Người xưa nói: “Dân dĩ thực vi thiên.” Điều này cho thấy ăn uống là nhu cầu thiết yêu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhân loại. Văn hoá ẩm thực có từ rất lâu đời. Phật giáo truyền bá và phát triển việc ăn chay xuất phát từ tinh thần từ bi và một nhân sinh quan đặc thù. Sau khi Phật giáo du nhập Trung Quốc, việc ăn chay ngày càng phát triển rộng rãi, hình thành một số nét văn hoá trong việc ăn chay với nhiều nét đặc sắc. Trong số đó, những nét văn hoá thiền-trà được hình thành từ sự kết hợp giữa ý nghĩa của việc thưởng tra và những điểm tinh yếu của đạo pháp. Trà và thiền có nhiều nét tương đồng nên sự kết hợp của chúng đã hình thành một hình thức sinh hoạt toa nhã trong ẩm thực Phật giáo: những tách trà thiền.
Đun nước sôi, cho vào vài lá trà có ngay một tách trà thơm ngát. Thật đơn giản! Dòng thời gian của cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi qua… Nếu bạn có một tấm lòng thương mình và thương người, niềm hạnh phúc sẽ tràn ngập quanh bạn. Đối với những người biết thưởng trà, trong chén trà có đủ ý nghĩa triết lí, không cần tìm ở đâu khác. Đây chính là cảnh giới của thiền-trà.
Trà kết duyên với thiền. Thiền gửi gắm nơi trà một sứ mệnh đặc biệt. Uống trà là một sinh hoạt giản dị nhưng thể hiện cả một nền văn minh sâu sắc, có thể chỉ ra cho con người thấy những vấn đề cơ bản: sống và chết, có và không, tư duy và tồn tại… Chính vì lẽ đó, trà đã trở thành một thức uống gắn bó nhất với nhà thiền. Trong tách trà tự có ý thiền, từ những lá trà, búp trà xanh tươi ta có thể tìm thấy được sự tĩnh tâm và niềm hy vọng, và đó cũng là ý thiền.
Khái niệm ăn chay ra đời từ cách đây mấy nghìn năm. Người ta ăn chay vì những lý do không giống nhau. Nhà Phật ăn chay nhằm mục đích không sát sinh, những tao nhân mặc khách ăn chay vì tôn thờ phong cách sống giản dị, thanh đạm. Ngày nay, vấn đề ăn chay đã vượt ra khỏi phạm vi tính ngưỡng, trở thành một hình thức ẩm thực mới, có lợi cho sức khoẻ, từ đó đã tạo ta mục đích ăn chay mới, người ta ăn chay vì sức khoẻ hoặc vì lý tưởng cao đẹp bảo vệ môi trường.
Dù là người xuất gia, tại gia hay những người có hứng thú đối với việc ăn chay cũng cần phải có một cuốn sách tốt giới thiệu về nét văn hoá này. Vì lý do đó, chúng tôi xuất bản cuốn sách “Thiền trà và ăn chay”. Sách gồm hai phần, phần một viết về thiền trà, phần hai viết về ăn chay, luận giải rĩ ràng, kiến thức tương đối đầy đủ, có thể là một nguồn tham khảo rất tốt cho bất cứ ai quan tâm đến những vấn đề này.
Trong thời đại phát triển công nghiệp như vũ bão hiện nay, cuộc sống con người đang ngày càng trở nên náo động và mệt mỏi. Vì thế, việc tìm về phát triển nội tâm vững chãi là một nhu cầu có cơ sở khoa học và vô cùng quan trọng đối với bất cứ ai quan tâm đến sự quân bình trong cuộc sống. Sự ra đời của quyển sách này là hy vọng sẽ có thể góp một phần nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu đó.
***
Tập thiền, uống trà nhằm mục đích làm an định và sáng tỏ tâm tính. Đun ấm trà để ngưng lắng vọng tình, nâng chén trà để chiêm nghiệm ý thiền; tuy lời không bày tỏ nhưng thiền vị đều đủ cả.
