một tấm bằng lại không bảo đảm được điều gì cả.”
Với lời lẽ mềm mỏng đáng ngạc nhiên, Lee Iacocco, cựu tổng giám đốc điều hành của hãng xe hơi Chrysler, đã nhận xét: “Việc học chính qui có thể dạy dỗ cho bạn rất nhiều điều, nhưng có nhiều kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, bạn phải tự mình phát triển.” Robert Townsend, cố chủ tịch của hãng Avis và cũng là tác giả của cuốn sách “Up the Organization”, lại còn cố chấp hơn. Ông cảnh báo rằng: “Đừng tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp Trường Kinh Doanh Havard. Theo tôi thì những tinh hoa này còn thiếu một số yêu cầu khá cơ bản để đạt tới thành công. Đó là tính năng hiểu biết sâu sắc về bản chất kinh doanh và loại người nào có thể thụ hưởng niềm vui khi công việc tiến triển; biết tôn trọng thứ bậc trên dưới; một bảng thành tích đã được minh chứng về sự quyết tâm, chăm chỉ, trung thành, óc phán đoán, công bằng và trung thực khi chịu sức ép.”
Khoảng thời gian gần đây, Bill Gates cùng Richard Branson – giám đốc hãng Virgin – và Anita Roddick – giám đốc công ty Body Shop thường xuyên được nhắc đến như những tấm gương điển hình của những người không qua trường lớp kinh doanh nhưng lại đạt đến đỉnh cao thành công trong kinh doanh. Anita Roddick cho rằng: “Một lợi thế rất lớn mà tôi có được khi khai trương Body Shop chính là việc tôi chưa bao giờ theo học các trường dạy kinh doanh.” Cũng cùng một ý tương tự, sáng lập viên Jim McCann của hãng 1-800- Flowers cho rằng công ty này có lẽ đã không phát triển phồn thịnh như vậy nếu ông ta đã theo học một trường thương mại. “Tôi hẳn sẽ mất nhiều thời gian để suy nghĩ tìm hiểu lý do tại sao một hợp đồng kinh doanh nào đó lại không thực hiện được.”
Nguồn học tập thứ ba là học qua bạn bè và đồng nghiệp. Cách này rất hiệu quả. Khuynh hướng cố vấn và huấn luyện hiện nay là một bằng chứng cho thấy rằng các nhà quản lý cao cấp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng của những nhà quản lý khác cấp thấp hơn. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra nếu sếp của bạn là một người an phận thủ thường, không quan tâm đến việc phát triển tài năng cho tương lai. Hoặc nếu đó là người bất tài và nếu nguyện vọng của bạn vượt xa tầm hiểu biết họ thì sao? Lúc đó bạn sẽ học từ ai?
Đối với nhiều người, câu trả lời được tìm thấy trong rất nhiều cuốn sách bán chạy ngày càng xuất hiện nhiều do lãnh đạo của các công ty viết. Hàng triệu cuốn được những nhà quản lý mua về đọc. Họ muốn tìm hiểu điều gì đã làm nên sự thành công của các giám đốc điều hành nay để sao chép và bắt chước. Và điều không tránh khỏi là họ sẽ thấy vọng. Hầu hết các cuốn sách đứng tên tác giả là những nhà lãnh đạo này đều bị làm cho sai lạc bởi tính chủ quan và do khả năng nhận thức muộn màng (hindsight). Chúng là cái bóng của chính tác giả và giá trị của chúng cũng mờ ảo như là cái bóng đó vậy. Hầu hết chúng chỉ là những lời tán dương nhằm đánh bóng sự nghiệp của người viết chứ không phải là những nhận định khách quan về kỹ thuật quản lý. Kiến thức nêu ra để giúp người đọc có thể học hỏi rất hạn chế; tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận giá trị “mua vui” của chúng đối với người đọc.
Quyển sách này ra đời là nhằm lấp đầy lỗ hổng này. Chúng tôi muốn mang đến cho các bạn một cái nhìn khách quan về tư duy và khả năng thực hành kinh doanh của một số lãnh đạo công ty vĩ đại nhất. Đối với mỗi nhà lãnh đạo kinh doanh trong loạt sách này, cho dù đó là Bill Gates, Rupert Murdoch, Richard Brandon hay Jack Welch, chúng tôi đều xoáy vào bản chất phương pháp tiếp cận kinh doanh của họ. Điều gì tạo nên sự khác biệt ở họ? Họ giỏi ở lãnh vực nào? Và quan trọng hơn cả là chúng ta rút ra được những bài học gì từ sự thành công trong kinh doanh của họ.
