Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chuyện Ma Ám Ở Dinh Thự Hill

Được mệnh danh là một trong những truyện ma xuất sắc nhất từng xuất bản, CHUYỆN MA ÁM Ở DINH THỰ HILL đã hai lần có phim điện ảnh chuyển thể vào các năm 1963 và 1999, dựng kịch sân khấu vào năm 1964 và 2015. Tiểu thuyết này cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình cùng tên ra mắt năm 2018 của dịch vụ trực tuyến Netflix - được đánh giá là phim kinh dị hay nhất của năm.

***

“Một trong hai tiểu thuyết siêu nhiên vĩ dại duy nhất trong suốt một trăm năm qua.”

— STEPHEN KING

“Có rất ít cuốn sách có thể dọa tôi sự hãi vô cùng… Nhưng CHUYỆN MA ÁM Ở DINH THỰ HILL của Shirley Jackson đã đánh bại tất cả. Tiểu thuyết này từng làm tôi kinh hãi khi còn là thiếu niên và vẫn còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.”

— NEIL GAIMAN

***

SHIRLEY JACKSON (1916 - 1965) là một nhà văn người Mỹ được biết đến chủ yếu nhờ các tác phẩm trong dòng truyện bí ẩn và kinh dị. Bà sinh ra tại San Francisco và theo học Đại học Syracuse ở New York, nơi bà gặp chồng mình. Bà đến sống ở North Bennington, Vermont, và đã viết hầu hết các tác phẩm của mình tại đó. Bà xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1948, nhưng thứ khiến danh tiếng bà trở nên nổi như cồn lại là một truyện ngắn được viết cùng năm. Xổ số (The Lottery), với cốt truyện xoay quanh những điều tồi tệ của cuộc sống tại một thị trấn nhỏ, được mệnh danh là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Mỹ. Năm 1959, bà sáng tác Chuyện ma ám ở Dinh thự Hill (The Haunting of Hill House), cuốn tiểu thuyết kinh dị siêu nhiên được nhiều người coi là một trong những truyện ma hay nhất từng xuất bản. Bà có bản tính ẩn dật, hiếm khi nói về các tác phẩm của mình, và từng được những nhà văn tài ba như Stephen King, Sarah Waters và Neil Gaiman nói rằng đã ảnh hưởng đến văn phong của mình.

***

Không một sinh vật sống nào có thể liên tục chỉ tồn tại trong thế giới thực mà không hóa điên. Ngay cả chim sơn ca và châu chấu cũng được một số người cho là có biết mơ. Dinh thự Hill thì chẳng còn tỉnh táo nữa. Nó đứng một mình trên những ngọn đồi, lưu giữ bóng tối trong lòng. Nó đã đứng như vậy trong suốt tám mươi năm và có thể sẽ tiếp tục đứng vững thêm tám mươi năm nữa. Bên trong, các bức tường tiếp tục vươn thẳng, gạch xếp chỉn chu, sàn nhà chắc chắn, và cửa nẻo đóng kín rất hợp lí. Sự im lặng kiên định phủ lên các lớp gỗ và đá của Dinh thự Hill, và nếu ở nơi đó mà có bất cứ thứ gì qua lại thì nó cũng qua lại một mình.

John Montague là một tiến sĩ; ông ta đã lấy bằng nhân chủng học, mơ hồ cảm thấy rằng nếu hoạt động trong lĩnh vực này, ông ta sẽ có thể làm được những việc sát với nghề nghiệp đích thực của mình nhất, ấy chính là phân tích các hiện tượng siêu nhiên. Bởi vì các công cuộc điều tra của mình là hoàn toàn phi khoa học, ông ta sử dụng học vị của bản thân rất cẩn trọng, hi vọng rằng học vấn của mình sẽ giúp công việc mang vẻ khả kính hơn, hay thâm chí mang tính học thuật. Vì không phải hạng người hay xin xỏ, ông ta đã phải chi ra cả một khoản tiền khổng lồ, đồng thời chấp nhận vứt bỏ sĩ diện để thuê Dinh thự Hill trong ba tháng, nhưng ông ta hết sức tin tưởng rằng mọi nhọc nhằn của mình đều sẽ được bù đắp hoàn toàn. Nguyên nhân là bởi dư luận kiểu gì cũng sẽ xôn xao hết cả lên ngay khi ông ta xuất bản công trình chuẩn mực của mình về các nguyên nhân và hậu quả của những nhiễu loạn ngoại cảm trong một ngôi nhà thường bị gọi là “có ma ám”. Ông ta đã dành cả đời tìm kiếm một ngôi nhà bị ma ám đích thức Khi nghe về Dinh thự Hill, mới đầu ông ta cảm thấy nghi ngờ, sau đó là hi vọng, và rồi kiên trì không biết mỏi mệt. Một khi đã tìm thấy Dinh thự Hill, sẽ không có chuyện ông ta buông bỏ nó.

