“Ý cô là cô tin vào số mệnh?”
“Tất nhiên. Tôi cũng tin việc mỗi người là đại điện cho một điều gì đó.”
Vậy anh là đại diện cho điều gì? Tình yêu? Hay cái chết?
Bạn đã bao giờ có cảm giác giống như đang bị người khác theo dõi? Nhất cứ nhất động của bạn đều bị thu gọn vào tầm mắt của một kẻ nào đó? Con người ở trong bóng tối đó luôn dình dập bạn, hắn biết rõ về bạn, kể cả những điều riêng tư nhất. Không một nơi nào, không một lúc nào, không ở bên cạnh ai mà bạn cảm thấy an toàn.
Đó cũng là những gì Jennifer Thierolf đã trải qua. Cô gái trẻ đang trong tâm trạng hạnh phúc khi chuẩn bị kết hôn với tình yêu của cuộc đời mình. Nhưng thời gian gần đây, cô nghe thấy những tiếng động kì lạ xung quanh nhà. Một dịp tình cờ, cô khám phá ra bí mật đằng sau những âm thanh đáng sợ đó.
***
“Cho dù sẽ chẳng bao giờ có ai hiểu được việc chỉ quan sát một cô gái bình lặng làm việc nhà cũng khiến anh cảm thấy yên bình, khiến anh thấy rằng đối với một vài người trong cuộc sống cũng có thể có mục đích và niềm vui, và khiến anh đôi phần tin tưởng rằng mình cũng có thể tìm lại được mục đích và niềm vui và niềm vui sống đấy.”
Đây là một câu tôi cực kỳ thích trong “Tiếng cú kêu” bởi nó đã làm bật lên được tâm tính đơn thuần của một người đang bế tắc trong cuộc sống như Robert Forester. Một cú lừa khi cứ nghĩ anh ta có định hãm hiếp cô gái kia nhưng không, tất cả chỉ là một ánh nhìn hy vọng nhỏ nhoi của một người đang bị nhấn chìm vào bóng tối sâu thẳm của cuộc đời.
Đối với “Tiếng cú kêu”, một lần nữa, Highsmith lại đem chủ đề nhân cách và đạo đức làm màu chủ đạo cho quyển tiểu thuyết. Một kiểu khai tâm rất “Highsmith” được đặc trưng bởi các yếu tố tâm lý học tội phạm mà chúng ta đã thấy qua “The Talented Mr.Ripley”. Tôi dường như cảm nhận được sự cố tình trong cách xây dựng một màu sắc u tối trong quyển sách này của tác giả. Đó là một cảm giác đau khổ và tuyệt vọng tận cùng khi câu chuyện càng dần tiến tới hồi kết. Về một khía cạnh nào đó, nó gợi cho tôi liên tưởng đến mảng màu trong sách của Georges Simenon như series về thanh tra Jules Maigret. Nhưng dù thế nào thì đối với tôi, “Tiếng cú kêu” vẫn là một quyển sách tuyệt vời bởi một lại thêm một lần, tôi được đắm chìm vào cách kể chuyện của tác giả.
“Tiếng cú kêu” xoay quanh cuộc sống của nhân vật Robert Forester – một người đàn ông 29 tuổi. Thời gian gần đây, anh ta chuyển tới một thị trấn nhỏ ở Pennsylvania để thoát khỏi nanh vuốt của người đối tác cũ độc ác là Nickie. Cô nàng Nickie đã quấy rối anh ta qua điện thoại với những chiêu trò ác ý. Khoảng thời gian sau đó, tuy là Robert tìm được một công việc tốt trong ngành kinh doanh hàng ngoại nhập nhưng anh ta vẫn phải chiến đấu với sự cô đơn và trầm cảm trong nhiều tháng trời đến nỗi một thói quen kỳ quặc đã hình thành là anh cứ thích theo dõi một phụ nữ trẻ vô danh khi cô đi công tác. Không những thế, khi đọc được tình huống Robert hay quan sát cô gái tên là Jenny qua cửa sổ nhà bếp khi cô đặt bàn và chuẩn bị một bữa ăn tối cho hai người. Một chút ý nghĩ sờ sợ xuất hiện trong tâm trí tôi vì có gì đó hơi biến thái ở nhân vật này nhưng khi đọc xong truyện thì tôi lại cảm nhận khác. Anh chàng Robert này không phải là loại người bị hấp dẫn bởi thể xác của Jenny mà đơn giản là anh ta muốn kiếm tìm sự an ủi và thoải mái khi nhìn mọi hành động của cô gái ấy. Như thế cuộc đời của Jenny là một bức tranh bình yên và hạnh phúc mà Robert lại rất khao khát cuộc sống ấy, anh tìm trong đó chút hy vọng bé nhỏ, cùng với đó là một cảm giác bình an và mong muốn tìm lại chính mình.
