Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Bí Ẩn Khoác Áo Hồng Y

"Người bí ẩn khoác áo Hồng y là tác phẩm được nhà văn Alexandre Dumas viết vào giai đoạn cuối cùng của văn nghiệp.

Tác phẩm kể về chuyện xảy ra ở triều đại Louis XIII, vào thời điểm nối tiếp sau câu chuyện về những nhân vật có lẽ chẳng còn xa lạ với độc giả: hiệp sĩ d'Artagnan cùng ba người bạn thân của chàng, Athos,vPorthos và Aramis. Lẽ cố nhiên, bạn đọc sẽ không tìm thấy những chàng hiệp sĩ ấy ở truyện này nữa, tuy vẫn còn đó hai con người quan trọng: Hồng y De Richelieu và Quốc vương Louis XIII. Khung cảnh của chuyện cũng hoàn toàn đổi khác, thay cho bầu không khí sôi nổi của những người cầm kiếm là chuỗi màn đấu trí gay cấn giữa những người mưu sâu kế hiểm.

Trong truyện này, bạn đọc sẽ gặp gỡ Bá tước Moret, chàng hoàng tử hào hoa, lãng mạn, một nhân vật mà thời lượng nhà văn dành cho chàng là bằng ngang với Hồng y De Richelieu. Tác phẩm này, vì vậy, ở những lần xuất bản khác nhau tại Pháp cũng được biết đến với tựa đề Bá tước Moret.

Là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, đa phần nhân vật trong truyện đều là những tên tuổi có thật thời bấy giờ, được hư cấu tài tình vào cốt truyện đậm tính hấp dẫn, sống động và khôi hài đặc trưng của nhà văn Dumas.

“‘NGƯỜI BÍ ẨN KHOÁC ÁO HỒNG Y’ quả là một tuyệt tác! Vô số âm mưu hiểm độc và những màn lật ngược tình thế, những cuộc đấu tay đôi, niềm đam mê, lãng mạn, yêu thương và thù hận, đầy chất thơ và cũng không kém phần gay cấn. Chưa bao giờ người đọc lại cảm thấy dễ bị cuốn hút đến như vậy.” - Trang đánh giá Historical Novels Review

“‘NGƯỜI BÍ ẨN KHOÁC ÁO HỒNG Y’ như được phủ lên mình một sức sống mới và tỏa sáng lộng lẫy trong phiên bản này. Những màn tranh đấu kịch tính đi kèm với sự hóm hỉnh nhưng cũng đầy châm biếm sâu cay. Phiên bản mới sẽ khiến người đọc phải thay đổi cách nhìn về nó: Một tuyệt tác cũ nay đã được nâng lên một tầm cao hoàn toàn mới.” - Tổ chức tin tức Quốc tế Christian Science Monitor"

***

Lời giới thiệu

Độc giả yêu văn học chẳng mấy ai chưa từng biết đến đại văn hào người Pháp Alexandre Dumas cùng những tác phẩm để đời của ông, Bá tước Monte CristoBa chàng lính ngự lâm. Hẳn bạn đã đọc Ba chàng lính ngự lâm hay chí ít cũng đã xem qua một trong nhiều phiên bản của truyện này phỏng dựng thành phim điện ảnh hoặc phim truyền hình, và rất đỗi quen thuộc với chàng d’Artagnan dũng cảm cùng những vị bằng hữu: Athos, Porthos, và Aramis. Có lẽ bạn biết rằng bộ truyện ấy đã đưa đến sự ra đời của biết bao chuyện kể tiếp nối theo sau, mà đỉnh cao là tác phẩm lừng danh nhất từ trước đến nay, truyện Người đàn ông mang mặt nạ sắt, một tác phẩm đã được chuyển thể thành phim khá nhiều lần.

Vậy thì, lý do gì mãi tận ngày nay bạn vẫn chưa hề nghe đến cái tên ‘Người bí ẩn khoác áo Hồng y’, nhất là vào khi nó được cho là “câu chuyện nối dài của Ba chàng lính ngự lâm” như những gì đã quảng cáo?

