Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ba Gã Say Luận Đàm Thế Sự

Ba gã say luận đàm thế sự ra đời năm 1887, đúng thời điểm đất nước Nhật Bản đang đứng giữa ngã ba đường của lịch sử, loay hoay tìm đường hướng phát triển quốc gia: Phải lựa chọn chế độ chính trị như thế nào? Cần theo đuổi chính sách ngoại giao ra sao để có thể trở thành một cường quốc ở châu Á?

Là xác lập chủ nghĩa lý tưởng Tây phương, qua hình tượng chàng Thân sĩ Tây học, sống trong “khuê các tư tưởng”?

Là đi theo chủ nghĩa quốc quyền, qua hình tượng vị Hào kiệt, con người của hành động, thao thao bất tuyệt về mưu toan bành trướng Trung Hoa?

Hay là chủ nghĩa hiện thực với đường lối trung dung, tùy thời tiến thoái, như hình tượng vị Nam Hải tiên sinh?

Được cấu tứ dựa trên ý tưởng một cuộc luận đàm về chính trị giữa ba gã say, Ba gã say luận đàm thế sự đã chỉ ra những ưu nhược điểm của chủ nghĩa phương Tây, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa quốc quyền, bành trướng, như một lời chỉ dẫn về con đường Nhật Bản nên đi và cũng được xem như điềm báo về sự thịnh suy của đế quốc Nhật Bản trong tương lai.

Với văn phong cổ kính, ngôn từ hàm súc, sử dụng nhiều điển tích Đông Tây kim cổ, cuốn sách đã khắc họa một bức tranh đa diện, nhiều màu sắc về lịch sử văn minh thời Minh Trị, về những vấn đề mà giới tinh hoa Nhật Bản đang đau đáu bận tâm. Tác phẩm được coi như một danh tác tiêu biểu cho văn minh thời Duy tân Minh Trị.

“Nói rằng nhiều vấn đề trọng đại của Nhật Bản hiện tại như hòa bình, tự do, phòng vệ, tiến bộ - bảo thủ, dân quyền - quốc quyền… được gói gọn trong Ba gã say luận đàm thế sự cũng không phải quá lời.”

--- Kuwabara Takeo

***

VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM

Nakae Chōmin tên thật là Tokusuke, sinh ngày 1 tháng Mười một năm 1847 tại Kochi phiên Tosa (nay là tỉnh Kochi). Cha của ông là Tameshichi (sau đổi thành Motosuke, Yasosuke), mẹ là Yanagi và một người em trai tên Kōma. Tổ tiên của nhà Nakae có thể tính lùi về đến ông cố của Tokusuke là Densaku. Không có nhiều thông tin về lai lịch của Densaku, chỉ biết vào năm 1766 ông được tuyển làm Ashigaru của phiên Tosa, được cấp sinh hoạt phí gấp đôi và nhận bổng lộc bốn thạch lúa gạo. Tokusuke là đời thứ tư, sau người ông Katsuji và cha Tameshichi. Cha ông bị ràng buộc ở Edo nên thời thơ ấu được một tay mẹ nuôi dưỡng. Người ta truyền rằng ông vốn trầm tính như con gái và rất thích đọc sách. Năm 1861, cha mất, ông kế tục làm một Ashigaru. Năm sau, ông vào học Bunbukan (Văn Võ quán) khi nơi này vừa được thành lập, rồi nhận được sự chỉ dạy của Hosokawa Junjiro, một nhà Tây dương học nổi tiếng, người này sau làm Viện trưởng Đế quốc học sĩ. Nhờ sự tiến cử của Hosokawa, ông được gửi đến Nagasaki với tư cách là du học sinh của phiên và học tiếng Pháp với Hirai Gijūrō. Hai năm sau, ông lên Edo, theo học bậc thầy Pháp học Murakami Hidetoshi nhưng vì quá phóng đãng nên đã bị khai trừ. Khi Công sứ Léon Roches xuống phía tây vì vấn đề mở cửa Hyogo, ông đi theo với vai trò là tùy viên hỗ trợ phiên dịch.

Trước và sau Minh Trị Duy tân, Chōmin không có hành động của một chí sĩ, ông chỉ học tiếng Pháp và nghiên cứu Pháp điển đồng thời khổ luyện âm khúc truyền thống Edo như Nagauta. Sau Duy tân, ông là học trò tại trường tư của Mitsukuri Rinsho, rồi trở thành người đứng đầu trường tư Nisshinsha (Nhật Tân xã) của Fukuchi Gen’ichirō, sau đó nhận giảng dạy tiếng Pháp tại Đại học Nankō (Nam Hiệu, sau là Đại học Tokyo). Năm Minh Trị thứ 4 (1871), ông có nguyện vọng sang Pháp du học, nhờ sự tận tình của Ōkubo Toshimichi, ông vào phục vụ ở Tư pháp sảnh [Bộ Tư pháp], rồi đồng hành cùng Iwakura Tomomi với tư cách là Đại sứ toàn quyền sang Tây dương. Trong thời gian lưu trú tại Pháp, ông từng giao du với Saionji Kinmochi và Komyoji Saburō, học hỏi nhà tư tưởng chính trị cấp tiến Acollas. Năm 1874, ông về nước và mở “Pháp Lan Tây học xá” để dạy Pháp học tại nhà, nhưng đến năm Minh Trị thứ 8 (1875) ông đến nhậm chức Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ Tokyo.

