“Học trò bà mụ” đoạt giải thưởng Newbery năm 1996, một tác phẩm kết hợp dành cho cả độc giả nhỏ và người lớn. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh nước Anh thời Trung cổ. Nhân vật chính là Alyce (cái tên sau này cô bé tự đặt cho mình), lớn lên từ đống phân rác, vô gia cư, luôn muốn tìm lấy một vị trí trong xã hội – kẻ học việc cho bà mụ Jane Nhọn Sắc quái gở. Trong một lần tự mình làm công việc đỡ sanh, nó đã thất bại. Thay vì đối mặt với thất bại, Alyce lại trốn chạy. Tố chất thông minh và lòng thương trẻ nhỏ vẫn cháy bỏng trong lòng cô bé và cô lại thử công việc đỡ sanh một lần nữa…
***
Viết từ năm 1996, cách đây 14 - 15 năm.
Viết về người phụ nữ chuyên giúp phụ nữ khác sinh con theo kiểu truyền thống thời còn các vị lãnh chúa Trung cổ.
Chỉ hai điều đó thôi cũng đủ khiến tác phẩm không dễ tiếp cận với bạn đọc ngày nay. Nhưng ngược lại, cũng chính chúng tạo sự tò mò, hứng thú cho bạn đọc khi tìm đến cuốn sách.
Cuốn sách kể về con đường đến với nghề bà mụ của cô bé có cái tên rất lạ Bọ Hung (sau này là Alyce - do cô tự đặt). Nội dung truyện đơn giản vậy thôi nhưng điều đọng lại có lẽ lớn lao hơn nhiều.
Trước hết, nói về Bọ Hung.
Con bé xuất thân không ai rõ, người làng thấy nó ở đống phân rác (phân súc vật, rác rưởi, rơm rạ chất đống thối rữa), tìm hơi ấm từ những thứ bỏ đi đó. Nó sống bằng mọi cách có thể: ăn cắp một củ hành, phụ gặt hái mùa màng… Tóm lại đó là một đứa trẻ không may mắn nhưng luôn nỗ lực để tồn tại trong cái thế giới lạnh lùng mà nó đang sống. Người ta thấy nó, chỉ để thấy và chế nhạo một kẻ khốn khổ ngoài ra không còn gì khác, không một sự thương hại hay giúp đỡ đứa trẻ đó.
Sống cùng đám phân rác và những người lớn vô tâm suốt, con bé mang trong mình một tâm hồn lạnh lẽo, tăm tối. Chính nó cũng cảm thấy vô vọng, vô vọng…
Chỉ có điều tận sâu cùng trong tâm hồn nó, nó vẫn muốn sống và sẵn sàng chớp lấy một cơ hội để được sống. Vì thế, nó đã tìm được một chỗ ở - có mùi dễ chịu hơn nhưng không ấm bằng đống phân rác, một công việc - đứa ở - trong nhà bà mụ Jane Nhọn Sắc.
Bắt đầu từ đây, Bọ Hung làm quen với các loại thảo dược và công việc phụ giúp một bà mụ qua các ca đỡ đẻ trong làng. Nó học được nhiều điều nhưng chưa bao giờ dám thử tự mình vận dụng chúng. Nó vẫn còn sợ, vẫn còn e ngại. Cũng từ ngày sống cùng bà mụ Jane, Bọ Hung không còn e sợ sự trêu chọc ác ý của bọn con trai trong làng; nó sẵn sàng đáp trả một cách nanh nọc để bảo vệ mình. Thậm chí nó đủ dũng cảm và nhân hậu để cứu một đứa trong bọn chúng bị rớt xuống nước. Hành động ấy làm thay đổi hẳn mối quan hệ giữa nó và lũ con trai, đặc biệt là đối với Will Russet - kẻ chịu ơn cứu mạng. Bọ Hung đã có bạn ở đây.
Sự đổi thay không chỉ diễn ra trong mối quan hệ nói trên. Bọ Hung còn có cơ hội thực hiện những điều học lóm từ bà mụ Jane vào cuộc sống. Khởi đầu là giúp một con bò sinh nở, sau đó là giúp vợ quan quản lí thái ấp mẹ tròn con vuông. Con bé bắt đầu cảm thấy tự tin hơn và tự hào về mình. Bằng tấm lòng nhân ái của mình, con bé còn cố giúp đỡ một đứa trẻ khác có hoàn cảnh tương tự mình.
Có thể nói, con bé trưởng thành bên đống phân rác nhưng tấm lòng và tâm hồn nó không phải một đống phân rác. Nói như người Việt Nam ta thì đó là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bọ Hung - nay là Alyce, đáng được độc giả yêu quý bởi tâm hồn nhân ái, trong sáng và nghị lực sống phi thường.
