Khi các quốc gia tranh đấu thì cũng là lúc nghiệp đế vương lay chuyển. Lúc này trên đỉnh núi xuất hiện một thiếu nữ đẹp như tiên thiên, mang theo hành động và lời nói không hề kỵ úy khiến toàn võ lâm thiên hạ phải kính ngưỡng.
Cùng với đó là sự xuất hiện của chàng trai mang y phục đen tuyền, tác phong ung dung nhận được sự ngưỡng mộ của toàn thiên hạ.
***
Thể loại: Cổ đại, chiến tranh, giang hồ
Tình trạng: Hoàn
Review bởi: Trần Bạch Tố - facebook.com/hoinhieuchu
Mới đọc xong bộ này trong 2 ngày và đọc lại một số đoạn để ngẫm thật kĩ. Truyện sâu, hay, cực kì lôi cuốn và hấp dẫn, đọc mà không dứt ra được. Thật lâu mới tìm được một bộ vừa lòng vừa ý thế này. Mình đánh giá bộ này ngang ngửa với bộ Hoàng Phi Sở Đặc Công Số 11 ( Sở Kiều truyện ), chấm 4.25/5.
Văn phong truyện mượt mà, tả cảnh hay tâm cảnh cũng đều xuất thần. Trong truyện có một số đoạn trích thơ và cũng có một số bài tác giả sáng tác ( mình nghĩ thế vì không đề tựa gì và nếu thế thì quá tuyệt ), thơ đều thâm thúy, đúng hoàn cảnh, cộng điểm !
CHÚ Ý : MÌNH SẼ THÔNG QUA ĐÁNH GIÁ NHÂN VẬT SPOIL MỘT SỐ CHI TIẾT !!!
1.(Bạch) Phong Tịch/Tích Vân công chúa : “ Tố y tuyết nguyệt, phong hoa tuyệt thế. Ngôn hành vô kỵ, cuồng phóng như phong.” Chị là một trong Bạch Phong Hắc Tức – ‘cặp đôi’ có thể nói là giang hồ ít ai địch được. Chị thanh tú, phóng khoáng, khí chất hơn người, thích gì làm nấy, luôn đem đến một làn gió tươi mát đến thế gian. Nhưng khi trở thành Tích Vân, thành Vương của một nước, chị có sự uy nghiêm, hùng dũng và quyết đoán của một bậc đế vương. Có nhiều người nói chị không bằng các anh nam trong truyện nhưng theo mình thấy chị bằng, có khi còn hơn. Nếu để ví với một vài nhân vật khác, mình thấy chị hơi giống Sở Kiều (Sở Kiều Truyện), đều thiện lương và tài trí. Nhưng chị có tố chất của một hoàng đế, không thế sao trên dưới Bạch Phong quốc đều kính sợ Tích Vân, sao Phong Vân kỵ mười vạn người trên dưới một lòng trung chủ ? Nhưng chị cũng có một khuyết điểm quá lớn, lớn là lòng ôm thiên hạ, nhỏ là tình yêu với nam chính.
2.( Hắc ) Phong Tức/ Lan Tức công tử : “ Hắc thường mặc nguyệt, tuấn nhã tuyệt luân. Ung dung thanh quý, vương hầu vô song.” : trong tứ đại công tử anh một thân ngồi hai vị, là Lan ẩn mà cũng là Tức nhã. Một trong hai vương tinh chuyển thế, đồ đệ Thiên lão, dung nhan thì khỏi bàn đi, anh tài trí, âm hiểm, mưu kế thâm sâu, luôn khát khao ngồi lên vị trí hoàng đế nhưng trong khắc cuối cùng, anh đã lý trí đưa ra một quyết định đúng đắn. Mình không thích anh nam chính lắm nên không có gì để nói nhiều.
Nói một chút về tình cảm của hai người này. Bạch Phong Hắc Tức, hắc bạch phân minh, cùng đeo trên trán một cặp Bích Nguyệt ( Mình vẫn thắc mắc là tại sao tác giả không nêu rõ một chút về hoàn cảnh của đôi trang sức này ), 10 năm thành huyền thoại trên giang hồ, lần nào gặp nhau đều long tranh hổ đấu không thôi. Anh chị thầm yêu nhau có thể nói từ lâu, trong lòng biết nhưng một người vì đế nghiệp cất giấu, một người vì không thừa nhận chôn sâu. Chàng, dày công cầu hôn Hoa quốc công chúa mà một khắc thần mê trí loạn ‘không phải nàng’ liền bỏ đi, đại hôn hai nước, gấm lan ngập trời, một chậu ‘Lan Nhân Bích Nguyệt’ trồng tám năm có đủ thấy tình yêu không ? Một tiếng gào thấu trời xanh “ Tích Vân” phá bỏ vẻ trời sập không đổi sắc, hi sinh cả dung mạo, cả thọ mệnh có đủ không ? Nàng, đơn giản, không rời bỏ chàng dù chàng có âm hiểm, có tính kế đến cả khi hai ái tướng cùng một vạn hai ngàn Phong Vân kỵ hồn vong nơi Lạc Anh sơn, nói vì đại cục nhưng dám nói không vì chàng ? Tình của hai anh chị kết thúc tươi đẹp, vứt bỏ đế vị, trở lại thành huyền thoại ‘Bạch Phong Hắc Tức’ : “ Thả thí thiên hạ như cỏ rác, dắt tay thiên nhai cười tiên gia.”
