Rất nhiều tôn giáo và hệ thống triết học tự nhận đã đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của nhân loại, nhưng tự thân các giáo điều và triết thuyết vẫn có những giới hạn nhất định. Những nhà lập thuyết và chủ trương của các tôn giáo và triết thuyết đã vận dụng những ngôn từ hoa mỹ để trình bày các đức tin và ý thức hệ truyền thống của họ về thần học hay triết học, tuy nhiên, những người tin tưởng vào các giáo điều và triết thuyết này không sớm thì muộn đều nhận ra sự giới hạn về ý nghĩa của chúng cũng như tính cách bất khả thi trong ứng dụng. Họ cảm thấy bị vỡ mộng và từ bỏ những hệ thống này, cũng như họ loại bỏ các lý thuyết khoa học khi chúng không giải thích được những mâu thuẫn trong các dữ kiện trắc nghiệm.
Khi nhận ra một hệ thống diễn giải tâm linh không chứng tỏ được tính cách thuyết phục và biện minh hợp lý, người ta thường quay sang một hệ thống khác. Nhưng sau một thời gian họ lại tìm ra những hạn chế và mâu thuẫn trong hệ thống mới này. Trong sự theo đuổi một cách vô ích những chấp nhận và bác bỏ này, những gì còn lại với họ là chủ nghĩa hoài nghi và triết lý bất khả tri, đưa đến một lối sống si mê, sa đà trong những thoả mãn phàm tục của đời thường và thuần hưởng thụ vật chất. Tuy nhiên một đôi khi, dù rất hiếm hoi, chủ nghĩa hoài nghi cũng đem lại một trực giác nào đó về thực tại cơ bản, còn cơ bản hơn cả những gì thuộc ngôn từ, tôn giáo hay hệ thống triết học.
Tuy nhiên, không kinh điển nào có thể thay thế được sự hiện diện của đích thân Đạo sư. Chỉ khi nào Đạo sư trực thuyết với chúng ta thì ngôn từ mới trọn vẹn ý nghĩa. Trong sự hiện diện của Đạo sư những biên giới cuối cùng do tâm vẽ ra đều biến mất. Sri NisargadatTa Maharaj đích thực là một Đạo sư như thế. Ông không thuyết giảng giáo điều kinh điển mà chỉ ra một cách chính xác những gì người tìm kiếm cần. Thực tại bắt nguồn nơi ông là bất khả chiếm đoạt, tuyệt đối và đích thực. Sau khi chứng nghiệm sự thật những gì Sri NisargadatTa Maharaj chỉ giáo trong “I Am That” nhiều người từ phương Tây đã đến gặp ông để tìm cầu giác ngộ….
Cái thật thì bất tử, cái hư giả chưa bao giờ sống. Một khi biết rằng cái chết chỉ xảy ra với thân xác – mà không phải với người – thì sẽ nhìn thân xác rũ xuống như một lớp áo bị loại bỏ.
Cái ta thật của ngươi thì phi thời và siêu vượt sinh tử. Thân xác tồn tại khi còn được cần đến, nhưng không nhất thiết thân xác phải trường thọ
***
Sri Nisargadatta Maharaj sinh năm 1897 và được đặt tên là Maruti. Cha mẹ ông sở hữu một mảnh ruộng nhỏ trong làng Kandalgaon, và đây cũng là nơi ông đã trải qua thời thơ ấu. Năm 1924, ông lập gia đình và sau đó làm nghề bán thuốc lá cuốn tay ở Bombay, nơi ông và vợ ông cùng nuôi sống gia đình. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã quan tâm đặc biệt đến các vấn đề tâm linh. Những lần đàm đạo cùng thần linh đã làm cho tâm trí thích tìm hiểu của ông thêm sắc bén và khơi dậy ngọn lửa tâm linh trong ông. Năm 34 tuổi ông gặp Tôn sư và ba năm sau ông tự giác ngộ, rồi lấy danh hiệu là Sri Nisargadatta Maharaj. Ông tiếp tục sống cuộc đời của một người lao động bình thường, nhưng thuyết giảng của ông được ghi lại trong kiệt tác I AM THAT (Ta là Cái Đó) – có nguồn gốc cổ đại của Áo Nghĩa Thư Upanishads – được xem như một đột phá quan trọng thoát ly khỏi hệ thống triết học hiện đại. Nhiều người đi tìm chân lý từ khắp nơi trên thế giới đã đến nghe thông điệp độc nhất vô nhị của Nisargadatta cho đến khi ông viên tịch vào năm 1881.
***
Hỏi: Theo kinh nghiệm thường ngày, thế giới đột nhiên xuất hiện ngay khi người ta thức dậy. Vậy nó từ đâu đến?
Maharaj: Trước khi bất cứ gì có thể xuất hiện thì phải có người để nó xuất hiện đối với người đó. Tất cả mọi xuất hiện và biến mất bao hàm một sự thay đổi đối với một hậu cảnh bất biến.
Hỏi: Trước khi thức dậy tôi không có ý thức.
Maharaj: Theo nghĩa nào? Đã quên đi, hay chưa từng kinh nghiệm? Thế không phải ông vẫn kinh nghiệm ngay cả khi không có ý thức? Liệu ông có thể tồn tại mà không biết? Có phải một sự ngắt quãng trong ký ức là bằng chứng của sự không tồn tại? Liệu có hợp lý khi ông nói về sự không tồn tại của ông như là một kinh nghiệm thực tế? Thậm chí ông cũng không thể nói rằng tâm ông đã không tồn tại trong khi ngủ. Thế không phải ông tỉnh dậy khi được gọi hay sao? Và ngay khi thức dậy, không phải ý thức “Ta hiện hữu” xuất hiện trước tiên? Một mầm mống nào đó của ý thức chắc chắn phải tồn tại ngay cả trong khi ông ngủ hay bất tỉnh. Khi thức dậy, kinh nghiệm diễn ra: “Ta hiện hữu – thân xác – trong thế gian.” Kinh nghiệm này có vẻ như xuất hiện theo trình tự trong một chuỗi diễn tiến, nhưng thật ra nó hình thành cùng một lúc – một ý tưởng duy nhất về sự có một thân xác trong thế giới. Liệu có thể có ý thức “Ta hiện hữu” mà không là một người nào đó hay một cái gì đó?
H: Tôi luôn luôn là một người với những ký ức và thói quen riêng. Tôi không biết cái “Ta hiện hữu” nào khác.
M: Có thể một cái gì đó ngăn che không cho ông biết. Khi người khác biết một cái gì đó mà ông không biết thì ông làm gì?
H: Tôi sẽ nhờ họ chỉ dẫn để tìm ra nguồn gốc sự hiểu biết của họ.
M: Theo ông – tìm hiểu có phải ông chỉ là thân xác hay ông là một cái gì khác – có quan trọng không? Hoặc, có thể ông không là gì cả? Ông không thấy rằng tất cả mọi vấn đề của ông đều là vấn đề của thân xác hay sao – thực phẩm, quần áo, chỗ ở, gia đình, bằng hữu, tên tuổi, danh vọng, sự an toàn, sự sống còn – tất cả những thứ này sẽ mất đi ý nghĩa ngay khi ông nhận ra rằng ông không phải chỉ là một thân xác.
Mời các bạn đón đọc Ta Là Cái Đó của tác giả Sri Nisargadatta Maharaj.