Điều Tiến sĩ Montague định làm đối với Dinh thự Hill bắt nguồn từ các phương thức hoạt động của những thợ săn ma dũng cảm thời thế kỉ mười chín; ông ta sẽ đến sống trong Dinh thự Hill và xem chuyện gì xảy ra ở đó. Ban đầu, ông ta định bụng sẽ bắt chước cái bà vô danh từng đến ở tại Ngôi nhà Ballechin* và tổ chức bữa tiệc tại gia kéo dài suốt mùa hè cho những người hoài nghi và các tín đồ, với bóng cửa* và theo dõi ma là những hoạt động thu hút nổi bật. Nhưng người hoài nghi, tín đồ, và tay chơi bóng cửa giỏi ngày nay khó kiếm lắm. Tiến sĩ Montague buộc phải thuê trợ lí. Có thể nguyên cớ là bởi bản chất nhàn nhã của cuộc sống thời Victoria phù hợp với công việc điều tra tâm linh hơn, hoặc có lẽ là chẳng còn mấy ai đo lường thực tại bằng cách tỉ mẩn ghi chép lại các hiện tượng sự việc nữa. Dù gì thì gì, Tiến sĩ Montague không chỉ cần phải thuê trợ lí, mà còn phải đi tìm kiếm họ.

Ngôi nhà Ballechin: Một ngôi nhà bị đồn là có ma ở Scotland.

Croquet: Một môn thể thao mà trong đó người chơi dùng gậy để đánh trái bóng gỗ qua khung sắt trên sân cỏ. Ra đời vào thế kỉ 13 tại Pháp, đây là môn thể thao dành cho giới thượng lưu.

