Có nhiều bè bạn thấy chúng tôi cho xuất bản bộ Dịch Kinh Đại Toàn, khoảng 1500 trang, hỏi chúng tôi tại sao trên thị trường đã có nhiều bộ Kinh Dịch, còn ra thêm, và như vậy nó có những đặc điểm gì?
Tôi thấy đó là một câu hỏi hữu lý, nên tôi sẽ trình bầy cùng quí vị tại sao tôi viết bộ Dịch Kinh Đại Toàn này.
Tôi bắt đầu soạn thảo bộ Dịch Kinh này vào khoảng năm 1966. Tôi định bỏ ra 15 năm để hoàn tất nó, nhưng may thay sau hơn 7 năm miệt mài nghiên cứu, thì đã hoàn thành được. Khi ấy, tôi đi mua, hoặc đi mượn tất cả những sách Dịch bằng Hán Văn, Anh văn, Pháp văn và Việt văn hiện có lúc bấy giờ. Đọc qua những tác phẩm của cụ Từ Thanh, Phan Bội Châu, Nguyễn Mạnh Bảo, Ngô Tất Tố, Nguyễn Duy Tinh, v.v… tôi thấy lời văn thật là khó hiểu.
Về Hán Văn, tôi may mắn có bộ Tuân Bổ Ngự Án Dịch Kinh Đại Toàn, xuất bản ngày 18 tháng 3 năm Khang Hi 54 tức 1715, do các vị khoa bảng xưa cho tôi. Quyển này mỗi quẻ đều có lời bình của Trình Tử, Chu Hi, Khang Hi và chư tử chứ không phải là tư tưởng của riêng ai.
Về Anh văn, tôi có những bộ như của James Legge, Wilhelm / Baynes, R. G. H Siu, v.v… Tôi thấy những bộ trên không có gì đặc sắc.
Về La Ngữ, tôi có đọc bộ của P. Regis, Yiking, antiquissimus Sinarum liber.
Về Pháp văn, tôi có De Harlez, Le Yiking, texte primitif rétabli, trad. et commentaires.
Philastre, P. L. F. Le Yiking ou Livre de Changements de la dynastie des Tscheou traduit pour la première fois du Chinois en Francais.
Tôi cũng đã đọc Bộ Dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, xuất bản gần đây ở hải ngoại. Sách trình bầy sáng sủa. Tiếc rằng cụ đã bỏ đi Thập Dực, và như cụ nói, Cụ đã hoàn thành bộ sách này trong vòng có 2 năm, và chỉ soạn lại bộ Dịch của cụ Phan bội Châu mà thôi.
Tất cả đều không có gì làm tôi phải say sưa, bái phục. Gần đây, có vô số sách Dịch bằng Anh văn, nhưng toàn thiên về bói toán. Theo tôi, Kinh Dịch không phải sách bói toán, vì Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, Trình Tử, Chu Hi không hề bói toán. Tôi không bói toán. Trong Hệ Từ Thượng chỉ bàn qua về phép bói Dịch bằng cỏ Thi, và trong Ngũ Hành bàn qua về luật Tương sinh, Tương khắc, để quí vị nào thích bói toán, địa lý nghiên cứu thêm, chứ không biết gì về cách bói gieo tiền theo Dã Hạc, và Bốc Dịch chính tông, hay cách bói Mai Hoa Dịch số của Thiệu Khang Tiết. Nhiều người đi vào Dịch, cũng là muốn học bói toán. Họ có biết đâu rằng bói toán là một năng khiếu do Trời ban. Muốn bói hay, phải có giác quan thứ sáu, (quí vị nào thích nghiên cứu về bói toán, thì xin đọc phần Ngũ Hành, nơi quyển I, và nơi quyển III Hệ từ Thượng Chương 9).
Nay, bên Trung Quốc cho in ra nhiều sách Dịch, như bộ Chu Dịch Đại Tự Điển, dày 1546 trang, hay bộ Bạch Thư Chu Dịch, một bộ Dịch đã được khai quật lên từ một ngôi mộ nhà Hán, ở Mã Vương Đôi, Trường Sa, tháng 12, năm 1973. Bộ này viết trên lụa trắng, vì thế gọi là Bạch Thư, và đã được Trương Lập Văn nghiên cứu và dịch ra Bạch thoại.
Có người khuyên tôi mua, nhưng tôi không bao giờ đi vào con đường Sách uẩn, Hành quái, không bao giờ đi vào con đường quái dị để cầu danh, nên tôi đã không mua.