Bạn sẽ thấy những bài học này không thuộc loại “khó nuốt”. Thật ra, học cách quản lý dễ như “lấy đồ trong túi” vậy. Rupert Murdoch, nhà tỉ phú lừng danh bạn của Bill Gates, đã từng nói: “Có gì mà phải gọi là “bậc thầy”? Bạn nhặt được chỗ này một hạt ngọc, chỗ kia một hạt ngọc. Mà bạn biết đấy, đa số các hạt ngọc này cũng khá dễ nhận ra. Cứ đến khu vực sách kinh doanh của nhà xuất bản Doubleday đi rồi bạn sẽ thấy đầy rẫy những tựa sách thật hấp dẫn. Hãy bỏ ra 300 đô la để mua và sau đó vứt hết chúng vào sọt rác.” Lý thuyết chỉ dành cho những ai làm chủ được thời gian. Biến chúng thành hiện thực mới là tất cả những gì mà công việc quản lý và kinh doanh hướng đến. Bạn hãy cứ hỏi Bill Gates thử xem!
***
Khi mới ở tuổi 43, Bill Gates trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới. Ông đã điều hành Microsoft từ năm 20 tuổi. Được định giá khoảng 50 tỷ USD (mặc dù bản thân Bill Gates luôn cho rằng phần lớn tiền của mình gắn với cổ phần của công ty Microsoft), tài sản của ông thật ra còn lớn hơn mức mà nhiều người nghĩ đến. Vì lý do này ông đã thu hút cả sự thèm muốn lẫn tò mò của chúng ta.
Gates được xem là một hiện tượng của thế kỷ 20: một nhà tài phiệt vĩ đại nhất trong số những nhà tài phiệt của thế giới không gian điều khiển. Đã trở thành một trò tiêu khiển phổ biến của nhiều người tại quán bar và nhà hàng hiện nay là làm cho bạn bè và người quen của mình phải kinh ngạc khi nêu ra những con số tính toán cho thấy khả năng giàu “nứt đố đổ vách” của ông. Thật cám dỗ khi mọi người tin rằng chưa từng có một nhà lãnh đạo nào lại nhiều tiền như vậy. Trên thực tế thì cũng đã có những doanh nhân giàu sụ khác như Henry Ford và John D. Rockefeller, ấy là chỉ mới kể đến hai người. Nhưng sự giàu có của Bill Gates chỉ là một phần trong sức quyến rũ của ông.
Việc Gates vươn tới danh vọng và tiền tài nhanh đến chóng mặt đã khẳng định sự ra đời của một trật tự mới trong thế giới kinh doanh, được thống trị bởi tầng lớp những nhà đầu tư phiêu lưu và lãnh đạo kinh doanh mới. Chúng ta có thể khoác cho họ chiếc áo “kẻ sùng bái công nghệ thông tin”, nhưng họ lại biết được những điều mà hầu hết chúng ta không biết đến. Họ thông hiểu tiềm năng của công nghệ mới theo cái cách mà những nhà quản lý truyền thống, đa tài năng nhưng không chuyên về cái gì, và những tay kế toán “cả đời rị mọ với những con số” không bao giờ hy vọng hiểu được. Họ thông minh – rất, rất thông minh – đối với những thứ mà chúng ta không thực sự hiểu, và chính điều này đã khiến cho nhiều người cảm thấy không được dễ chịu cho lắm.
Khi tương lai đến, họ “nắm bắt được nó” còn chúng ta thì không. Với sự tinh thông về kỹ thuật và ưu tú về trí tuệ, Gates là biểu trưng của hàng ngũ lãnh đạo sắp tới. Mặc dù địa bàn hoạt động ở Redmond, Washington, nhưng Gates có lẽ là doanh nhân xuất chúng nhất theo đúng nghĩa những gì chúng ta mô tả về giới doanh nhân tại Thung lũng Silicon. Đối với một số người trong công ty Microsoft, ông là một nhân vật bí ẩn, hàm chứa đôi chút ý nghĩa thần thánh hóa, trong khi đối với một số người khác cùng ngành thì ông là một tên tội đồ. Cả hai quan điểm nghe có vẻ cực đoan nhưng tựu trung nhấn mạnh một điểm: mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của Gates. (Trước sự rùm beng của dư luận về vụ cáo buộc lạm dụng sức mạnh độc quyền, người ta dễ dàng quên đi là trước đây, vào những năm 1970, IBM cũng đã từng là mục tiêu của các cuộc điều tra chống độc quyền. Dẫu sao ký ức thường mau phai nhạt. Ngày nay, chúng ta cũng đã phải nhìn nhận, so với Microsoft, Big Blue (IBM) cũng thuộc hàng “thánh” chứ không kém. Điều này xuất phát từ tấm lý “vị nể” bản chất của sức mạnh – chúng ta sợ nhất những gì mà chúng ta ít hiểu về chúng nhất.