3.Ngọc Vô Duyên : “ Phong vũ thiên sơn Ngọc độc hành, thiên hạ khuynh tâm thán Vô Duyên.” Đây là một trong những anh mà nữ chính động tâm ( có 3 anh tất cả ). Anh xuất hiện ở đâu thì ở đó tựa như Bồ Tát giáng thế. Anh từ bi, hòa nhã, lòng ôm thiên hạ. Anh là Thiên Nhân Ngọc gia, là ‘vương sư’ của hoàng đế, của thiên hạ. Là người tài mạo bậc nhất trong truyện, cũng từ ái nhất, không hổ danh ‘Thiên hạ đệ nhất công tử’. Nhưng tiếc ra đi ở tuổi còn xanh quá :(
Anh và Phong Tịch có thể nói là vừa gặp đã thân, đêm đó trên đỉnh Thiên Chi, một ‘Cao Sơn’ đã đánh đàn cho ‘Lưu Thủy’ nghe, và cũng chỉ có ‘Lưu Thủy’ mới nghe được cầm tâm của ‘Cao Sơn’. Tri âm tri giao như vậy nhưng hai người ‘có duyên không phận’, để lại một mảnh duyên khiến họ tiếc nuối nhường nào : “ Người nhà họ Ngọc cả đời chẳng có yêu có hận ! Người nhà họ Ngọc cả đời chỉ có máu mà không có nước mắt… Nhưng…thứ đang rơi xuống đây là gì ? Đây là tình yêu mỏng manh mà đáng thương của y…”. Từng ánh mắt, từng cái mỉm cười, từng câu nói đều có thể cảm nhận cái tình sâu lắng của họ. Mình thích Vô Duyên và Phong Tịch thành đôi còn hơn cả đôi chính. Đơn giản vì họ hiểu nhau, họ cùng để thiên hạ vào lòng như nhau, gọi là ‘đồng tâm tương liên’ nhỉ :> Giá như anh phò tá chị thay vì Hoàng Triều thì lịch sử sẽ rẽ ra một hướng mới.
Điểm qua một số nam phụ khác như Hoàng Triều – ‘ Tam Vương Sơ Hội’ với Phong Tịch, Phong Tức tuy nhiên mình thấy tình cảm anh này với chị nữ chính có phần quá gượng ép, nó giống như một sự ngưỡng mộ, một tình bạn thắm thiết hơn là một tình yêu. Từ Tuyết Không cũng nhất kiến chung tình, vì nàng mà thay đổi, vì nàng mà si mê. Tu Cửu Dung một lòng trung trinh, ái mộ, có thể xả thân dùng cạn máu bảo hộ cho nữ chính. Hay Yến Doanh Châu (anh làm chị nữ chính rung động) mới gặp 2 ngày đã nhất kiến chung tình, dùng mạng mình bảo vệ mạng nữ chính, cả 2 lần đều gián tiếp và trực tiếp chết vì nữ chính.
Cô gái thứ hai mình lưu tâm trong truyện mình muốn nhắc đến trong bài này là Phượng Tê Ngô. Thân là con gái của Phượng gia cao quý, có số mệnh Hoàng Hậu vậy mà gia tộc suy tàn, nàng gửi gắm chốn hồng trần Lạc Nhật Lâu. Rồi từ đó gặp Phong Tức, ‘uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời’. Nàng quyết theo chàng, dù biết phía trước chông gai. Nàng quyết theo chàng, dù biết lòng chàng có người khác. Mình khâm phục người con gái này bởi nàng có thể vì người mình yêu mà chúc phúc. Nếu đêm ấy một khúc ‘Thanh Bình điều’ của Phong Tịch không vang lên, có lẽ trong lúc xúc động, Phong Tức sẽ vì món quà của nàng mà đưa nàng lên làm Hoàng hậu. Nàng đến quá muộn, không đọ lại được mười năm của Bạch Phong Hắc Tức. Chỉ có thể thở dài một tiếng, dốc hết tâm can mà nguyện tấu khúc nhạc chúc phúc hai người !
Còn khá nhiều nhân vật khác được khắc họa tinh tế như Cửu Vi, như Xuyên Vũ, Hoa Thuần Nhiên,…nhưng mình chỉ nói đến đây thôi. Bạn hãy đọc nhé.
Truyện khắc họa rõ về sự trung thành giữa quân thần ( như Phong Vân kỵ đối với Tích Vân, Mặc Vũ kỵ với Lan Tức, Tranh Thiên kỵ với Hoàng Triều ). Còn có tình huynh đệ như thủ túc giữa các vị đại tướng với các quân vương,… Hay tình thương đối với bách tính thiên hạ của Phong Tịch, Ngọc Vô Duyên. Cá nhân mình thấy Sở Kiều truyện xử lý tốt hơn khi thể hiện những tình cảm sâu sắc này.
Nhưng truyện hay vẫn hoàn hay, lôi cuốn hoàn lôi cuốn. Giang hồ tiêu sái. Chiến trường hung hiểm. Đều được tô điểm rất tinh tế. Ngoại cảnh hùng vĩ rộng lớn. Tâm cảnh nao động lòng người. Là một truyện rất đáng đọc.
( Ngoại truyện có 2 phần. Phần 2 khá bi, nhắc tới một số nhân vật biến mất ở cuối truyện. Trên mạng chỉ có bản convert thôi nhé ! )
Mời các bạn đón đọc Tranh Thiên Hạ (Thả Thí Thiên Hạ) của tác giả Khuynh Linh Nguyệt.