Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lão Hóa - Chuyện Nhỏ - BS. Nguyễn Ý Đức

Người cao tuổi hay người cao niên, người già là những vị từ 60 tuổi trở lên. Theo Hội Người Cao Tuổi Việt Nam, hiện nay nước ta có trên 8 triệu người cao tuổi, chiếm 9,8% dân số. Các cơ quan y tế thế giới cho biết, nếu một dân tộc có trên 10% dân số là người cao tuổi thì quốc gia đó được coi như nước già hóa dân số.

Ngoài công sinh thành dưỡng dục con cháu, tổ chức một gia đình hòa hợp theo truyền thống đạo nghĩa, người cao tuổi nước ta còn là nguồn nội lực quý giá cho việc đổi mới, ổn định và phát triển đất nước. Mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhiều vị tuổi cao vẫn hăng say tham gia vào các hoạt động cộng đồng, luôn luôn chứng tỏ là vẫn còn hữu ích cho gia đình, xã hội, mặc dù sức khỏe cũng đã phần nào sút kém.

Vì vậy, sức khỏe người cao tuổi đang là một vấn đề ngày càng được xã hội quan tâm. Bản thân người cao tuổi muốn hiểu biết và phòng tránh những bệnh tật cho mình, con cháu cần hiểu biết để chăm sóc ông bà, cha mẹ. Sự hiểu biết này rất cần thiết và quan trọng vì nó còn có thể giúp chúng ta hợp tác với bác sĩ trong việc chữa trị nếu chẳng may lâm bệnh. Khi tham quan nước Mỹ, chúng tôi nhận thấy trên tường của Đại học Y khoa danh tiếng Stanford tại Palo Alto có một câu khuyến cáo đáng chú ý: “Phòng bệnh là công việc của mọi người, chữa bệnh là công việc mà bệnh nhân và bác sĩ cùng làm”. Bác sĩ Dean Ornish trong tác phẩm Love and Survival đã đưa ra một kết quả nghiên cứu như sau: Hai toán bệnh nhân bị ung thư cùng được điều trị như nhau. Một toán được chữa trị thông thường và toán thứ hai cũng thuốc men điều trị như thế, nhưng lại còn tham dự hội thảo học tập về chứng bệnh của chính mình để cùng hợp tác với bác sĩ. Kết quả là nhóm sau đã có tuổi thọ dài hơn nhóm trước gấp ba lần.

Tại sao như vậy? Câu trả lời rất đơn giản. Thay vì cứ nằm dài ra để làm bệnh nhân thụ động, trăm sự nhờ thầy thuốc và bệnh viện, thì những người chịu khó tìm hiểu về y khoa và dò dẫm canh chừng chính cơ thể của mình sẽ tạo ra sức đề kháng bệnh tật cho cơ thể. Thuốc men là vũ khí từ ngoài đánh vào và ý chí là nội công đánh từ trong đánh ra. Thuốc men là nhờ thầy thuốc, còn ý chí nội công là do bản thân ta. Muốn có ý chí thì cần đến tri thức là sự hiểu biết căn bản.

Nhu cầu trang bị “tri thức” cũng không đòi hỏi gì nhiều lắm. Một ý chí, một nụ cười và một chút kiến thức là chúng ta có thể lên đường.

Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đó, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bộ sách Sổ tay sức khỏe người cao tuổi do Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Ý Đức biên soạn và Nhà xuất bản Y Học ấn hành. Đây chính là một chút kiến thức cần thiết cho hành trang của đời người, dù là đang ở đoạn giữa hay là đoạn cuối. Trong bộ sách này Bác sĩ Nguyễn Ý Đức đã liệt kê ra đủ các loại bệnh và các câu chuyện về sức khỏe của quý vị cao niên có thể gặp phải trong đời sống thường nhật.

Tiến sĩ Nguyễn Ý Đức tốt nghiệp trường Đại học Y dược Sài Gòn năm 1963 và hành nghề tại Việt Nam và Hoa Kỳ trên 40 năm qua. Ông rất quen thuộc với bạn đọc qua các bài viết về sức khỏe dinh dưỡng trên báo chí, mạng internet, đài phát thanh như VOA cũng như đã xuất bản trên dưới 10 cuốn sách về dinh dưỡng, sức khỏe tại Việt Nam.

Xin hân hạnh giới thiệu cuốn Sổ tay sức khỏe người cao tuổi: Lão hóa chuyện nhỏ với quý vị.

Bác sĩ Phạm Thắng

***

1. Ung thư phổi có thường xảy ra không?

Ung thư phổi (UTP) là bệnh rất phổ biến. Hàng năm, tại Hoa Kỳ có khoảng 171,900 trường hợp ung thư phổi mới được khám phá và số tử vong lên tới 157,200.

2. Nguy cơ gây ung thư phổi

Nguy cơ là những yếu tố có thể gây ra bệnh ở một số người.

Hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Trước đây, khi hút thuốc lá còn ít, ung thư phổi rất hiếm. Ngưng hút giảm rủi ro ngay nhưng hậu quả những năm hút trước đây vẫn còn đó.

Thường xuyên hít thở không khí có khói thuốc lá cũng tăng nguy cơ ung thư phổi. Khói do người hút nhả ra không khí hoặc từ điếu thuốc đang cháy dở.

Ngoài ra, còn nguy cơ utp do tiếp xúc với các chất gây ung thư tại nơi làm việc, như chất abestos, hơi phóng xạ radon, arsenic, chromium.

Abestos là những sợi khoáng chất dùng trong kỹ nghệ đóng tầu, cách nhiệt. Công nhân tiếp xúc với abestos có nguy cơ ung thư phổi gấp 4 lần công nhân không tiếp xúc. Tỷ lệ ung thư cao hơn nếu công nhân đó lại hút thuốc lá.

Radon là một loại hơi phóng xạ không mùi, vị, hình dáng có tự nhiên trong lòng đất đá và có thể gây ung thư phổi. Công nhân làm việc trong hầm mỏ đều có rủi ro tiếp cận với radon và bị ung thư.

Người sống trong không khí ô nhiễm cũng có nhiều rủi ro bị ung thư phổi.

3. Xin kể các dấu hiệu của ung thư phổi

– Thường thường ung thư phổi không gây ra dấu hiệu khi mới thành hình. Bệnh được tình cờ khám phá ra khi người bệnh chụp X-quang phổi trong khi có một bệnh khác. Khi có dấu hiệu thì u bướu đã khá lớn.

– Dấu hiệu gồm có: ho, hụt hơi thở, yếu mệt, biếng ăn, xuống cân, đôi khi đau ngực. Bệnh nhân thường hay bị viêm phế quản, sưng phổi, giọng nói khàn khàn, ho ra máu. Khi u bướu đè lên dây thần kinh nằm ở gần phổi, bệnh nhân thấy đau và yếu ở vai, tay.

4. Làm sao xác định ung thư phổi

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu vừa kể, bác sĩ sẽ khám tổng quát cơ thể rồi chụp X-quang phổi, làm CT.

X-quang phổi cho biết có u bướu chứ chưa xác định ung thư. Ðể xác định, cần phải lấy một chút tế bào phổi rồi nhìn qua kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Ðôi khi, tế bào ung thư có thể tìm thấy trong đờm của người bệnh.

Mời các bạn đón đọc Số Tay Sức Khỏe Người Cao Tuổi: Lão Hóa - Chuyện Nhỏ của tác giả BS. Nguyễn Ý Đức.