Để tôi kể bạn nghe một chuyện.

Nhân vật chính trong chuyện của chúng ta là một người đàn ông có sức sống mãnh liệt và tài năng xuất chúng, một nhân vật mà tầm vóc và sự nghiệp của ông đã vang danh trên thế giới. Ông sống hào hoa và yêu không giới hạn, dồn dập mang về của cải rồi ném cả vào nhà hát và nhà xuất bản, phí hoài cho lâu đài và cho cả mỹ nữ nhân tình, hân hoan trong cuộc đời đầy biến đổi, đắm chìm vào thú ẩm thực xa hoa, và say sưa làm chính trị.

Tên của ông, tất nhiên rồi, là Alexandre Dumas.

Bắt đầu sự nghiệp cầm bút vào cuối những năm 1820, chàng trai trẻ Dumas khi ấy vừa là thi sĩ vừa là kịch tác gia; vở kịch Melo đầu tay của ông sáng tác vào năm 1829 đã gây hiệu ứng đủ mạnh giúp ông dấn bước hẳn vào con đường văn nghiệp, để rồi suốt những năm 1830 ông sáng tác hết vở kịch này sang vở kịch khác, vở sau bao giờ cũng gây bất ngờ và tỏa sức hấp dẫn át hẳn vở trước. Ban đầu, kịch của ông lấy bối cảnh đương đại, nhưng sau đó ông chuyển sang dùng các nguồn sử liệu để sáng tác, và đến cuối thập niên 30 ông lại đổi hướng thành văn xuôi. Thời bấy giờ, những tập san phát hành tiểu thuyết dài kỳ đã bước vào giai đoạn thịnh hành, và hình thức viết theo kết cấu chương hồi là mảnh đất màu mỡ để kẻ vốn điêu luyện với văn phong biên kịch như Dumas thỏa sức sáng tạo nên những khung cảnh sống động, được điểm tô bằng lời thoại ngắn gọn mà hàm chứa ý tưởng dồi dào.

Sau vài thành công khiêm tốn với truyện văn xuôi dài kỳ, năm 1844 ông cho ra đời tuyệt tác Ba chàng lính ngự lâm, và năm sau đó là Bá tước Monte Cristo. Cả hai tác phẩm này đã gây tiếng vang rộng khắp trên thế giới, và suốt mười lăm năm tiếp theo ông đều đặn hái quả ngọt từ sức sáng tác không hề biết đến sự mệt mỏi; ông viết truyện sau tiếp lấy thành công từ truyện trước, trong đó phải kể đến những tiểu thuyết lừng danh như Huynh đệ người Corsica, Cuộc chiến giữa những người đàn bà, Chuỗi hạt của vương hậu, Hoa tulip đen, bộ ba tác phẩm về dòng họ Valois, và một truyện mang tựa đề Bóng chim câu, viết về Bá tước Moret, người em chung nửa huyết thống của Quốc vương Louis XIII. Những tác phẩm này đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được độc giả ở mọi thị trường xuất bản mến mộ, gồm cả Vương quốc Anh và đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nhưng Dumas là người giao du rộng rãi ngoài xã hội, kẻ không sao ngăn được mình đừng dính líu vào đời sống chính trị; và tài nói chuyện hài hước vừa sắc sảo vừa không kiêng dè khiến ông chuốc lấy thù oán với nhiều người. Năm 1851, người đỡ đầu của ông là Vua Louis-Philippe bị truất ngôi bởi Louis-Napoléon Bonaparte; mà vị tân Tổng tài này của nước Pháp thì không có thiện cảm với Dumas, nên nhà văn tính chuyện tốt nhất là rời bỏ đất nước để tìm sang xứ khác. Ông sang sinh sống ở nước Bỉ, rồi lại lạc bước đến nước Nga, và cuối cùng là nước Ý, nơi đây ông lại xía vào bầu không khí náo nhiệt của phong trào độc lập Italia. Ông không hề ngừng viết, có điều sản phẩm của ông được đón nhận càng ngày càng ít đi, thậm chí tại nước Pháp doanh thu từ sách của ông đã suy giảm đến mức chỉ còn nhỏ giọt. Ở đất nước quê hương, kẻ một thuở danh nổi như cồn nay đã trở thành… một gã lỗi thời.

