CHÚNG tôi rất lấy làm mừng khi thấy một nhóm giáo sư và sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài-gòn dự định ấn hành Tập San Sử Đại với sự cộng tác rộng rãi của các học giả trong và ngoài nước. Sự kiện này phải chăng đã đánh dấu một sự chuyển mình của ngành sử địa ở Việt Nam, muốn vươn mình lên trong cuộc phát huy nền văn hóa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi và mong rằng những bậc hữu trách về văn hóa sẽ lưu tâm khuyến khích.
Tập San Sử Địa bước đầu chắc chưa có thể làm hài lòng mọi người, nhưng với sự khuyến khích của giới hữu trách và sự hưởng ứng hợp tác của giới học giả xa gần, chúng tôi hy vọng Tập San sớm trở nên có giá trị và sẽ đóng góp một phần nào trong công cuộc xây dựng ngành sử địa.
Những người chủ trương một Tập San nghiên cứu như Tập San Sử Địa chắc sẽ phải gặp nhiều khó khăn, nhưng với thiện chí và lòng tin, chúng tôi tin rằng họ sẽ đi đến thành công.
Sử địa là một ngành không ai có thể chối cãi là nguồn sinh lực của tinh thần quốc gia. Hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận thấy ngành này cần phải được khuyến khích phát triển. Vì thế chúng tôi nhận thấy có bổn phận phải giới thiệu thiện chí của nhóm người chủ trương Tập San và mong có sự trợ giúp cụ thể của giới hữu trách về văn hóa, của những người thiết tha đến ngành này.
Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Sài-gòn
TRẦN VĂN TẤN
***
Trong Tập San Sử Địa số I6, đặc khảo về VIỆT KIỀU tại các LÂN BANG (Thái, Miên, Lào), cũng trong mục này, chúng tôi đã lên tiếng yêu cầu : « Chính quyền cũng như nhân dân Việt Nam phải quan tâm đặc biệt và cần phải có một chính sách nâng đỡ, khuyến khích Việt Kiều tổ chức các sinh hoạt của họ về mọi phương diện, hầu sau này có thể đạt tới mục tiêu tạo thế đứng vững vàng của Việt Nam tại các lân bang vốn có nhiều liên lạc và thân tình ».
Kế đó, chẳng bao lâu đã xảy ra vụ tàn sát các Việt Kiều tại Cao Miên, đã gây xúc động trong dư luận quốc nội cũng như quốc ngoại.
Chúng tôi cũng đã nói rằng : « Tương lai thế đứng của Việt Nam về mọi phương diện tại các lân bang, sẽ một phần lớn trông cậy vào sự đóng góp của các Việt Kiều ». Như thế mọi việc lo hồi hương các Việt Kiều tại Cao Miên không phù hợp với quyền lợi tối thượng và lâu dài của dân tộc Việt Nam. Có được hơn bốn trăm ngàn Việt Kiều như hiện nay tại Cao Miên không phải dễ dàng gì mà do những cơ hội hiếm có trong lịch sử. Chúng ta không nên làm tiêu tan những gì mà các cơ hội lịch sử hiếm có ấy đem lại. Vấn đề hiện tại của chúng ta, những người Việt Nam không phân biệt màu sắc chính trị, là phải lo bảo về quyền lợi, sinh mệnh, đời sống của Kiều bào.
Như chúng tôi đã nói trong S.Đ. số I6, đặc khảo về đời sống Việt kiều « chỉ là bước đầu tiên để tìm hiểu một vấn đề lớn của quốc gia ». Chúng tôi ước mong quí độc giả xa gần tiếp tay với chúng tôi tiếp tục đào sâu vấn đề này.
Hiện chúng tôi đương sửa soạn cho số « Nam tiến của Dân tộc Việt Nam ». Chúng tôi kêu gọi quí bạn đọc nhứt là quí bạn đọc hiện đương sinh sống rải rác khắp các địa phương từ Nam chí Bắc cố gắng đi tìm các vết tích của Ông Cha chúng ta, những người đầu tiên đặt chân tới các vùng chiếm cứ của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp khi xưa. Mong quí bạn sẽ khai thác các « thần tích », « thần phổ », « gia phả », « bi kí » cùng các tư liệu khác liên quan đến những người Việt đầu tiên sinh sống từ Hà Tiên ra Quảng Trị hoặc quí bạn gửi về cho Tòa soạn khai thác. Chúng tôi sẽ hoàn lại các tài liệu ấy.
Mọi người trong chúng ta phải có bổn phận và phải nỗ lực góp phần làm sống lại những hình ảnh kiêu hùng của Cha Ông chúng ta trên con đường tiến về phương Nam, hàng trăm năm trở về trước.
TẬP SAN SỬ ĐỊA
Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 17 & 18 của nhóm tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.