Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Hacker Lược Sử - Steven Levy

Cuốn sách nói về những nhân vật, cỗ máy, sự kiện định hình cho văn hóa và đạo đức hacker từ những hacker đời đầu ở đại học MIT.

Câu chuyện hấp dẫn bắt đầu từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu máy tính đầu tiên đến các máy tính gia đình.

Tập hợp tài liệu cập nhật từ các tin tặc nổi tiếng như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Richard Stallman…

Những sự thật về cuộc sống và con đường trở thành “tin tặc” của những con người đã thay đổi lịch sử phát triển của ngành Công nghệ.

Cuốn sách của Steven Levy ghi lại những chiến công của các tin tặc thời kỳ đầu trong cuộc cách mạng máy tính - những kẻ mê máy tính thông minh và lập dị từ cuối những năm 1950 đến đầu thập niên 1980, dám mạo hiểm, bẻ cong quy tắc và đẩy thế giới vào một hướng đi hoàn toàn mới.

***

Tháng 5 năm 2017, mã độc WannaCry đã lây lan cùng với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu. Chỉ trong chưa đầy một tuần, 200.000 máy tính tại 150 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam bị lây nhiễm WannaCry. Sự kiện này, sau đó, đã biến WannaCry trở thành mã độc tống tiền nổi tiếng nhất thế giới. Trong phút chốc, nhiều ngân hàng, bệnh viện, công sở bị tê liệt. Tệ hơn nữa, toàn bộ dữ liệu của những tổ chức này đã bị WannaCry mã hóa hoàn toàn và không có cách nào lấy lại được trừ khi phải trả tiền chuộc.

Điều gì đã khiến WannaCry trở nên nguy hiểm đến vậy? Các bạn có thể tạm hiểu, mã độc tống tiền này gồm hai thành phần: Lây lan và Mã hóa. Cả hai đều chứa đựng những câu chuyện phức tạp của giới hacker. Ở thành phần thứ nhất – Lây lan, nhóm hacker ẩn danh đứng sau cuộc tấn công này đã sử dụng EternalBlue, một mã khai thác, nhắm vào lỗ hổng của hệ điều hành Microsoft Windows, được một nhóm hacker khác tên là ShadowBroker công bố trước đó. Thực chất, ShadowBroker cũng không phải là tác giả của lỗ hổng này. Họ đã lấy được công cụ khai thác từ NSA (Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ). Hoá ra, trước đó NSA từng âm thầm sử dụng EternalBlue để tấn công các máy tính trên thế giới mà không cảnh báo về lỗ hổng cho Microsoft. Chưa hết, câu chuyện về thành phần thứ hai của WannaCry – Mã hóa, cũng li kì không kém. Trong khi thế giới đang hoang mang trước sự tấn công của WannaCry thì mã độc đột ngột bị chặn đứng bởi một thanh niên 23 tuổi người Anh, Marcus Hutchins. Trong khi phân tích mã độc, Marcus phát hiện tác giả của WannaCry đã sử dụng một cơ chế ra lệnh cho nó dừng mã hóa dữ liệu khi cần, và ngay lập tức, anh ta sử dụng cơ chế này và thành công. Khi ấy, Marcus được tung hô như một người hùng trẻ tuổi âm thầm cứu cả thế giới. Thế nhưng chẳng ai ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, khi sang Mỹ tham dự một hội nghị về hacker, Marcus đã bị cơ quan điều tra của nước này bắt giữ và cáo buộc liên quan tới việc phát triển và phát tán các mã độc tấn công vào ngân hàng.

Bạn đọc thân mến, chỉ qua câu chuyện nhỏ này, bạn cũng có thể thấy được lằn ranh mong manh giữa trắng và đen trong giới hacker. Dù xuất phát điểm là một danh từ chỉ những chuyên gia hàng đầu, nhưng ngày nay, hacker chủ yếu được dùng để chỉ những kẻ xấu. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy hacker là từ mang nhiều nghĩa đối nghịch nhất. Hôm nay, anh có thể được tung hô như một anh hùng nhưng ngay ngày mai, anh cũng có thể bị coi là kẻ phá hoại. Dù lúc này đây anh là chuyên gia công nghệ nhưng người ta cũng có thể biến anh thành tội phạm mạng bất cứ lúc nào.

Trong thế giới hỗn loạn ấy, cuốn sách Hacker lược sử của Steven Levy mà bạn đang cầm trên tay sẽ đưa chúng ta trở về với những gì tốt đẹp nhất trong thế giới hacker, những tài năng máy tính thực thụ của thế giới. Bằng khả năng của mình, họ lặng lẽ phiêu lưu trong thế giới công nghệ để chỉ ra tất cả những lỗ hổng tồn tại trong hệ thống, từ đó đưa ra những phương án sửa chữa chúng. Với kỹ năng lập trình ưu việt, họ đã sáng tạo ra những công trình để đời, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin nói chung. Cuốn sách chính là một thước phim lịch sử về cuộc cách mạng máy tính qua góc nhìn của các hacker.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin chi tiết về lịch sử hình thành và những chặng đường phát triển của Văn hóa và Đạo đức hacker. Từ những nhà nghiên cứu khác người tại phòng thí nghiệm của MIT những năm 1950 đến những bộ óc vĩ đại như Bill Gates, Steve Wozniak hay những tài năng mới nổi như Mark Zukerberg của thế kỷ XXI. Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta sẽ thấy nổi bật hai vấn đề mà tác giả muốn nhấn mạnh, đó chính là Văn hoá hacker và Đạo đức hacker.

