Bằng sự tồn tại hiển nhiên, cờ tướng đã chứng tỏ giá trị nội tại là một môn nghệ thuật vừa giải trí vừa có tính chất văn hóa. Không ai có thể phủ nhận sự hiện diện và đóng góp tích cực của cờ tướng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta. Những giai thoại xưa, nay có liên quan đến cờ tướng bao giờ cũng gợi lên cho chúng ta nhiều điều thú vị mà phạm vi tác động của nó không chỉ đóng khung trong thế giới chật hẹp của bàn cờ tướng.
Đây là quyển thứ tư trong bộ sách nghiên cứu về cờ tướng của Dương Diên Hồng - một tác giả đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về cờ tướng. Kết quả của nhiều năm biên soạn, anh đã cho ra mắt bạn đọc các tập sách: Cờ tướng tinh hoa (1989), Cái hay trong nghệ thuật cờ tướng (1990), Cờ tướng - Những nguyên lý chiến thắng (1991) và Cờ tướng - Những vấn đề cần biết.
Người biên soạn không có tham vọng đúc kết, trình bày hết những vấn đề sâu sắc về nghệ thuật cờ tướng trong quyển sách này. Bởi việc ấy đã có không ít những bậc học giả uyên thâm về cờ tướng tập trung công sức nghiên cứu rồi.
Biên soạn quyển Cờ Tướng Những Vấn Đề Cần Biết , tác giả chỉ nhằm mục đích khiêm tốn là giới thiệu tiếp với các bạn những vấn đề có liên quan đến cờ tướng và những quyển sách đã xuất bản trước đây của cùng tác giả.
***
Cờ tướng (Tiếng Trung: 象棋, Hán Việt: Tượng Kỳ), hay còn gọi là cờ Trung Quốc (Tiếng Trung: 中國象棋, Hán Việt: Trung Quốc Tượng Kỳ), là một trò chơi trí tuệ dành cho hai người. Đây là loại cờ phổ biến nhất tại Trung Quốc và Việt Nam, và nằm trong cùng một thể loại cờ với cờ vua, shogi, janggi.
Trò chơi này mô phỏng cuộc chiến giữa hai quốc gia, với mục tiêu tối hậu là chiếu bí Tướng của đối phương. Các đặc điểm khác biệt của cờ tướng so với cờ vua là: các quân đặt ở giao điểm các đường thay vì đặt vào ô, quân Pháo phải nhảy qua 1 quân khi ăn quân, Mã và Tượng bị cản, các khái niệm sông và cung nhằm giới hạn các quân Tướng, Sỹ và Tượng.
Ván cờ được tiến hành giữa hai người, một người cầm quân Trắng (hay Đỏ), một người cầm quân Đen (hay Xanh). Mục đích của mỗi người là tìm mọi cách đi quân trên bàn cờ theo đúng luật để chiếu bí (bắt Tướng (hay Soái)) của đối phương hoặc làm đối phương hết nước đi hợp lệ.
Bàn cờ là hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 90 điểm hợp thành. Một khoảng trống gọi là sông nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông do 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ hai đường chéo.
Theo quy ước, khi bàn cờ được quan sát chính diện, phía dưới sẽ là quân Trắng, phía trên sẽ là quân Đen. Các đường dọc bên Trắng được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên Đen được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái.
Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải có 32 quân cờ chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân Trắng và 16 quân Đen, gồm bảy loại quân. Tuy tên quân cờ của mỗi bên có thể viết khác nhau (ký hiệu theo chữ Hán) nhưng giá trị và cách đi quân của chúng lại giống nhau hoàn toàn. Bảy loại quân có ký hiệu và số lượng cho mỗi bên.
Mời các bạn đón đọc Cờ Tướng - Những Vấn Đề Cần Biết của tác giả Dương Diên Hồng.