Nữ hoàng thinh lặng, cuốn tiểu thuyết thứ chín là một truyện kể đầy xúc động về những quan hệ rất khó khăn giữa tác giả với người cha của mình.
“Nữ hoàng thinh lặng” – cha của Marie từng gọi cô bằng biệt hiệu này khi cô còn bé. Ông là nhà văn Roger Nimier, nổi tiếng từ tuổi hai mươi lăm với tác phẩm Khinh kỵ binh màu lam, chết vì tai nạn xe hơi năm 1962, ở tuổi băm sáu. Ngồi cạnh ông trên xe hơi và chết cùng ông là nữ tiểu thuyết gia xinh đẹp hai mươi bảy tuổi, mang cái tên lạ Sunsiaré de Larcône. Lúc đó Marie mới lên năm. Về ông bố tài hoa mệnh yểu, đứng đầu nhóm nhà văn trẻ ngỗ ngược mà mọi người gọi là các “khinh kỵ binh”, những kẻ “vô chính phủ và khuynh hữu”, khước từ văn học dấn thân theo kiểu Sartre, nhạo báng tiểu thuyết luận đề, chắc chắn Marie chẳng có nhiều kỷ niệm. Sau này, không cố ý mà khi ký tên, cô thường viết Ni-er, thay hai chữ m và i ở giữa bằng một nét gạch dài, thành thử tên cô hóa ra Nier (chối bỏ), như thể trong vô thức cô chối bỏ người cha. Và một thời gian dài Marie từng theo phái tả, có những lúc cực tả, đó cũng là một cách chối bỏ.
Phải đợi đến đến tuổi bốn mươi bảy, sau khi đã viết và công bố tám cuốn tiểu thuyết, Marie Nimier mới quyết định lần theo dấu vết của cha, cố tái tạo bức chân dung đầy nghịch lý, mâu thuẫn. Đó là một người bố “chẳng thực sự ở đó khi ông đang hiện diện, chẳng thực sự vắng mặt khi ông rời bỏ chúng tôi” – sau này Marie biết rằng vào lúc cô sinh ra, cha mẹ cô đang tính chuyện ly hôn. Là nhà văn chói sáng đến mức tác phẩm trở thành tên gọi cả một nhóm, một khuynh hướng sáng tác, ông ngừng sự nghiệp tiểu thuyết rất sớm và cũng chóng bị lãng quên. Là “một con người thung dung nhẹ nhõm, nghiêm túc, dối trá, trung thực, chậm chạp, nhanh nhẹn, cần mẫn, lười nhác, trơ tráo, ái quốc, tàn nhẫn, yêu thương, dửng dưng, say đắm, trang trọng, phù phiếm, đúng đắn, vụng về trong tình cảm như thể người ta lóng ngóng chân tay”, bạn bè Roger miêu tả ông như vậy. Marie hoài nghi những tính từ “đóng sống” một cá tính, giam cầm một nhân cách. Các từ điển văn học, từ điển tác gia, như cô viện dẫn, cũng không giúp nhiều lắm: “Bảo hoàng dạng d’Artagnan, có kiến thức vô cùng rộng lớn, Roger Nimier đi ngược lại những gì ông coi là thứ suy-nghĩ-cho-sẵn của thời đại ông, giới tri thức cánh tả, chống lại họ sẽ là những người được đặt biệt hiệu Khinh kỵ binh…”.
Để khám phá điều bí ẩn, để hiểu sự dữ dội và những dằn vặt ở chàng khinh kỵ binh trứ danh, Marie Nimier cô con gái viết về bố, nhà văn viết về nhà văn, đã tìm đến những nơi, những người, những thứ có thể giúp hồi ức sống lại: cô tới thăm mộ cha, đi gặp người anh ruột, người anh cùng mẹ khác cha, rồi người con của nữ tác giả xinh đẹp tử nạn cùng Roger, phát hiện những bức thư chưa từng công bố của ông… Song trước hết, và chủ yếu, cô thực hiện cuộc du hành vào tuổi thơ chao đảo không an ổn của chính mình, chắp nối những mảnh kỷ niệm, lần gỡ những mối dây liên hệ mỏng mảnh nối gia đình cô và bản thân cô với người cha lãng tử, với ông bố từng có mà cũng không hề có. Và, dần dà dần dà, trong khi đan dệt, phân tích mạng lưới những hồi tưởng, những quan hệ, lấp đầy khoảng trống do người cha chết yểu để lại, Marie không chỉ tìm lại được cha mà còn tìm lại được bản thân, không chỉ hòa giải với cha mà còn hòa giải với chính mình. Xem lại bản thảo cuốn tiểu thuyết Trẻ thơ buồn của cha, cô phát hiện “có lòng nhân hậu trong nét bút”, và đột nhiên thấy hình như kiểu chữ ấy không thể là kiểu chữ của một kẻ hung bạo, tàn ác. Trên một tấm bưu ảnh, Roger đã viết cho cô con gái nhỏ: “Nữ hoàng thinh lặng nói gì đây?”. Với bé Marie, ở đó chứa đựng một ẩn ngữ không sao giải được: “Nữ hoàng thinh lặng có thể nói gì để không bị mất danh hiệu của mình và không mất tình thương yêu của cha?”. Cuối cùng nữ tác giả đã tìm ra cách giải đáp: viết văn chính là “nói trong lặng thinh”, nhà tiểu thuyết là người vừa nói vừa không nói, kể chuyện mà vẫn im tiếng.