Vì tự coi bản thân là một con người cẩn thận và chu đáo, ông ta đã dành ra cả một khoảng thời gian đáng kể để tìm kiếm các trợ lí của mình. Ông ta tra cứu hồ sơ của các hội tâm linh, những ấn bản báo chí đăng tin giật gân được lưu trữ, báo cáo của những chuyên viên nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh, và đã tập hợp được một danh sách tên của những người từng dính líu với các sự kiện phi thường, không bằng cách này thì cũng bằng cách khác, tại bất cứ mốc thời điểm nào, bất kể ngắn ngủi hay khó đáng tin cậy đến cỡ nào. Trước tiên ông ta loại bỏ khỏi danh sách tên của những người đã chết. Sau đó, ông ta gạch bỏ tên của những người xem chừng muốn đánh bóng tên tuổi, không đủ thông minh, hoặc không phù hợp, bởi rõ ràng là họ rất hay chiếm ánh hào quang. Và rồi ông ta đã có được danh sách với tầm một tá cái tên. Sau đó, mỗi người trong số họ đều nhận được thư từ Tiến sĩ Montague, mời đến nghỉ cả hè hay một phần của mùa hè tại một ngôi nhà thôn quê tiện nghi. Nhà đã cũ, nhưng được trang bị đầy đủ hệ thống dẫn nước, điện đóm, hệ thống sưởi tập trung, và chăn nệm sạch. Những lá thư nêu rõ rằng mục đích ở lại tại đây của họ sẽ là quan sát và tìm hiểu về những câu chuyện ghê rợn đã được đồn đại về ngôi nhà trong gần như toàn bộ quãng thời gian tám mươi năm tồn tại của nó. Những lá thư của Tiến sĩ Montague không nói thẳng thừng rằng Dinh thự Hill bị ma ám bởi vì Tiến sĩ Montague là dân làm khoa học, và cho đến khi đã thực sự trải nghiệm một hiện tượng tâm linh ở trong Dinh thự Hill, ông ta sẽ không làm gì quá liều. Do đó, những lá thư của ông ta mang vẻ nghiêm trang mơ hồ nào đó, được gài vào đầy chủ tâm nhằm khơi gợi óc tưởng tượng của một kiểu độc giả rất đặc biệt. Tiến sĩ Montague đã có bốn thư phúc đáp cho những lá thư của mình. Tám ứng viên còn lại có lẽ đã chuyển nhà và không để lại địa chỉ chuyển tiếp, hoặc có thể đã không còn hứng thú với các hiện tượng siêu thường, hay thậm chí còn có khả năng là chưa bao giờ tồn tại. Tiến sĩ Montague viết thư trả lời bốn người đã phúc đáp kia, nêu cụ thể ngày tháng ngôi nhà chính thức dùng để ở được, và gửi kèm theo hướng dẫn chỉ đường chi tiết. Như ông ta buộc phải giải thích, thông tin về đường đến ngôi nhà này khó kiếm vô cùng, đặc biệt là từ cộng đồng người dân quê sống quanh nó. Vào cái ngày trước khi lên đường đến Dinh thự Hill, Tiến sĩ Montague đã được thuyết phục để cho một đại diện của gia đình sở hữu ngôi nhà đến ở cùng mình. Bên cạnh đó, ông ta nhận được bức điện tín từ một trong những người tham gia, xin rút với cái lí do nghe rõ ràng là bịa đặt. Thêm một người khác không hề trình diện hay viết thư nhắn lại gì cả, có lẽ vì vướng phải vấn đề cá nhân cấp bách nào đấy. Hai người còn lại thì đến.

Khi đến Dinh Thự Hill, Eleanor Vance ba hai tuổi. Vì bây giờ mẹ đã mất, người duy nhất trên đời mà cô thực sự căm ghét chính là chị gái của cô. Cô không thích gã anh rể và đứa cháu gái năm tuổi của mình, và cô cũng chẳng có bạn bè gì cả. Nguyên nhân chủ yếu là do quãng thời gian mười một năm cô phải bỏ ra để chăm sóc người mẹ ốm yếu của mình. Giai đoạn ấy đã giúp cô phần nào trở thành một y tá thạo việc, đồng thời cũng khiến cô không thể không chớp mắt trong ánh nắng chói chang. Cô chẳng thể nhớ nổi liệu mình đã có lần nào cảm thấy thực sự hạnh phúc trong quãng đời trưởng thành hay chưa. Những năm tháng cô sống cùng mẹ chỉ toàn cảm giác tội lỗi, với các màn trách mắng vặt vãnh, mệt mỏi triền miên, và nỗi tuyệt vọng khôn nguôi. Cô chưa bao giờ muốn hình thành một bản tính dè dặt và nhút nhát, nhưng do đã phải ở một mình quá lâu, không có ai để yêu thương, thế nên cô luôn thấy ngại và chẳng biết lựa lời ra sao khi nói chuyện với người khác, kể cả khi chỉ là vài lời xã giao. Tên của cô xuất hiện trong danh sách của Tiến sĩ Montague bởi vì một ngày nọ, hồi cô mười hai tuổi và chị gái cô mười tám tuổi, bố của họ bấy giờ mới chết chưa được một tháng, một trận mưa đá đã trút xuống nhà họ, không chút dấu hiệu cảnh báo hay chút mục đích, lí do nào, đá cục rơi xuống từ trần nhà, ồn ã lăn xuống dưới tường, phá vỡ các cửa sổ và đập điên cuồng trên mái. Trận đá tiếp tục trút xuống cách quãng suốt ba ngày. Trong suốt thời gian đó, Eleanor và chị gái cô không sợ mớ đá bằng những người hàng xóm và người hiếu kì hằng ngày vẫn tụ tập ngoài cửa trước, và cả sự quả quyết đầy mù quáng, cuồng loạn của mẹ họ rằng đứng đằng sau toàn bộ vụ việc này là những cư dân độc ác, ném đá giấu tay sống trong khu, vốn đã thù ghét bà kể từ khi bà đến đây. Sau ba ngày, Eleanor và chị gái cô được chuyển đến nhà một người bạn và những viên đá ngừng rơi, đồng thời cũng không bao giờ còn tái xuất hiện nữa, mặc dù Eleanor cùng với chị và mẹ đã trở về sống trong căn nhà ấy, và mối thù hẳn với người dân trong khu mãi không đi đến hồi kết. Ngoài những người mà Tiến sĩ Montague đã tham vấn thì câu chuyện đã bị tất cả mọi người lãng quên. Eleanor và chị gái của cô thì chắc chắn đã quên chuyện ấy, dù lúc vụ việc diễn ra, mỗi người bọn họ đều cho rằng người kia là thủ phạm.

