Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tập San Sử Địa Tập 11 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn

CHÚNG tôi rất lấy làm mừng khi thấy một nhóm giáo sư và sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài-gòn dự định ấn hành Tập San Sử Đại với sự cộng tác rộng rãi của các học giả trong và ngoài nước. Sự kiện này phải chăng đã đánh dấu một sự chuyển mình của ngành sử địa ở Việt Nam, muốn vươn mình lên trong cuộc phát huy nền văn hóa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi và mong rằng những bậc hữu trách về văn hóa sẽ lưu tâm khuyến khích.

Tập San Sử Địa bước đầu chắc chưa có thể làm hài lòng mọi người, nhưng với sự khuyến khích của giới hữu trách và sự hưởng ứng hợp tác của giới học giả xa gần, chúng tôi hy vọng Tập San sớm trở nên có giá trị và sẽ đóng góp một phần nào trong công cuộc xây dựng ngành sử địa.

Những người chủ trương một Tập San nghiên cứu như Tập San Sử Địa chắc sẽ phải gặp nhiều khó khăn, nhưng với thiện chí và lòng tin, chúng tôi tin rằng họ sẽ đi đến thành công.

Sử địa là một ngành không ai có thể chối cãi là nguồn sinh lực của tinh thần quốc gia. Hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận thấy ngành này cần phải được khuyến khích phát triển. Vì thế chúng tôi nhận thấy có bổn phận phải giới thiệu thiện chí của nhóm người chủ trương Tập San và mong có sự trợ giúp cụ thể của giới hữu trách về văn hóa, của những người thiết tha đến ngành này.

Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Sài-gòn
TRẦN VĂN TẤN

***

Trong Tập San Sử Địa số I6, đặc khảo về VIỆT KIỀU tại các LÂN BANG (Thái, Miên, Lào), cũng trong mục này, chúng tôi đã lên tiếng yêu cầu : « Chính quyền cũng như nhân dân Việt Nam phải quan tâm đặc biệt và cần phải có một chính sách nâng đỡ, khuyến khích Việt Kiều tổ chức các sinh hoạt của họ về mọi phương diện, hầu sau này có thể đạt tới mục tiêu tạo thế đứng vững vàng của Việt Nam tại các lân bang vốn có nhiều liên lạc và thân tình ».

Kế đó, chẳng bao lâu đã xảy ra vụ tàn sát các Việt Kiều tại Cao Miên, đã gây xúc động trong dư luận quốc nội cũng như quốc ngoại.

Chúng tôi cũng đã nói rằng : « Tương lai thế đứng của Việt Nam về mọi phương diện tại các lân bang, sẽ một phần lớn trông cậy vào sự đóng góp của các Việt Kiều ». Như thế mọi việc lo hồi hương các Việt Kiều tại Cao Miên không phù hợp với quyền lợi tối thượng và lâu dài của dân tộc Việt Nam. Có được hơn bốn trăm ngàn Việt Kiều như hiện nay tại Cao Miên không phải dễ dàng gì mà do những cơ hội hiếm có trong lịch sử. Chúng ta không nên làm tiêu tan những gì mà các cơ hội lịch sử hiếm có ấy đem lại. Vấn đề hiện tại của chúng ta, những người Việt Nam không phân biệt màu sắc chính trị, là phải lo bảo về quyền lợi, sinh mệnh, đời sống của Kiều bào.

Như chúng tôi đã nói trong S.Đ. số I6, đặc khảo về đời sống Việt kiều « chỉ là bước đầu tiên để tìm hiểu một vấn đề lớn của quốc gia ». Chúng tôi ước mong quí độc giả xa gần tiếp tay với chúng tôi tiếp tục đào sâu vấn đề này.

Hiện chúng tôi đương sửa soạn cho số « Nam tiến của Dân tộc Việt Nam ». Chúng tôi kêu gọi quí bạn đọc nhứt là quí bạn đọc hiện đương sinh sống rải rác khắp các địa phương từ Nam chí Bắc cố gắng đi tìm các vết tích của Ông Cha chúng ta, những người đầu tiên đặt chân tới các vùng chiếm cứ của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp khi xưa. Mong quí bạn sẽ khai thác các « thần tích », « thần phổ », « gia phả », « bi kí » cùng các tư liệu khác liên quan đến những người Việt đầu tiên sinh sống từ Hà Tiên ra Quảng Trị hoặc quí bạn gửi về cho Tòa soạn khai thác. Chúng tôi sẽ hoàn lại các tài liệu ấy.

Mọi người trong chúng ta phải có bổn phận và phải nỗ lực góp phần làm sống lại những hình ảnh kiêu hùng của Cha Ông chúng ta trên con đường tiến về phương Nam, hàng trăm năm trở về trước.

