“Mọi người không bao giờ đúng khi nói tôi là Anne. Nhưng trên một số phương diện, họ sẽ đúng nếu cho rằng tôi là Emily.”
- Lucy Maud Montgomery
Thế giới tự do đầy mời gọi của người trưởng hành ùa đến với cô thiếu nữ Emily mười bảy tuổi. Trưởng thành nghĩa là gì? Nghĩa là không còn phải uống loại trà ngọt chỉ dành cho con nít. Nghĩa là tự lập cánh sinh bằng công việc viết lách ta say mê. Nghĩa là mặc sức theo đuổi ước mơ tìm vàng dưới chân cầu vồng. Nhưng khi quyết định ở lại Trăng Non, Emily đã đồng thời lựa chọn nỗi cô đơn. Và trưởng thành với cô giờ đây còn có nghĩa là sự xa cách cùng những hiểu lầm không đáng có mà nó mang lại - những hiểu lầm khiến cô có thể sẽ vĩnh viễn từ bỏ ước mơ, mãi mãi mất đi tình yêu, và ngôi nhà nhỏ xinh trên ngọn đồi vân sam tưởng như sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp tuyệt vọng.
Vừa ru ta êm dịu vào trong những áng văn tuyệt đẹp. L.M.MONTGOMERY vừa tài tình lấy đi của ta bao nhiêu nước mắt cùng sự đồng cảm bằng những khắc họa tâm lý chân thực bậc nhất. Emily Và Ngôi Nhà Không Còn Tuyệt Vọng xứng đáng là một cái kết kịch tính, giàu cảm xúc và mãn nguyện cho bộ ba cuốn sách kinh điển dành cho mọi lứa tuổi về một cô gái trẻ luôn khát khao theo đuổi thành công và tình yêu.
***
Lucy Maud Montgomery (30/1/1874 – 24/4/1942), được biết đến rộng rãi dưới tên L.M. Montgomery. Bà là nhà văn người Canada nổi tiếng với sê-ri truyện viết về cô bé Anne tóc đỏ (hai trong số đó đã được dịch ra tiếng Việt). Bà tiếp tục viết 20 cuốn tiểu thuyết cùng với khoảng 500 truyện ngắn và thơ.
Lucy Maud Montgomery sinh ngày 30/1/1874 tại Cliffon (nay là New England), thuộc đảo Hoàng Tử Edward, Canada. Mẹ của bà là Clara Woolner Macneill Montgomery mất vì bênh lao khi bà mới 21 tháng tuổi. Bố của bà, Hugh Montgomery, gửi bà cho ông bà ngoại chăm sóc. Mặc dù sống với ông bà nhưng tuổi thơ của bà khá đơn độc, vì vậy bà thường tạo ra một thế giới tưởng tượng xung quanh để vơi đi nỗi cô đơn, và từ đó trí tưởng tượng phong phú của bà được phát triển. Tháng 11 năm 1890, Lucy Maud Montgomery viết bài đầu tiên cho một tờ báo địa phương ở Charlottetown là Daily Patriot. Năm 1883, bà được nhận vào trường đại học Prince of Wales ở Charlottetown. Năm 1895 và 1896, bà theo học khoa văn tại trường đại học Dalhousie ở Halifax, Nova Scotia.
Bộ Emily gồm có:
***
“Thế là không còn trà ngọt nữa rồi,” Emily Byrd Starr viết vào cuốn nhật ký khi cô từ Shrewsbury trở về mái nhà Trăng Non, sau lưng là những ngày trung học còn trước mặt là sự bất tử.
Đây thực ra là một biểu tượng. Khi bà Elizabeth Murray cho phép Emily uống loại trà đích thực - như một lẽ đương nhiên chứ không phải như một sự nhượng bộ tạm thời; thế có nghĩa là bà đã ngầm bằng lòng cho Emily được trưởng thành. Những người khác thì đã nhìn nhận Emily như người trưởng thành được một thời gian rồi, đặc biệt trong con mắt của anh họ Andrew Murray và cậu bạn Perry Miller, cả hai người này đều đã từng ngỏ lời cầu hôn cô và đều được đáp trả bằng lời từ chối khinh khỉnh. Khi phát hiện ra chuyện này, bà Elizabeth biết cứ tiếp tục cho Emily uống trà ngọt thì cũng chẳng ích lợi gì. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Emily vẫn không thực lòng hy vọng rằng cô sẽ được phép đi tất lụa. Váy lót bằng lụa có lẽ còn có thể được khoan dung, vì bất chấp những tiếng sột soạt đầy quyến rũ, nó vốn vẫn là thứ được ẩn giấu đi, nhưng tất lụa thì thật trái đạo đức.
Vậy nên Emily - vốn vẫn được những người quen biết thì thầm bằng giọng có phần bí ẩn với những người không quen, rằng “cô ấy viết đấy” - đã được chấp nhận vào hàng ngũ những người phụ nữ của trang trại Trăng Non, một nơi chưa từng có bất kỳ thay đổi nào so với ngày đầu tiên cô đặt chân đến hồi bảy năm về trước, nơi những hình trang trí chạm khắc trên tủ bát đĩa vẫn hắt ra cùng một cái bóng đen kỳ quái ấy trên bức tường ấy, đúng cái điểm đã từng thu hút ánh nhìn hân hoan của cô vào buổi tối đầu tiên có mặt tại nơi này. Một ngôi nhà lâu năm đã sống cả một cuộc đời dài dằng dặc, và bởi vậy mà lặng lẽ biết bao, khôn ngoan biết bao và cũng có phần bí ẩn đến chừng nào. Đồng thời cũng là nơi có phần khắc khổ, nhưng lại rất tử tế. Vài người dân thị trấn Shrewsbury và làng Hồ Blair vẫn đinh ninh đây là một chốn buồn tẻ mang lại một viễn cảnh buồn tẻ đối với một cô thiếu nữ, cho rằng cô quá ngốc nghếch khi từ chối lời mời đảm nhận “một vị trí tại một tạp chí” ở New York mà cô Royal đã đưa ra. Ném một cơ hội thành công tốt đẹp cỡ đó cơ chứ! Nhưng Emily, vốn ý thức rất rõ ràng mình sẽ trở thành người như thế nào, không hề nghĩ rằng cuộc sống ở Trăng Non sẽ buồn tẻ, cũng như không hề cho rằng cô đã tuột mất cơ hội leo lên con đường Alps vì chọn lựa ở lại nơi này.
Chính các thánh thần đã xác định cô thuộc hàng ngũ những Người Kể Chuyện cổ xưa cao quý. Nếu được sinh ra từ hàng nghìn năm trước, hẳn cô sẽ ngồi giữa cái vòng tròn bao quanh những đống lửa bộ lạc, làm mê muội các thính giả của mình. Nhưng vì sinh ra trong thời kỳ tiên tiến này, cô buộc phải tiếp cận khán thính giả của mình thông qua nhiều phương tiện nhân tạo.
Mời các bạn đón đọc Emily Và Ngôi Nhà Không Còn Tuyệt Vọng của tác giả Lucy Maud Montgomery.