Năm 1864, ông trở về Paris, lòng quyết tâm tìm lại tiếng tăm và sự giàu có. Bấy giờ tuy đang viết về những cuộc hành trình đến nước Nga và nước Ý, ông vẫn cho rằng mình nên quay lại những câu chuyện phiêu lưu lịch sử, vốn là nguồn thành công lớn nhất của ông. Năm 1865, chủ bút tuần báo Les Nouvelles là Jules Noriac ướm hỏi Dumas về một bộ truyện dài kỳ thăm lại bối cảnh trong tác phẩm hút khách đầu tay của ông là Ba chàng lính ngự lâm. Dumas, còn chưa nguôi niềm mê say với vương triều Louis XIII cùng vị Hồng y Tể tướng Richelieu, nghe vậy liền sốt sắng nhận lời. Thế là ra đời một thiên truyện nhiều kỳ với nhan đề Bá tước Moret, một câu chuyện phiêu lưu kể về Quốc vương Louis, về người em cùng cha khác mẹ và ưa thích phiêu bồng của ông là Moret, về người tình Isabelle de Lautrec của chàng Moret, và về vị chính khách lỗi lạc là Hồng y Richelieu.

Đặc biệt là Hồng y Richelieu; nhân vật được cuốn tiểu thuyết đề cập ở mật độ ngang bằng với mật độ dành cho Bá tước Moret, và cuối cùng thì tác phẩm này được người ta biết đến nhiều hơn với cái tên là Người bí ẩn khoác áo Hồng y. Sự chú ý được dồn vào vị Hồng y lý giải vì sao ở truyện này Dumas từ chối đưa vào sự hiện diện của d’Artagnan cùng ba vị ngự lâm quân bạn thân của chàng, khi mà họ rõ ràng chẳng có gì để lưu luyến với cốt truyện nơi đây. Vả chăng, Dumas đã sáng tác dễ đến cả triệu từ về d’Artagnan cùng đồng đội, ông đâu cần phải nói đi nói lại những gì mình đã viết cả rồi.

Thế là Dumas trở lại thời của triều đình Louis XIII và bắt tay vào viết. Cảm hứng tuôn trào, qua sáu tháng ông đã nặn ra một truyện về phiêu lưu, chính trị luận và tình cảm lãng mạn mang phong cách cổ điển nhưng thời gian qua nhiều chục năm đã trở thành gánh nặng tuổi tác, người văn sĩ nay là kẻ đau ốm già nua, còn tờ Les Nouvelles thì số ra như nấc cụt rồi dừng hẳn. Câu chuyện bấy giờ cũng vậy: sau khi viết được chín phần mười, Dumas không bao giờ xong nốt phần còn lại.

Người đời sẽ cho rằng sau biết bao khắc khoải, và sau quá nhiều thành công lẽ ra Dumas đã có thể tập trung nỗ lực để hoàn tất bộ truyện ngõ hầu giúp nó tìm đến sự xuất bản, giống như rất nhiều tác phẩm trước đó. Song ông chỉ đơn giản là mãi mãi không tìm ra một cái kết cho truyện này.

Đó là sự suy đoán nhìn từ góc độ của người làm công việc biên tập cuốn sách đang nằm trên tay bạn, nhưng riêng tôi thì cho rằng mình biết được một lý do hấp dẫn lý giải vì sao. Theo cách nghĩ của tôi thì vấn đề ấy Dumas vốn đã giải quyết từ lâu, khi ông viết truyện Bóng chim câu vào mười lăm năm trước đó. Trong truyện kể riêng lẻ, hoàn chỉnh ấy, ông đã trình bày phần kết cho câu chuyện về Richelieu, về Bá tước Moret cùng người tình Isabelle de Lautrec của chàng. Bóng chim câu, tuy ít người biết đến vì dung lượng truyện quá ngắn nên khó lòng được xuất bản, song đã mang đến cho số phận của Moret và Isabelle một cái kết có hậu.