TẬP SAN SỬ ĐỊA

***

VIỆT-NAM VÀ CÁC ĐÔNG-ẤN CÔNG-TY

NGUYỄN THẾ-ANH

Sự buôn bán giữa Âu-châu và Việt-Nam từ thế-kỷ XVII tới đầu thế-kỷ XIX đã được biết rõ, sau những sự nghiên cứu của nhiều sử-gia, mà những người mở đầu là MAYBON và BUCH 1, đã chú trọng tới hoạt động của các thương gia Âu-châu ở Việt-Nam. Trong bài này, tôi không muốn tóm lược lại những kết quả của các sự nghiên cứu của các sử gia nói trên, nhưng xác định vai trò của các Công-ty buôn bán gọi là Đông-Ấn Công-ty ở Việt-Nam, và những nguyên-nhân đã khiến các Công-ty này thất bại trong sự mậu dịch của họ.

*

Thế nào là một Đông-Ấn Công-ty ? Trong Âu-châu của thế-kỷ XVII đặt dưới dấu hiệu của chủ nghĩa trọng thương, các sự giao thiệp thương mãi với những miền trên bờ Ấn-độ-dương và Thái-bình-dương (được bao gồm trong danh từ Đông-Ấn) được giao phó cho những công-ty buôn bán, thiết lập với sự hùn vốn của tư nhân, và được các chính phủ hiến cho độc quyền hoạt động trong miền Đông-Ấn đó. Bồ-đào-nha đã không bao giờ để cho một công-ty tư nhân kiểm tra các sự mậu-dịch trong miền này ; những Đông-Ấn công-ty đã hoạt động ở Việt-Nam là những công-ty Hòa lan, Anh và Pháp.

Đông-Ấn công-ty Hòa lan (Vereenigde Oos’ind’sche Compagnie) được thiết lập ở Amsterdam vào năm 1602. Vào năm 1605, các thương gia Hòa-lan đã đặt chân trên các thương khẩu quan trọng của miền Đông-Nam-Á, và đã lập thương quán trong quần đảo Nam-Dương ; trung tâm hoạt động của họ là Batavia, tức là Djakarta ngày nay vậy. Ngay từ đầu thế-kỷ XVII đã có những sự tiếp xúc giữa Công-ty Hòa-lan và chúa Nguyễn ; vào năm 1617, chúa Nguyễn có gửi thư mời các đại diện của công-ty ở Patani và Ligor (Mã-lai) tới buôn bán trong các thị trường thuộc lãnh thổ của Nam-triều. Song các sự tiếp xúc đầu tiên đã không được hòa hảo cho lắm, các phương pháp buôn bán gần như cướp bóc của các con buôn Hòa-lan đã gây nên nhiều sự bất bình. Vì những sự xung đột đó mà phải đợi tới sau 1633 chúa Nguyễn mới cho phép công-ty đặt thương quán tại Qui-nhơn (Quinam) 2 và tự do buôn bán ở Hội An nữa. Tuy nhiên, bị nghi ngờ bởi quan lại, và bị cạnh tranh dữ dội bởi các nhà buôn Bồ-đào nha và Nhật-bản, công-ty đã muốn tìm một lãnh vực hoạt động dễ dãi hơn. Vào năm 1637, công-ty được chúa Trịnh cho phép mở thương quán ở Phố Hiến, rồi không bao lâu sau đấy ở Kẻ Chợ. Các điều kiện buôn bán thuận lợi hơn ở Bắc-triều khiến công-ty Hòa-lan tuyệt-giao với chúa Nguyễn vào năm 1638. Công-ty còn giúp thuyền chiến cho chúa Trịnh nữa trong cuộc chiến bùng nổ giữa Bắc triều và Nam triều vào năm 1642. Sau đó, và cho tới năm 1700, công-ty Hòa-lan chỉ còn buôn bán với Bắc-triều mà thôi.

Đông Ấn Công-ty Anh (East India Company) được thiết lập ở Luân-đôn vào năm 1600, và có độc quyền buôn bán ở Ấn-độ và Trung quốc và tất cả Viễn Đông 3. Trong quần đảo Nam Dương, vì cạnh tranh dữ dội với thương gia Hòa-lan để kiểm tra những vùng sản xuất gia-vị, Công-ty cũng đặt căn cứ ở Bantam, ngay bên cạnh Batavia. Các bước đầu của Công ty Anh ở Việt Nam gặp thất bại : nhân vật được công-ty phái tới Hội An, Richard Carwarden để xin chúa Nguyễn cho phép thông thương vào năm 1613, bị dân chúng giết chết. Vài năm sau, các sự cố gắng buôn bán với Bắc triều cũng bị cản trở bởi người Hòa-lan và Bồ-đào nha. Phải đợi tới năm 1672, công-ty Anh mới mở được một thương quán ở Phố Hiến ; 5 năm sau, Công ty còn được phép buôn bán ở Kẻ Chợ nữa. Song thương quán của Công-ty không được thịnh vượng lắm, và các sự khó khăn buộc Công-ty phải đóng cửa thương quán này vào năm 1697. Trước đó, Công-ty cũng tìm sự thông thương với Nam triều, nhưng bị chúa Nguyễn từ chối.

