Sang đến năm 1936 thì toàn thể đảo Đông Dương bước vào một kỷ nguyên mới với thanh bình và ổn định. Từ đầu năm 1935, Pháp đã dẹp được hết mọi sự chống đối của người Việt Nam, và từ đó nền kinh tế lại bắt đầu phục hồi. Thật sự đây chỉ là bề ngoài, còn bên trong sự yên tĩnh giả tạo này, lòng căm thù người Pháp trước những hành động tàn ác mà họ áp dụng để đàn áp các nhóm chống đối trong những năm 1930 và 1931 vẫn còn sôi sục trong lòng dân chúng hơn bao giờ hết. Thế giới bên ngoài không mấy ai để ý đến các biến cố nhỏ nhoi này, nhưng đối với dân chúng người bản xứ thì ai nấy cũng đều biết rằng trong các cuộc nổi loạn vừa qua, người Pháp trong vòng hai năm kể trên đã hành hình, tra tấn dã man và giết chết hàng chục ngàn người Việt Nam. Trong lần dội bom vào đoàn người biểu tình ở Vinh hồi tháng 9 năm 1930, phi cơ của Pháp đã làm thiệt mạng hơn hai trăm người. Pháp đã đem xử tử hơn một ngàn người khác không cần xử án họ, trong khi đó Pháp từ đầu đến cuối chỉ bị thiệt mạng có hai người.
Cũng cùng trong thời gian này người Pháp đã bắt giữ và đày đi biệt xứ độ năm chục ngàn người Việt quốc gia và Cộng Sản. Sự thật này được khui ra ánh sáng khi một số lính Lê Dương của Pháp bị đưa ra tòa án quân sự vì sự tàn ác của họ. Người ta được biết rằng thỉnh thoảng lính Lê Dương đến một làng nào đó bắt đem đi mười người dân rồi đem bắn chết hết chín người, để tra khảo người duy nhứt còn sống này. Đôi khi họ bắt hai người dân làng rồi đem chặt đầu một người, đoạn bắt người còn sống phải ôm lấy chiếc đầu của người chết trong lúc chúng lấy khẩu cung. Nhiều trường hợp cho thấy lính Lê Dương đánh đập người tàn nhẫn trong khám đường không cần phải có một ý do nào hết cả. Họ thẻo tai tù nhân, dùng dao lóc thịt trên mặt nạn nhân rồi để chảy máu cho đến chết. Người ta còn kể rằng lính Pháp đã mổ bụng người Việt rồi tiểu vào đó. Nhưng những sự tàn ác này không phải chỉ có người Pháp thực hiện không mà thôi, Cộng Sản cũng thành lập các tòa án Xô Viết tại các vùng kiểm soát của họ, rập khuôn theo kiểu mà Mao Trạch Đông đã áp dụng tại Hoa Nam. Các thành phần võ trang của Cộng Sản với gậy gộc và dao búa đã áp dụng chiến thuật khủng bố tàn bạo với kẻ thù. Dân chúng ai từ chối không chịu tham dự vào đoàn thể của họ đều bị coi như phản bội lại với lý tưởng của Cộng Sản và bị họ lén lút thủ tiêu và mưu sát. Các quan lại hợp tác với người Pháp cũng như những địa chủ đều bị chúng treo cổ, chặt đầu, hoặc bỏ vào nọ thả trôi sông. Các nạn nhân trước khi bị hành hình thường bị cắt tai, xẻo mũi, nhổ răng, hoặc bị đốt hết râu, tóc.
Nguyễn Ái Quốc, người cầm đầu phe Cộng Sản bị người Pháp xử tử khiếm diện vì tội cầm đầu tổ chức kháng chiến, và mặc dù đương sự có bị bắt cầm tù một thời gian ngắn ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc vẫn tránh né được các tay mật thám của Pháp một cách dễ dàng và khi thấy phong trào cách mạng của ông ta bị bao vây quá chặt chẽ, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa tuyệt tích, bằng cách trốn qua ẩn náo tại Liên Xô, trong khi đó vào năm 1932, báo chí Cộng Sản lại tung tin là ông ta đã từ trần. Hầu hết các thành viên nòng cốt của phong trào Cộng Sản do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đều bị bắt và các xà lim của pháp đầy nghẹt những người Cộng Sản. Côn Sơn, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Nam Việt đã trở nên là nơi huấn luyện cho một thế hệ Cộng sản Việt Nam mới tại nơi đó.
Lẽ ra thì đám tù nhân bị lưu đày tại Côn Sơn này phải bị lưu dày tại đây lâu hơn, nhưng tại Âu Châu lúc bấy giờ Hitler đã lên nắm quyền tại Đức; điều này khiến cho đảng Cộng Sản Pháp vội vàng nhập vào các thành phần xã hội trung lập tại Pháp để cùng lo việc chống lại Phát Xít tại Paris. Tân Chính Phủ Mặt Trận Nhân Dân Pháp hợp thức hóa đảng Cộng sản Đông Dương, và trong những tháng đầu của năm 1936, họ tuyên bố ân xá cho tất cả tù nhân tại Côn Sơn. Khi những tù binh Cộng Sản này được thả về Sài Gòn, Hà Nội và Huế thì sở mật thám của Pháp tại những nơi kể trên cũng âm thầm theo dõi các dấu hiệu mới trong âm mưu chống đối lại người Pháp tại quốc gia này.
***
Bộ sách SàiGòn gồm có:
***
Anthony Grey là một nhà báo và tác giả người Anh. Là một nhà báo của Reuters, ông đã bị chính quyền Trung Quốc cầm tù 27 tháng tại Trung Quốc từ năm 1967 đến 1969. Ông đã viết một loạt tiểu thuyết lịch sử và sách phi hư cấu, trong đó có một số cuốn liên quan đến việc ông bị giam giữ.
Mời các bạn đón đọc Một Chốn Để Thương của tác giả Anthony Grey.