Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đám Cưới Kỳ Phát - Phạm Cao Củng

Thám tử Kỳ Phát là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “Vua truyện trinh thám Việt Nam” - Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương cách phá án.

Series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn:

Mặc dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.

Đám cưới Kỳ Phát: Một buổi sáng, Kỳ Phát tình cờ nhìn thấy Thanh Ngọc trên sân ga và bị hút hồn ngay bởi đôi mắt huyền của giai nhân. Theo chân nàng lên chuyến tàu định mệnh, rồi nhận lấy chiếc va ly duyên nợ, Kỳ Phát bị cuốn vào một vụ án ly kỳ và rắc rối. Liệu cuộc gặp gỡ có phải mối lương duyên tốt đẹp? Kỳ Phát sẽ có một đám cưới hạnh phúc, hay ẩn tàng sau đó là âm mưu thâm độc cùng những cạm bẫy chết người?

***

Lúc ấy mới 4 giờ sáng.
Trên sân ga Hà Nội, ngoài mấy người bán hàng bánh tây và cà phê, chỉ mới có lác đác dăm ba hành khách. Họ phần nhiều đều có đồ đạc kềnh càng cho nên mới phải ra tầu sớm, hòng kiếm một chỗ rộng rãi.
Trong phòng đợi hạng ba chưa có một người nào cả. Có lẽ vì quá 5 giờ rưỡi, chuyến tầu Bắc mới chạy và những bọn khách sang này ít khi bị chen chúc nên không cần ra ga sớm.
Trời lại lất phất mưa. Những ánh đèn thắp theo lối phòng thủ không đủ soi sáng suốt sân ga nên qua từng khoảng tối, người ta mới lại trông thấy rõ những hạt mưa nhỏ, lấp loáng, trắng bóng, như những hạt bụi bay trong một vệt ánh nắng vậy.
Đằng xa, thỉnh thoảng một tiếng còi tầu rúc ngắn làm cho mấy hành khách đứng đợi nghển cổ nhìn… Nhưng không, đó chỉ là những chiếc đầu tầu người ta dồn đường hoặc đến lấy than, nước.
Trời rạng dần. Những hành khách ra đợi tầu cũng mỗi lúc một đông thêm. Sau một tiếng còi rúc dài, một nhân viên Sở hỏa xa từ trong phòng giấy bước ra, tay xách chiếc đèn bão. Đứng cạnh đường tầu, người ấy cầm đèn đưa qua đưa lại để ra hiệu cho đoàn tầu Bắc từ phía xa dồn lại. Các hành khách đã nháo nhào sửa soạn lên tầu. Và khi đoàn tầu vừa dừng bánh họ đã tíu tít chen nhau lên và chỉ thong thả dọn dẹp chỗ ngồi khi thấy số hành khách ra sớm ấy ngồi chưa chật hết được một bên dãy ghế trong hai toa…
Họ vội vàng hấp tấp như vậy cũng không có gì là lạ cả, vì họ đã từng gặp nhiều chuyến tầu chật chội quá, người đứng nêm nhau không còn có một chỗ nào mà lách chân trong khi ở dưới sân ga hãy còn bao nhiêu là hành khách nữa đương ngong ngóng chen lên. Họ đâu có được như chúng tôi là những kẻ “vô công rồi nghề” lấy vé ke ra ngoài sân ga chỉ là một công việc làm khi không còn biết làm công việc gì khác nữa.
Sáng sớm hôm ấy, tôi đương ngủ, bỗng có tiếng động, mở mắt ra đã thấy Kỳ Phát dậy từ bao giờ, đương lúi húi đun đèn cồn. Tôi ngáp dài, hỏi:
- Hôm nay anh làm gì mà dậy sớm thế?
Kỳ Phát cười:
- Tôi chẳng định làm gì cả nhưng vì chợt tỉnh giấc, sực nhớ có ông bạn biếu gói chè tầu bảo rằng ngon lắm nên trở dậy, đun nước uống chơi!
Rồi Kỳ Phát lại tiếp:
- Nước đã sôi rồi đây, anh nằm ngủ lại hay dậy uống nước với tôi, tùy thích!
Tôi tung chiếc chăn đơn, ngồi dậy, cười mà bảo Kỳ Phát rằng:
- Ngủ lại cũng chẳng được nữa, dậy uống nước còn hơn. Tôi lại sực nhớ đến thuở nhỏ ở Nam Định, bao giờ mở mắt thì đã thấy thầy tôi uống tàn ấm nước sáng rồi!
Kỳ Phát gật đầu:
- Uống trà vào những lúc ấy mới hưởng được hết cái hương vị của ấm trà ngon, chứ đến chơi nhà ai, thì nước cũng pha một cách cẩu thả, uống bằng một cách vội vàng, chẳng qua là cái lối “ngưu ẩm” mà thôi!
Ngừng lại một lát để tráng cẩn thận chiếc ấm và đôi chén, rồi Kỳ Phát mới tiếp:
- Cổ nhân xưa chỉ thường uống trà vào hai buổi: sáng sớm tính sương và buổi trưa. Theo như chỗ tôi nhận thấy thì uống trà buổi trưa dễ thấy trà ngon nhất, vì lúc đó, sau những giờ làm việc buổi sáng, người mình thấy hơi nhọc mệt nhưng tâm thần thư sướng. Thong thả nhấp chén trà, ta tự nhiên cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, người khỏi mệt, cổ khỏi ráo. Uống trà vào buổi sớm thì tinh thần mình vẫn còn bị hôn quyện do giấc ngủ vừa qua. Nhưng trà là một món giải khát “thanh tâm, minh mục”, nhờ đó mà người ta thành tỉnh táo một cách dễ dàng, mặc dầu hương vị của trà, ta không thể thưởng thức hết được.

Mời các bạn đón đọc Đám Cưới Kỳ Phát của tác giả Phạm Cao Củng.