Chōmin nhận chức hiệu trưởng này chưa được ba tháng đã từ chức, có thuyết cho rằng vì ông chủ trương giáo dục Nho giáo nhưng bị phản đối. Việc này không có chứng cứ xác thực, nhưng có một sự thật là sau này vì yêu thích Hán học ông đã vào trường tư thục của Okamatsu Ōkoku. Genrōin (Nguyên lão viện) được thành lập, ông được thư ký quan của viện mời về làm việc, công việc ở đây cũng nhàn, lại thuận tiện cho việc kinh doanh “Pháp Lan Tây học xá” nên ông chuyển việc đến đó cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng ở Genrōin, ông lại xung đột với Mutsu Munemitsu, nên đã từ chức vào năm 1877. Sau đó, ông vẫn nhận công việc phiên dịch do chính phủ ủy thác nhưng không thuộc chế độ phục vụ suốt đời. Có vẻ như khí chất ông không thể chịu được cuộc sống viên chức.

Cuộc vận động tự do dân quyền cũng bắt đầu vào năm Chōmin về nước, nhóm người Itagaki Taisuke dâng bản điều trần [kiến bạch thư] thiết lập dân tuyển nghị viện. Chōmin không lập tức tham gia cuộc vận động này, ông phổ cập tư tưởng chủ nghĩa dân chủ, xây dựng cơ sở lý luận cho nó dựa vào Pháp học. Ông thử nghiệm việc dịch Khế ước Xã hội, nhưng rồi sau đó ông cùng Saionji Kinmochi sáng lập tờ báo Tōyō Jiyū shimbun(Đông Dương Tự do tân văn), do Saionji làm chủ tòa soạn, còn bản thân ông thì làm chủ bút. Số đầu tiên ra ngày 18 tháng Ba năm Minh Trị thứ 14 (1881). Đây là lần đầu tiên từ “Tự do” xuất hiện trên mặt báo ở Nhật Bản. Chính phủ lo sợ cuộc vận động tự do dân quyền lan rộng, bèn dựa vào uy quyền của Thiên hoàng đàn áp tờ báo, ép Saionji từ chức, tờ báo không tránh khỏi bị đình bản sau khi đã ra được 34 số. Cuộc vận động dân quyền phát triển đến mức, Iwakura Tomomi cho rằng “dù là thời điểm trước cách mạng Pháp, e cũng không sánh được với tình thế hiện tại”. Thế nhưng phe phản chính phủ cũng có nhiều yếu điểm nên cuộc vận động sớm nảy sinh chia rẽ, một bộ phận phần tử cấp tiến đã tự ý hành động trực tiếp, chẳng hạn như các vụ bạo động ở Gunma, Kabasan; hệ quả tất yếu là trung ương bộ của Đảng Tự do tự giải tán (tháng Mười năm 1884). Trước sự kích động như thế, Chōmin hầu như chưa có hoạt động chính trị nào. Ông phản đối đường lối khởi sự thô bạo mà chỉ muốn đào sâu về lý luận, ông dốc sức dịch sách L’Esthetique của Eugene Veron (1883), Histoire de la Philosophic của Alfred Jules Émile Fouillee (1886) và viết Rigaku Kogen(Lý học câu huyền) và Kakumeizen France Niseki Kiji (Ký sự hai thế kỷ nước Pháp trước cách mạng), quyển Ba gã say luận đàm thế sự này cũng là một trong những thử nghiệm đó. Chúng tôi sẽ bàn về điều này sau.

Tuy nhiên, trong thư phòng của Chōmin chắc chắn sẽ không có những nghiên cứu thấu triệt mà chuyên sâu làm thỏa mãn việc tranh luận về lý luận chính trị. Sau khi quyển sách này xuất bản không lâu, nhân dịp Ngoại tướng [Bộ trưởng Bộ Ngoại giao] Inoue Kaoru phản đối kế hoạch Cải chính Điều ước*, cuộc vận động tổng lực của phái tự do dân quyền đã bùng nổ trở lại, đả đảo chính phủ phiên phiệt. Chōmin tham gia tích cực vào cuộc vận động này, đóng vai trò chỉ đạo, chấp bút thượng tấu buộc tội chính phủ thay cho Gotō Shōjirō. Thế nhưng chính phủ lo sợ cuộc vận động này nên đã công bố Điều lệ Bảo an vào cuối năm Minh Trị thứ 20 (1887), liệt ông cùng 570 người nhóm Ozaki Yukio, Hoshi Tooru vào thành phần nguy hiểm và bị trục xuất khỏi Tokyo, ông đành phải dời về Osaka. Nhưng, ở Osaka ông lại lập tức thành lập và kiêm chủ bút tờ Shinonome shimbun (Đông Vân tân văn), ra sức phổ cập tư tưởng dân quyền, ủng hộ việc thiết lập quốc hội. Mạch chính trong chủ trương của Chōmin là đưa việc khâm định hiến pháp vào quốc hội, cho phê duyệt từng hạng mục [điểm duyệt], qua đó có thể thực hiện được chủ trương dân chủ hóa.