Lúc đầu, tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng Robert là nhân vật kỳ quặc nhất câu chuyện nhưng sau đó, tôi phát hiện việc anh ta thích theo dõi Jenny cũng chỉ minh chứng cho việc mất cân bằng trong cuộc sống. Thế nhưng những nhân vật khác thì sao? Họ không hẳn là không kỳ quặc. Chẳng hạn như đối với Jenny, mất anh trai khi còn rất trẻ, Jenny khá thường xuyên nghĩ về cái chết – một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng của cô trước những sự kiện khủng khiếp đang xảy ra với Robert. Nickie là một kẻ cáu kỉnh, có xu hướng thù hằn cao. Trong trí nhớ của Robert thì anh ta chỉ nhớ đến những lời phàn nàn của cô ta và đó là một nỗi ám ảnh lâu dài. Cô nàng này đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ tiếp theo của Robert và cũng là nguyên cớ cho những chuyện kỳ lạ về sau.
Khi kể câu chuyện này, Highsmith đã nổi trội trong việc nắm bắt những tin đồn trong một cộng đồng thị trấn nhỏ – những nỗi sợ hãi và nghi ngờ có thể xuất hiện khi những cá nhân biết một số người có liên quan bắt đầu tự xoay sở để thoát khỏi các tình huống nguy hiểm ấy. Cuối cùng, điều thực sự làm cho cuốn tiểu thuyết này trở nên hấp dẫn như vậy là nhờ chuỗi sự kiện dường như không thể ngăn cản được mà Robert đã ngây thơ coi thường chúng ngay từ giây phút đầu. Chúng ta chỉ còn cảm giác một người đàn ông bất lực đang cảm thấy như thế nào khi hành động của anh ta bị đánh giá và giải thích sai bởi những người được gọi là công dân đứng đắn xung quanh anh ta, đặc biệt là khi số phận can thiệp và nhân vật chính chẳng thế làm được điều gì ra trò cả. Tôi tin đây là quyển sách cực kỳ thú vị cho những ai thích những điều xoắn não và một cốt truyện tối tăm về bối cảnh và nhân vật.
Trần Thông review
***
Tiếng cú kêuTIẾNG CÚ KÊU
Tác giả Patricia Highsmith
Người review Bà Bô (mình hỗ trợ edit)
Mình biết đến Patricia Highsmith đã lâu qua “Stranger on the train” và “Carol”, nhưng đều là phim chuyển thể từ tác phẩm của bà. Phim quá xuất sắc nên mình không tìm sách nữa. Thành ra “Tiếng cú kêu” là cuốn đầu tiên của bà mình đọc.
Robert là một người đàn ông thất bại trong hôn nhân, sống một mình và có một công việc nhàm chán. Trong 1 buổi tối đi làm về khuya, anh bị cuốn hút dữ dội bởi hình ảnh 1 cô gái trẻ đang chuẩn bị bữa ăn bên khung cửa sổ. Sự cô đơn và thiếu thốn tình cảm trong cuộc sống thường ngày khiến cho anh cứ trở lại và rình rập nhìn trộm cô mỗi tối. Anh đứng ngoài vườn lén lút nhìn cảnh cô gái xinh đẹp nấu nướng, rồi cảnh cô đón người yêu đến ăn tối với 1 niềm hạnh phúc sáng ngời. Một ngày anh bị cô gái phát hiện, Jenny bỗng nảy sinh sự thương cảm đối với Robert và làm cho Greg – vị hôn phu của cô ghen tức lồng lộn. Đỉnh điểm của sự ghen tuông là trận ẩu đả bên bờ sông giữa Robert và Greg và Greg bỗng dưng mất tích.