Vậy thì ông đã làm xong điều ấy. Tại sao ông phải lặp lại những gì mình vốn đã viết ra?

Trong ấn bản này, lần đầu tiên độc giả có thể tìm thấy thiên tiểu thuyết vĩ đại cuối đời của Alexandre Dumas, Người bí ẩn khoác áo Hồng y trở nên trọn vẹn và hoàn chỉnh hơn khi có thêm phần ngoại truyện Bóng chim câu. Chắc chắn bạn đọc sẽ hứng thú với truyện này.

***

Lời người dịch

Người bí ẩn khoác áo Hồng y là tác phẩm được nhà văn Alexandre Dumas viết vào giai đoạn cuối cùng của văn nghiệp. Tác phẩm kể về chuyện xảy ra ở triều đại Louis XIII, vào thời điểm nối tiếp sau câu chuyện về những nhân vật có lẽ chẳng còn xa lạ với độc giả: hiệp sĩ d’Artagnan cùng ba người bạn thân của chàng, Athos, Porthos và Aramis. Lẽ cố nhiên, bạn đọc sẽ không tìm thấy những chàng hiệp sĩ ấy ở truyện này nữa, tuy vẫn còn đó hai con người quan trọng: Hồng y De Richelieu và Quốc vương Louis XIII. Khung cảnh của chuyện cũng hoàn toàn đổi khác, thay cho bầu không khí sôi nổi của những người cầm kiếm là chuỗi màn đấu trí gay cấn giữa những người mưu sâu kế hiểm.

Trong truyện này, bạn đọc sẽ gặp gỡ Bá tước Moret, chàng hoàng tử hào hoa, lãng mạn, một nhân vật mà thời lượng nhà văn dành cho chàng là bằng ngang với Hồng y De Richelieu. Tác phẩm này, vì vậy, những lần xuất bản khác nhau tại Pháp cũng được biết đến với tựa đề Bá tước Moret.

Là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, đa phần nhân vật trong truyện đều là những tên tuổi có thật thời bấy giờ, được hư cấu tài tình vào cốt truyện đậm tính hấp dẫn, sống động và khôi hài đặc trưng của nhà văn Dumas.

Người bí ẩn khoác áo Hồng Y, nguyên bản tiếng Pháp, được xuất bản lần đầu vào những năm 1860 dưới dạng tiểu thuyết đăng báo dài kỳ. Sau này, người ta tìm thấy bản hoàn chỉnh trong một căn gác nhỏ sau khi tác giả qua đời. Trên tay độc giả là bản Việt dịch từ bản Anh ngữ của phiên bản ấy.

Với mong mỏi mang đến với bạn đọc một tác phẩm giá trị và đặc sắc của văn hào mà tên tuổi của ông đã quá thân thuộc ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, dịch giả cố gắng chuyển tải một cách tốt nhất ý văn của tác giả thông qua bản Anh ngữ, đối chiếu với bản gốc Pháp ngữ cho những điểm quan trọng, giữ nguyên một số thán từ bằng tiếng Pháp như chúng vốn vậy ở bản tiếng Anh, và sử dụng các đại từ đã được Việt hóa theo thời gian, nay tuy đã là từ cũ, nhưng xét thấy phù hợp cho câu chuyện thuộc khung cảnh của những năm 1600.

Một bản dịch qua hai lần ngôn ngữ thì thiếu sót khách quan lẫn chủ quan hẳn nhiên là điều không tránh khỏi. Rất mong bạn đọc lượng thứ và góp ý cho một bản dịch tốt hơn sau này.

Trân trọng,

Nguyễn Đăng Thuần

Dịch giả

Mời bạn đón đọc Người Bí Ẩn Khoác Áo Hồng Y của tác giả Alexandre Dumas & Nguyễn Đăng Thuần (dịch).