Khi được hỏi nên giới thiệu Nữ hoàng thinh lặng như tiểu thuyết hay truyện kể, Marie Nimier trả lời là cứ để trống đừng xác định. Quả thật trong tác phẩm có kết cấu vừa tài tình vừa mang tính mộng du này, hư cấu và thực sự chồng lên nhau, quá khứ và hiện tại hòa trộn. Theo tác giả, có lẽ đó là một essai, không phải theo nghĩa tiểu luận, mà theo nghĩa đầu tiên của từ này: thể nghiệm. Với bút pháp giản dị và mực thước, với giọng điệu cực kỳ chính xác và tinh tế, câu chuyện thấm đượm nỗi đau kìm nén và nỗi buồn dịu dàng, không trách cứ, không oán hận, lay động tâm hồn người đọc tận bề sâu. Tác phẩm đã được trao tặng giải Médicis 2004.
LÊ HỒNG SÂM
***
Nữ hoàng thinh lặng là cuộc du hành vào một tuổi thơ chao đảo của chính tác giả - nhà văn Marie Nimier – để chắp nối những mảnh kỷ niệm, lần gỡ những mối dây liên hệ mỏng mảnh nối cô với người cha quá cố lãng tử “có mà như chưa hề có”.
Câu chuyện kể sống động và giản dị, những hồi ức miên man cứ thế chảy trôi vào lòng người. “Nữ hoàng thinh lặng nói gì đây?” để không vĩnh viễn mất đi tình yêu của cha? Đó là thông điệp hiếm hoi sót lại từ người cha - một nhà văn tài hoa nhưng yểu mệnh, tín hiệu của tình yêu mà tác giả vin vào đấy để giải mã trong suốt cuộc kiếm tìm.
“Cha tôi qua đời vào một chiều thứ sáu, ở tuổi ba sáu…” trong một tai nạn xe khi đi chơi với người tình. Điều này đã khắc sâu trong lòng cô con gái bé bỏng và nhạy cảm thêm một vết hằn, cùng với tuổi thơ thiếu vắng tình thương trong một gia đình mà cha mẹ ly dị khi cô con gái duy nhất chỉ mới lên 5. Trong một khoảng thời gian dài, cô đã cố gắng bôi xóa hình ảnh cha trong ký ức, bởi nỗi mất mát lớn lao hơn cả đó là lòng tin vào cuộc sống, vào con người, vào tình yêu và hạnh phúc.
Những kỷ niệm nhức nhối ào ạt kéo về, từ việc tìm thăm mộ cha cho đến những phát hiện đầy bất ngờ nơi bạn bè, đồng nghiệp một thời của ông đã khơi lại những ký ức rất đỗi sống động, cuốn hút, những bí ẩn tưởng đã vĩnh viễn chôn vùi. Nimier phát hiện mình giống cha kinh khủng, càng tìm hiểu, cô càng thấy yêu thương và thông cảm, thứ tình yêu bấy lâu cố đè nén, cố xóa bỏ bởi thù hận, hiểu lầm… Và Nữ hoàng thinh lặng đã không thể thinh lặng mãi, không thể chôn vùi theo cha mãi những yêu thương, day dứt. Dẫu muộn màng, cô đã viết tất cả mong giải tỏa đám mây mù giữa hai cha con, không trách cứ cũng chẳng còn oán hận…
Marie Nimier là nữ nhà văn Pháp, sinh tại Paris. Cô cho ra mắt quyển tiểu thuyết đầu tiên năm 28 tuổi và tiếp tục thành công cho đến nay, Nữ hoàng thinh lặng là tiểu thuyết thứ 9 của cô, được khán giả khắp thế giới đón nhận, được tặng giải thưởng Medicis 2004. Một giọng văn nữ mộc mạc, giản dị, ngọt ngào, đằm thắm mà sâu sắc, với bút pháp mực thước, giọng điệu tinh tế, câu chuyện thấm đượm nỗi đau kìm nén và nỗi buồn dịu dàng đã lay động tâm hồn độc giả tận bề sâu.