Mọi sự nghi ngờ đổ dồn vào Robert – người đàn ông đã chịu nhiều tổn thương trong cuộc sống riêng nay lại tiếp tục gánh chịu sự soi mói phán xét của mọi người xung quanh. Người đàn ông bị cho là biến thái vì “nhìn trộm”, đã từng hành hung vợ cũ, đã từng đánh người bên bờ sông… từng đó đã khiến cho mọi con mắt nhìn anh đầy định kiến. Biến cố tiếp tục xảy đến với Jenny và những người giúp đỡ anh làm cho hình ảnh của anh càng trở nên xấu xí, bất kể sự hợp tác tích cực của anh với cảnh sát. Robert quyết định tự tìm công lý cho riêng mình. Nhưng với sự công kích từ những người xung quanh, từ báo chí và cả cảnh sát, liệu Robert sẽ tìm công lý ra sao ? Hay là vì định kiến này anh sẽ bất chấp tất cả ?
“Tiếng cú kêu” có văn phong và mạch chuyện chậm rãi với tuyến nhân vật đơn giản, trên dưới 10 người. Hơn nửa đầu cuốn sách chủ yếu miêu tả những thay đổi tâm lý của bộ 3 nhân vật chính – Jenny, Robert và Greg. Thành công nhất của tác giả trong cuốn tiểu thuyết này là sự miêu tả tinh tế quá trình phát triển tâm lý của Robert, khi anh chao đảo giữa những phán xét của công chúng, khi anh bị thách thức bởi những kẻ đã hãm hại anh, và khi anh chứng kiến những người giúp đỡ anh bị hại, đỉnh điểm là anh bị săn đuổi mà cảnh sát lại bảo vệ anh 1 cách hời hợt (thật là mình cũng không biết cảnh sát làm cái quái gì trong cuốn sách này). Tuy vậy tâm lý của Jenny – nhân vật then chốt khiến cho bộ ba vướng vào rắc rối lại không được tác giả đầu tư kỹ hơn nên kết cục của Jenny khá bất ngờ đối với mình và có phần không thuyết phục. Các nhân vật phụ khác cũng được tác giả xây dựng bình thường, hơi mờ nhạt.
Cuốn sách này không dành cho những ai thích motif hình sự ly kỳ và plot twist dồn dập, nhưng hợp với những người thích tâm lý tội ác phức tạp và u ám.
Bìa vẽ đẹp nhưng không có chút liên quan gì đến nội dung truyện cả, ngay cái tựa đề cũng mông lung nốt.
***
Tiếng cú kêu - Review
Patricia Highsmith là một tiểu thuyết gia người Mỹ và nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng với những tác phẩm như Carol, Người lạ trên tàu, Quý ngài tài năng… Sở trường của bà là về mảng tâm lý kinh dị với cách xây dựng cốt truyện gay cấn và các nhân vật vô cùng độc đáo. Tài năng của bà một lần nữa được thể hiện qua cuốn sách Tiếng cú kêu, tiểu thuyết thứ tám của bà được ra đời cách đây hơn năm thập kỷ.
Nội dung chính của tác phẩm xoay quanh cuộc sống của Robert Forester - một người đàn ông vừa kết thúc cuộc hôn nhân không mấy tốt đẹp và muốn chuyển đến một nơi ở mới để bắt đầu lại. Tại thị trấn nhỏ Langley của Pennylvania, anh đã gặp Jenny Thierolf - một cô gái “đặc biệt bình thường” theo một cách thức khác thường nhất mà người đọc có thể tưởng tượng: rình mò quanh nhà cô. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã kéo theo sau đó rất nhiều sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến số phận của các nhân vật.
Vậy Patricia Highsmith đã khai thác yếu tố tâm lý và kinh dị như thế nào ở một câu chuyện có vẻ thiên về tình cảm như Tiếng cú kêu? Bản thân nhan đề tác phẩm đã là một sự gợi ý khéo léo cho độc giả. Trong thần thoại Hy Lạp, cú là biểu tượng của trí tuệ thâm sâu và những kiến thức bí ẩn về thế giới tâm linh. Đối với Jenny Thierolf, cô có một niềm tin mạnh mẽ vào số phận, vào những điềm báo xảy ra trước các sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Cô coi con cú là biểu tượng của cái chết, khi con cú cất tiếng kêu giữa buổi đêm tĩnh mịch và vắng lặng, một người nữa phải nói lời tạm biệt với cuộc sống này. Liệu thực sự có một số phận định sẵn cho tất cả mọi người hay là do chính tâm lý của nhân vật trước các biến cố đã đẩy họ đến một kết cục như được dự báo trước này?