Khi tôi và một người bạn tìm ra lỗ hổng của Microsoft vào năm 2008, chúng tôi đứng trước cơ hội làm giàu là bán nó cho chợ đen và thu về một khoản tiền lớn. Nhưng chúng tôi cũng hiểu lỗ hổng đó nguy hiểm thế nào nếu bị lợi dụng để phát tán mã độc. Cuối cùng, chúng tôi quyết định thông báo với hãng dù kết quả nhận về chỉ là một tin cảm ơn trên trang web của Microsoft. Từ đó đến nay, khi cùng nhau thành lập CyRadar, chúng tôi vẫn luôn cố gắng giữ cho mình một tinh thần hacker chân chính, tin vào khả năng hơn là bằng cấp, tin vào hành động hơn lời nói, nguyện góp công sức nhỏ bé của mình cho ngành An toàn thông tin của Việt Nam.

Dù cuốn sách không có ý định dạy dỗ bạn điều gì cả, tuy nhiên qua câu chuyện về các tấm gương hacker, tôi tin rằng mỗi chúng ta đều ít nhiều tự rút ra được bài học cho chính mình.

Nguyễn Minh Đức

CEO CyRadar

***

Điều đầu tiên cuốn hút tôi vào việc viết về các hacker – những lập trình viên và nhà thiết kế máy tính coi lĩnh vực điện toán là điều quan trọng nhất thế giới – là bởi họ là những con người vô cùng thú vị. Dù có vài người trong lĩnh vực này dùng thuật ngữ “hacker” với nghĩa chế nhạo, ám chỉ rằng hacker hoặc là dạng mọt sách bị xã hội ruồng bỏ, không thì cũng chỉ là những lập trình viên “không chuyên” viết những mã máy tính bẩn thỉu và “phi chuẩn”, tôi lại thấy họ khá khác biệt. Ẩn dưới vẻ bề ngoài không mấy ấn tượng, họ là những kẻ đam mê phiêu lưu, giàu trí tưởng tượng, dám chấp nhận rủi ro, mang tính nghệ sĩ,… và là những người nhận ra rõ nhất lý do tại sao máy tính thực sự là một công cụ có tính cách mạng. Họ biết có thể đi được bao xa nhờ việc tập trung cao độ vào tư duy hack: Ta có thể đi xa vô hạn. Tôi đã hiểu được tại sao những hacker chân chính coi khái niệm này là biểu tượng của sự tôn kính chứ không phải là một thứ gì đó mang tính dè bỉu.

Khi nói chuyện với những nhà thám hiểm kỹ thuật số này, từ những người chế ngự các cỗ máy trị giá nhiều triệu đô-la hồi những năm 1950 tới những phù thủy trẻ tuổi đương đại làm chủ những chiếc máy tính trong phòng ngủ ở vùng ngoại ô, tôi phát hiện ra một đặc điểm chung, một triết lý chung dường như đã gắn chặt với dòng chảy logic đẹp đẽ của bản thân những cỗ máy. Đó là một triết lý về sự sẻ chia, cởi mở, phi tập trung hóa, khám phá những cỗ máy và bằng bất cứ giá nào cải tiến chúng, khiến thế giới tiến bộ hơn. Thứ Đạo đức hacker này là món quà mà họ dành cho chúng ta: Nó có giá trị ngay cả với những người chẳng có chút hứng thú nào với máy tính.

Đó là một thứ đạo đức hiếm khi được lập thành điều lệ, mà thay vào đó, nó được thể hiện qua hành vi của chính những hacker này. Tôi xin giới thiệu với bạn những người không chỉ nhìn thấy mà còn sống với những điều kỳ diệu của máy tính và làm việc để giải phóng sự kỳ diệu đó nhằm đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Họ gồm những hacker đích thực của phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo MIT hồi những năm 1950 và 1960; những người theo chủ nghĩa dân túy, những hacker phần cứng ít ẩn dật hơn ở California hồi thập niên 1970; và những hacker trò chơi trẻ tuổi đã để lại dấu ấn trong thời đại máy tính cá nhân của những năm 1980.

Nhiều người mà bạn sẽ thấy trong cuốn sách này không phải là những cái tên nổi tiếng nhất (và hẳn không phải là giàu có nhất) trong lĩnh vực điện toán. Thay vào đó, họ là những thiên tài phía sau hậu trường, thấu hiểu máy móc theo những cấp độ thâm sâu nhất và chính họ sẽ giới thiệu cho chúng ta thấy một loại phong cách sống mới và một kiểu người hùng mới.

Những hacker như Richard Greenblatt, Bill Gosper, Lee Felsenstein và John Harris chính là tinh thần và linh hồn của lĩnh vực điện toán. Tôi tin câu chuyện của họ – tầm nhìn, sự mật thiết của họ với chiếc máy tính, kinh nghiệm của họ trong thế giới khác thường này và những “giao diện” đôi lúc ấn tượng, có khi lại lố bịch của họ với thế giới bên ngoài – là một câu chuyện có thực của cuộc cách mạng máy tính.

Mời các bạn đón đọc Hacker Lược Sử của tác giả Steven Levy.