Trong suốt quãng đời khốn khổ của mình, kể từ hồi có những kí ức đầu tiên, Eleanor đã chờ đợi một thứ như Dinh thự Hill. Trong suốt quãng thời gian chăm sóc mẹ, nhấc một bà già cáu bẳn từ ghế lên giường, bày ra một lượng bất tận những khay nhỏ gồm xúp và bột yến mạch, giặt giũ mớ đồ bẩn thỉu, Eleanor luôn vững tin rằng đến một ngày nọ, sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Cô đã gửi thư chấp nhận lời mời đến Dinh thự Hill, mặc dù anh rể của cô nhất quyết đòi gọi cho một vài người để đảm bảo rằng cái tay tiến sĩ này không có ý định làm trò gì với Eleanor, mấy trò mọi rợ liên quan đến cái chuyện mà chị gái Eleanor tin rằng một phụ nữ trẻ chưa lập gia đình không nên biết. Trong phòng ngủ riêng của hai vợ chồng, chị của Eleanor đã thì thầm rằng, Chưa biết chừng Tiến sĩ Montague nêu đó rốt cuộc đúng là tên của ông ta - chưa biết chừng cái ông Tiến sĩ Montague này SỬ DỤNG phụ nữ để phục vụ cho một… ờm… THÍ NGHIỆM nào đó. THÍ NGHIỆM ấy… em BIẾT mà, cái kiểu ngữ ấy vẫn hay làm đó. Chị Eleanor cứ nói luôn miệng về các thí nghiệm mà mình từng nghe bảo giới tiến sĩ vẫn hay làm. Eleanor không biết gì về những chuyện như thế, hoặc nếu có thì cũng không sợ. Nói tóm lại, Eleanor sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu.

Theodora - đó là cái tên dài nhất mà chị sử dụng. Các bản vẽ của chị được kí tên là “Theo”, và trên cửa căn hộ cũng như cửa sổ xưởng vẽ, danh bạ điện thoại, mớ giấy trắng và phía dưới bức ảnh đáng yêu đứng trên bệ lò sưởi của chị, cái tên luôn luôn chỉ là Theodora. Theodora hoàn toàn khống giống với Eleanor. Đối với Theodora, bổn phận và lương tâm là những đức tính của hội Nữ Hướng Đạo. Thế giới của Theodora tràn đầy niềm vui và sặc sỡ những sắc màu mềm mại. Chị lọt vào danh sách của Tiến sĩ Montague bởi vì sau một lần vừa cười đùa vừa mang trên mình hương nước hoa thảo dược vào trong phòng thí nghiệm, bằng cách nào đó chị đã xác định được chuẩn xác mười tám trong số hai mươi thẻ do một người trợ lí giơ khuất tầm mắt và tầm tai, rồi đến mười lăm trong hai mươi thẻ, và đến mười chín trong hai mươi thẻ, chí lấy làm thích thú và hào hứng trước tài năng đáng kinh ngạc của mình. Tên của Theodora nổi bật hẳn trong hồ sơ của phòng thí nghiệm, thế nên lẽ đương nhiên, nó lọt vào tầm ngắm của Tiến sĩ Montague. Theodora lấy làm khoái chí trước lá thư đầu tiên của Tiến sĩ Montague và đã phúc đáp vì tò mò (chưa biết chừng chính khả năng được khơi dậy trong Theodora, thứ từng giúp chị đoán biết biểu tượng ghi trên những tấm thẻ được giơ khuất tẩm nhìn là gì, đã thúc đẩy chị tìm đến với Dinh thự Hill), ấy nhưng chị lại hoàn toàn có ý định từ chối lời mời. Dẫu vậy, khi thư xác nhận của Tiến sĩ Montague được gửi đến, Theodora chẳng hiểu sao lại tự nhiên nổi hứng đi cãi nhau nảy lửa với người bạn ở chung căn hộ. Có thể thủ phạm lại là cái cảm giác thôi thúc đầy cấp bách kia. Cả hai bên đều đã thốt ra những lời mà chỉ thời gian mới có thể xóa nhoà. Theodora đã cố tình và đầy lạnh lung đập vỡ bức tượng nhỏ đáng yêu khắc họa hình ảnh của chị mà người bạn kia đã làm ra, và bạn chị đã tàn nhẫn xé nát tập thơ của Alfred de Musset*, món quà sinh nhật từ Theodora, đặc biệt chú tâm hành hạ cái trang có dòng chữ đề tặng đầy thương mến, cợt nhả của Theodora. Đây tất nhiên là những hành động không thể lãng quên được, và sẽ phải mất thời gian lâu sau họ mới có thể cười đùa được với nhau về chuyện này. Ngay tối hôm đó, Theodora đã viết thư chấp nhận lời mời của Tiến sĩ Montague và ra đi trong sự im lặng đầy lạnh nhạt vào ngày hôm sau.