Đông-Ấn công-ty Pháp (Compagnie française des Indes orientales) tới Việt-Nam chậm nhất. Cho tới giữa thế-kỷ XVII, Viễn Đông đối với Pháp là lãnh vực truyền bá Thiên chúa mà thôi. Nhưng để đưa các nhà truyền đạo tới đây, Pháp không thể nhờ ở thuyền Anh hay Bồ, còn đường bộ thì quá dài và đầy nguy hiểm. Vì thế, sau khi Hội Ngoại quốc Truyền-giáo được thiết lập vào năm 1660, mới nẩy ra ý kiến lập một Công-ty buôn bán Pháp, có mục đích trước tiên là để chuyên chở các cố đạo tới nơi truyền đạo, sau là để buôn bán với Trung-quốc và các vương quốc lân cận. Nhưng công ty này chết yểu, và độc quyền của nó được giao phó cho Đông-Ấn công ty Pháp. Năm 1671, Đông-Ấn công ty Pháp phái một chiếc thuyền buôn tới Bắc Việt, nhưng vì thiếu phương tiện, đã không muốn lập thương quán, tuy được chúa Trịnh cho phép cất nhà ở Phố Hiến và hiến cho những đặc quyền giống như đặc quyền của các nhà thương gia Hòa-lan. Phải đợi tới năm 1681, dưới áp lực của các nhà truyền đạo, nói là chúa Trịnh chỉ dung túng hoạt động của họ nếu có hi vọng mậu dịch với người Pháp. Đông-Ấn công ty Pháp mới lại phái một chiếc thuyền buôn khác tới Bắc Việt ; đại diện của Công ty là Chappelain lập thương quán ở Phố Hiến. Nhưng, thiếu tài chính, sau vài năm sống vất vơ, thương quán này đã phải đóng cửa vào năm 1686.

Trong thế-kỷ XVII, các nhà cầm quyền Việt-Nam, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, đã không cấm đoán sự buôn bán của các Công-ty thương-mãi Tây phương, vì không những chúng cho phép các chúa tiếp nhận các hàng hóa cần dùng, mà còn hiến cho ngân khố những lợi tức khá lớn : để được phép buôn bán, các thuyền buôn ngoại quốc khi cập bến đều phải trả những món thuế cao thấp tùy nơi xuất xứ, nhưng phần nhiều đều là những món thuế lớn cả. Các sản phẩm thương gia Âu châu tới tìm ở Việt Nam là hạt tiêu, gỗ quí, trầm xạ hương được coi là tốt nhất hoàn cầu, quế, tơ sống, đường, trà, đồ sứ Tầu. Còn thị trường Việt-Nam tiêu thụ những hàng hóa như vải lụa Âu châu, thuốc súng, vài chế phẩm bạc, chì và nhất là đại bác. Xem như thế thì các hàng hóa nhập cảng vào Việt-Nam bởi các công-ty Đông Ấn không phải là để cho giới bình dân tiêu thụ.

Nếu nhìn vào sự hoạt động của các Công-ty Đông-Ấn ở Việt-Nam trong thế-kỷ XVII, thì thấy chỉ có Công-ty Hòa-lan là tương đối thành công. Tới sớm hơn, Công-ty Hòa-lan đã lợi dụng được tình trạng phân tranh giữa Bắc và Nam triều ; cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn, ngoài sự thông thương với người Âu châu, còn chờ đợi ở người Âu châu sự cung cấp khí giới và sự giúp đỡ quân sự nữa. Nhưng, sau năm 1672, chiến tranh Bắc Nam chấm dứt, và thương phẩm chính mà Việt-Nam trước đó nhập cảng nhiều là khí giới không còn cần thiết nữa ; hoạt động của các thương quán của các Công-ty ngừng lại, và sự hiện diện của các thương quán ấy tổn ải cho các Công-ty hơn là đưa lại lợi tức. Thêm vào đó, từ khi ít bị bận tâm vì chiến tranh hơn, các chúa trở nên nghi kỵ hơn đối với Tây phương, sợ Tây phương viện cớ thương mãi để xâm lấn về mặt chính trị. Cho nên, thái độ của Việt-Nam đối với các Công-ty Đông-Ấn sẽ thay đổi hẳn trong thế-kỷ XVIII.

