Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cõi Người Ta - Antoine de Saint-Exupéry

Antoine de Saint-Exupéry hay gọi tắt là Saint-Ex (sinh ngày 29 tháng Sáu năm 1900 - mất tích ngày 31 tháng Bảy năm 1944) là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng. Saint-Exupéry được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học Hoàng tử Bé (Le Petit Prince). Tác phẩm của Saint-Exupéry tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hứng từ những chuyến bay của chính tác giả. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các chuyến bay, số lượng tác phẩm của Saint-Exupéry không nhiều, nhưng đa phần đều đặc sắc.

Saint – Exupéry sinh năm 1990, mất năm 1944 (ông lớn hơn Albert Camus 16 tuổi). Nhà – văn – phi – công đại tài, trở thành trứ danh với cuốn Bay đêm (Vol De Nuit), giải thưởng Fémina, 1931; trước đó đã có ra Tàu Thơ về Nam (Courrier Sud). Tiếp theo sau là Phi công thời chiến (Pilote de Guerre), Hoàng tử bé (Petit Prime), Cõi người ta (Terre Des Hommes)…

Những kỉ niệm của ông trong cuộc sống ở Sahara làm phấn phát tinh thần ông, linh cảm ông, và xui ông chọn lựa sa mạc như là chỗ đồng nhất quy lai của cái chốn, cái nơi ông đi về.

Quy tụ toàn thể tự niệm tư tưởng suốt bình sinh – một bình sinh chịu tử diệt để hồi sinh giúp đồng bào thiên hạ nhận thấy đâu là chốn đi về của mọi hoạt thể lao tứ, lao tâm. – “Gia đình, nhà cửa, nghề nghiệp, lao động, cuộc hòa đồng của nhân loại, và cuộc gắng gổ vô cùng tận để đạt tới một sự đồng cảm vượt xa cuộc hì hục bình sinh của mỗi cá nhân…”

Tính cách nhân bản lạ lùng của ông đã giúp cho mọi người trong “bốn biển một nhà” bằng linh cảm (dự cảm) của tâm linh, nhận ra đâu là cứu cách tuyệt đối của những “cánh hồng bay bổng tuyệt vời…”

Cuộc tán loạn lưu ly xã hội Âu Châu giữa trận hung tàn Đệ Nhị Thế Chiến, những khốc liệt mà ông đã chứng kiến ngay trên xứ sở ông, những biến cố kỳ lạ ông đã chứng giám ngay trên đất Huê Kỳ, đã có tác dụng chuyển hướng những tư niệm của ông. Ông sang Huê Kỳ năm 1940 (tháng Chạp). Ông rời New York đầu năm 1941… đi về California chữa bịnh… Trở về New York… Ông tiếp tục làm việc – ghi vào trong Hoàng tử bé bằng một ngôn ngữ tượng trưng – thơ mộng vô cùng, và xa thẳm vô cùng – Tất cả cái tiếng Hót của con Thiên Nga trước khi lìa cõi đời vĩnh viễn… (Có lẽ, nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta sẽ gặp lại Saint – Exupéry trong một vài tác phẩm khác) – Những tài liệu trên đây đều góp nhặt từ nhà Gallimard.

Bùi Giáng
1995

***

Câu chuyện kể, là chuyện phi công và phi cơ.
Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa non nước quạnh.
Văn minh, văn hóa đương phiêu bồng đợi giờ thành tựu. Những xế chiều ký niệm đương linh cảm sương vàng bình minh.
Saint-Exupéry đã đi mất từ lâu, nhưng tiếng ngân dài trong suốt vẫn xuyên vào trong giấc chiêm bao thương nhớ của những người ở lại.
Kẻ trước, người sau, xin “dịch” đi, dịch lại những lời… Dịch, biến làm chuyển dịch cho tương giao. Bất cứ nhìn ai cắm cúi dịch Saint-Exupéry, ta hãy xem như đó là chuyện chung của những con người rủ nhau ghé vào bờ mộng. “Ở giữa lòng một vài đêm thâu lục nhạt, tôi đã nhìn những tia lửa băng trời thành một đường rẽ vút như một làn gió dài dàn rộng giữa muôn sao”.

SAINT-EXUPÉRY

Theo dõi giấc mộng dài của Saint-Exupéry, lại gọi ngôn ngữ Việt Nam về hạ tứ, nhiều phen phải bàng hoàng: Chúng ta đứng trước mấy lần hiểm họa của màu sắc lục hồng cứ trùng điệp rủ nhau bay, tung lên và phủ xuống. “Phi hồng trường phát phi kiên. Ôi mùa tích lục phi tuyền lên cao”.
René Char còn bảo: “Ne regardez qu’une fois la vague jeter I’ancre dans la mer. Hãy nhìn chỉ một lần thôi, làn sóng thả neo vào lòng biển”.
Dịch văn – sao cứ gọi là dịch? – dịch văn biến thành câu chuyện: vừa bay lên, vừa lặn xuống, vừa nối liền hai bờ ngôn ngữ quá xa nhau. Thật vừa vui, vừa mệt mỏi.
Ngôn ngữ đa âm đòi hỏi lối phiên dịch như thế nào qua ngôn ngữ đơn âm? Đó là điều đáng xui chúng ta tư lự đăm chiêu.
Vì lẽ: tiết điệu đa âm có một phong thái dồi dào đương yêu cầu được tái hiện. Đây là trường hợp: ở bên kia từ ngữ, tiết nhịp của ngôn ngữ đương nói rất nhiều.
May sao, Việt ngữ đơn âm lại giàu sang âm vận. Nhưng không phải: ở mọi cơ hội, đều giản dị giàu sang. Do đó cần thêm một chút chuyển giao thỏa đáng, thì lời dịch sẽ tái lập được “cung bậc” gieo vàng của nguyên ngôn. Mà nguyên ngôn Saint-Exupéry lại chứa chan những thơ mộng khi u trầm, ngậm ngùi, lúc lộng lẫy. Cái điệu nói la cà diệu vợi, vừa chát chát vừa hắt hiu, lúc nhắc tình bạn hữu, lúc gợi tiếng U già, lúc chuyện trò với gái trên nhịp cầu hai cõi hoang vu. “Tả nhi nữ tư tình, đãng khí hồi trường. Tả anh hùng sự tích, nghĩa bạc vân tiêu”.
Hai điếu xì gà của một ông bạn cho tôi hôm qua, tôi vừa hút xong hết cả. Vậy xin kết thúc.
B.G.

T.B. Trong bản dịch, có mấy chỗ tôi thêm vài lời, ấy là gắng đưa ngôn ngữ đơn âm đuổi theo tiết điệu ngôn ngữ đa âm. Thỉnh thoảng lại bớt vài lời, ấy là bởi: Việt ngữ mang nhiều tính chất parataxique, trong khi Pháp ngữ lại triệt để là một ngôn ngữ Syntaxique.

Mời các bạn đón đọc Cõi Người Ta của tác giả Antoine de Saint-Exupéry.