Lời dịch giả Vũ Thế Khôi:
Mai, Mồng 9 tháng 5 là Ngày Chiến thắng của nhân dân các dân tộc Xô Viết. Cận ngày này khoảng ba chục năm trước, tôi đọc được truyện ngắn "Mối tình đầu" của nhà văn Bogomolov, chỉ có 3 trang, nhưng vô cùng sâu sắc về mặt lên án sự tàn bạo, vô nhân tính của chiến tranh.
Nhà thơ Tvardovski khẳng định: TRẬN TỬ CHIẾN KHÔNG VÌ VINH QUANG / VÌ CUỘC SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY. Vậy mà trận chiến lúc bình minh ló rạng, không cứu nổi cuộc sống của sinh linh vừa mới thai nghén trong dạ MỘT nữ chiến sĩ cứu thương!!!
Tôi ngồi dịch "một lèo", rồi đạp xe đến tòa soạn Văn nghệ Quân đội, đưa cho anh bạn, nhà thơ Anh Ngọc, biên tập viên từ tạp chí ấy. Thấy ngắn, Anh Ngọc cũng đọc "một lèo" rồi thốt lên: "Hay quá! Đăng luôn trong số kỷ niệm". Nhưng trong số kỷ niệm năm đó, không thấy in. Tôi đến, Ngọc gãi đầu gãi tai: "Đang không biết ăn nói thế nào với anh đây. Tôi để trên bàn, mấy thằng đọc đều thích, rồi … biến mất. Anh vui lòng dịch lại. Ngọc đăng ngay trong số tới.". Tôi hứa, nhưng rồi có 3 trang mà không sao dịch tự hài lòng như lần dịch đầu. Tôi lại đến tòa soạn, lần này là tôi xin lỗi Ngọc vì thất hứa.
Về sau, nhiều người khác đã dịch truyện này, trong đó có bạn tôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Tôi định không tbao giờ dở lại truyện ngắn ấy nữa. Nhưng rồi… Mồng Một Tết Nguyên đán 2015 tôi phải bỏ dở việc dịch Kiều sang tiếng Nga, sấp ngửa bay vào túc trực trong bệnh viện 115 HCM vì người mẹ già 97 tuổi bị tai biến não. Tuy nhiên, chính cô Kiều đã cứu tôi khỏi thoát khỏi trầm cảm, như tôi thuật lại sau này trong bài "Đoạn trường dịch Kiều sang tiếng Nga", đăng tạp chí Thơ cuối năm ấy. Nhưng rồi gần sáu trăm câu Kiều dở dang cũng đã trau chuốt xong. Làm gì nữa đây bên giường người mẹ già nằm thiêm thiếp? Lại sắp đến 9 - 5, tôi chợt nhớ đến truyện "Mối tình đầu". Sục sạo bản tiếng Nga trên mạng. May quá có! Tải về và dịch không phải để in (5-7 bản in của người khác rồi!), dịch "для себя" (cho mình) thôi, để giải tỏa căng thẳng. Tỉa tót từng câu chữ, Không dám dịch nhanh. Có 3 trang, hết rồi biết làm gì nữa đây?..
Truyện ngắn ấy đây, xin chia sẻ các bạn cùng đọc trong Ngày Chiến thắng.
***
Vladimir Bogomolov sinh ngày 3 tháng 7 năm 1926 trong một gia đình nông dân ở làng Kirilovka tỉnh Matxcơva. Khi Chiến tranh Vệ quốc bắt đầu, ông tình nguyện ra mặt trận khi mới tốt nghiệp lớp 7 trung học (năm 1941). Ông trải qua suốt chặng đường chiến tranh, từ lính trơn lên đến chức vụ trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng trinh sát và giải ngũ năm 1952.
Tác phẩm lớn nhất, nổi tiếng nhất của ông - tiểu thuyết trinh thám “Tháng tám năm bốn tư” (1973) kể về những chiến dịch phản gián có thật đã từng xảy ra trước cuộc phản công của quân đội Xô viết, được dựng thành phim năm 2000. Câu chuyện được kể bằng lời nhiều nhân vật khác nhau, chứa đựng rất nhiều đoạn tài liệu mật thời chiến, đã trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học chiến tranh Nga. Nó được tái bản không dưới một trăm lần, và được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.
Các truyện ngắn nổi tiếng nhất của Bogomolov về đề tài chiến tranh là “Mối tình đầu” (1958), “Nghĩa trang gần Belostok” (1963) và “Nỗi đau trong tim” (1963)
Ông mất ngày 30 tháng 12 năm 2003 và được chôn cất tại nghĩa trang Vagankovsky.
Mời các bạn đón đọc Mối Tình Đầu của tác giả Vladimir Bogomolov.