Nhờ đợt ân xá vào thời điểm công bố Hiến pháp, lệnh trục xuất Chōmin được giải trừ, ông quay lại Tokyo, ra ứng cử Khu số 4 Osaka và trúng cử trong cuộc tuyển cử Chúng nghị viện lần thứ nhất. Trong quốc hội, thành phần chống đối chiếm đa số nhưng không thể gắn kết trong một chiến tuyến thống nhất, bị chia rẽ bởi chính sách mua chuộc của chính phủ, tháng Hai năm Minh Trị thứ 24 (1891), dự toán thỏa hiệp với chính phủ được xác lập do phe Tosa phản bội, Chōmin giận dữ, nộp đơn từ chức “Tiểu sinh sắp tới đây e là phát bệnh do trúng độc rượu, không tiện đi lại, khó tham dự cuộc bỏ phiếu, vậy nay trình đơn này xin phép được từ chức” và rời bỏ quốc hội. Dù rất nhiệt tâm nhưng ông không thành công trong cuộc vận động thực tiễn có tính tổ chức. Đó phần nào cũng do tính cách cá nhân của riêng ông, nhưng cũng là bởi tình hình quá tệ, ông từng mắng những nghị viên nhút nhát là bọn sâu mọt không máu, cuối cùng lại phải ôm mối tuyệt vọng với giới chính trị hủ bại và dời về Hokkaido, ông làm chủ bút tờ Hokumon Shinbo (Bắc Môn tân báo) ở thành phố Otaru.

Mùa hè năm Minh Trị thứ 25 (1892), ông rút khỏi tờ Hokumon Shinbo,sau đó bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Xét thấy nếu không có tiền thì cả hoạt động chính trị lẫn sáng tác đều mất tự do và suy thoái, ông quyết định sẽ kiếm tiền trước, ông cai rượu, quyết tâm dấn thân vào nhiều ngành nghề nhưng phần nhiều bị cho là mang tính môi giới. Tất cả liên tục bị thất bại, Chōmin rơi vào cảnh nghèo túng. Trong thời gian kinh doanh ông đã dịch lại Die beiden Grundprobleme der Ethik của Authur Schopenhauer từ tiếng Pháp nhưng trước sự can thiệp của ba nước sau chiến tranh Nhật-Thanh, ông đã phẫn uất thốt lên rằng “đó là vết nhơ lớn hằn sâu vào trang sử của Đế quốc Nhật Bản chúng ta”. Sau đó vào năm Minh Trị thứ 31 (1898), hầu như một mình ông tự sáng lập Kokuminto (Quốc dân đảng), phát hành bản tin Hyaku rei ichi (Bách linh nhất). Tuy nhiên, cương lĩnh đó không phải là chủ nghĩa quốc quyền mà là chủ nghĩa tự do tiến bộ, là yêu sách về tuyển cử phổ thông, miễn phí giáo dục tiểu học, tự do ngôn luận, xuất bản. Năm Minh Trị thứ 33 (1900), ông gia nhập Kokumin Domeikai (Quốc dân Đồng minh hội) của Konoe Atsumaro nhằm tiến vào đại lục, đồng thời khích lệ Risodan (Lý tưởng đoàn) của Kuroiwa Shuroku, Uchimura Kanzo cân nhắc đến việc bãi bỏ quyền sở hữu đất đai và quyền kế thừa tài sản, lại gia nhập “Phổ thông tuyển cử kỳ thành Đồng minh hội” (1901). Qua đó để thấy có không ít hành động trong cuộc đời ông bộc lộ sự mâu thuẫn. Tháng Ba năm Minh Trị thứ 34 (1901), Chōmin đến Osaka vì công việc kinh doanh và ngã bệnh, ông được chẩn đoán là ung thư thực quản, thời gian còn lại chỉ là một năm rưỡi. Sau khi làm phẫu thuật, ông viết lchinen yūhan(Nhất niên hữu bán) và Zoku lchinen yūhan (Tục nhất niên hữu bán) trong cơn đau bệnh. Ngày 13 tháng Mười hai, ông kết thúc cuộc đời 54 năm tại nhà riêng ở quận Koishikawa, thị trấn Takeshima.

Mời bạn đón đọc Ba Gã Say Luận Bàn Thế Sự của tác giả Nakae Chōmin & Nguyễn Mạnh Sơn , Võ Vương Ngọc Chân (dịch).