***
Marie Nimier là một tiểu thuyết gia và nhạc sĩ người Pháp, sinh ngày 26 tháng 8 năm 1957 tại Paris, là con thứ hai của Nadine và Roger Nimier. Marie bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 1985, và ngay lập tức tác phẩm đầu tay Sirene (Tiên cá) của bà đã được Viện Hàn lâm Pháp đánh giá cao.
Những tiểu thuyết đã xuất bản:
***
Franck mang cây vào nhà, bọn trẻ trang trí nó, chúng làm một con lừa đất (con trước bị mất hai chân), làm trắng khung cửa sổ bằng bình xịt và treo quanh cửa những cành ô rô và chùm tầm gửi. Trên cuốn lịch Mùa vọng, chỉ còn sáu ngày nữa. Franck cắm điện súng bắn nhựa để sửa chuồng bò bị rời ra. Khi Élio tìm đôi ủng để đặt dưới cây thông, nó tự hỏi phải đặt một, hay là hai chiếc. Câu chuyện lại làm Franck nhớ lại.
Cái này làm anh nhớ – Franck nói, quay người về phía tôi, khẩu súng ngửa lên để tránh keo nhỏ giọt lên bàn bếp – cái này làm anh nhớ tới giày của bố em.
Chiếc giày của bố tôi ư? Tôi không hiểu anh muốn nói gì.
Anh ngạc nhiên là tôi không biết chương có ý nghĩa này của bản anh hùng ca gia đình. Một tối mẹ đã kể lại cho anh trong khi tôi đọc cho bọn trẻ. Theo anh, hiển nhiên tôi phải biết. Câu chuyện ư? Một buổi tối năm 1962, Frédéric Dard và vợ từ Paris quay trở lại Mureaux nơi họ ở trong thời kì đó. Xa lộ phía tây không một bóng người. Họ nhận thấy, ở phía con đường, khối màu sẫm của một chiếc ôtô gặp tai nạn. Nghĩ rằng tai nạn vừa mới xảy ra, họ dừng lại để cấp cứu người qua đường, nhưng không còn ai ở vệ đường. Chỉ có một chiếc giày vương vãi trên bờ dốc, một chiếc giày côi cút mà vợ chồng nhà văn khai báo trong đồ vật thất lạc, như thể cử chỉ này có thể làm dịu đi chút ít linh cảm về điềm gở. Chiếc giày này, người vợ ông ta nói về nó như về một con vật nhỏ nhắn, một cái gì đó mềm mại và ấm nóng. Bà ta nhìn thấy nó, bốn mươi năm sau, bà ta vẫn còn cảm thấy nó ở trong tay. Bà ta chưa bao giờ kể câu chuyện này trước đám đông, rất đơn giản vì nó không phải là một giai thoại mà là một thời khắc quan trọng của cuộc đời họ. Chỉ vào hôm sau, khi đọc hàng tít lớn của các báo, họ mới biết được sự thật hiển nhiên: họ đã giữ trong tay chiếc giày của Roger Nimier.
Chuồng bò được gắn lại, và chúa Jésus ở trong lòng mẹ mình. Đức Mẹ đồng trinh trùm khăn màu lam. Lũ trẻ làm cho đức mẹ một loại tạp dề di chuyển được để đứa bé có thể ra ngoài và tìm được vị trí trong chiếc máng vào nửa đêm ngày 24. Jeseph đứng xa hơn một chút, chống gậy. Ông ta có vẻ mệt mỏi. Xa hơn nữa, Ba Vua đã ở đấy bước đi bên cạnh lạc đà của họ. Một vòng hoa nhấp nháy được gắn vào cành thấp tạo ra chút ít ảo giác cho toàn bộ cảnh vật. Cuối cùng, Élio để hai chiếc ủng dưới cây thông và Merlin, một đôi giày mềm của năm trước. Đối với tháng Mười Hai thì thời tiết này đặc biệt dễ chịu. Tôi hay nghĩ tới chiếc giày. Tôi có cảm giác cầm nó trong tay, như thể chính tôi là người nhặt nó bên vệ đường. Cử chỉ đặt chiếc giày vào trong ôtô khiến tôi xúc động mãi không thôi. Trò chơi ghép hình đã hoàn tất, hay ít ra là khung của nó, viền của nó: ở phía trong, có một khoảng trống lớn nơi mà đôi chỗ những tập hợp mảnh ghép được đặt vào, những hòn đảo nhỏ rời rạc mà giờ đây được nối lại với nhau bằng các đường ngoằn ngoèo giống như con đường bị từ ngữ đào xới. Và những từ ngữ cần thiết, kì lạ thay, những từ ngữ đã lưu thông, đủ sức để lại dấu vết của chúng, dường như được sắp xếp quanh mảnh bị khuyết, mảnh đã được tìm ra, mà không cần có một kế hoạch, một chiến lược viết lách nào điều khiển kết quả này.
Mời các bạn đón đọc Nữ Hoàng Thinh Lặng của tác giả Marie Nimier.