Nhưng cuộc đời vốn không phải lúc nào cũng yên ổn, con đường thành nghề đâu có trải hoa hồng. Alyce đã gặp phải thất bại đầu tiên trong đời và nó chọn cách bỏ chạy. Bạn có thể cho là nó hèn nhát, không dám đương đầu thất bại. Vậy thì bạn hẳn đã quên, nó vẫn còn là đứa trẻ mười mấy tuổi đầu. Trước khi dám đương đầu với thất bại, rất nhiều người đều nảy sinh ý định chạy trốn. Chúng ta dễ đón nhận thành công nhưng không có gì là dễ chịu với thất bại. Tác giả Karen đã thể hiện rất thật nét tâm lí này của con người.
Và Karen tiếp tục dẫn dắt bạn đọc theo bước chân học trò bà mụ đến quán ăn nơi cô đang làm việc để quên đi thất bại đầu đời. Những tưởng cuộc đời Alyce sẽ rẽ sang hướng khác thì một cơ may khác đưa cô bé quay trở lại con đường cũ. Alyce đã quay về, chính thức trở thành NGƯỜI HỌC VIỆC CỦA BÀ MỤ.
Đây cũng là điểm tôi thích nhất ở nhân vật này. Tình yêu đối với công việc giúp những phụ nữ sinh đẻ vuông tròn đã là động lực giúp Alyce vượt qua thất bại và bắt đầu lại từ đầu. Dưới cái dáng vẻ nhỏ bé, yếu ớt của cô bé là cá tính mạnh mẽ. Cô bé không cha không mẹ ấy đã đứng lên bằng chính đôi chân và sống nhờ đôi bàn tay lao động của mình. Đó không chỉ là điều những đứa trẻ cần học hỏi, chính người lớn đôi khi cũng cần nhìn lại mình.
Còn một người mà tôi muốn giới thiệu với các bạn: bà mụ Jane Nhọn Sắc.
Lúc đầu, tôi không ưa người phụ nữ này lắm mặc dù bà ta tỏ ra thành thạo công việc và là người có hiểu biết về nghề của mình. Ấy là bởi cách bà đối xử với Bọ Hung khá cay độc. Bà ta cũng từng chạy trốn khi gặp khó khăn (đó là suy nghĩ của riêng tôi): không dám theo đến cùng một ca đẻ khó, chạy đi đỡ một ca khác và bỏ con bé giúp việc ở lại với sản phụ.
Sau này, đọc đến gần cuối truyện tôi bỗng nhận ra con người này không hoàn toàn xấu. Bà ta nói Alyce “không phải người tôi cần” vì người học việc Jane muốn phải là “người dám chấp nhận thử thách, rủi ro và thất bại, rồi lại cố gắng lần nữa mà không bỏ cuộc. Trẻ con không ngừng sinh ra dù bà mụ bỏ cuộc.” Chính lời tâm sự ấy của Jane đã tác động không nhỏ tới quyết định của Alyce. Và cũng chính bà ta đã tiếp nhận sự quay lại của Alyce.
Nếu tạm bỏ qua những cay độc và khắt khe của bà, bạn sẽ thấy đó là một người thầy mà Alyce cần có. Sự dạy dỗ quả là muôn hình muôn vẻ.
***
Bà Karen Cushman sinh tại Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ngoài bằng cử nhân về Nhân Văn và Bảo Tàng, bà còn tự học về thư viện, thuật gấy mê, múa ba-lê và đặc biệt là y học. Được mệnh danh là nhà văn hư cấu lịch sử kiệt xuất dành cho thanh thiếu niên, 50 tuổi bà mới viết quyển sách đầu tay CATHERINE, CALLED BIRDY và đoạt ngay giải bạc Newbery năm 1995; sang năm 1996, THE MIDWIFE’S APPRENTICE đoạt giải vàng Newbery – cả hai tác phẩm đều xuất phát từ việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa các nước Anh thời Trung cổ của bà. Tác phẩm thứ ba nói về thời kỳ đổ xô đi tìm vàng trong lịch sử Hoa Kỳ. Bà cũng là tác giải của MATHILDA BONE, THE BALLAD OF LUCY WHIPPLE và gần đây nhất là RODZINA.
Tác phẩm Học trò bà mụ (Nguyên tác: The Midwife’s Apprentice) đoạt:
- Huy chương vàng Newbery năm 1996.
- Lọt vào danh sách những quyển sách hay nhất của Hiệp hội Thư viện Mỹ năm 1996.
- Sách hay nhất cho thanh thiếu niên năm 1996.
Mời các bạn đón đọc Học Trò Bà Mụ của tác giả Karen Cushman.