*

Vào thế-kỷ XVIII, các chúa đã không còn muốn hiến cho các Công-ty thương mãi Âu-châu những đặc quyền như khi họ mới tới Việt-Nam nữa. Các sự mậu dịch vì thế mà giảm đi rất nhiều, đến nỗi mà về phương diện ngoại thương, Việt-Nam chỉ còn buôn bán với các Hoa kiều ở Hội An mà thôi. Chúng ta có cảm tưởng như các chúa đã muốn đóng chặt các thương cảng Việt-Nam trước các thương gia Tây phương.

Trong khi ấy, sự diễn biến lịch-sử ở Âu châu khiến chỉ còn hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng ở Á đông : Anh và Pháp đều cố gắng kiểm tra sự mậu dịch với Trung-quốc. Muốn thế, cần phải chiếm một căn cứ điểm trên con đường biển đi từ Ấn-độ tới Trung-quốc và căn cứ ấy không đâu ngoài một vị trí trên bờ biển Việt-Nam. Ngay từ cuối thế-kỷ XVII, một nhân viên của Đông-Ấn Công-ty Pháp tên là Véret đã đề nghị chiếm đảo Côn Lôn làm căn cứ cho thương mãi của Công-ty ở Viễn-đông. Song nhanh chân hơn, Đông-Ấn Công-ty Anh đã lập thương quán ở Côn đảo vào năm 1702, và cố gắng biến đổi đảo này thành một căn cứ thương mãi và thủy quân Chúa Nguyễn đã không làm khó dễ, vì muốn dùng người Anh giúp chúa dẹp giặc biển hoành hành trên nhiều miền ven biển. Song, vào năm 1705, Đông-Ấn Công-ty Anh phải bỏ Côn đảo, và từ đấy không ai nghĩ tới Côn đảo làm căn cứ nữa.

Đông-Ấn Công-ty Pháp, để bù đắp cho các sự thất bại gặp phải ở Ấn độ, đã để ý tới Việt Nam nhiều hơn, và muốn đặt một thương điếm trên bờ biển thuộc lãnh thổ của chúa Nguyễn : các bản báo cáo của các thương-gia Pháp quen buôn bán trong các biển Nam Hải đều đề nghị với Công-ty nên đặt thương quán ấy ở Đà nẵng, được coi như là có một vị-trí rất tốt, vì nằm giữa Trung-quốc Phi-luật-Tân và bán đảo Mã lai 4. Nhưng các sự thăm dò của Công ty cho thấy dự định thiết lập thương quán ấy đầy khó khăn và tổn ải. Như trong năm 1749-1750, Đông-Ấn Công-ty Pháp phái Pierre Poivre tới xin chúa Võ Vương được quyền buôn bán ; nếu chúa Nguyễn đẹp lòng vì các món quà mà Công-ty biếu chúa ; thì Poivre lại vấp phải một tình trạng kinh tế và tài chính của Nam triều không được đẹp đẽ cho lắm, và nhất là vấp phải sự cản trở của các quan lại, làm Poivre lập một bản báo cáo rất bi quan về tương lai của các sự mậu dịch ở xứ « Cochinchine ».

Song le, giữa năm 1753 và 1778, Đông-Ấn Công-ty Pháp còn nhận được nhiều dự án, trình bày với Công-ty là cần phải tiếp nối sự mậu dịch với Việt-Nam. Có vài dự án còn nghĩ tới sự chiếm lãnh thổ của chúa Nguyễn làm thuộc địa nữa, nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn hiện ra như là một cơ hội tốt để can thiệp vào nội bộ của Việt-Nam. Các dự tính này làm cho Đông Ấn Công ty Anh lo ngại, vì nếu Việt Nam rơi vào tay người Pháp, sự buôn bán của Công ty Anh giữa Ấn-độ và Trung Hoa sẽ bị đe dọa. Vì thế, vào năm 1778, thương gia Anh Charles Chapman được phái tới Đà nẵng để nghiên cứu tình hình. Trong bản báo cáo, Chapman đề nghị nên ủng hộ chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây-Sơn ; như thế, Công-ty Anh sẽ được lợi sau khi chúa Nguyễn thắng thế. Một trong những điều lợi ấy là người Anh sẽ kiểm tra Đà-nẵng, một căn cứ rất tốt về mặt chiến thuật cũng như về thương mãi. Nếu các thương gia Anh phải rời Quảng-châu, thì vẫn có thể mua hàng Trung-hoa ở Đà-nẵng, mà lại rẻ hơn nữa, vì ở Quảng-châu, các thương gia Tây phương phải trả thuế nặng. 5

Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 11 của nhóm tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.