Sự tu hành của Phật giáo là thanh tịnh, vô vi nên tương đồng với phẩm tính của trà; trà và thiền quyện hòa với nhau là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần và vật thể. Mối quan hệ của trà và thiền ngày càng khăng khít, sự bền chặt đó được khởi đầu từ xa xưa và truyền mãi đến tận bây giờ. Trà ý chính là thiền ý, bỏ thiền ý thì trà cũng mất hết ý nghĩa;. không biết vị của thiền thì cũng sẽ không cảm hết được vị của trà. Sau khi tu hành ngộ được chân tính, trà và thiền đều đạt đến chỗ tương thông. Trà là khai vị của thiền, thiền trở thành mục đích của việc thưởng trà, tuy hai hình thức nhưng cùng một thể tánh, như sự quyện hòa giữa nước và sữa.
Ngồi thiền là phương pháp tu tập hằng ngày để duy trì tâm tĩnh lặng; uống trà cũng là việc thường nhật, cũng hướng đến sự duy trì tâm tĩnh lặng. Trong cuộc sống thường nhật luôn duy trì một trạng thái tâm tĩnh lặng, để thông qua sự tĩnh lặng của tâm hồn mà có thể đạt được cái thanh tịnh bản lai của tự tính; đây chính là mục đích của thiền, được biểu hiện qua tư tưởng “Thiền trà nhất như”.
Phật giáo du nhập Trung quốc vào những năm cuối thời Tây Hán. Xuất phát từ nhu cầu và ý nghĩa tôn giáo, trà đã nhanh chóng kết mối lương duyên với Phật giáo.
Theo giới luật nhà Phật, người xuất gia không được uống rượu, không ăn sai giờ, và các bữa ăn sau giờ ngọ (giữa trưa) đều bị xem là không đúng giờ.
Người Phật tử thì được khuyến khích không ăn thịt cá, nghĩa là không giết hại động vật để làm thức ăn.
Chế độ ăn chỉ dùng toàn rau, củ, quả như vậy gọi là ăn chay.
Các tông phái của Phật giáo đều xem trọng việc ngồi thiền. Ngồi thiền là phương pháp tĩnh tâm, rèn luyện tinh thần tập trung chuyên nhất vào một đối tượng, một cảnh giới. Khi tĩnh tọa tư duy, hai chân phải xếp bằng theo tư thế “hoa sen”, được gọi là kết già, đầu thẳng, lưng ngay. Thời gian ngồi thiền tùy thuộc vào công phu luyện tập của hành giả, có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày.
Việc ngồi thiền trong một thời gian dài sẽ dẫn đến sự mỏi mệt của cơ thể, khiến cho tinh thần cũng dễ suy yếu theo. Chính vì thế, việc sử dụng một loại thức uống giúp cho người tu thanh tâm, quả dục, tỉnh táo tinh thần nhưng không trái với giới luật là rất cần thiết. Trà chính là loại thức uống đáp ứng được nhu cầu đó, có thể giúp người dùng loại bỏ trạng thái mệt mỏi, sinh tân, chỉ khát. Bởi vậy, trà đã trở thành thức uống lý tưởng nhất đối với hàng tu sĩ.
Vì giới luật không cho phép ăn uống nhiều bữa trong ngày, nên thiền sinh khi ngồi thiền chỉ được phép uống trà. Mỗi lần tọa thiền thường chia thành nhiều giai đoạn, được phân chia theo thời gian cháy hết một nén nhang. Sau mỗi một nén nhang tàn, vị giám thiền thường mang trà đến cho các thiền sinh, nhằm giúp họ tỉnh táo bước vào giai đoạn tiếp theo.
Mời các bạn đón đọc Thiền Trà Và Ăn Chay của tác giả Tế Hân & Ngọc Huy.