Bàn đến khía cạnh tâm lý, đây là một điểm được tác giả chú trọng khai thác. Các nhân vật trong câu chuyện đều chịu đựng một tổn thương nào đó về mặt tâm lý trong quá khứ và điều đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời họ sau này. Robert Forester đã trải qua một cú sốc khi chứng kiến người bạn thân thiết của mình chết ngay trước mắt, mới phút trước người đó còn vui vẻ cười nói, phút sau đã là một thi thể bất động nằm trên một vũng máu. Jenny Thierolf cũng có một ký ức đau thương liên quan đến cái chết của người em mà cô vô cùng yêu quý, khi một người đàn ông lạ mặt xuất hiện ở nhà cô ngay trước khi em trai cô qua đời. Và giờ đây khi một người đàn ông lạ mặt nữa lại xuất hiện ở nhà cô, mọi chuyện liệu có khác đi?
Tiếng cú kêu không chỉ lôi cuốn người đọc khám phá tâm lý của những nhân vật chính trong truyện, như đã nói, một sở trường khác của Patricia Highsmith là kinh dị. Độc giả sẽ theo chân Robert Forester tham gia vào một cuộc điều tra đặc biệt: tìm kiếm cái xác của người chồng chưa cưới của Jenny Thierolf hay chính là tìm kiếm bằng chứng chứng minh sự trong sạch của chính anh. Những sự nghi ngờ, những sự không thống nhất trong lời khai của các nhân vật có liên quan, những sự bao che và lên kế hoạch tỉ mỉ… khiến độc giả không khỏi cảm thấy hoang mang, lo lắng thay cho nhân vật. Bản thân mỗi người đọc có thể đưa ra những giả thiết cho riêng mình, và tác giả cũng đã đưa ra một đáp án khiến tất cả phải ngỡ ngàng về chân tướng đằng sau. Ai mới là kẻ đã sắp đặt tất cả mọi chuyện? Liệu chính kẻ đó có được toại nguyện hay sẽ phải chịu trả một cái giá đắt cho hành động của mình?
Không chỉ một mà có rất nhiều nhân vật phải ra đi trong tác phẩm này của Patricia Highsmith. Cho đến cuối truyện những rắc rối vẫn liên tục xảy ra và tác giả vẫn không ngừng khiến cho người đọc phải hồi hộp dõi theo từng con chữ để biết chuyện gì đang và sắp diễn ra. Nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho độc giả trước khi bước vào câu chuyện, thì đó sẽ là: đừng vội tin vào những gì đang diễn ra trước mắt, mọi sự vật và sự việc đều có một lớp ý nghĩa ẩn giấu của nó mà chỉ qua thời gian, mọi chuyện mới được sáng tỏ. Chỉ có một điều chắc chắn là mọi nhân vật trong câu chuyện đều phải chịu trách nhiệm cao nhất cho hành động của mình.
Sau khi đọc xong tác phẩm Tiếng cú kêu của Patricia Highsmith, có thể độc giả sẽ cảm thấy bản thân vừa trải qua một chuyến tàu lượn với rất nhiều cung bậc cảm xúc thay đổi cùng diễn biến của câu chuyện. Có người còn nhận định rằng nếu như ban đầu Robert Forester không rình mò quanh nhà của Jenny Thierolf thì mọi chuyện đã phát triển theo một hướng khác. Nhưng nếu chuyện thực sự xảy ra như vậy thì người đọc sẽ lỡ mất cơ hội được cùng đồng hành cùng tác giả trong một hành trình vô cùng lý thú để khám phá những điều mới mẻ trong văn chương. Đừng chần chừ thêm mà hãy sẵn sàng bước vào thế giới của Tiếng cú kêu cùng Patricia Highsmith!
Mời bạn đón đọc Tiếng Cú Kêu của tác giả Patricia Highsmith & Mai Trang (dịch).