Tôi quen nhiều vị khoa bảng, và ngỏ ý xin thụ giáo các Cụ về Dịch Lý. Nhưng cụ nào cũng nói không biết gì về Dịch Lý, vì không học Dịch khi đi thi, và các Cụ đề nghị vào tủ sách các Cụ thấy cái gì hay thì cụ biếu, chứ đừng hỏi về Dịch. Cụ Phó Bảng Nguyễn Hà Hoàng (Điện Bàn - Quảng Nam), cho tôi một phần bộ Tuân bổ Ngự Án. Cụ cử Lương Trọng Hối (Quế Sơn - Quảng Nam) cho tôi bộ Kinh Dịch của Lai Trí Đức.
***
Dịch Kinh Đại Toàn gồm có:
***
Trước khi vào các quẻ, để cho dễ hiểu tôi xin nói về:
1) Ít nhiều nhận định về Quẻ, Thoán, Hào.
2) Áp dụng những nguyên tắc của Dịch Kinh vào cuộc đời.
I. ÍT NHIỀU NHẬN ĐỊNH VỀ QUẺ, THOÁN, HÀO
1) Nhận định về quẻ
Quẻ có quẻ đơn và quẻ kép.
Quẻ Đơn. Quẻ Đơn gồm 8 quẻ; mỗi quẻ có 3 vạch (Hào):
Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài
Quẻ Đơn tượng trưng cho Vạn Vật, Vạn Hữu
Quẻ Kép. Quẻ Kép gồm 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 Hào.
Quẻ Kép tượng trưng cho hết mọi biến hóa, mọi tình trạng, mọi hoàn cảnh mà Vạn hữu và Nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau. Thượng Kinh và Hạ Kinh viết lại 64 quẻ , tức là đưa ra 64 hoàn cảnh tượng trưng, để dạy con người phương pháp xử sự cho khéo léo, tùy theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.
Quẻ Kép gồm 2 quẻ đơn, ta gọi:
-Quẻ phía dưới là Nội Quái
-Quẻ phía trên là Ngoại Quái
Vì mỗi hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật bị dính dấp ảnh hưởng, nên mỗi quẻ lại có 6 Hào. Sáu Hào cốt là để nói lên cho rõ ràng:
*Mọi khía cạnh, mọi trạng thái biến thiên của hoàn cảnh.
*Mọi giai đọan của một công trình.
*Mọi tầng lớp trong xã hội, đang cùng chia xẻ một hoàn cảnh
*Những trường hợp khác nhau, có thể xảy ra cho từng hạng người sống cùng chung một hoàn cảnh..
Bàn về mỗi quẻ Kép có:
A) Tự Quái. B) Thoán Từ. C) Thoán Truyện. D) Tượng Truyện. E) Hào Từ và Tiểu Tượng Truyện.
Muốn hiểu rõ mỗi quẻ, phải nghiên cứu tận tường:
A) Tự Quái có mục đích dạy ta khi gặp mỗi quẻ, tức là mỗi hoàn cảnh, phải xét xem nó duyên do tự đâu
B) Thoán bàn luận tổng quát về sự hay dở của mỗi quẻ, tức là của mỗi hoàn cảnh.
Dịch Kinh dùng 11 chữ để xét đoán hay dở:
1) Nguyên = chí thiện,
= nguyên thủy (gốc gác vạn hữu)
= lớn, mạnh, hào hùng, cao đại.
2) Hanh = Thông suốt (hanh thông)
= Chí mỹ (Gia chi hội - Văn ngôn)
3) Lợi = Lợi, thuận nhân tâm, thích nghi, thích đáng.
4) Trinh = Chính, bền, thành đạt, bền vững, hằng cửu, chủ chốt, chủ đích của mọi việc.
5) Cát = Tốt, được, thành công.
6) Hung = Xấu, mất, thất bại.
7) Hối = Hối lận, ưu lự, băn khoăn.
8) Lận = Xấu hổ.
9) Lệ = Nguy hiểm.
10 & 11) Vô cữu là không có lỗi.
Tóm lại, một hoàn cảnh, một công tác hay, hay dở tùy ở chỗ thành hay bại, đắc hay thất, có làm cho mình phải hối hận, phàn nàn, xấu hổ hay không? Việc xấu mà không, hay chưa hối hận thời nguy hại, đã phàn nàn, cải quá thì không lỗi gì. Nhiều khi Dịch cũng dùng 2 chữ Trinh hung đi đôi với nhau. Chữ Vô Cữu nhiều khi phải giải là Không trách cứ ai được.
Thoán có Thoán Từ, Thoán Truyện
…
Mời các bạn đón đọc Dịch Kinh Đại Toàn Tập 1: Thượng Kinh của tác giả Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.