Giai thoại là những chuyện hay và lạ được truyền tụng phổ thông trong khắp các từng lớp nhân dân.
Cùng với các chuyện cổ tích, tiếu lâm và phong dao, tục ngữ, giai thoại cũng là một sản phẩm văn nghệ biểu hiện cho tình cảm và nếp sống của dân tộc. Nhưng khác hơn, giai thoại là những chuyện có thật, nghĩa là xuất phát từ sự thật, từ những nhân vật có tên tuổi và sự kiện rõ ràng.
Ở các dân tộc trên thế giới, dân tộc nào cũng có những giai thoại, như Trung-Quốc có « Thanh-Hoa Sử-Ký », Pháp có tập « Les Parfums humains ». Những quyển đó chẳng những được lưu hành bất tận trong nhân dân mà còn được đưa vào chương trình giáo dục, không phân biệt ở một lớp nào hay một giai cấp xã hội nào vì tính chất đặc biệt của nó, không những chỉ vui thích hấp dẫn mà còn có tác dụng bổ ích cho tinh thần và học vấn.
Dân tộc Việt-Nam có giai thoại không ?
Một nước hơn bốn nghìn năm văn hiến và võ công, tại sao lại không có.
Nhưng trong thời gian qua, bởi quan niệm bụt chùa nhà không thiêng, nên các ông Nho học thì đi tìm giai thoại ở Trung-quốc, các ông Tây học thì đi tìm ở Pháp, rồi ở Nhật, ở Anh, ở Mỹ và ở Đức, cũng có ông Tây-Nho xáo trộn, đi tìm ở tất cả Đông, Tây. Ao nhà tuy trong không kém gì ao người, nhưng mấy ai chịu tắm !
Với sứ mệnh văn nghệ hiện thời là sứ mệnh của con đường văn nghệ dân tộc, chúng tôi nhận thấy, chính (…) thiếu sót (…) phải được bổ khuyết (…) giai thoại về văn chương.
GIAI-THOẠI VĂN-CHƯƠNG LÀ GÌ ?
Là những chuyện hay, chuyện vui và lạ về văn-chương, có bổ ích cho việc xây dựng và phát triển văn nghệ nói riêng, và tinh thần dân tộc nói chung.
Các nhà trí thức,
Các nhà công thương,
Các anh em lao động và nông dân,
Các cô cậu học sinh,
Nghe đến giai thoại, đọc đến Giai-thoại văn-chương hỏi ai mà không thích, vì chính đó là vốn rất quý trong kho tàng văn nghệ của cả một dân tộc. Đặc biệt qua Giai-thoại văn-chương chúng ta còn nhận thấy ra được phần nào về đời sống và tính tình đặc biệt của mỗi một văn nhân tiền bối.
Vì thế, chúng tôi xin sưu tầm và gom thành tập này để hiến quý bạn đọc.
Giai-Thoại Văn-Chương Việt-Nam có rất nhiều, một vài người lẽ tất nhiên làm sao mà sưu tầm được hết. Nhưng được bao nhiêu hay bấy nhiêu, có còn hơn không, công việc mới, chúng tôi xin đi lần và sẽ cố gắng để làm được như ý.
Bước đầu tiên của chúng tôi khỏi sao không có những sơ xuất. Vậy mong quý bạn đọc lượng thứ và giúp đỡ :
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO
Sài-Thành, Xuân Đinh-Dậu, 1957
Soạn-giả
THÁI BẠCH
***
Trên thế giới, bất cứ nước văn minh nào, các giai thoại văn chương cũng được liệt kể là các chuyện lý thú để giúp cho sự sinh hoạt về tinh thần của con người được vui vẻ và khởi sắc thêm lên.
Nước Việt-Nam ta cũng thế, và là một nước văn hiến lâu đời, nên số giai thoại văn chương chứa lại từ đời này sang đời khác, không biết đến bao nhiêu mà kể. Tuy nhiên, người có ý thức, để viết lên và viết có ý thức, phải nói soạn giả tập này là cây bút đầu tiên, đặc biệt soạn giả lại là cây bút thuộc phái tân học. Tân học mà viết những giai thoại đa số về các nhà cựu học thì cũng đáng để cho chúng ta phải lưu ý và các nhà cựu học phải lưu ý đến vậy.
Thành thật mà nói, thì riêng cá nhân tôi, đối với những giai thoại văn chương nước nhà, từ lâu lắm, tôi đã được nghe rất nhiều bậc tiền bối kể lại. Tôi đã ghi chép và đã nhiều lần muốn viết lên thành bài để cống hiến cho đời, nhưng lại phải thôi, vì nghe thì thấy dễ, mà khi viết lên thì thấy là cả một vấn đề…
Bởi vậy, nay đọc tập « GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM » này, tôi không thể không tỏ cảm tình với soạn giả, mặc dù tập này chỉ là một tập ghi lại một thiểu số nào thôi. Một thiểu số nhưng cái khác của soạn giả trong cách diễn tả với nhiều ý kiến làm cho nhiều người đọc phải suy ngẫm rất nhiều…
Cổ nhân nói :
Ta hồ văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ !
嗟乎文章之事寸心千古
Nghĩa là « than ôi, cái việc văn chương, tấc lòng muôn đời ».
Lời nói ấy, đem ra để xét có lẽ cũng đúng với tâm sự của soạn giả phần nào, mà đó cũng là cái tâm sự chung của những cây bút còn có tâm sự ở trước tình cảnh của đất nước hôm nay…
Vì thế, phải nói tập « GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM » này là một quyển sách có giá trị trên đàn văn trận bút.
Và cũng vì thế, kẻ lão phu xin viết mấy lời bạt để trao duyên cùng soạn giả đồng thời cũng để gửi đến chư vị độc giả, và xin có mấy câu để làm lời kết luận :
Thế gian vô giá ấy văn chương,
Người thế đừng ra dạ thế thường.
Ngẫm chuyện đời nay qua chuyện trước,
Than ôi bao kẻ ngẫm mà thương !…
Saigon, tháng trong Xuân năm Mậu Tuất 1958
Giáo-Sư PHẠM NGỌC KHUÊ
Mời các bạn đón đọc Giai Thoại Văn Chương Việt Nam của tác giả Thái Bạch.