Bạn không thể tìm thấy bất kỳ một dấu tích thuộc về kỹ thuật quản lý hoặc phong cách lãnh đạo nào của Bill Gates được dạy trong các trường kinh doanh. Trên thực tế, các giáo sư và những bậc thầy trong quản lý đã im hơi lặng tiếng một cách kỳ lạ về những điều tạo nên những kỳ tích thành công của người nguyên là Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành công ty Microsoft. Có lẽ họ cảm thấy mình bị coi thường. Nói cho cùng thì Gates đã tự ý chối bỏ tương lai mà ngôi trường đại học Harvard danh tiếng có thể mang lại cho ông – ông học luật tại đó. Các giáo sư đại học vốn yêu thích những nhà lãnh đạo kinh doanh theo đúng bài bản hơn – những người điều hành công ty theo kiểu truyền thống. Vậy thì chúng ta phải dựa vào đâu để hiểu thấu đáo cách hành xử của con người kiệt xuất này?
Liệu có nơi nào tốt hơn là chính cuốn từ điển bách khoa toàn thư, có tên Encarta, của Microsoft? “Phần lớn sự thành công của Gates nằm trong khả năng biến những tầm nhìn kỹ thuật thành chiến lược thị trường, và khả năng kết hợp tính sáng tạo vào sự nhạy bén kỹ thuật.” Trong đề mục về Gates, William, Henry, III, dòng chữ giới thiệu đã được viết như vậy. Cuối cùng thì điều làm cho Gates khác biệt so với bất kỳ nhà lãnh đạo kinh doanh nào khác trong lịch sử có lẽ đó là sức ảnh hưởng mà ông đã tác động lên cuộc sống của chúng ta. Trong khi sức mạnh của giới tài phiệt trước đây thường chỉ tập trung vào một lĩnh vực hoặc một ngành nghề thì thông qua sức mạnh của phần mềm, Microsoft đã vươn chiếc vòi của mình vào mọi nhóc ngách của cuộc sống.
Những nhà đại tư bản truyền thông như Rupert Murdoch khiến cho chúng ta cảm thấy bất an vì họ có khả năng kiểm soát những gì xuất hiện trên mặt báo và màn hình ti vi. Nhưng ảnh hưởng của những người viết phần mềm thì không thể hình dung được. Encarta, cuốn từ điển bách khoa toàn thư do Microsoft sản xuất chỉ là một trong nhiều ví dụ minh chứng cho khả năng thâm nhập của Gates và công ty của ông vào mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Không chút ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bất an vì sự thống trị thị trường phần mềm của ông. Cũng không ngạc nhiên khi ông bị gièm pha và công kích một cách dữ dội. Nói cho cùng thì có được bao nhiêu nhà lãnh đạo kinh doanh có cơ hội viết lại lịch sử?
Nhưng đằng sau mọi sự thổi phồng và chỉ trích thì Bill Gates là hạng người nào? Có phải ông là một anh tài máy tính, cực kỳ thông minh nhưng bản tính vốn hiền lành, thành công nhờ vào hưởng được phúc phần “thiên thời-địa lợi”? Hay có
một điều gì đó xấu xa, hiểm ác ở con người mà lẽ ra có về hưu ở lứa tuổi 20 cũng đủ để cả đời an nhàn, sung sướng nhưng vẫn cứ thích ngày này sang ngày khác vất vả làm việc 16 tiếng mỗi ngày? Có đầy rẫy những câu chuyện về Bill Gates – nhà toán học kiêm lập trình viên tài năng, cũng như về một Bill Gates khác - nhà kinh doanh lạnh lùng, nhẫn tâm, không từ thủ đoạn nào để “tàn sát” đối thủ. Chỉ khi nào tách biệt được đâu là sự thật và đâu là hư cấu thì lúc đó chúng ta mới có thể bắt đầu biết được đâu là hư cấu thì lúc đố chúng ta mới có thể bắt đầu biết được đâu là một Gates thực sự. Những hình ảnh hiện ra từ sự phân tích này là một bức tranh còn phức tạp bội phần.
Đây chỉ là một câu chuyện về một thiên tài kỹ thuật với một gia sản kếch sù mà còn về một tầm nhìn khác thường trong kinh doanh và một khát vọng luôn phải chiến thắng. Đây cũng là một phong cách lãnh đạo khác biệt tận gốc rễ so với tất cả những gì mà giới kinh doanh đã từng chứng kiến. Điều mà Bill Gates mang lại cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai một khuôn mẫu mới, kết hợp những đặc điểm và kỹ năng, phù hợp hơn nhiều, trước những thách thức của thế kỷ 21. Cùng với mọi khuyết điểm của mình, Bill Gates có nhiều điều để truyền dạy cho thế hệ các ông chủ và quản lý tương lai.
Mời các bạn đón đọc 10 Bí Quyết Thành Công Của Bill Gates của tác giả Des Dearlove.