Alfred de Musset (1810 - 1857): Nhà viết kịch, nhà thơ, và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp giai đoạn thế kỉ 19.

Luke Sanderson là một kẻ dối trá. Hắn cũng là một tên trộm. Dì hắn, chủ nhân của Dinh thự Hill, rất thích khoe rằng cháu mình là người được cho ăn học ở những nơi tốt nhất, quần là áo lượt nhất, ăn sơn hào hải vị ngon nhất, và giao du với những thành phần bất hảo nhất mà bà từng biết. Bà sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội có thể để tống hắn đi xa cho an toàn trong vòng vài tuần. Luật sư của gia đình đã thuyết phục được Tiến sĩ Montague rằng ông ta sẽ không thể thuê ngôi nhà để thực hiện mục đích của mình nếu không có sự hiện diện tại gia của một thành viên gia đình trong quãng thời gian ông ta lưu lại ở đó. Và có thể là ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ, ông tiến sĩ đã nhận thấy Luke sở hữu một sức mạnh hay bản năng sinh tồn nào đó chẳng khác gì loài mèo, và chính thế mà ông ta cũng muốn đưa Luke đến sống trong ngôi nhà chẳng kém gì bà Sanderson. Dù sao đi nữa, Luke cũng thấy thích thú, bà dì của hắn thì lấy làm biết ơn, và Tiến sĩ Montague thì hết sức hài lòng. Bà Sanderson nói với luật sư gia đình rằng đằng nào thì trong nhà cũng không có gi Luke ăn cắp được cả. Bà bảo rằng chỗ đồ bạc cũ cũng có chút giá trị, nhưng nó tượng trưng cho một khó khăn mà Luke gần như không đời nào vượt qua nổi: sẽ phải bỏ công bỏ sức ra để đánh cắp và biến được chúng thành tiền. Bà Sanderson nói thế là oan cho Luke. Khó có chuyện Luke cuỗm đồ bạc của gia đình, hoặc đồng hồ của Tiến sĩ Montague, hoặc vòng đeo tay của Theodora. Mấy trò bất lương của hắn chủ yếu chỉ giới hạn trong việc lấy mấy xu lẻ từ túi của dì mình và cờ gian bạc lận. Hắn cũng hay bán đồng hồ và hộp thuốc lá do bạn bè của dì hắn quý mến và đỏ mặt tặng. Một ngày nào đó Luke sẽ thừa kế Dinh thự Hill, nhưng hắn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống trong đó.

Mời các bạn đón đọc Chuyện Ma Ám Ở Dinh Thự Hill của tác giả Shirley Jackson & Nguyễn Thành Long (dịch).